April 27, 2024, 2:51 am

Trở lại Cánh Đồng Chum

Những vùng đất, những con người

Cuối tháng 3 vừa qua, tôi được dự một buổi lễ của Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk) khánh thành Trang trại bò sữa Tây Ninh, thuộc loại trang trại bò sữa hàng đầu nước ta, tọa lạc tại xã Long Khánh, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh với tổng diện tích 685 ha, quy mô chăn nuôi 8.000 bò, bê, với tổng kinh phí đầu tư trên 1.200 tỷ đồng (tương đương 50 triệu USD). Tại  buổi lễ ấy, tôi được gặp hai người bạn Lào, từ Viêng chăn và Cánh đồng Chum (Xiêng Khoảng) bay sang dự lễ. Đó là các ông Thongphath Vongmany, Thứ trưởng Bộ Nông Lâm nghiệp Lào, và ông Bountone Chauthavong ne, Tỉnh trưởng tỉnh Xiêng Khoảng. Nghe anh Trịnh Quốc Dũng, Giám đốc điều hành phụ trách vùng nguyên liệu của Vinamilk, trịnh trọng giới thiệu tôi là “người lính năm xưa từng tham gia giải phóng Cánh Đồng Chum”, các bạn Lào xúc động lắm, hai anh ôm chầm lấy tôi và ngỏ ngay lời mời “người lính” là tôi sẽ trở lại Cánh Đồng Chum vào dịp tháng năm này, dự buổi lễ trang trọng của Vinaimilk khánh thành trang trại bò sữa ở Cánh Đồng Chum. Nếu như trang trại Tây Ninh được xem là trang trại bò sữa lớn nhất nước ta, thì trang trại bò sữa Cánh đồng Chum (tôi xin tạm gọi như vậy) thuộc loại hàng đầu thế giới. Thật vui mừng và xúc động vì lời mời này của các bạn.

Lý do gì để nói trang trại Cánh đồng Chum thuộc loại “hàng đầu thế giới”? Tôi hỏi Giám đốc Trịnh Quốc Dũng, và anh cho hay: “Sau trang trại Tây Ninh, Vinamilk đã tập trung nhân lực, nguồn lực tài chính cho dự án lớn tại cánh đồng Chum (Xiêng Khoảng). Đây là liên doanh giữa các đối tác Lào - Nhật - Việt trên diện tích 5.000 hécta, trong đó Vinamilk chiếm 51% vốn…”. Giám đốc Dũng nói thêm: “Chính phủ Lào đánh giá dự án liên doanh của Vinamilk là trọng điểm, và sẵn sàng cấp thêm 5.000 hécta đất nữa nếu cần thiết. Người Nhật có công nghệ và tiềm lực tài chính. Vinamilk cũng chẳng kém về tài chính với số tiền mặt thường trực hơn 10.000 tỉ đồng gửi sẵn ở ngân hàng. Hơn nữa, Vinamilk với Tổng giám đốc Mai Kiều Liên có tầm quản trị doanh nghiệp và tầm nhìn lâu dài cho tương lai. Liên doanh tại Lào, ngoài cung cấp sản phẩm cho thị trường Lào, còn được định hướng xuất sang Myanmar và Trung Quốc…”

Trên trang trại bò sữa Cánh đồng Chum

Vậy là rõ. Và tâm hồn tôi lại hướng về mảnh đất chiến trường xưa hầm hập bom đạn, nơi tròn 50 năm trước tôi đã cầm súng trong đội hình BT 13 sang đây tham gia chiến đấu… Cái tên Cánh Đồng Chum gợi lại cho tôi những cảm xúc thật đặc biệt, nhất là khi nghe tướng Nguyễn Bình Sơn, người nhiều năm là tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam ở mặt trận này, nói về mảnh đất mà ông đã gắn bó như một phần quê hương mình:

