April 26, 2024, 5:07 pm

Trong phòng hồi sinh

 

“Cảm ơn anh đã tới thăm. Bác nằm nhà thương chẳng có ai tâm sự, nhiều khi buồn lắm...

 “Chuyện gì bác cũng nói với anh được. Giao tình bác cháu mình thật đặc biệt. Anh khác bác, nhưng vẫn quý bác. Lạ nữa là anh lấy cái Trang, lẽ ra phải gọi bác bằng Ba... Bác nghĩ hai bác cháu mình không “ba ba con con” với nhau, không phải tại quen xưng hô bác cháu, mà hai chữ “ba con” nó sẽ làm hỏng cái giao tình bác cháu mình đi.

“Bác cháu thì chuyện gì cũng nói được với nhau, kể cả chuyện đàn ông với đàn ông. Bố con dễ gì cởi mở. Cái Trang chẳng hạn. Bao giờ nó cũng cư xử như thể là ngoài bổn phận làm cha, bác không có một đời sống nào khác... Lúc nào cũng oán với trách ngầm. Một năm nó nói với bác chưa đầy ngàn chữ...

 “Bác không sợ chết đâu, thọ như bác kể cũng đã hiếm. Anh biết đấy, bác đã tính không mổ. Nhưng mà các anh nhất định khuyên bác mổ. Bạn bác ở hội người già cũng vậy... Họ bảo già mà tim mạch trẻ như người 50, cái bướu ung thư cắt đi có thể khỏi luôn. Mà mổ xong, vẫn còn đủ phổi để sống một đời thong dong. Tất nhiên sẽ phải bỏ đánh tennis, nhưng chuyện chính vẫn còn kham được...  

“Anh cười bác hả. Anh cười chữ chính phải không. Anh cũng như con Trang, lúc nào cũng ngầm trách bác chơi bời. Nhưng trời cho bác khí huyết hơn người, không muốn chơi cũng phải chơi...

 

*

“Nhưng anh muốn nói chuyện khác hả?

“Ừ thì nói. Chuyện văn học nhé. À, bác có đọc kỹ bài anh viết về Huế. Bác phê bình thẳng tay nhé? Anh viết như từ ngoài viết vào, như không phải dân Huế mà viết về Huế. Ai đời viết về sông Hương mà không viết đến vụ ngủ đò... Anh không dám viết về cái thú ngủ đò...

“Chuyện ngủ đò sông Hương nó như con cá riếc dưới ao đánh lên còn dẫy đành đạch, miệng còn ngáp ngáp, vẩy còn sáng như bạc, vây còn cụp còn xòe linh động như cánh én... Thay vì cứ đưa tươi cho bác ăn gỏi, anh sửa soạn thành một con cá chết nhồi trấu, mắt lờ đờ, mình cứng ngắc, thậm chí cũng không còn mùi cá nữa, một con cá để bỏ lồng kính bầy xa-lông...

“Anh bảo anh thiếu chất liệu hả? Chưa xuống đò bao giờ hả? Té ra hồi ấy anh còn trinh…

“Trở lại chuyện văn học.

“Anh thiếu chất liệu thì bác cho anh chất liệu. Anh không biết thì bác kể cho anh nghe. Bác sẽ kể cho anh lần đầu tiên bác xuống đò. Lần đầu tiên thôi nhé...

“Anh phải tưởng tượng là Huế ngày xưa, hồi anh chưa đẻ, Huế của thời bác, Huế của Les Amis du Vieux Huế. Hồi ấy bác đang học tú tài triết ở Khải Định, mới đính hôn. Bác gái là tiểu thư con quan, hoa khôi kinh đô, kín cổng cao tường, phép nhà nghiêm lắm. Nhưng xong lễ đính hôn rồi, sự kiểm soát bên ông bà ngoại con Trang cũng nới một chút. Chỉ có đi xi-nê thì bao giờ cũng có người kèm, còn đến chơi thì tương đối thải mái.

“Khi nhà có khách, lấy cớ nhường phòng khách cho người lớn, bà ngoại con Trang cho phép con gái tiếp chồng chưa cưới trong phòng riêng trên gác. Tất nhiên là cửa để hé mở, nhưng cũng khá tự do, vì cái cầu thang có mấy bậc gỗ cọt kẹt, và cả nhà không ai đường đột vào phòng ai...

“Nhưng tự do thì cũng có giới hạn... Những lần thăm nhau như vậy, bác ra về thật là trăm đường cơ cực. Chẳng thà không tự do hẳn, nhưng cái tự do nửa vời chỉ làm cho người ta khốn khổ. Chuyện đời giá bắt nhịn đói hẳn còn tử tế hơn là cho chấm mút, vừa biết mùi lại bắt người ta chết thèm...

*

“Rồi một hôm thăm vị hôn thê về, no không ra no đói không ra đói, bác quyết định đi ngủ đò. Anh phải biết cảnh bác bấy giờ, quyết định ấy không dễ dàng gì...

