Trông mặt mà bắt hình dong
Trong cuộc sống muôn màu của chúng ta, nhiều lúc có những điều quan trọng mà cần phải nhờ vả, gửi gắm, tâm sự với người khác. Theo các cụ ta ngày xưa thì nên “chọn mặt gửi vàng” bởi lẽ “người khôn dồn ra mặt/ què quặt hiện ra chân tay”. Trên khuôn mặt có nhiều đặc điểm, đường nét, cả thần sắc thể hiện được bản chất con người. Chả thế mà trong các vở tuồng, chèo cổ những vai nịnh, vai trung, vai chín, vai lệch… được thể hiện không chỉ qua trang phục mà còn rất được chú trọng qua nét mặt. Mỗi cách trang điểm đều nhằm bộc lộ tính tình nội tâm từng nhân vật. Người “mặt bủng da chì” khác với người “mặt hoa da phấn”. Dung mạo xấu, đẹp gợi lên sự xấu, tốt của tính cách, sẽ đem lại sự cảm thông, tin cậy hay ác cảm, cảnh giác với đối tượng giao tiếp. Dân gian còn quan tâm xem mặt ấy, da ấy nói lên sức khỏe của con người ra sao
“Trông mặt mà bắt hành dong”- trông như thế nào để hiểu được bản chất con người? Đâu có phải ai cũng trông được và không phải lúc nào cũng thấy được. Hình thức có lúc đánh lừa ta. Bởi thế có lời rằng “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Trên khuôn mặt, đôi mắt bộc lộ rõ nhất suy tư, tình cảm, thái độ đối với khách quan bên ngoài
Người khôn con mắt đen sì
Người dại con mắt nửa chì nửa thau
Cái đôi mắt đen láy như hạt nhãn ấy ai chẳng ưa nhìn. Nó toát lên sự trong trẻo hồn nhiên khi ở một đứa trẻ. Nếu ở một cô gái thì đó là sự duyên dáng, thông minh. Còn với một người lớn tuổi thì là sự khôn ngoan, chín chắn. Còn thế nào là “nửa chì nửa thau”. Cái màu nhờ nhờ, đùng đục nhìn vào đờ đẫn làm sao. “Con mắt đen sì” như thấu suốt lòng ta. Còn con mắt “nửa chì nửa thau” rất gần với con mắt trắng
Có bao nhiêu câu nói về con mắt này.
Nào là “con lợn mắt trắng thì nuôi/ những người mắt trắng đánh hoài đuổi đi”
Nào là “mắt trắng môi thâm”
Rồi thì “đàn bà mắt trăng hai chồng”
Tròng đen thì nhỏ, lòng trắng lại rộng - chắc chắn là mắt không đẹp. Theo nhận xét của các cụ xưa thì người có con mắt vậy phước phận bạc bẽo. Còn các kiểu mắt khác thì sao?
Những người ti hí mắt lươn
Trai thì trộm cướp, gái buôn chồng người
Rồi lại “đàn ông mắt lươn hai vợ”
Tạo hóa bất công. Sinh ra người ta đôi mắt lại gắn luôn cho người ta số phận cả đời. Độ chính xác của những đúc kết trên là bao nhiêu, thật khó có thể kiểm nghiệm, bởi trong thực tế đâu phải trường hợp nào cũng đúng như vậy
Đàn bà con mắt lá dăm
Lông mày lá liễu đáng trăm quan tiền
Có phải chỉ vì đầu mày cuối mắt lúng liếng quá mà cao giá như vậy. Chỉ vì đôi mắt không thôi đâu có thể tạo nên một con người tốt - xấu. Thời buổi hiện đại ngày nay, việc xăm mày xăm mắt, vẽ mắt kẻ mày đã giúp chị em khắc phục được những nhược điểm của mình. Nhưng cái màu đen sì, cái màu nửa chì nửa thau làm sao thay đổi. Cái cửa sổ ấy dẫu thay khuôn hình cũng không thay được tinh thần, tâm hồn ánh lên từ đó. Cha mẹ sinh ra chúng ta, chính vì vậy mà mỗi đôi mắt dẫu kiểu gì đều đẹp trong một tổng thể hài hòa trong mắt những người yêu mến
Trời tạo ra mỗi người một dáng vẻ, một kiểu mắt, một mái tóc khác nhau. Liệu có tin hoàn toàn rằng dẫu tóc ta thế nào thì cứ gội 6, 7 lần một loại dầu nào đó là tóc đẹp hết, mượt hết không? Người xưa qua ca dao ngậm ngùi mà than rằng “tóc quăn chải lược đồi mồi/ chải đứng chải ngồi quăn vẫn hoàn quăn”. Cái tóc tưởng như vô can vì nhổ đi vài sợi, thậm chí cạo trọc đầu, uốn quăn tít cũng không đau, chỉ làm khuôn mặt đẹp hay xấu hơn thôi, vậy mà nó mang theo số kiếp con người