Cánh Đồng Chum - Tôi hằng mơ được đến đó, và rồi chiến tranh đã kéo tôi đến. Ở đây, dân địa phương dùng cái tên rất hình ảnh “Khăng má đen” (Đồng cỏ ngựa phi) để đặt cho Cánh Đồng Chum. Đúng là đồng cỏ mà ngựa phi cho khắp thì phải đến đứt hơi. Đây là cả một cao nguyên bao la, đồi thông xen kẽ đồng cỏ và ruộng bậc thang tương đối phẳng, ngang dọc từ 40 tới 60 ki-lô-mét. Quả là một vùng đất rất có thế về mặt quân sự. Chum lưu truyền từ thượng cổ ở đây có bốn cụm. Cụm trung tâm là Lạt Thẳm, nằm về phía đông sân bay Bản Áng 400 mét. Ba cụm chum, mỗi cụm gồm năm, sáu chiếc đặt ở ngã ba đường rừng từ Bản Ban đi Cánh Đồng Chum; một cụm trên đồi ở vùng núi Bảy Hay, chặn đường vào Xảm Thông-Long Chẹng; một cụm nữa ở trên chỏm Phụ Thing, đường đi Viên Chăn. Chúng tôi nghĩ đây có thể là các điểm tiền tiêu bảo vệ bộ lạc vì đều cách trung tâm từ 50 đến 70 ki-lô-mét. Có nhiều thuyết nói về chum như là chum ủ rượu làm ma chay, chum rượu khao quân… Có lẽ chum đựng rượu, đựng nước thời bộ lạc Chậu Chương là có lí… “Thuốc phiện Phu Khe, nước chè Phu Xản”. Đây là hai đặc sản của Xiêng Khoảng đã đi vào cuộc sống và thi ca của địa phương. Phu Khe nằm gần thị xã của Xiêng Khoảng, đất tốt, thuốc ngon đến mức người H’mông từ Keo Xẹt cách gần hai ngày đường mà hàng năm vẫn dắt ngựa, cõng con đến Phu Khe hạ trại, xin một đám đất núi trồng thuốc phiện. Còn chè Phu Xản, thời thuộc Pháp, nhiều nhà kinh doanh đã chiết giống chè tuyết ở đây đem trồng ở nông trường Noọng Pết, Noọng Nậm. Trong những năm đánh M, trèo lên đỉnh Phu Xao (2.305m) quanh năm sương mờ mờ, mây phủ, tôi đã được uống loại chè tuyết do các chiến sĩ tình nguyện chế biến còn ngon hơn hương vị chè Phu Xản. Uống xong lưỡi còn vương mãi vị ngọt…  

Những đồng cỏ bao la của các huyện Nọng Hét, Mường Mộc, Mường Khun, Mường Khăm, Mường Pẹch, Mường Xủi nếu được chăn nuôi trâu, bò đúng kỹ thuật mới, lại được chế biến tốt sẽ tạo một nguồn thịt xuất khẩu lớn, một mũi nhon kinh tế của một tỉnh miền núi…

*

50 năm sau, nghĩa là vào năm 2019 này, những tiên đoán, những mong ước của tướng Nguyễn Bình Sơn, của những người lính Việt Nam và Lào từng chiến đấu giành giật Cánh đồng Chum ngày ấy, đã trở thành hiện thực. “Những đồng cỏ bao la của các huyện Nọng Hét, Mường Mộc, Mường Khun, Mường Khăm, Mường Pẹch, Mường Xủi nếu được chăn nuôi trâu, bò đúng kỹ thuật mới, lại được chế biến tốt sẽ tạo một nguồn thịt xuất khẩu lớn, một mũi nhon kinh tế của một tỉnh miền núi”. Và còn hơn thế nữa, nó đã trở thành một Trang trại bò sữa lớn với hơn 5.000 hécta, thuộc loại hàng đầu thế giới hiện nay….

 Nơi đây thảo nguyên, từng đàn bò đùa nắng tung tăng mặt trời

 Du dương kèn Đinh Năm, xa xăm ngọn Chư Prông, xa xăm biển rộng

 Bao nhiêu vì sao… đêm đêm về đây bên cây lửa hồng

Bài hát ấy, nhạc sỹ Nguyễn Cường viết về M’Đrak-Tây nguyên. Thế mà hôm nay đi trên Cánh Đồng Chum, nó cứ vang vọng  lên trong tôi, như chính viết về những đồng cỏ ngút ngát này.

Và tôi lại bất giác nhớ một bài thơ của mình năm 1971, trong chiến dịch giải phóng Cánh Đồng Chum, sau một trận đánh:

“Con bò hoang không thấy cỏ bỏ  đi

Để mình tôi ở lại…

Nắng như chiếu cuộn dần vào núi

Đất chậm rãi ngả màu hoàng hôn

Dây thép gai rỉ nát quanh đồn…”

Và:

“Con bò bỏ đi rồi sẽ trở lại đây

Chúng tôi lại đi đánh nhiều trận nữa

Bao mẹ già chờ ta đêm súng nổ

Chiến dịch mở dù chỉ tấc đất hoang

 

Chiều ơi xuống mau cho ló vầng trăng

Cha mở vội luống cày uống sương mới

Nắm cơm nếp mẹ đưa thơm lên tự khói

Em gọi ta tiếng trong gió vang ngân…”

Mới giật mình. Sao ngày ấy trong thơ mình về Cánh đồng Chum đã có chú bò xuất hiện nhỉ? Có ai nghĩ rồi 50 năm sau, trên mảnh đất chiến trường dày đặc bom đạn sẽ có một ngày sẽ mọc lên  một trang trại lớn với hàng ngàn con bò sữa thế này?...