“Nhờ mấy thằng bạn khôn sớm, bác đã biết những con đò sông Hương là những phòng ngủ nổi, mỗi phòng nằm sẵn một người đàn bà trên giường để bán những cái đàn ông muốn mua.

“Nghe chuyện chúng nó, bác tưởng tượng khoang đò là một khoảng không gian huyền bí chứa sẵn tất cả mê ly của trái cấm tổ tông...  Bác nằm mơ thấy nội cảnh ấy nhiều lần, nào chăn êm nệm ấm, âm nhạc êm dịu, nào một người đàn bà đẹp như ma liêu trai mà khi tỉnh dậy bác không nhớ được dung nhan, chỉ nhớ thân mình tay chân thon dài như cành dương liễu vỏ trắng ngồn ngộn... và nhớ cái cảm giác khó tả khi xấu hổ lẫn lộn với cái kiêu hãnh của nam tính.

“Thỉnh thoảng bác nằm mơ thấy bác gái trong đò, và cùng với bác gái, bác đi nốt con đường hoan lạc ban ngày đã bỏ dở dang... Những lần như vậy, thức giấc, bác thấy mình có lỗi với vị hôn thê. Và để đền bù cho bác gái, bác cố gắng để dành cái trinh tiết đàn ông của bác cho vợ... Nhưng tối hôm ấy, ở nhà ông ngoại con Trang ra, bác nhất định xuống đò.

“Có lẽ tại đêm đó là đêm rằm. Anh làm khoa học, có thể anh biết tại sao. Nghiệm lắm anh ạ, là cứ mỗi khi trăng tròn là bác mất ngủ, ngay cả bây giờ tuổi này thỉnh thoảng cũng vậy. Dù có nằm trong nhà, khuất trăng, bác vẫn nghe như có cái gì nó gọi mình ngoài trời... Tựa hồ như Bác bắt được những băng tần yêu ma của trăng để trăn trở thao thức với những đam mê u uẩn không hình tướng từ đời kiếp nào... Nhưng mà nói cho văn chương thế thôi, anh nghe như siêu hình huyền bí nhưng Bác phải thú thật cái u uẩn lớn nhất là thèm dâm mà không được dâm.

“Còn về chuyện say trăng, có lần Bác nghĩ nó là như thế này: người ta nguyên thủy là cá nên khi trăng tròn, máu huyết trong tim mạch bỗng nhớ gốc nguồn xa xưa là nước biển, và bắt chước nước biển, nổi cái dâm lên ào ạt như thủy triều... Phải khoe với anh là bác nhậy cảm với trăng hơn mấy thằng đàn ông gà chết...

“Nhưng mà để nói nốt chuyện ngủ đò...

“Ngang bến đò Thừa Phủ, khóm liễu cuối vườn hoa như bắt mắt bác. Như đã nói với anh, mỗi lần thấy thân cây liễu thon dài vỏ trắng ngồn ngộn dưới trăng là bác nghĩ đến đàn bà cởi truồng... Nhưng lần này bác không nghĩ đến đàn bà chung chung, mà nghĩ đến bác gái, không hẳn hoàn toàn khỏa thân, mà khỏa bán thân, trong cái giới hạn vị hôn phu với vị hôn thê thời ấy ngấm ngầm được phép...

“Bác tới thẳng mấy con đò đậu dưới lùm xi cổ thụ, hú họa gọi cửa con đò đậu ngoài nhất. Bác gọi đến lần thứ hai thì bên trong lục đục tiếng động, và tiếng người đàn bà còn ngái ngủ mời bác lên đò...

 

*

“Phải thú nhận là mới bước vào khoang, bác đã vỡ mộng. Bác chỉ thấy nghèo túng và bệ rạc. Cái hoa tội lỗi không như bác chờ đợi, và nội cảnh con đò lôi thôi lam lũ như khúc ruột già nhơ nhớp của kinh thành. Từ mùi ẩm hôi của chăn chiếu đến quần áo nhầu nhĩnh dơ bẩn của người đàn bà, tất cả làm bác dội. Bác muốn trở lên bờ, hối hận đã lỡ thuê đêm thay vì thuê giờ. Nhưng người đàn bà đã chèo đò ra giữa sông.

“Thị chèo ngược lên phía cầu Bạch Hổ, được một khoảng khá xa thì neo thuyền lại rồi chui vào khoang với bác. Như cố gắng tạo không khí, thị hát cho bác nghe bài ‘Nước Non Ngàn Dậm’. Thị không có giọng, tiếng ca vất vả khốn khổ tìm nương tựa nơi một tiếng tì bà hay một nhịp phách mà không thấy. Cái bệ rạc mỉa mai nội dung cao sang của bài hát, và thật là khôi hài và phạm thượng khi thị ví mình với công chúa Trần Huyền Trân, hoàng hậu Chiêm quốc...

“Bác ngồi yên nghe hát, không thấy hay nhưng thấy thị sòng phẳng tội nghiệp như muốn giao cho bác món hàng đã trả tiền... Bác níu lấy giọng hò trật nhịp của thị như một chút gì tầm thường, do đó bình thường, để hiền lương hóa đôi chút cái khung cảnh ô uế.

