April 26, 2024, 8:26 pm

Trường ca hiện đại cần những gì?

 

Khác với trào lưu trường ca hiện đại đang thịnh hành, trường ca MẸ của Trần Thế Tuyển vẫn phát huy thế mạnh của tính hiện đại, dạt dào cảm xúc… nhưng trường ca của ông lại có cốt truyện, được xây dựng trên vật liệu của các sự kiện có chọn lọc, mô tả sinh động một thời hào hùng của dân tộc, bởi vậy nó còn mang hồn của sử thi truyền thống. Cốt truyện trong trường ca vô cùng quan trọng, nó như bản kiến trúc hoàn chỉnh, chi tiết để người thợ xây dựng nên tòa nhà.

Trường ca theo trào lưu thời thượng hiếm có cốt truyện, tác giả chỉ đưa ra sự kiện rồi phổ vào đó những cảm xúc, những suy tư về thời thế, thậm chí chẳng có triết lý gì. Bởi thế rất nhiều trường ca xuất hiện ồn ào một dạo rồi rơi vào quên lãng. Trường ca của Trần Thế Tuyển viết về mẹ, về số phận của một người mẹ chịu nhiều gian khổ từ thơ bé đến tuổi già. Mẹ tần tảo nuôi con, giúp bộ đội đánh giặc, lại tiễn con vào chiến trường bảo vệ đất nước. Qua người mẹ cụ thể ấy hiện lên bao bà mẹ của quê hương đất nước. Thấy cả hậu phương bao hùng vĩ. Mẹ không bi lụy, dù con mẹ đã ngã xuống nơi trận tiền. Khi gặp bà mẹ miền Nam cũng có con hy sinh nơi biên giới phía Bắc, mẹ càng hiểu về tầm vóc dân tộc ta. Trái tim mẹ trở nên vĩ đại hơn. Mẹ trong trường ca Trần Thế Tuyển đã trở thành biểu tượng của lòng hy sinh vì đất nước.

Nếu cốt truyện như khung sườn của ngôi nhà thì những câu thơ hay được ví như vật liệu cất lên ngôi nhà ấy. Một trường ca hay phải kết dính bởi nhiều câu thơ hay, nó xây đắp nên mỹ cảm vạm vỡ trong tâm trí người thưởng thức. Truyện Kiều của Nguyễn Du kì vĩ ở đâu? Phải chăng đó là bởi trùng điệp những câu thơ hay:

“Long lanh đáy nước in trời

Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng…”

Trường ca thường có dung lượng lớn, bởi vậy các tác giả dễ nhiều lời, mà thơ hay yêu cầu phải kiệm lời, phải đa nghĩa, sử dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật như ẩn dụ, so sánh, “vẽ mây nẩy trăng”... bởi thế, lẩy ra những câu thơ hay trong trường ca càng khó. May thay trong trường ca MẸ của Trần Thế Tuyển  có nhiều câu thơ hay. Anh Yên hay hát dân ca cho dân làng nghe; chắc là mẹ cũng rất cảm tình và thương nhớ anh: Câu thơ da diết trong làn điệu quan họ:

“Câu dân ca bay theo ngọn gió

Người ở đừng về, người ơi có nhớ...”

Những người con đã ngã xuống quê mẹ, nơi miền chân sóng:

“Để dòng sông quê mãi mãi ngân nga

Những con sóng như nỗi lòng nhức nhối”…

Và những câu thơ hay khác:

“Tiếng còi tàu thổn thức mỗi đêm

Bao câu hỏi như con thuyền rời bến

Chở mẹ đi trong hạnh phúc, khổ đau”…

“Người thiên hạ uống nước sông nào đây

Mà vồng ngực như trái chín”…

“Các anh không về

Hoa gạo như máu người nhuộm đất”…

“Mảnh vườn và ánh trăng như trời và đất

Như con trai, con gái làng ta”…

Đôi khi cũng cần có những câu thơ nghe trái ngược, như “phi lý hình thức trong hợp lý nội dung”:

“Tiếng khóc trẻ thơ như báo hiệu xuân về…”

Trường ca cần lắm nhưng câu thơ có tính khái quát, khái quát từng đoạn, từng chương, thậm chí khái quát cả trường ca để đúc kết nên một vấn đề, một triết lý thời đại. Những kiểu khái quát sâu sắc như:

“Đất nước là nơi ta hò hẹn

Đất nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm…”

(Đất nước - Nguyễn Khoa Điềm).

“Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành văn...”

(Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng? - Chế Lan Viên)

Trong trường ca MẸ của Trần Thế Tuyển cũng có những câu thơ khái quát hay như:

“Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc

Hồn bay lên hóa linh khí quốc gia”…

“Bao người vợ đêm đêm trông ngóng

Nỗi đợi chờ thành cổ tích, dân ca”...

Trường ca MẸ của Trần Thế Tuyển lôi cuốn người đọc bởi cảm xúc dạt dào của tác giả trước người mẹ hy sinh trọn đời cho quê hương đất nước. Cảm tưởng như tác giả xuất thần bật lên những câu thơ hay, làm trường ca lung linh, mang hơi thở của cuộc sống, của thời đại. Những khái quát phần cuối của Trường ca MẸ khá sâu sắc, rất ấn tượng, nâng tầm cho toàn bộ tác phẩm vượt lên.

Nguồn Văn nghệ số 32/2022


Có thể bạn quan tâm