April 26, 2024, 11:52 pm

Triển khai SGK mới : Thành công của sự đồng hành

Trong năm học 2022-2023, chương trình GDPT mới lớp 3, 7, 10 được đưa vào giảng dạy. Sau một kỳ học, những người chủ biên của bộ sách Cánh Diều tiếp tục đồng hành nhằm tư vấn, hỗ trợ giáo viên trong giảng dạy. Lần này, Tổng Chủ biên, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết đã đến huyện Ý Yên (Nam Định) để giải đáp cho 550 cán bộ quản lý và thầy cô về chương trình tiếng Việt lớp 1, 2, 3.

 

            Lấy học sinh làm trung tâm

 

 Trong buổi hội thảo “Chương trình GDPT 2018 và Sách giáo khoa Cánh Diều”, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Ý Yên phối hợp cùng nhóm chủ biên của bộ sách tổ chức tiết dạy mẫu cho học sinh lớp 3 với bài “Góc sáng tạo viết, vẽ về mái ấm gia đình”. Ở đó, các em học sinh được lấy làm trung tâm của bài giảng, cô giáo là người đưa ra hướng dẫn đọc và tìm hiểu bố cục của một đoạn văn ngắn miêu tả ngôi nhà.

 

Tiết học mẫu môn Tiếng Việt lớp 3, SGK Cánh Diều được tổ chức tại huyện Ý Yên.

 

Từ những dàn ý ban đầu của giáo viên, học sinh phải thảo luận nhóm để trả lời những câu hỏi được đưa ra. Sau đó, mỗi bạn phải vẽ và viết một đoạn văn ngắn với chủ đề là chính ngôi nhà của mình. Các em được nhận xét về những bức tranh, bài viết của bạn trong lớp về những điều bạn đã làm tốt và giúp sửa những câu từ chưa hợp lý cho hay hơn.

Cô Hà Thị Kim Tân (trường Tiểu học Yên Xá), giáo viên đứng lớp dạy mẫu chia sẻ: “Bộ sách Cánh Diều với hình ảnh sinh động, màu sắc, các em học sinh được hoạt động rất nhiều trong tiết học. Giáo viên chỉ là người hỗ trợ nên các em rất hứng thú khi tiếp nhận kiến thức, như hôm nay học sinh được chủ động nêu ý kiến trong tiết học tích hợp 2 môn tiếng Việt và Mĩ thuật. Đối với giáo viên, các phần hướng dẫn bài học rất rõ ràng, cụ thể giúp chúng tôi tiếp cận bài học được tốt hơn”.

 

Với cách học mới, giáo viên tương tác nhiều hơn với học sinh.

 

Đồng quan điểm, cô Phạm Thị Thu Trang (trường Tiểu học Yên Dương) cho biết: “Cách nhận biết kiến thức của các em đều do cô truyền tải, nếu giáo viên linh hoạt hỗ trợ học trò được thể hiện bản thân thì các em rất chăm chú và tiếp thu một cách tự nhiên.”

Cô Thu Trang nói thêm về điều ấn tượng ở SGK Cánh Diều, đó là bộ Sách điện tử được cung cấp miễn phí cho giáo viên. Ứng dụng công nghệ này đã giúp giáo viên tương tác nhiều hơn với học trò. Tư duy của học sinh tiểu học là thích những hình ảnh sống động, Sách điện tử giúp các em hứng thú với môn học hơn. Ví dụ nhỏ khi học sách cũ, khi giáo viên chữa bài chỉ nói đúng hoặc sai, giờ đây các em tự xem kết quả trên máy tính. Những tín hiệu, âm thanh, hiệu ứng thông báo kết quả đúng giống như lời cổ vũ, điều đó thúc đẩy học sinh chịu học hơn để có nhiều đáp án chính xác.

Thầy Bùi Anh Đào, Phó Trưởng phòng GD&ĐT thông tin thêm về lý do huyện Ý Yên lựa chọn bộ sách Cánh Diều: “Ngay từ khi áp dụng bộ sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình mới, chúng tôi đã lấy ý kiến cán bộ quản lý, giáo viên nghiên cứu tất cả các bộ sách. Sau đó đã có những buổi họp để chọn ra bộ sách phù hợp nhất với các trường học trong huyện. Gần như tất cả thầy cô đếu nhất trí chọn bộ sách Cánh Diều với các lý do như ngữ liệu gần gũi với học sinh tiểu học, có nhiều đổi mới nhưng lại giúp giáo viên dễ tiếp cận do có một số điểm gần với sách truyền thống”.

