April 26, 2024, 2:57 pm

Trong tĩnh lặng đào chuông

 

Theo các nhà nghiên cứu thực vật, so với hoa đào Bắc, hoa đào chuông ở Yên Tử, Mẫu Sơn thì hoa đào chuông ở rừng nguyên sinh Bà Nà phát triển tốt nhất, cho hoa đẹp nhất. Nó ở độ cao 1.400 mét trở lên so với mực nước biển. Thân giống cây đào ngoài Bắc, nhưng hoa thì như những cái chuông úp mầu hồng lơ lửng trên không với khí hậu lành lạnh, với sương sa, hòa với rừng cổ thụ nguyên sinh với muông chim muôn thú.

Đến với Bà Nà, người xô bồ, ồn ào không thấy vẻ đẹp tinh khiết, thanh cao và đặc sắc của nó đâu. Phải có con mắt tinh đời, biết thương yêu, hòa đồng và trân quý mới nhìn thấy nó, cảm thụ nó. Thậm chí phải tĩnh lặng, tịnh thiền mới thấy nó là báu vật mà thiên nhiên Bà Nà, mà đất trời trao tặng cho chúng ta.

Lên Bà Nà leo dốc chùa Linh Ứng, qua khu biệt thự cổ của người Pháp xưa, lên Trú Vũ trà quán, làng Pháp, đền Lĩnh Chúa Linh Từ… sẽ thấy hoa đào chuông hồng tươi lung linh trước gió một cách nhẹ nhàng, sâu lắng. Đặc biệt ở khu biệt thự cổ, một cây đào chuông nằm cạnh một ngôi nhà cổ rêu phong, phế tích rất nên thơ và giấu mình. Đào chuông Bà Nà không rực rỡ như đào Quảng Bá, Hà Nội, không nhạt phai như đào Đà Lạt, mà đẹp một cách dung dị, nép mình trong nguyên sinh, giá lạnh. Ai yêu, cứ gọi tên thì nó như muốn cười, rung rinh trước gió, trước rét lạnh, sương sa, cây cỏ.

Tôi nhớ lần đầu tiên nhìn thấy hồng nhan đào chuông Bà Nà thời chùa Linh Ứng vừa xây dựng xong phần chánh điện. Thầy Thiện Nguyện ghép hai chậu đào chuông thành một nên hoa lá nó sum suê vô kể. Các nghệ sĩ nhiếp ảnh chỉ ao ước chụp được vài bông đào chuông cho đẹp đã thấy hoan hỉ hạnh phúc rồi. Đằng này một liên chùm đào chuông nở trong đêm thật quyến rũ, tinh khiết và trời cho...

Không biết có phải do nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng giới thiệu cuốn sách hay của mình, mang tên Đào chuông xuống phố, hay không mà Ủy ban nhân dân thành phố, ngành văn hóa, du lịch Đà Nẵng năm 2014 đã lấy đào chuông làm thương hiệu trên các pa nô, làm thành các chùm đèn đào chuông rực rỡ trong dịp tết đến xuân về và các lễ trọng của thành phố. Được một nhà nghiên cứu về đào chuông Bà Nà tặng cho một nhành hoa đào chuông (vườn thí nghiệm), tôi đem chưng Tết rất sang trọng độc đáo, riêng có. Nhiều người, nhất là các bạn bè quê ngoài Bắc cũng trầm trồ: Ôi vừa là đào vừa là chuông. Thân giống cây đào phía Bắc nhưng hoa thì hồng đào như cái chuông chùa úp xuống để sương lạnh quyện, gió xuân Bà Nà mơn man. Hoa đào chuông Bà Nà chưng được 3 ngày Tết ở phố nhưng cây đào chuông không thể trồng được ở dưới xuôi vì các điều kiện, trong đó có phong thổ.

Bây giờ Bà Nà Hill quyến rũ, hấp dẫn hơn rất nhiều so với thời trước, vì nó có cáp treo đạt đẳng cấp quốc tế, có những tòa nhà của các nước châu Âu, có hình tượng bàn tay vàng được bình chọn đẹp ấn tượng nhất thế giới, có nhiều tiện nghi khác mà không phải các khu du lịch trên cao nào có được. Đào chuông lặng lẽ khiêm cung ẩn mình như một công chúa có hạnh tu sĩ, biết giữ gìn vẻ đẹp trong ngọc trắng ngà của cung vua, ít phô diễn ra với thiên hạ. Đây là vẻ đẹp giấu mình, tàng ẩn trong rừng. Tôi mê mải với cây đào chuông khép nép e ấp trên con dốc từ chùa Linh Ứng lên tượng ông Phật. Chụp tấm ảnh đào chuông dưới góc chùa có lá cờ Phật giáo phất phới trong nắng xuân thấy lòng an nhiên thư thái lạ. Bên một ngôi nhà cổ của biệt thự xưa Bà Nà do người Pháp xây dựng hoang hóa, tôi thấy sự tàn phai của thời gian của kiếp người. Bên cạnh cái hoang tàn đổ nát vượt lên một chùm đào chuông hồng hào hồng đào như thách thức với thời gian, như nói mùa xuân đã trẻ hóa con người, trẻ hóa cảnh vật và trẻ hóa khu biệt thự cổ, cho biệt thự cổ có một sức sống, một linh hồn.

Nhiều đoàn người đi qua, lơ đãng, nhưng tôi thấy ông Rây Mông, người Pháp cao niên đứng bên cây trầm trồ: Ô, đào chuông một mùa xuân nước Pháp ở Bà Nà Đà Nẵng, Việt nam. Còn vị khách Yama Kin, Nhật Bản: Ối chà, quê tôi ở xứ hoa anh đào nhưng chưa thấy cây đào nào có hoa như cái chuông treo lơ lửng trên không trung như ở Bà Nà các bạn. Còn bạn tôi, họa sĩ, thi sĩ, ca sĩ Vi Quốc Hiệp ở Đà Lạt thiết tha hát lên: “Ôi mầu hoa đào …” Thế nhưng không như lời bài hát: “Ai lên xứ hoa đào… khi về mang một nhành hoa”. Có thể ở Đà Lạt bạn mang một nhành hoa đào về được, nhưng với Bà Nà tuyệt nhiên không được, vì đây bị cấm để bảo tồn giống hoa này.

Tôi về phố biển, bên chân Sơn Trà nguyên sinh ngắm nữ hoàng linh trưởng voọc chà vá chân nâu, mang theo nhiều cây đào chuông, nhiều hoa đào chuông trong máy ảnh ra khoe với bạn bè, với lời chúc thơ đầu năm: Hoa đào đong đưa ngàn chuông/ Hồng trong sắc lá như rung nắng cười/ Như hai môi hôn thắm tươi/ Đào nguyên trần thế, ai người đắm say.


Có thể bạn quan tâm