May 2, 2024, 9:27 pm

Trang văn thấm đượm tình quê

.

Trong số những nhà văn người dân tộc thiểu số (DTTS) đương đại có tầm vóc, không thể không nhắc đến tên tuổi nhà văn người dân tộc Tày Cao Duy Sơn, Phó chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật các DTTS Việt Nam.

Chúng tôi đã trò chuyện với ông, cốt để tìm ra “bí quyết” giúp ông nói riêng cũng như nhiều nhà văn là người DTTS nói chung thành công trên con đường sáng tác. Đối với ông, "bí quyết" không có gì cao siêu mà chỉ là những đúc rút chân thành, giản dị: Hãy viết về những điều mình quen thuộc nhất!

Phóng viên (PV): Ông là nhà văn đã dành cả cuộc đời cho đề tài miền núi và đề tài này đã mang lại cho ông nhiều giải thưởng, như: Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, Giải thưởng Văn học ASEAN... với những tác phẩm đã neo lại trong lòng bạn đọc, như: “Hoa mận đỏ”, “Chòm ba nhà” “Đàn trời”, “Chuyện ở thung lũng Cô Sầu”, “Ngôi nhà xưa bên suối”... Vậy ông có thể chia sẻ về những thuận lợi, khó khăn trong quá trình sáng tác?

 

Trang văn thấm đượm tình quê
Nhà văn Cao Duy Sơn. 

 

Nhà văn Cao Duy Sơn: Tôi chẳng có gì đặc biệt cả, những gì làm được đến nay chỉ là đã cố gắng vượt qua giới hạn của bản thân. Đó là thách thức, khó khăn lớn nhất đối với tôi. Tài năng có hạn, chỉ niềm đam mê giúp tôi tích lũy vốn sống, vốn kiến thức và ký ức từ những ngày thơ bé. Vùng đất nơi tôi sinh ra ở Trùng Khánh, Cao Bằng heo hút xa vời, nhưng thiên nhiên, tình người, những phong tục, tập quán đã trở thành máu thịt, nguồn cảm hứng để tái hiện trong trang viết.

 Tôi tự biết khả năng của mình, vừa phải thôi! Nhưng từ lúc nào cái nghiệp viết đã ngấm vào máu của mình. Vậy là tiếp tục “trò chơi” với những con chữ. Cứ chuyện quê nhà, với những con người đáng thương, đáng yêu, đáng ghét... sống bên nhau giữa không gian núi rừng, sông suối tự ngàn đời mà viết. Chẳng phải tìm đâu xa, đây là vùng đất mình gắn bó, thấu hiểu nhất. Những truyện ngắn, dài cứ thế được viết ra. Chẳng quan tâm bạn đọc sẽ khen chê ra sao, viết như giãi bày với lòng mình, được đối diện, gặp gỡ những người đang sống, cả người đã chết với câu chuyện cuộc đời họ. Họ đã dẫn tôi theo đến hôm nay. Tôi nhấn mạnh, cái khó nhất với tôi hiện nay là vượt qua giới hạn bản thân, không lặp lại những gì đã viết.

PV: Ngoài cách lựa chọn đề tài quen thuộc mà độc đáo, ông có quan niệm như thế nào về bút pháp nghệ thuật, đặc biệt là đối với tiểu thuyết?

Nhà văn Cao Duy Sơn: Khi viết, chất liệu ngôn ngữ trong tác phẩm của tôi luôn được chuyển dịch từ tư duy của người DTTS sang tiếng Việt với nghĩa tương đồng. Lúc này, chữ quốc ngữ trở thành phương tiện chuyển tải chất văn hóa thấm trong câu chữ. Cách đó giúp tôi dễ viết hơn. Chân dung, tâm lý nhân vật gần gũi, hiện thực hơn. Tôi nghĩ đó là cách viết đi từ trong ra. Đã gọi được suy nghĩ, tính cách, hành động con người mang sắc thái văn hóa vùng đất với bản chất vốn có.