“Cái gớm bớt dần, căng thẳng dịu đi và bắt đầu nhường chỗ cho sự thương hại. Khi bác thú nhận với thị là lần đầu xuống đò, thị hoàn toàn sung sướng, tựa hồ cái bất động của bác chỉ tại nhút nhát mà ra. Tự tin hơn, thị hăng hái giúp bác như cô giáo vỡ lòng học trò. Nhờ cô rành nghề lại ân cần tận tâm, món hàng sau cùng được tiêu thụ.

“Lát sau bác nằm nhìn ra sông, thư giãn bên người kỹ nữ vừa hoàn tất dịch vụ. Trăng đã lên cao nhưng lờ mờ như một quả cầu đỏ trong sương. Bốn bề im vắng, và bác ngạc nhiên nghe thoải mái thấm nhuần cơ thể. Bác nghĩ chuyện đàn ông đàn bà, nếu gặp hoàn cảnh lãng mạn, hay đoan trang, hay ý hợp tâm đầu, chắc phải đã lắm, chắc tuyệt vời... Nhưng mà trần trụi ra, không lãng mạn, không yêu thương, không tâm đắc như bác với cô gái ăn sương, thì thật ra cũng không đau đớn hay khổ sở gì... Không ít thì nhiều, có thể gọi là sướng...

“Người đàn bà chống khuỷu tay, nghiêng đầu nhìn bác. Thị bỗng bảo, “Anh nghĩ gì? Con trai mới mất trinh trông thật dễ thương. Coi anh thẫn thờ, yêu lắm... “

 Rồi bất thần, cô ngả người ôm cổ bác, hôn bác lên miệng. Hơi thở hôi hám phả xuống mặt bác, và dưới ánh sáng của ngọn đèn dầu tây đã vặn nhỏ trong góc khoang, bác thấy hàm răng trông như ố vàng cáu bựa của cô. Bây giờ thì bác thấy nhầy nhụa.

“Cái gớm lúc nãy đã dằn xuống, nay lại trổi dậy. Bác bỗng cảm thấy bị bao phủ bởi mùi mồ hôi người, mùi xú uế, bài tiết bởi tất cả những khách chơi đã sử dụng con đò, đã sử dụng chăn chiếu, đã sử dụng thân xác người đàn bà từ trước đến giờ. Cái gối vải ẩm và rìn rịn dưới má bốc lên mùi tanh của nước rãi khô tích lũy từ đời nào. Ruột gan bác nôn nao như trúng độc. Cái hôn của thị, cái lưỡi trơn tuồn tuột như con cá khoai luộc chưa chín làm nước chua từ thực quản bác ứa ra đầy miệng. Bác nhỏm dậy chạy ra mạn thuyền mửa thốc mửa tháo.

“Bụng bác gò lại như muốn vặn hết phủ tạng ra ngoài, và bác nghe trong đêm lạnh tiếng bác mửa lõm bõm xuống nước, âm thanh thô tục như bản năng hèn mọn của con người. Bác nghe mạch máu đập nơi hai màng tang thật mạnh nhưng thật chậm, càng ngày càng chậm hơn như sắp ngừng. Tay chân rã rời, bác nằm vật xuống. Giá buốt xâm chiếm lấy bác, cái lạnh từ ruột gan tựa nước đá vụn theo tim mạch luân lưu đi khắp thân thể.

“Bác như thoát xác thấy chính mình nằm bất động trên ván thuyền, thấy sương đã phủ gần hết mặt sông, thấy đám ghe đánh cá bên kia bờ chỉ còn le lói dăm ba ánh đèn... Bác nghĩ bác sắp chết, và ngạc nhiên thấy cái chết hóa ra cũng êm ả và không có gì đáng sợ.

“Một con vạc trong sương cất tiếng kêu thất thanh... Bác như thức tỉnh ghi nhận mình đang chết một cái chết âm thầm nhục nhã. Bác vùng lên, tuổi xanh của bác phản kháng một cách mãnh liệt và tuyệt vọng chống lại cái lạnh cái chết đang xâm chiếm cả xác lẫn hồn bác...

“Bỗng ai đâm kim vào đầu xương cụt nơi bàn tọa bác, cái đau sắc và nhói. Rồi hai bàn tay đàn bà bắt đầu xoa bóp ngực bác... Bác nghe mùi khuynh diệp, và hai bàn tay lại xoa bóp lưng bác, bụng bác, tay chân bác. Được xoa bóp đến đâu bác thấy ấm đến đấy, và bác khoan khoái tựa hồ sự sống đang theo cái ấm trở lại. Nửa tỉnh nửa mê, bác tưởng tượng khuôn mặt đài các của bác gái đang lo lắng nhìn bác, và bác nhắm mắt lại biết mình đã trở về dương thế. Cơn nhức đầu như chẻ đôi hộp sọ, nhưng bác sung sướng đón nhận nó, yên tâm cái đau tốt lành tiếp tục đuổi cái lạnh cái chết đi...