Và hôm nay, chúng tôi trở lại Cánh đồng Chum, trở lại chiến trường xưa trong một đội hình bao gồm những cựu chiến binh đã từng chiến đấu trên tuyến đường 7 và trên Cánh Đồng Chum năm xưa: Đại tá Nguyễn Phú Nho, nguyên Phó chủ nhiệm chính trị BT 13, và sau này là Chủ nhiệm chính trị Tổng cục Hậu cần; thiếu tướng Nghiêm Công Việt, nguyên chiến sỹ lái xe C52 - BT13, sau này là Cục trưởng Cục vận tải Quân sự, các đại tá Hoàng Anh Phúc, Lưu Vĩnh Cường, Nguyễn Xuân Bộ, Nguyên sư trưởng sư đoàn 316 trực tiếp giải phóng Cánh Đồng Chum, đại tá Phạm Nhật Đoàn, trung tá Ngô Quốc Lập, các chiến sỹ Lê Khánh Hoài,  Nghiêm Xuân Thép, Nguyễn Tiến Ngôn, Phùng Viết Lập, Nguyễn Văn Phương… các văn nghệ sỹ xuất thân từ người lính: Đại tá Vương Trọng, đại tá Mai Nam Thắng, Trung tá Trần Nhương, đại tá Lê Hoài Nguyên, Phạm Ngọc Tiến… cùng các văn nghệ sỹ: Ngô Phương Lan, Anh Thư, Trịnh  Quế Anh…

Đoàn cựu chiến binh trong buổi lên đường trở lại Cánh Đồng Chum

Và tôi thầm cảm ơn những người bạn Nguyễn Hiệp, Mai Kiều Liên, những người không chỉ đã tạo dựng nên thương hiệu Vinamilk, mà còn là những người đã thiết kế và tạo dựng nên một Trang trại bò sữa hàng đầu thế giới trên mảnh đất chiến trường xưa của chúng tôi. Giờ đây với tình cảm “Uống nước nhớ nguồn”, cũng chính họ đã tổ chức và tài trợ toàn bộ cho chuyến đi đầy ý nghĩa này cho anh em cựu chiến binh trở về thăm lại mảnh đất mà 50 năm trước họ đã chiến đấu không tiếc máu xương, nơi mà mỗi tên núi tên sông đều vang đội những chiến công của người lính vận tải quân sự: Nậm Tiền, Nậm Mật, đèo Đất, đèo Đá, Nọng hét, Đỉnh Đam, Bản Ban, Phu nok cok, Cánh Đồng Chum…

Và hình ảnh con bò, biểu tượng của sự sống và no ấm trong thơ tôi ngày chiến tranh ấy khi viết về Cánh Đồng Chum, lại như một sự “duyên nợ” với chính các bạn của tôi. Chúng tôi, Mai Kiều Liên, Nguyễn Hiệp, Trương Quốc Dũng… từng là những  bạn học cùng mái trường cấp 3 sơ tán ở Bãi  giữa sông Hồng những ngày chiến tranh. Rồi tôi cầm súng ra trận, Liên đi học về chế biến sữa ở Nga, Hiệp và Dũng đi học về vật lý. 50 năm sau, chúng tôi lại gặp nhau giữa Cánh Đồng Chum, để ôn lại, để vang ngân những câu chuyện đầy kỷ niệm và cũng đầy hứng khởi mà không ai không ngưỡng mộ.

Tôi, một người lính viết văn trưởng thành lên từ những mâm pháo, từ những con đường ra trận, từ chính mặt trận Cánh Đồng Chum, với chuyến đi này, có một mong ước riêng: Được đứng trên đỉnh núi cao Phu Nok cok mà mình đã chiến đấu năm xưa, đọc to lên 500 trang tiểu thuyết Binh Trạm mà tôi vừa hoàn thành còn tươi nguyên nét mực, viết về cuộc chiến đấu hào hùng của binh trạm chúng tôi, để gửi tặng cho gió, cho rừng, cho suối sâu, đèo cao, cho những đồng đội cùng chiến đấu những năm tháng ấy, và các bạn tôi, cùng lớp trẻ hôm nay!

Tất nhiên cũng tự thấy rạo rực một chút về mình. Thì ra mình đã từng tiên đoán về một tương lai nơi Cánh Đồng Chum đầy huyền thoại này từ cách đây 40 năm, ngay trong những năm tháng chiến tranh lửa đạn ác liêt nhất….


Có thể bạn quan tâm