Đàn ông tốt tóc thì sang
Đàn bà tốt tóc chỉ mang nặng đầu
Các câu nói dân gian thường có hai vế đối nhau giữa hai đối tượng chủ yếu là đàn ông - đàn bà, là anh - em. Tóc đã vậy, nói đến mồm miệng thì cũng
Đàn ông rộng miệng thì sang
Đàn bà rộng miệng tan hoang cửa nhà
Đàn ông ăn to nói lớn, trán cao miệng rộng là tốt tướng. Đàn bà miệng rộng thì ăn nhiều nói lắm hay sao mà nhà cửa tan hoang? Người ta mỗi người một miệng. Nói nhiều nói ít cũng là tính người, cũng do hoàn cảnh tạo nên. Chẳng biết có sang được không hay tan hoang cửa nhà không nhưng những người rộng miệng thường sởi lởi, mau mồm miệng
Có nhiều cách để xem tướng số cho một người. Bên cạnh việc xem qua ngày sinh tháng đẻ là xem bói tay. Những ngón gần ngón cách, những đường nét đậm sâu, những hoa tay… có thể nói lên quá khứ, hiện tại và tương lai của mỗi người. Có câu rằng “bàn tay gà bới thì khó/ bàn tay chó bới thì giàu”. Chữ như gà bới thì xấu khó đọc - chữ cũng là tính người, coi bói được cho người. Bàn tay gà bới nhằng nhịt, nát ra các đường nhăn thì vất vả, lận đận trong kiếm sống, trong cả duyên phận. Bàn tay chó bới thì đường nét đậm sâu…
Ngay cả đến tiếng nói con người cũng toát lên tính khí và số phận
Đàn bà lanh lảnh tiếng đồng
Một là sát chồng hai là hại con
Câu ca trên rút từ nhận xét từ một người cụ thể hay từ nhiều trường hợp? Kể ra cái giọng lanh lảnh nghe cũng chói tai, nhưng hại chồng con thì liệu có phải tất cả đều như vậy. Đàn bà tiếng lanh lảnh kể cũng đáo để, nhưng lại hay tháo vát, lo toan. Mà người hay làm hay lo lại thường khổ.
Còn bao nhiêu nữa trên khuôn mặt nói lên tính cách, số phận con người. Nào nốt ruồi, nào nét mày, nào sống mũi, nhân trung. Còn bao câu tục ngữ ca dao khác nói về tướng mạo, tính cách con người. Từ một dáng “béo trục béo tròn/ ăn vụng như chớp đánh con cả ngày”, đến dáng “thắt đáy lưng ong/ vừa khéo chiều chồng lại khéo nuôi con”. Từ “lưng gù chữ cụ” đến “bụng thúng/ cái lưng cánh phản” đều cho ta hiểu chút ít con người. Hoặc tổng kết một cách ngắn gọn “nhất lé nhì lùn tam hô tứ rỗ” từ những đặc điểm hình thức trở thành tứ quý chỉ người khôn ngoan, tài giỏi, láu lỉnh hay ghê gớm, hơn người cũng được…
Để hiểu, để có một người gần gũi, tin cậy thật khó biết bao. Đơn giản và phức tạp. Chân thực và giả dối. Thiện và ác. Lẫn lộn. Làm sao phân biệt rạch ròi. Khi còn có chữ tưởng, chữ “không ngờ” thì vẫn còn phải cảnh giác, còn phải lo. Vì thế mới có lối sống “gió chiều nào che chiều ấy”. Vì thế, con người đôi khi phải thay hình, đổi dạng để tồn tại “Đi với bụt mặc áo cà sa/ Đi với ma mặc áo giấy” và “Ở bầu thì tròn/ ở ống thì dài”…
Cuộc sống xã hội càng nhiều chiều, tâm lý, tính cách con người càng nắm bắt. Dẫu những kinh nghiệm dân gian có câu, có lúc còn chưa đúng hoàn toàn, đúng chỗ này, lúc này không đúng chỗ khác, lúc khác, nhưng nó mãi là lời nhắc nhở, mách bảo cho ta biết “tùy mặt gửi lời/ tùy người gửi của”. Tạo hóa không tạo ra con người xấu hay tốt, mà chính cuộc sống, cuộc sống hiện đại thường làm cho con người biến đi những tính tốt vốn có của mình
Mặc dù ca dao, tục ngữ là sự đúc kết kinh nghiệm của cổ nhân trải qua nhiều đời nay, giúp ích cho ta rất nhiều trong công việc, cuộc sống, nhưng để đánh giá một con người thì chỉ thế thôi không đủ cơ sở, đủ tính khoa học. Thời gian có lẽ là thước đo chính xác cũng như công bằng về nhân cách của mỗi con người, bởi “đồ vật tốt khi mới/ con người tốt khi cũ”. Ấy cũng là kết luận của người xưa…
Nguồn Văn nghệ số 6+7+8/2018