“Rồi bác tỉnh thật. Bác nghe lạo xạo dưới lưng đất cát trên chiếc chiếu cũ mà bác đoán chân đất chân giầy đủ kiểu của khách chơi trước bác đã tha vào. Bác biết bác đang nằm trong khoang thuyền, và chắc người đàn bà đã kéo bác vào trong.

“Bác lại thấy mùi hôi hám của chăn chiếu. Mùi tanh tanh từ chiếc gối lại đưa lên mũi bác, nhưng thay vì ghê tởm, bác hít mạnh một hơi dài, hành động cấp bách thôi thúc như bản năng. Ngọt ngào tràn ngập hai buồng phổi. Mùi hôi hám không còn hôi hám nữa, mà trở thành biểu hiện của sự sống, và bác đón nhận nó với cái vui mừng của người từ cõi chết trở về.

“Bác mở mắt để thấy cô gái làng chơi đang đánh gió cho bác bằng đồng xu bảo hộ. Anh có biết đồng xu ấy không nhỉ, nó cỡ đồng đô la Mỹ bây giờ, nhưng đúc bằng đồng đỏ. Chắc cô đã vất vả lắm khi đánh gió, trán cô nhễ nhại mồ hôi và chiếc áo cánh ướt sũng dán vào bộ ngực lép. Bác với tay cởi khuy áo cổ cô gái. Bác ngắm hai chiếc vú hơi héo như hai chiếc gương sen cuối Hạ, và bác thấy đẹp. Để mặc bác mân mê ngực cô, cô mừng rỡ nói, “Em trai tỉnh lại rồi.”

“Bác hỏi cô về cái sẹo bên vú phải khoảng chín giờ, tròn như ông sao tám cạnh... Vẫn tiếp tục đánh gió, cô bảo, “Thằng Lê Dương nó lấy thuốc lá đốt chị...” Giọng cô bình thản như kể lại một vết đứt tay đã lâu vì làm bếp, và tâm trí cô như chuyên chú vào sức khỏe của bác.

“Dưới ánh đèn dầu tây đã vặn cao bấc cho thêm sáng, cô điếm có cái gì khang khác, không hẳn chỉ vì cách xưng hô đã đảo lộn, trước em nay chị... Cô cười, răng cô bây giờ khô và môi cô se lại như môi cô thợ gặt một trưa nắng tháng Bẩy... Môi ấy răng ấy không còn ghê tởm như lúc trước, mà làm bác nghĩ đến cơn khát dễ chịu một trưa hè đi coi lúa cho ông nội trên mấy cánh ruộng chín sớm.

“Rồi cô bỗng hoàn toàn thay đổi. Không phải là ánh đèn dầu tây nữa, mà một nguồn sáng từ nội tâm soi sáng khuôn mặt cô, phát hiện ra cái đẹp bấy lâu cất giấu bỗng hiển hiện nơi cái tóc, cái tai, cái mắt, cái mũi, cái nếp da hai bên má...

“Cô nói, “Em trai phải nghe chị, từ giờ đừng có đi chơi đĩ nữa.” Chữ đĩ làm bác khó chịu, nhưng mệt mỏi, bác không cãi, chỉ nhắm mắt ngủ lại. Khi cô kéo chăn lên cằm bác, bác nghe lại cái mùi người ta tích lũy từ vải chăn, lẫn với cái ấm của dầu nóng ở lưng, ở ngực, ở bụng dưới, để thành một cái gì rất dễ chịu, có thể gọi là hạnh phúc...

“Tảng sáng, bác mở mắt thấy cô vẫn ngồi canh bác. Thấy bác đã thức hẳn cô ra bếp cồn cuối ghe hâm lại bình thủy cháo gà chắc mua sẵn từ đầu tối. Bác nghĩ có lẽ cái lệ của cô là đãi khách bát cháo gà... Bác ăn hết một bát, cô đổ nốt bát còn lại ra cho bác. “Em ăn cho mau lại sức, chị không đói”, cô bảo bác. Bác ăn xong mồ hôi vã ra, cô lấy khăn lau bác khô rồi lại lấy dầu ra đánh...

*

“Bác thức dậy thì thuyền đã cặp bến, và cô điếm đã bỏ đi không biết tự bao giờ. Bác mặc quần áo rồi chui ra khỏi đò, thấy mình ở bến Đông Ba chớ không phải ở bến Thừa Phủ. Bác tiếc là không được tạ từ cô. Đi dọc bờ sông về phía chợ, bác thấy thành phố buổi sáng tươi mát, và đời sống rất đẹp. Bác thấy lòng thanh thản trong sáng hơn là lúc trước khi xuống đò. Và kỳ khôi hơn nữa, bác thấy trong sáng thanh thản hơn hẳn lúc vừa ở nhà vị hôn thê ra.

“Bác nghĩ vừa học được bao nhiêu chuyện mới, từ cái sảng khoái thú vật mà êm ả sau khi làm tình, cái lạnh thê lương se thắt gan ruột của kẻ đang chết, cái ngọt ngào bất ngờ của mùi mồ hôi người được ngửi khi từ cõi âm trở về. Bác không ngờ cái mặt người ta dù là mặt đĩ có thể thanh thoát cao sang như mặt thiên thần...