 

Đồng hành cùng thầy cô trong giảng dạy

 

Tuy có nhiều điểm được giáo viên đánh giá cao nhưng là bộ sách mới được đưa vào giảng dạy, nhiều thầy cô vẫn có những bỡ ngỡ ban đầu khi dạy SGK Cánh Diều. Tại Hội thảo, đại diện tổ chuyên môn Tiếng Việt của trường Tiểu học Yên Xá cho biết, đôi khi giáo viên còn “ngại” những tiết Bài viết số 2 và Góc sáng tạo, hay sách cũ gọi là “Tập làm văn”. Nguyên nhân là do số từ vựng của học sinh còn ít nhưng phải thực hành viết văn hàng tuần. Đó cũng là một trong nhiều câu hỏi mà giáo viên tiểu học tại huyện Ý Yên gửi thắc mắc đến Hội đồng Chủ biên SGK Cánh Diều.

 

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết giải đáp những thắc mắc của giáo viên trong quá trình giảng dạy SGK Cánh Diều lớp 1, 2, 3.

 

Với cương vị là Tổng Chủ biên chương trình GDPT 2018, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cùng các tác giả biên soạn sách đã tổng hợp toàn bộ những điều còn băn khoăn của giáo viên huyện Ý Yên và đưa ra giải đáp. Không những thế, đích thân thầy Thuyết đã rất “chịu khó” trả lời từng câu hỏi cụ thể thuộc những trang khác nhau trong SGK tiếng Việt lớp 1, 2, 3 trong buổi thứ 2 của Hội thảo. Với mỗi vấn đề, Tổng Chủ biên đều đưa ra những dẫn chứng cụ thể và định hướng phương pháp dạy hiệu quả cho giáo viên.

“Tôi cho rằng các nhận xét của giáo viên là rất quý, bởi vì giúp cho tác giả nhìn lại thực tế, đánh giá xem thầy và trò triển khai bộ sách của mình còn gặp những khó khăn gì để cùng bàn cách tháo gỡ. Nhiệm vụ của những người biên soạn sách là giúp giáo viên nắm được trọng tâm của vấn đề. Tôi tin sau buổi Hội thảo hôm nay, các thầy cô đã có được những đáp án của riêng mình”, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết thẳng thắn nói.

Chia sẻ về sự đồng hành của các tác giả sách với giáo viên, thầy Bùi Anh Đào nhấn mạnh: “Ngay từ những ngày đầu tiên, chúng tôi đã được nghe thầy Thuyết, thầy Đạt (PGS.TS Đỗ Tiến Đạt - Chủ biên SGK Cánh Diều, môn Toán tiểu học) giới thiệu về sách. Chúng tôi đã nghe chăm chú, nghiên cứu, tìm hiểu, liên tục trao đổi với các thầy để chọn sách dạy. Đây là lần thứ 3, Tổng chủ biên và các tác giả sách tổ chức hội thảo, trao đổi cùng giáo viên. Dù các thầy rất bận nhưng luôn dành sự quan tâm, tập huấn kỹ cho giáo viên ngay từ hè. Do vậy, chúng tôi tự tin khi triển khai bộ SGK mới”.

Mặc dù triển khai bộ sách thành công tại huyện Ý Yên nhưng thầy Bùi Anh Đào bộc bạch, vẫn còn những khó khăn như thiếu giáo viên, cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu của SGK mới. Có thể kể đến là những chiếc TV thông minh, máy chiếu, máy tính đều chưa được trang bị đủ để phát huy hết khả năng truyền đạt kiến thức của sách Cánh Diều. Ngành Giáo dục của huyện đang tìm cách khắc phục dần bằng các phương án mua bổ sung, tận dụng những thiết bị cũ, giáo viên chủ động thiết kế học cụ...

 

Nhiều vấn đề được các thầy cô giáo đưa ra thảo luận ngay tại Hội thảo.

 

Sau buổi Hội thảo và nghe những giải đáp của GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, thầy Đinh Công Thắng, Hiệu trưởng trường Tiểu học Yên Thành cho biết: “Giáo sư đã giải đáp những vấn đề gặp phải của giáo viên rất đầy đủ và chính xác. Đây là những câu hỏi chung mà nhiều thầy cô đã gặp phải, có được câu trả lời xác đáng giúp chúng tôi giải tỏa được những áp lực trong quá trình triển khai SGK mới”.

Có thể nói sự đồng hành của các Tổng chủ biên với các GV ở các địa phương, cũng như sự đồng hành của phòng GD&ĐT với các GV trực tiếp giảng dạy, đặc biệt là sự tương tác có hiệu quả giữa thầy và trò ở Nam Định nói chung và phòng GD&ĐT Ý Yên nói riêng đã đem lại những hiệu ứng và kết quả thực sự trong quá trình dạy và học SGK theo chương trình mới đang được triển khai trên toàn quốc.

Sắp tới đây, Hội đồng Chủ biên sách Cánh Diều tiếp tục triển khai nhiều chương trình hội thảo nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình dạy học bằng Bộ SGK mới, nhất là đối với lớp 3, 7 và 10 lần đầu tiên được đưa vào giảng dạy chính thức trong năm học 2022-2023.

 

Phạm Quang Trường


Có thể bạn quan tâm