Ở lĩnh vực tiểu thuyết, tôi từng thể nghiệm lối viết khác so với các tác phẩm trước mình viết, như “Chòm ba nhà”. Với tôi, người viết phải tự biết hạn chế và cái dở của mình mà tìm cách thay đổi. Nội dung, hình thức dù tiểu thuyết hay truyện ngắn cũng nên tiết chế câu chữ trong khi vẫn bảo đảm phản ánh được ý tưởng kết tinh gửi gắm trong đó.

PV: Được biết gần đây nhất, ông mới cho ra mắt tập truyện ngắn “Non cao rừng thẳm” được bạn đọc đón nhận và đánh giá cao. Vậy trong tương lai gần, ông sẽ đem đến bất ngờ gì cho bạn đọc?

Nhà văn Cao Duy Sơn: Tôi viết chậm lắm. Để hoàn thành tập truyện ngắn “Non cao rừng thẳm”, tôi đã viết suốt hơn 3 năm. Vẫn chuyện rừng núi thôi. Đó là vùng đất tôi thuộc từ khi chào đời. Vậy nên nếp ăn ở, suy nghĩ, tâm tính con người, rồi sông suối, núi rừng quê nhà luôn vọng trong tôi những ngày xa cách. Tôi viết từ hoài niệm, từ những tâm tình lắng đọng trong lòng những dịp trở về bên người thân, chòm xóm. Chuyện nay, chuyện xưa, buồn vui có cả. Gom góp, ấp ủ rồi viết ra. Mỗi khi viết là như được trở về quê nhà vậy. Chẳng biết hay dở ra sao, ý nghĩa gì với bạn đọc không? Mỗi khi viết xong một truyện thấy như được giải tỏa, nhẹ nhõm lắm. Hiện tôi đang viết một tiểu thuyết. Vẫn đề tài dân tộc miền núi thôi. Tới nay đã 3 năm rồi mà chưa xong. Với người viết, chẳng thể nói trước điều gì đâu. Không lặp lại những gì đã viết đã là cố gắng lớn rồi. Hay dở sẽ do bạn đọc phán xét. Họ tinh tường và công tâm lắm.

PV: Là người rất quan tâm đến văn học trẻ các DTTS, ông quan niệm như thế nào về đề tài miền núi trong văn học đương đại? Để phát triển văn học miền núi, người viết trẻ hôm nay cần chú tâm vấn đề gì?

Nhà văn Cao Duy Sơn: Các bạn viết trẻ dân tộc miền núi hôm nay đã có sự khác với nhà văn thế hệ trước. Điều đáng mừng, họ luôn trân trọng thành tựu của lớp cha anh, coi đó là niềm tự hào, là tấm gương, mục tiêu phấn đấu, dù đã có lối viết mới, mang tâm thế lớp người thời đại. Thời đại của những thông tin, kiến thức với không khí văn chương diễn ra sôi động khắp cả nước và thế giới. Những tác phẩm văn xuôi, thơ được viết ra tươi mới, trẻ trung từ hình thức đến nội dung, nhưng vẫn giữ được mối liên kết với nguồn cội dân tộc mình. Đó là bản lĩnh, lòng tự trọng của người viết trẻ DTTS hôm nay. Tôi tin rằng các bạn sẽ còn tiến xa và thành công. Cần thiết nhất lúc này là đừng bỏ phí thời gian. Phải tự thấy cái được, chưa được của mình mà thay đổi. Không ngừng viết, đổi mới cách viết để luôn làm mới tác phẩm. Trau dồi kiến thức bằng việc đọc nhiều tác phẩm văn học trong nước và nước ngoài, cả những gì liên quan đến công việc sáng tác. Đó là cách học, cách tích lũy vốn sống giúp mình tự tin trên con đường sáng tạo.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

XUÂN HÙNG (thực hiện)

Nguồn QĐND


Có thể bạn quan tâm