“Tức cười là bác lại thấy cô đĩ giống bà đầm giáo sư Pháp văn của bác. Không phải giống về dung nhan hình hài, vì bà đầm không những rất sang mà còn rất trẻ, rất đẹp. Nhưng giống là vì bà hay dậy bác về cái đẹp của đời sống qua những bài giảng văn...

“Chỉ có điều là bà bị trói buộc trong lý thuyết và văn phạm ngữ vựng. Có lẽ ngôn ngữ bà khuôn thước quá, khoa bảng quá, nên khi bà nói với học trò về đời sống, thì chính đời sống thật đã héo hon mà chết đi trong bài giảng của bà...    

“Không, bà không thể dậy cho bác rằng khi người ta từ cái lạnh lẽo của cõi chết trở về, thì sự sống trong dạng thức lam lũ nhất cũng đẹp như mơ như mộng, và mồ hôi người ủ trong chiếc chăn cũ của cô điếm có thể ngọt như nước cam lồ...

“Anh bảo bác văn chương hả? Tất nhiên rồi, bác không phải bao giờ cũng thô bạo, và bác có thể có những cảm nghĩ tốt lành về đàn bà. Bác có thể tán dương đàn bà bằng những lời văn vẻ trong sáng như tiểu thuyết cải lương của anh...

“Không phải vậy sao?

“À, té ra anh trách bác... Anh nói vòng vo, nhưng bác vẫn hiểu anh cho là bác chà đạp lên nhân phẩm đàn bà...

“Không phải vậy sao? Hóa ra anh cho là bác sai, là coi điếm như bà, và coi đàn bà tử tế như điếm... Nhưng đàn bà tử tế nào? Anh muốn nói bác gái hay bà giáo Pháp văn... Nhưng mà dù sao đó cũng là những cảm nghĩ thật của bác lúc ấy...

“Ngang qua chợ Đông Ba, mùi đồ ăn từ tiệm cà-phê Phấn tỏa ra làm bác thấy đói. Hai chén cháo gà cô điếm đãi lúc gần sáng vì lao lực đã tiêu hóa tự bao giờ. Bác bước vào tiệm, gọi ly cà phê sữa và ổ mì thịt, nhưng khi móc túi thì chiếc ví đã mất. Bác vội vã trở lại bến, chiếc thuyền không còn đó nữa. Nhớ lại đêm qua, có lúc lơ mơ tỉnh lại, bác thấy cô lúi húi với đống quần áo bác vứt bừa bãi trong khoang.

“Bác nghĩ đến chữ đĩ cô đã dùng để tự chỉ cô, và bác nghĩ đến chuyện đi trình cẩm. Nhưng bác lại đổi ý. Vẫn còn lãng mạn, bác nghĩ cô là hiện thân của đời sống. Bác tự hứa là sẽ không trình cẩm cô, ai nỡ đem đời sống đi nạp cho cảnh sát...

“Nhưng rồi bác cũng phải đi trình cẩm, vì tất cả giấy tờ tiền bạc của bác trong ví. Một tuần sau, cẩm tới nhà trọ gọi bác lên sở nhận diện thủ phạm.

“Bác không có nhà, họ để lại trát đòi. Bác tính khi đi nhận ví sẽ xin cẩm tha cô và cho cô ít tiền lẻ. Chẳng may hôm sau đảo chính Nhật, và mãi tuần sau bác mới lên sở cẩm được. Chánh cẩm người Pháp đã bị bỏ tù cùng với một số nhân viên thân tín khác. Sở đang tổ chức lại dưới chính thể Trần Trọng Kim, mọi người bận rộn với trật tự mới, quốc ca mới, quốc kỳ mới, không ai nhớ cô điếm tình nghi ăn cắp và số phận không biết ra sao... Có thể cô đã bị giao cho hiến binh Nhật để xung vào nhà thổ quân đội Thiên Hoàng... 

“Anh phải đi làm bây giờ hả... Thôi anh đi đi, chiều có rảnh vào chơi với bác...

*

“Anh Tùng à, trở lại cái vụ mổ của bác, anh nghĩ có nguy hiểm lắm không... Sống chứ anh nhỉ... Anh cứ nói thật, anh biết đấy, bác không sợ chết đâu... Đến hôm suýt chết dưới đò bác cũng không sợ nữa là... Chỉ lạnh thôi, đúng là cái lạnh cõi âm...

“Còn bây giờ sống cũng lạnh nữa... Anh coi, chăn đệm này, Mỹ nó giặt trắng ngần, sạch trong sạch bóng... Ngửi chỉ thấy mùi xà-phòng...

“Anh Tùng à, cho bác ly rượu vang.

"Ở đầu bàn ấy... Bác năn nỉ lắm họ mới cho đấy... Ông bác sĩ phải ra lệnh cho y tá chiều bác, lý do là một chút rượu vang tối nay có lợi chứ không có hại... Anh Tùng có thích rượu vang không nhỉ? Bác thích lắm, hồi bác đi công cán bên Pháp... Trên đời sướng nhất là một chai rượu vang ngon và một mâm phó-mát đủ loại...

