April 26, 2024, 5:07 pm

Trở lại miền đảo xa

Cô Tô miền đất thiêng, miền đất của những cây tùng vươn thẳng

Ra đến đảo, lần nào cũng thế, khi đặt chân lên cầu tàu ở đảo, lòng tôi đã dâng đầy cảm xúc, một Cô Tô nhỏ bé, hiền hòa mùa biển lặng, một Cô Tô hào hùng khi đứng trước tượng đài Bác Hồ, vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc, khi sinh thời đã đồng ý cho đặt tượng Người tại đây! Cô Tô miền đất thiêng, miền đất của những cây tùng vươn thẳng!

Tượng Bác Hồ ở Cô Tô.                 Ảnh: DƯƠNG PHƯỢNG ĐẠI

Và bước chân đầu tiên của tôi cũng như mọi người đến hòn đảo này là đến Khu di tích Bác Hồ trên đảo dâng hương, để dâng lòng mình với Bác, thưa với Bác, chúng con đã đến nơi này, đã thấy được cả một vùng non sông cẩm tú mà Người đặt chân đến từ năm 1961 và đồng ý cho dựng tượng Người. Niềm hạnh phúc, niềm thương yêu luôn dâng trào tất thảy mỗi khi ta đứng dưới tượng Người, ở nơi này Cô Tô!

Bây giờ Cô Tô đã khác 60 năm trước, khác 5 năm trước và khác nhiều hơn từ mùa hè năm ngoái. Thị trấn huyện lỵ Cô Tô đã khoác tấm áo mới, tấm áo của đô thị biển đảo đầy hứng khởi. Những dãy nhà cấp bốn quay vào trong đảo của những cư dân ra xây dựng kinh tế mới đầu thập niên tám mươi, chín mươi của thế kỷ 20 đã lùi xa. Thay vào đó là mấy dãy phố san sát nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ và có cả khách sạn đính “sao” rồi. Mỗi mùa hè khách đến đã gấp đôi cư dân trên đảo, họ đã có thời gian lưu trú ít nhất ba ngày, đảo có đủ các dịch vụ phục vụ cao cấp và bình dân. Theo như trao đổi của đồng chí Vũ Văn Hiển Phó Chủ tịch huyện thì thu nhập bình quân của người dân Cô Tô năm 2020 đã là 5.000 USD/ người/ năm. Một con số mà chúng tôi đều phải… hỏi lại, đến thế ư, ôi Cô Tô, chỉ cần một thông số như thế, đủ thấy Cô Tô đã và đang vạm vỡ từng ngày.

Xã Đồng Tiến đã chiếm một con số ấn tượng mà dân ở Cô Tô gọi vui, gọi lái ra thành “xã Đống Tiền”, vì tất cả các khu nghỉ dưỡng hạng sang đến bình dân đều nằm ở địa bàn này, và trong tương lai Đồng Tiến sẽ trở thành trung tâm du lịch biển, du lịch đảo rất hấp dẫn.  Thời điểm xã được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới (năm 2015), thu nhập bình quân đầu người chỉ gần 30 triệu đồng/ người/ năm, đến năm 2019 đã đạt trên 80 triệu đồng/ người/ năm. Điều đặc biệt, hiện tại xã Đồng Tiến có gần 650 hộ thì không còn hộ nào thuộc diện hộ nghèo và đang hướng đến tiêu chí đạt xã Nông thôn kiểu mẫu. Người dân nơi đây đã thích nghi với cơ chế chuyển đổi cơ cấu kinh tế, từ đánh bắt hải sản, chế biến hải sản đến làm rừng, làm ruộng thì giờ họ tham gia làm dịch vụ du lịch, tự tạo ra một môi trường kinh tế mới, khi Cô Tô có nhiều nhà đầu tư tiềm năng đã đến, đã cùng cư dân nơi đây tạo nên một Cô Tô hoàn toàn mới, một miền đất như bừng thức dưới ánh mặt trời sau rất dài thời gian vì nhiều lý do xa xôi, cách trở mà Cô Tô chưa thể vươn vai như chàng rồng biển lặng lẽ ở phía biển trời Đông Bắc này.

