April 27, 2024, 9:28 am

Tôi quyết làm nhà văn thứ thiệt

Ba mươi lăm năm rồi, tôi canh cánh bên lòng một băn khoăn như một món nợ đời phải trả. Số là, gia đình ông Perking hàng xóm nhà tôi chuyển đi nơi khác, sau khi ông ấy ốm liệt giường gần một năm ròng. Trước khi lên đường mấy hôm, vợ ông ấy sang nhờ mẹ tôi nhận hộ ông bà số tiền bán nhà mà người mua sẽ mang tới. Bà Perking giao cho mẹ tôi một giấy ủy nhiệm nhận tiền, có chữ ký của hai ông bà hẳn hoi. Bà Perking nói là ông hay bà sẽ về nhận lại số tiền. Nhưng ông bà một đi không trở lại, cũng chẳng thư từ gì từ bấy. Mẹ tôi vẫn để riêng món tiền nhận hộ trong một ngăn tủ, dù cần tiêu đến đâu, cũng không đụng đến nó bao giờ.

Nhà tôi vốn không nghèo, bố là một nông dân giỏi, mẹ biết thu vén trong nhà ngoài ngõ. Kinh tế càng khá hơn từ lúc anh tôi đi làm. Anh là một thợ mộc khéo tay, thường đóng bàn ghế, hòm tủ, hay các vật gia dụng, theo yêu cầu các hộ khắp hang cùng ngõ hẻm. Do vậy, anh thường xuyên vắng nhà, lâu lâu mới về nghỉ một đôi hôm. Lần cuối cùng, anh viết thư báo trước cả tuần nhưng chờ mãi chẳng thấy đâu. Theo lịch trình ghi trong thư, anh về đến nhà vào chủ nhật trên một chuyến đò dọc cập bến lúc chín giờ tối. Xóm tôi nằm gần một con sông lớn, bến sông dốc thoai thoải. Xuôi xuống chừng hơn cây số là một vực sâu vừa đáng sợ vừa hút hồn.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi

Quá hẹn hai ngày, bố hỏi han, biết các chuyến đò vẫn đến hẹn lại lên. Như thế, tai nạn giao thông bị loại bỏ. Hàng tuần bố tranh thủ đi đây đi đó, nhiều người ở những địa chỉ xa nhau cho biết hoặc có thấy anh lên chuyến đò từ bến xuất phát, hoặc nhìn thấy anh ngồi trên con đò dọc, hoặc còn nghe anh chuyện trò vui vẻ đến tận bến Trior. Bố cứ lang thang mãi vào vô định, mỗi lần lên đường đều khấp khởi hy vọng, mỗi lúc về nhà lại thờ thẫn mất hồn. Sau chót, bà vợ ông lái đò bảo bố rằng bà nghe một đôi nam nữ trò chuyện suốt và chào nhau vui vẻ khi cô gái chia tay anh ở bến Urben, cách nhà tôi năm cây số. Cho nên, phần chắc anh tôi đã lên đò và đi về nhà. Vậy vì sao anh mất tích? Bố đã báo cảnh sát, nhưng bao năm trôi qua anh vẫn bặt tăm. Bố thương anh, nghĩ ngợi quá nhiều, suy kiệt dần. Bốn năm sau khi anh không về, bố ngã bệnh và tạ thế. Bố dặn mẹ con tôi cố tìm anh bằng được.

Bấy giờ, tôi mới chín tuổi. Mẹ phải lam lũ hơn nhiều. Một nỗi buồn khó tả hiển hiện không chỉ trên nét mặt mà dường như trong mọi cử chỉ của mẹ. Tôi thương mẹ vô cùng, hết sức học hành chăm chỉ và giúp mẹ trong các việc có thể. Gần như bản năng mách bảo, tôi học nghề báo và trở thành phóng viên của một tuần báo tỉnh nhà. Tôi đi làm được sáu năm thì mẹ qua đời. Lời trối trăng duy nhất của mẹ là tôi làm thế nào trả lại cho ông bà Perking số tiền rất lớn mà mẹ vẫn giữ hộ. Do nghề nghiệp, tôi đi đây đi đó rất nhiều. Đi đâu, tôi cũng dò hỏi về ông bà, nhưng càng hỏi càng thất vọng. Vài năm lại đây, tôi mở rộng địa bàn “điều tra” sang các tỉnh khác. Song cũng chẳng ăn thua.

Có điều, sau một thời gian chán nản tuyệt vọng, tôi như tỉnh ngộ và tin rằng thế nào cũng trả được món nợ ân nghĩa của các bậc đã cho tôi cuộc sống hôm nay. Năm nào, tôi cũng đưa vợ con du lịch ngoại quốc. Hè vừa rồi, chúng tôi đến bang Arizona, theo lời mời của một anh bạn Mỹ. Nhà anh nằm trong một vùng trồng bông nổi tiếng. Đáng ngạc nhiên, giữa bạt ngàn đồng bông vẫn tồn tại một cánh rừng nhỏ cây cối xanh rờn chen rất nhiều bướm hoa rực rỡ. Hai con tôi vừa xuống xe đã chạy ào vào rừng. Trong khi chúng đuổi bắt bướm, bạn tôi và tôi dạo chơi ngắm cảnh. Tôi cảm thấy thật dễ chịu. Bỗng một chiếc xe máy phân khối lớn đỗ xịch ngay đàng sau, khiến chúng tôi giật mình ngoái lại. Một ông già tầm bảy mươi tuổi xuống xe và tiến về phía chúng tôi. Ông đội mũ rộng vành như một cao bồi miền tây, dáng uy nghi như một bố già, da đỏ au trông thật vượng khí. Mắt ông hơi nheo, tuồng bị lóa nắng, nụ cười ngạo nghễ và tự tin, bàn tay vạm vỡ mân mê chòm râu cằm ngắn chớm bạc. Ông giơ tay xiết chặt tay bạn tôi rồi tôi. Phong thái thật đường hoàng. Ông nhìn thẳng vào mắt tôi và hỏi: “Cháu người Bỉ phải không?” - “Dạ phải” - “Vùng núi Sibirne?” - “Dạ đúng” - “Nhà cháu gần bến sông Trior phỏng?” - “Dạ gần. Chưa tới một cây ạ…”. Ông đột ngột ôm choàng lấy tôi, thơm mãi lên trán, toàn thân cố nén một cơn run mạnh. Im lặng một lát, ông già bảo: “Ta là đồng hương của cháu. Đúng là quả đất tròn. Nhà ta kia, mấy cái màu trắng cả. Bây giờ ta về làm cho xong việc đã. Tối hai cháu đưa cả mấy đứa nhỏ lại chơi nhá!”. “Tối nay cháu bận. Xin hẹn bác ngày mai, được chứ ạ?”.


Có thể bạn quan tâm