“À, anh Tùng, chăn nệm bệnh viện này, bao nhiêu người đã dùng trước bác nhỉ, sống có, chết có, nội thương có, ngoại thương có, mà sản khoa cũng có... Vậy mà không một vết máu của nạn nhân tai nạn giao thông, không một vết nước đầu ối của bà mẹ sắp sanh, không cả một vết nước tiểu của ông già bán thân bất toại... Tất cả thơm tho trắng ngần...

“Bác hiểu anh nói gì... Tất nhiên là phải khử trùng cho vệ sinh, nhưng mà họ khử kỹ quá, khử luôn vết tích gì của bao nhiêu đời sống đã qua đây, đã sử dụng chăn nệm này trước bác...

“Bác có linh tính bác sắp chết.

“Bác không nói gở đâu... Có nhiều điềm lắm...

“Điềm gì ấy à? Thứ nhất, suốt năm nay, bác lần lượt gặp lại hầu hết những người đàn bà đã ăn nằm với bác... Ngót nghét cả trăm... Mỗi người một nghề, mỗi người một cảnh, có điều người nào gặp lại đều làm bác thất vọng... Nói chung không ai khốn khổ, và có nhiều người còn có thể gọi là thành công...          

“Nhưng nhìn lại dung nhan cố nhân, bác thấy chút gì ngày xưa bác quen biết say mê, nơi khóe mắt hay nụ cười hay dáng điệu, đã bị pha loãng bởi những kinh nghiệm sống riêng của họ mà bác không dự phần từ khi chia tay. Pha loãng đến chỗ không còn nhận ra được nữa... Vậy mà nhìn họ lại rất quen, vì khi già đi, họ mất cái đặc thù khi họ hồi trẻ, để rốt cuộc họ giống nhau như chị em ruột...

“Thật ra là không hẳn là bác thất vọng với họ, mà thất vọng với đời sống... Anh không hiểu? Sự việc là, mỗi một người đàn bà cho đến khi gặp lại, tiêu biểu cho một ngả đời khác bác đã có thể sống. Nếu bác đã sống với họ lâu hơn, Bác đã được hưởng những thú vui khác, những khám phá khác... Người đi du lịch, tất nhiên không phải thấy ngã ba đường nào cũng rẽ vào xem, nhưng khi về nhà vẫn thú vị là thế giới còn nhiều cái chưa xem và có thể xem thêm... Thành thử khi biết tất cả những con đường dẫn về thành La Mã thì thất vọng.

“Cái khốn khổ của bác khi gặp lại cố nhân nó là như vậy... Một bà già là một bà già, anh ạ... Cuối đời, về già với bà già nào đi nữa thì cũng vậy thôi... Mấy ai còn tìm lại được nguyên vẹn cái bà già xưa của mình...

*

“Điềm thứ hai ấy à? Bác không quên đâu, nó là như thế này... Bệnh bác nan y nhưng biết sớm nên có thể khỏi dứt được, vậy mà bác không tha thiết, không nghe trong bác cái ý chí chiến đấu mãnh liệt với thần chết như hôm bác bị thượng mã phong trên đò...

“Một phần có lẽ tại cái gì cũng sạch quá... Anh ạ, bất thần người ta đối xử với bác rất sạch...

“Lúc anh chưa vào, bác béo mông cô y tá, cái cô Kelly tóc vàng mắt xanh ấy...

“Anh làm gì mà hốt hoảng như vậy, béo mông cô y tá một tí đã có làm sao, có ai chết đâu. Bác không có béo đau, chỉ béo vừa đủ để tạo vấn đề... Vả lại cái đoạn quan trọng đáng bận tâm, đáng hốt hoảng, bác chưa kể đến mà anh đã hốt hoảng...

“Cái quan trọng là bác đợi cô ấy la lối, hay sỉ vả, hay thậm chí tát tai bác... Vậy mà không, cô ta chỉ nghiêm mặt bảo chuyện bác làm trái nội quy bệnh viện, là không nên... Cô ta xử lý hành động của bác như một sự việc vô hồn của công việc hàng ngày, chỉnh bác một cách vô hồn như điều chỉnh cái máy sang nước biển đang bơm thuốc vào cơ thể bác...

“Người thân cũng không hơn gì... Bác gái vừa ra về, nhưng khi ở đây cũng chỉ tìm cách trấn an bác là cuộc mổ sẽ thành công... Không một tiếng trách tiếng than về những lỗi lầm cũ của bác, chuyện cờ bạc, chuyện mèo mỡ, chuyện lem nhem với con ở, bao nhiêu chuyện có thật hay vì ghen mà tưởng tượng ra, những chuyện chỉ mấy năm trước thôi bà ấy còn cằn nhằn bác...

“Tất nhiên những chuyện gọi là tốt của bác, bác gái đã không nhắc lại từ lâu. Nhưng từ khi bác đau, những chuyện xấu, bà ấy cũng không nói tới... Bác gái làm như quãng đời mấy chục năm ăn ở với nhau cũng sạch sẽ như tấm vải trắng trải giường này... Kể như là chẳng có gì...