Tôi nhớ khoảnh khắc khi các phương tiện truyền thông đưa tin, vào hồi 8h, ngày 16/10/2013 là thời khắc lịch sử, dòng điện lưới quốc gia vượt gần 60 km, qua các đảo đá và biển cả mênh mông, để thắp sáng huyện đảo Cô Tô, hòn đảo tiền tiêu ở vùng biển trời Đông Bắc của Tổ quốc. Và, chỉ sau gần một năm nỗ lực thi công của các nhà thầu trong và ngoài nước, với sự quan tâm, ủng hộ đặc biệt của Trung ương, các bộ ngành, địa phương, và đặc biệt là Bí thư tỉnh ủy Phạm Minh Chính khi ấy đã rất quyết liệt chỉ đạo, lãnh đạo và có sự đồng hành cùng nhân dân cả nước, cả tỉnh đã quyết tâm thực hiện và hoàn thành công trình đưa điện lưới ra huyện đảo tiền tiêu Cô Tô hoàn thành vào đúng dịp Quảng Ninh kỷ niệm 50 năm ngày thành lập tỉnh (30/10/1963 - 30/10/2013) Cô Tô có điện lưới! Và đặc biệt hơn nữa khi niềm vui lớn hơn là thôn đảo Trần, thuộc xã Thanh Lân huyên đảo Cô Tô là một vị trí tiền tiêu của vùng biển trời Đông Bắc Tổ quốc đã có điện. Công trình đưa điện lưới quốc gia ra đảo Trần cũng là một trong 10 công trình được tỉnh Quảng Ninh lựa chọn gắn biển chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV vào dịp Quốc khánh 2/9/2020. Xã đảoThanh Lân còn có thôn đảo Trần mà chúng tôi vẫn gọi là “Trường Sa của Quảng Ninh” vì thôn đảo Trần chỉ có hơn mười hộ dân, vừa mới có điện lưới quốc gia vào mùa thu 2020. Thôn Đảo Trần là một cột mốc tiền tiều của vùng biển Đông bắc, mỗi khi ra được thôn đảo Trần thì ai cũng có thể coi như mình đã ra tới… Trường Sa của Quảng Ninh! Vì thế, nơi ấy luôn day trở cho chúng tôi mỗi khi đặt chân đến huyện đảo Cô Tô, dù thị trấn huyện lỵ đã thay đổi rất nhiều, thuận lợi rất nhiều, nhưng vẫn còn thôn đảo Trần luôn nhắc nhở chúng ta, nhắc chúng ta về nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc ở vùng biển trời Đông bắc này luôn là nhiệm vụ số một...

Và hôm nay trước thềm Kỷ niệm 60 năm Bác Hồ về thăm quân dân huyện đảo Cô Tô (9/5/1961 - 9/5/2021), chúng ta càng dâng lên nỗi nhớ Người, lời Người như còn đâu đây bên ruộng khoai, bên đồng muối của bà con nhân dân Cô Tô. Khi ấy, 60 năm trước, Cô Tô và Thanh Lân chỉ là đơn vị hành chính cấp xã của huyện đảo Vân Đồn, đến năm 1994 mới tách ra và trở thành địa danh hành chính như hôm nay là huyện đảo Cô Tô. Với vị trí địa lý, với đất đai và tài nguyên thiên nhiên từ rừng, từ biển đã như được hồi sinh phát triển lên nhiều lần với góp phần của quân dân trên đảo là trí tuệ và bàn tay con người, đặc biệt là sự năng động, sáng tạo của các thế hệ lãnh đạo nhiều thời kỳ, và thế hệ ngày hôm nay. Cô Tô đã vươn lên thẳng đứng như giống cây tùng ở khu rừng nguyên sinh Cô Tô, một loại cây gỗ vào hàng giá trị cao, cần được bảo tồn. Tôi rất ngạc nhiên có giống tùng này ở Cô Tô, nhân chuyến thực tế, các bạn ở Cô Tô đã đưa chúng tôi đến gia đình một hộ nông dân trẻ, họ đã và đang ươm giống tùng Cô Tô bán giống rất tốt. Họ gọi là giống tùng La Hán, hoặc tùng tháp, còn tôi, bỗng dưng, chỉ muốn gọi giản dị là tùng Cô Tô!

