April 27, 2024, 10:57 am

TRIỂN KHAI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG LẦN THỨ XIII VÀO ĐỜI SỐNG VĂN HỌC: Để có nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật.

( tiếp theo và hết)

35 năm qua, đất nước đã có nhiều đổi mới toàn diện, đạt được những thành tựu mang tính lịch sử. Từ một nước nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu đã trở thành một quốc gia đang phát triển. Kinh tế phát triển khá cao, tình hình chính trị - xã hội ổn định, an ninh chính trị được củng cố, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tiềm lực quốc phòng được tăng cường, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao hơn bao giờ hết. Xu hướng hội nhập quốc tế ngày càng được tăng cường…

Hiện thực lớn lao đó là đề tài và cảm hứng sáng tạo của các nhà văn. Văn học nước ta đã có sự phát triển đột phá về đề tài, chủ đề, phương pháp sáng tác, phản ánh sinh động cuộc đổi đời to lớn của đất nước, mang được hơi thở của cuộc sống, có sức động viên to lớn đối với nhân dân ta. Dưới ánh sáng của đường lối đổi mới, tư duy sáng tạo được giải phóng, khơi dậy tiềm năng sáng tạo, trong đội ngũ đông đảo các nhà văn. Các nhà văn hăng hái đi vào cuộc sống mới, nắm bắt thực tiễn mới, hơi thở mới, nhân vật và vấn đề mới. Nhiều bút ký phóng sự ra đời phê phán những rào cản cũ kỹ, lạc hậu, cổ vũ cách nghĩ mới, cách làm mới gây hiệu quả xã hội sâu rộng. Các nhà văn đã nhiệt thành cổ vũ những nhân tố mới, những người dám nghĩ dám làm, dám thay đổi, làm nức lòng bạn đọc… Sau 35 năm tiến hành công cuộc Đổi mới, đất nước ta đã có sự phát triển vượt bậc, từ một nước nông nghiệp nghèo nàn lạc hậu thành một quốc gia đang phát triển.

Chúng ta đang đứng trước nhiều thời cơ và thách thức mới. Càng đi sâu vào thị trường chúng ta càng thấy rõ tính chất cạnh tranh quyết liệt cùng với những biểu hiện lợi ích nhóm, bè phái, chạy theo lợi nhuận đơn thuần. Càng đi vào công nghiệp hoá ta càng thấy sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, tài nguyên bị khai thác cạn kiệt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Càng đi vào hội nhập quốc tế chúng ta càng thấy sự cạnh tranh rất khốc liệt, cá lớn nuốt cá bé, giành giật tranh chấp thị trường. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng là một thời cơ lớn và là một thách thức nếu chúng ta chậm trễ. Sự phân hoá giầu nghèo đang có nguy cơ doãng rộng ra. Hơn nữa, đại dịch Covid-19 đang đe doạ tất cả nền kinh tế. Để đất nước tiếp tục phát triển, trước hết chúng ta phải khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, làm cho văn hoá thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống, thực sự là động lực là sức mạnh nội sinh quan trọng. Đồng thời, tập trung xây dựng con người Việt Nam thời kì đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát triển giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hoá, giá trị quốc gia – dân tộc. Ra sức phát triển đồng bộ các lĩnh vực văn hoá, môi trường văn hoá, đời sống văn hoá. Bảo tồn phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại đồng thời nâng cao chất lượng hiệu quả sáng tạo các gía trị văn hoá mới. Xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, văn minh gắn liền với đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, bảo vệ những giá trị Chân – Th iện – Mỹ. Nâng cao đời sống văn hoá của nhân dân, xây dựng đời sống văn hoá tươi vui lành mạnh, hạnh phúc. Khắc phục sự chênh lệch về trình độ phát triển và hưởng thụ văn hoá.