“Con Trang vợ anh cũng vậy, nó làm như cuộc mổ ngày mai nhẹ như con nít bẻ chiếc răng sữa... Bác bao giờ cũng là người cha gương mẫu... Và nó chưa bao giờ khổ sở hay mất mặt vì bố... Không một lời trách... Cái hiếu thảo của nó cũng nhạt nhẽo như chăn nệm nhà thương.

“Tùng ơi, anh đã hiểu bác rồi chứ gì. Đấy, vấn đề là cái gì cũng sạch quá, sạch đến chỗ tẩy luôn cái thần ra khỏi sự sống...

“Bác thích nói chuyện với anh lắm... Có thể anh không đồng ý với bác, nhưng anh bao giờ cũng chịu khó nghe bác... Chuyến này đi xa, bác chỉ nhớ anh...

“Anh ngồi yên cho bác nói cho hết nào... Bác thương anh như bạn thương bạn... Hồi anh mới hứa hôn với con Trang, bác đã lo cho anh, cho hai đứa không phải khốn khổ như bác và bác gái hồi ấy... Nhiều lần bác bắt cả nhà đi xi-nê để anh chị được tự do. Đám cưới anh, cặp sâm Nhị-hồng cho con Trang mang lên Đà Lạt, bác phải lùng mua khắp Sài Gòn mới kiếm được... Anh Tây học không tin, nhưng tuần trăng mật không có sâm thì còn gì là tuần trăng mật...

“Anh lại đỏ mặt rồi... Thật ra đỏ mặt cũng tốt... Phải có máu đỏ chảy trong tim mạch mới đỏ mặt được... Mỗi ngày 24 tiếng cầm đèn xì hàn khung xe cho hãng Toyota. thằng Robot bằng nhôm bằng sắt làm gì biết đỏ mặt...

“Sự đời thường tre già thì măng mọc, nghĩ cho cùng thì thế hệ bác thế là hết rồi. Sống lấn sang thế hệ anh nhiều khi nghĩ cũng chán... Đàn ông thì nhu mì như đàn bà, còn đàn bà thì lạnh như nước đá...

 “Ừ, mà cũng trễ rồi, anh về đi, về nghỉ đi. Bác cũng gắng ngủ một chút để sáng mai mổ... Nói chuyện với anh, bác hả lắm...

*

Anh Tùng, anh đã đến rồi à. Thế là cuộc mổ thành công... Chắc còn hơi thuốc mê, chưa thấy đau đớn gì. Họ vừa mới gỡ ống thở ra, anh vào sớm hơn một chút chắc bác không nói chuyện được với anh vì cái ống còn mắc trong họng...

“Sáu giờ chiều rồi à... Họ đánh thuốc mê hay thật, bác ngủ như chết,... Thức dậy chỉ rát cổ tí thôi... Lần đi ngủ đò chết giả còn thấy lạnh, lần này thì không... Hoàn toàn không, như cả mấy giờ đồng hồ mình không sống mà cũng không chết... Thật ra không cả ngủ nữa, vì ngủ thì còn nằm mơ... Bác thức dậy nhẹ nhàng, quá nhẹ nhàng...

“Nhưng mà bác có linh tính là bác sẽ chết... Tại cuộc mổ thành công mà bác không mừng... Hồi sinh kỳ này sao nó không trọn vẹn...

“Lần trước trên đò... Ô, bác nhớ cái đau điếng người của mũi trâm nhọn đâm vào xương cụt. Bác nhớ mùi khuynh diệp, mùi người, mùi đời sống... Đã quá... Còn bây giờ, tất cả chỉ có mùi vải giường giặt xà-phòng thật sạch...

“Anh có nhớ nhà thương bên mình không nhỉ... Cái mùi crésine, mùi teinture d’iode, vào bệnh viện thăm ai là nó thấm vào người, quần áo cả ngày còn thơm mùi nhà thương... Thời bác còn trẻ, sao cái gì cũng có hương, có vị...

“Anh để mặc bác, khi nào thấy mệt, thấy cần nghỉ bác sẽ cho anh hay... Bác muốn hỏi anh một chuyện…

 “Anh là bác sĩ, chuyên về bệnh già, anh dễ có dịp giúp bác. Anh để ý tìm cô Luyến dùm cho bác... Hôm nọ ở hội người già, bác nghe nói về sau cô ấy lấy chồng Nhật, bây giờ chồng chết dọn sang Cali, không biết ở đâu... Luyến cỡ tuổi bác, thật ra hơn bác năm bẩy tuổi, nhưng bây giờ bẩy mốt và bẩy lăm bẩy sáu thì sự sai biệt có nghĩa lý gì. Chắc nghe tiếng anh giỏi bệnh già, thế nào cô ta cũng tìm tới khám...