Trong khu vườn kiểu mẫu trang trại mới của gia đình vợ chồng anh nông dân trẻ, nhìn những mầm cây đang vươn lên những chồi non, những cây tùng đã cổ thụ trước vườn nhà dân, ven các bãi biển đẹp mê hồn ở Cô Tô, tôi mới nhận ra đó là món quà vô giá mà thiên nhiên ban tặng, đó là tùng Cô Tô. Và tôi ngạc nhiên hơn, ở trước Khu di tích tượng đài Bác Hồ đã hình thành một Công viên tùng Cô Tô rất đẹp, hóa ra không phải tự nhiên lại có một Công viên tùng ở trước tượng đài Bác Hồ! Và tôi nhớ câu chuyện của cô bạn nhà thơ Nguyễn Thị Mến, hiện là Phó giám đốc  của trung tâm truyền thông huyện, rằng có đồng chí lãnh đạo cấp cao đã chỉ đạo và mong muốn phải có một vườn tùng ở cạnh khu tượng đài Bác Hồ, vì Bác Hồ muôn vàn kính yêu đã để lại, đã gửi gắm với mảnh đất tiền tiêu này vô vàn tình  yêu thương, Người xứng đáng là bậc tiên thánh đã hóa thân cùng cây cỏ, ruộng đồng và biển cả nơi hòn đảo xa Cô Tô này.

Và, trong tôi chợt dâng lên ý nghĩ thật xúc động, ồ vị cán bộ cấp cao ấy thật có con mắt tinh tế, có một tầm nhìn của hậu thế thật trân trọng, thể hiện ý chí và tinh thần của những người con đất Việt hôm qua, hôm nay và mãi mãi neo lại ở vùng phên giậu biển xa này. Và đúng là Bác đã ở đây, Bác đã hiển linh như một vị thần của  đảo, là một niềm thiêng liêng vô bờ của nhân dân trên hòn đảo tiền tiêu này, Bác như vì sao sáng, như ngọn hải đăng đã và mãi thắp sáng phía vùng biển trời Đông bắc của Tổ quốc.  Để hôm nay đảng bộ, chính quyền và  nhân dân trên đảo đã có thêm một món quà giá trị nữa dâng lên Người nhân dịp Lễ kỷ niệm 60 năm Người về với đảo đó là Công viên tùng bên Khu di tích Bác Hồ.

Vâng, đảo xa và cây tùng, biết bao hàm chứa những nội dung sâu xa chỉ những người con ở đảo mới thấu hiểu, mới trọn vẹn gửi lên Người với sự biết ơn vô hạn đối với vị Cha già dân tộc, vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam. Tình cảm ấy, không chỉ của quân và dân Cô Tô mà của nhân dân cả nước, vì Cô Tô trong trái tim của cả nước, chứ không chỉ của riêng Quảng Ninh!

Và người ở lại với Cô Tô…

Chúng ta đều biết cư dân Cô Tô hiện nay là những lớp thế hệ các cư dân được huy động từ đất liền ra xây dựng đảo từ đầu thập niên tám mươi, chín mươi của thế kỷ 20 là chủ yếu. Ở thị trấn đảo Cô Tô bây giờ chủ yếu là bà con ở các tỉnh miền bắc như Hà Nam Ninh, Thái Bình, Hải Phòng đến lập nghiệp, riêng ở đảo xã Thanh Lân có đến hơn 200 gia đình từ huyện Hà Nam Ninh cũ (gồm Nam Định, Ninh Bình và Hà Nam) đã đến và ở lại gắn bó với sự thăng trầm của đảo xa. 

Khi đến xã đảo Thanh Lân tôi ngạc nhiên khi gặp hình ảnh những ngôi nhà kiên cố, rất model của bà con cư dân trên đảo, hỏi ra thì biết họ đều giàu lên nhờ thứ “vàng trắng của biển” là sứa. Gặp được chị chủ xưởng sứa - một trong những xưởng sứa lớn nhất nhì ở xã đảo Thanh Lân tên là Vũ Thị Sáng, quê ở Hải Hậu, Nam Định, chị ra đây lập nghiệp từ năm 1994, chị chia sẻ với chúng tôi, khi mới ra rất khó khăn, vì hồi đó khác bây giờ lắm, cái gì cũng thiếu, có người không chịu được gian khổ đã bỏ về quê cũ và giờ thì chị… bằng lòng với gia tài chị có. Là xưởng thu mua và chế biến sứa có số công nhân dao động theo nhu cầu là 60 đến 70 người, thu nhập hàng năm, bỏ rẻ cũng được từ 500 đến 700 triệu đồng. Nhân công làm cho chị thu nhập bình quân của mỗi mùa sứa tầm 7-8 triệu đồng/ người/ tháng…