Phát huy vai trò chủ thể sáng tạo, chủ thể hưởng thụ văn hoá của nhân dân. Tôn trọng và bảo vệ biểu đạt đa dạng của văn hoá, của con người, của người dân, dân tộc, vùng miền; phát triển các phong trào văn hoá sâu rộng, thực chất, cải thiện điều kiện, nâng cao mức hưởng thụ văn hoá của nhân dân, đảm bảo công bằng. Đề cao phát huy vai trò tiên phong của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, của những người làm công tác văn hoá trong sáng tạo văn hoá, xây dựng con người Việt Nam. Chú trọng xây dựng Đảng về văn hoá, về đạo đức, đấu tranh đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, để Đảng thực sự là đạo đức là văn minh, tiêu biểu cho lương tri và phẩm giá. Xây dựng văn hoá trong lĩnh vực quản lý, phát huy vai trò nêu gương văn hoá của cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, đạo đức, phong cách văn hoá vô cùng cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nâng cao vai trò, năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu quả quản lý của Nhà nước, sự tham gia tích cực của Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong sự nghiệp phát triển văn hoá, xây dựng con người. Xây dựng môi trường văn hoá số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, làm cho văn hoá thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hoá, xây dựng thị trường văn hoá lành mạnh. * Trong tác phẩm Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội của Việt Nam Đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng viết: “Chúng ta coi văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, xác định phát triển văn hoá đồng bộ, hài hoà với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Nền văn hoá mà chúng ta xây dựng là nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, một nền văn hoá thống nhất trong đa dạng, dựa trên các giá trị tiến bộ, nhân văn. Chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội, kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của tất cả các dân tộc trong nước, tiếp thu những thành tựu, tinh hoa văn hoá nhân loại, phấn đấu xây dựng xã hội chủ nghĩa, văn minh, lành mạnh vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể hiện, lối sống và thẩm mỹ ngày càng cao”.

Trước yêu cầu xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, văn học phải phấn đấu vươn lên vượt bậc. Lấy cái gốc là truyền thống, đổi mới và tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại là để làm cho cái gốc đó ngày càng phát triển. Đó là một yêu cầu rất cao, đòi hỏi phải có quyết tâm và có bản lĩnh. Phấn đấu để văn học vượt lên một trình độ mới, nhiều khám phá sáng tạo, phản ánh sinh động tầm cỡ “công cuộc đổi mới” có tác dụng tích cực với con người. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII là ngọn đuốc soi đường cho nhân dân ta, đất nước ta vững bước tiến vào thế kỉ XXI, quyết tâm xây dựng đất nước ta thành một quốc gia thịnh vượng và phát triển. Nghị quyết là sự tổng kết thành tựu và kinh nghiệm sau 35 năm đổi mới đồng thời vạch ra lộ trình phát triển của đất nước ta với những dấu mốc lịch sử vẻ vang 2025, 2030, 2045. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định phát triển văn hoá phải tương xứng với chính trị, kinh tế, xã hội. Đó là một nhận thức và quyết tâm rất lớn và rất mới, làm cho văn hoá thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực và sức mạnh nội sinh quan trọng để phát triển đất nước. Văn học là bộ phận tinh tế nhất của văn hoá, có khả năng to lớn phản ánh trung thực và sinh động công cuộc đổi mới đất nước, cổ vũ nhân dân ta vươn lên trong sứ mệnh vẻ vang xây dựng đất nước ta thành quốc gia phát triển. Đó là tiền đồ tươi sáng của dân tộc. Đó cũng là tiền đồ tươi sáng của văn học. Đứng trước thời cơ và thách thức đan xen, chúng ta cần phát huy tinh thần tự cường, tự chủ, đem hết sức mình sáng tạo nên những tác phẩm có tầm khái quát cao về công cuộc đổi mới, những tác phẩm thấm nhuần tinh thần nhân văn dân chủ, có tác dụng sâu sắc xây dựng con người. Là thành viên của Mặt trận tổ quốc Việt Nam, chúng ta cùng phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, đồng hành cùng dân tộc, vững bước tới tương lai. Là một tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp, hơn bao giờ hết, các nhà văn cần nêu cao trách nhiệm trước Tổ quốc, trước nhân dân, gắn mình vào cuộc sống của dân tộc, tìm thấy đề tài, chủ đề, nhân vật để xây dựng nên những tác phẩm xứng đáng với sự mong đợi của bạn đọc. 

Nguồn Văn nghệ số 52/2021


Có thể bạn quan tâm