“Bác có ảnh không ấy à. Cái anh này lẩn thẩn... Đi ngủ đò ai mà tặng nhau hình với ảnh... Mặt mũi, bác cũng không nhớ nữa là... Mà có nhớ thì cũng vô ích, nửa thế kỷ qua ai chả thay đổi.

“Nhưng cô ấy có cái sẹo hình ông sao tám cạnh, hai cánh phía trên hơi ngắn... Ở ngay chín giờ, nơi vú phải, cái thằng Lê Dương lấy thuốc lá đốt cô, nó thuận tay trái...

“Có thể cô ấy oan anh ạ... Có thể lúc cô gấp quần áo cho bác thì chiếc ví đã rơi sẵn ra khoang đò rồi... cô ấy nhặt được... Có thể bị cám dỗ giữ luôn, có thể chưa kịp trả thì bác đã đi trình cẩm...

“Tội nghiệp, cái bát cháo gà... Về sau bác mới biết là đám điếm sông Hương tin là cháo gà ăn ngay sau khi hành nghề là thuốc bổ âm... Để bồi dưỡng cho cái âm khí vừa mất... Vậy mà cô ấy nhịn phần cô cho bác ăn cho mau lại sức...

“Đáy bể mò kim, nhưng nếu gặp được, anh giúp cho cô ấy được gì thì giúp cho bác... Bác để sẵn ít tiền dành dụm riêng ở đáy ngăn kéo... Con Trang nó biết chỗ đấy... Mà cô ấy không nhận tiền thì nhận nghĩa giùm cho bác... Anh nói với cô ấy là bác rất ân hận đã trình cẩm cô...

“Anh bảo bác lãng mạn... Lãng mạn cái con khỉ già...

“Té ra không phải chuyện lãng mạn... Thôi anh khỏi nói hết ý... Anh chưa thở ra bác đã biết anh nghĩ gì. Anh bắt bẻ bác cái chữ Nghĩa phải không, rằng lúc này ân oán bác phải thứ tự phân minh, rằng chữ Nghĩa này phải dành cho bác gái mới xứng... Đúng tim đen anh chưa...

 “Anh bảo gì? Tâm bác dầu sao cũng tốt, chỉ tại cái miệng dữ dằn thôi à... Anh thật tâm thấy vậy hay chỉ nuốn an ủi bác... Anh nói cái gì, khẩu nghiệp hả, anh theo đạo Phật từ bao giờ... Giờ này anh còn nói chuyện tốt xấu với bác... Sao không nói luôn hai chữ Sám hối...

 “Nhưng mà cái máy lạnh này nó vặn quá cỡ, anh có thấy lạnh không...

“Anh không run à.... Bác lạnh quá, lạnh từ trong ruột lạnh ra... Như nước đá vụn lưu thông trong mạch máu bác... Anh đắp thêm chăn cho bác, chăn dư họ để trong cái tủ góc phòng kia kìa.

"Ủa, sao anh hốt hoảng vậy.

“Anh nhận chuông gọi y tá vào làm gì. Nhân viên nhà thương bây giờ xúm đầy xung quanh giường bác, chúng hối hả đứa vặn máy này đứa vặn máy nọ, huyên náo chẳng ra làm sao...

“Thế này là thế nào...

“Anh thạo tiếng Anh đuổi chúng ra giùm bác, bác đuổi mà chẳng đứa nào chịu nghe... Tụi nhân viên bệnh viện này thật là vô phép... Phòng bệnh riêng của bác mà chúng làm như chỗ không người...

“Ủa, lão già nào nằm trên giường bác kìa...

“Xem nào, lão mê man, ngực quấn đầy băng... Chúng chích thuốc cho lão, chúng hà hơi vào miệng lão, đẩy máy hô hấp nhân tạo tới... Chúng đưa điện cực lên ngực lão... Chúng bấm nút, điện giật, lão gồng cong người lên như bị sài uốn ván rồi lại nằm vật xuống giường... Cứ như cảnh cấp cứu trong xi-nê... Một đứa banh mắt lão ra chiếu đèn nhìn rồi lắc đầu...

“Anh khóc cái gì... Đàn ông mà mau nước mắt... Nhưng lão bệnh nhân sao trông quen quá, thấy hàng ngày mà không nhớ ở đâu...

“Thôi chết rồi, lão ta chính là bác...

“Tùng ơi, người ta kéo chăn phủ mặt bác lại...

“Cái chăn nhà thương Mỹ chẳng có mùi mè gì, cả mùi xà phòng bây giờ cũng không còn... Trời ơi, nếu có cái chăn của Luyến... Bác thèm quá, ôi cái mùi khuynh diệp ấy, cái mùi mồ hôi ấy, cái mùi nước rãi ấy, cái mùi của Luyến... Chao ôi, cái mùi của sự sống...

“Nhưng mà anh nghe kỹ đây... Bác không còn bao nhiêu thì giờ...

“Anh gắng tìm Luyến cho bác...

“Luyến có cái sẹo nơi vú phải, khoảng chín giờ...

“Tại vì cái thằng Lê Dương nó thuận tay trái...

Nguồn Văn nghệ số 14/2019

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Có thể bạn quan tâm