Và tôi gặp rất nhiều các thầy cô giáo, cán bộ các ban ngành của huyện… đã gắn bó với Cô Tô trên dưới 30 năm như anh Vũ Văn Hiển, hiện đang là Phó chủ tịch huyện Cô Tô, là ông Phạm Xuân Tặng nguyên phó phòng văn hóa huyện đã từng trích tiền lương hàng tháng để chi tiền cho các giải thể thao trong phạm vi hoạt động mà mình làm quản lý, giờ mỗi khi ông được hội ngộ cùng anh em làm công tác văn hóa, thể thao của huyện ông chỉ có… khóc, vì một thời Cô Tô vô cùng gian khó đến nhường ấy. Đến cô giáo Nguyễn Thị Mến theo chồng đóng quân trên đảo và cũng… nghiễm nhiên không về đất liền dù có nhiều điều kiện để cô về, và mới đó cũng gần 20 năm gắn bó với Cô Tô, là rất nhiều thế các thầy cô giáo, các thế hệ sĩ quan quân đội đóng quân trên đảo vẫn bền bỉ gắn bó dâng trọn tuổi thanh xuân, trí tuệ của mình cho huyện đảo tiền tiêu này. Bây giờ đã thế hệ thứ ba của thế hệ trước ở Cô Tô đã trưởng thành, một thế hệ tiếp nối thế hệ đi trước đầy nội lực, tri thức và bản lĩnh vững vàng để tiếp nối xây dựng truyền thống Cô Tô, xây dựng huyện đảo tiền tiêu của Tổ quốc ngày một giàu đẹp hơn, ngày một vạm vỡ hơn xứng với lời Người năm xưa đã đến nơi này đã nói “Thủ đô Hà Nội tuy không cách xa các đảo, nhưng Đảng và Chính phủ luôn quan tâm đến đồng bào các đảo và mong đồng bào các đảo đoàn kết, cố gắng và tiến bộ”. Lời Người giản dị thế thôi, nhưng hàm chứa biết bao điều gửi gắm đến quân và dân vùng biển đảo Đông bắc của Tổ quốc. Lời Người còn đây, còn trong trái tim những người đã và đang và gắn bó mãi mãi nơi đảo xa này.

Và, mỗi lần trở lại Cô Tô là một lần có những cảm xúc khó tả, lần trở lại này, tôi và bạn bè đều thấy Cô Tô tuy xa mà gần lắm, không còn cái cảm giác đò giang cách trở, là đảo xa, là biển xa… là vô vàn những sự bất cập khi muốn đến nơi này. Vì phương tiện di chuyển ra huyện đảo Cô Tô giờ đã có tàu 5 sao cho khách du lịch xuất phát từ bến cảng du lịch Tuần Châu (thành phố Hạ Long, về phương tiện tàu vận tải thủy hiện đại từ cảng Cái Rồng (huyện Vân Đồn) ra chỉ đi quãng một giờ mười lăm phút trong trạng thái thời tiết ổn định thì Cô Tô đã hiện ra trong chớp mắt.  Rồi đến cái ăn, cái ở trên thị trấn đảo nhỏ bé này đã có đủ dịch vụ để phục vụ du khách từ khi Cô Tô có điện lưới quốc gia. Và trong tôi như ngân vang lời Bác Hồ năm xưa, thì Cô Tô xa Thủ đô nhưng đã luôn trong trái tim của đất nước, của dân tộc Việt Nam nơi vùng biển trời Đông bắc của Tổ quốc kỳ vỹ này. Cô Tô đã và đang hiện diện như một thành phố trẻ, sẽ là những bước đi mạnh mẽ, vững chãi như các dải đá kỳ lạ mang tên Móng Rồng, để như chàng rồng biển đã lặng lẽ bao năm, giờ vươn vai, vươn lên những tầm vóc mới, vạm vỡ và chắc chắn. Cô Tô đang mỗi ngày vươn cao như lớp sóng lừng ngày biển động, Cô Tô đã và đang vươn thẳng xum xuê như dáng tùng Cô Tô… để nơi này sẽ trở thành một cột mốc văn hóa vững chãi, góp phần làm tròn nhiệm vụ là giữ vững chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Cô Tô là niềm tự hào của cả dải đất hình chữ S Việt Nam mến yêu của chúng ta. Cô Tô có Bác và Cô Tô đã vươn lên để thực hiện lời Người mong mỏi 60 năm qua.

Cô Tô miền đất thiêng, Cô Tô miền đất của dáng tùng vươn thẳng, Cô Tô của lớp lớp các thế hệ quân và dân đã và đang và mãi mãi gắn bó với nơi đảo xa này để làm cho Cô Tô mỗi ngày một rạng rỡ hơn giữa biển trời Đông Bắc của Tổ quốc

Cô Tô xa mà gần, Cô Tô trong trái tim Tổ quốc!

Nguồn Văn nghệ số 16/2021

 


Có thể bạn quan tâm