April 27, 2024, 5:02 am

Tố lốc nhân tâm và đạo đức

 

Cuốn tiểu thuyết Vùng xoáy của nhà văn Vũ Quốc Khánh dày hơn bốn trăm trang viết về chủ đề cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Ấn tượng đầu tiên khi đọc Vùng xoáy là độc giả dễ dàng nhận thấy nhà văn có một khối tư liệu và vốn hiểu biết khổng lồ về phong tục, tập quán và ngôn ngữ của người Giáy, người Dao, người Mường vùng miền núi nước ta.

Không chỉ ngôn ngữ, phong tục, tập quán mà cả tư duy nặng về hình tượng cụ thể, cách ví von trong đối thoại, trong quan hệ giao tiếp và cả trong cách nhìn nhận đánh giá con người cũng mang sắc thái của người dân vùng biên viễn. Nhiều trường đoạn tác giả còn sử dụng dân ca đặc trưng của dân tộc họ xuất thân nhằm khắc sâu tính cách thuần phác của nhân vật. Đây cũng là nét hấp dẫn thu hút người đọc khi thưởng thức tác phẩm.

Nhà văn Vũ Quốc Khánh từng là người làm công tác quản lý ngành chè nên trong tác phẩm của anh các giải pháp tổ chức sản xuất, mối quan hệ con người với các việc trồng trọt, thu hái và hiểu biết thiết bị máy móc chế biến chè đều được thể hiện sâu sắc. Với nguồn tư liệu phong phú về giống chè, cách trồng và chăm sóc, cách thu hái và bảo quản sản phẩm chè tác giả dễ dàng đưa ta từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Các tình huống anh đưa ra không bị nông cạn mà tự nó đủ sức thuyết phục. Tính cách đặc trưng mỗi nhân vật cũng nhờ đó được khắc họa sâu sắc. Hệ thống hình tượng nhân vật chính diện và phản diện được tác giả cấu trúc theo hình xoáy ốc, tạo ra vòng xoáy nghiền nát và nhấn chìm những âm mưu rác rưởi của những kẻ “đục nước béo cò” lợi dụng nền kinh tế thị trường. Nhờ đó chủ đề mà tác giả muốn thể hiện là giá trị tinh túy của những người chân chính đã thắng lợi trong cuộc đấu tranh với những mưu mô “lợi ích nhóm” của những kẻ rắp tâm lợi dụng việc “Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước” để trục lợi cá nhân được nổi lên rõ ràng. Tính chất gay cấn trong cuộc đấu tranh đó đã làm nên hình tượng đúng như tên gọi cuốn tiểu thuyết: Vùng xoáy.

Mâu thuẫn chính đặt ra ở đây được hình thành trong cơ chế quản lý của các doanh nghiệp Nhà nước giữa hai tuyến nhân vật đối địch nhau như sáng với tối, đen với trắng, là chính diện và phản diện.

Ở tuyến nhân vật phản diện:

Trước những cám dỗ về lợi ích quyền lực và vật chất mà cơ chế quản lý từ “kế hoạch hóa tập trung” đến “Giao quyền tự chủ cho giám đốc” tạo ra đã làm biến chất cán bộ. Tiền, quyền và gái là vòng xoáy xuyên suốt trong những đảng viên phản diện xa đọa. Tác giả Vũ Quốc Khánh tập trung xây dựng những nhân vật điển hình của thế lực này là Giám đốc Cấn Tùng Lâm, Chủ tịch công đoàn Thy Xuân cùng với con trai Cấn Tùng Cán, con gái Cấn Thanh Ánh của giám đốc. Họ được Nguyễn Thế Hiệp, Vụ phó một vụ thuộc Bộ chủ quản, hà hơi thổi ngạt, tiếp sức cho những phi vụ làm ăn ma quái, lợi dụng cơ chế “cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước” để mưu cầu độc chiếm Công ty chè Bảo Đường, độc chiếm những diện tích đất đai mầu mỡ mà những người lính qua các cuộc chiến tranh vệ quốc đã giành giật để giữ lại cho các thế hệ mai sau.

Bắt đầu từ nhân vật chóp bu là Nguyễn Thế Hiệp. Trước đây hắn ta được Thy Xuân giúp chiếm đoạt thân xác vợ đồng nghiệp, rồi chiếm luôn cả công trình khoa học của anh ta. Sau khi học Đại học tại chức bằng mưu mẹo luồn lách Hiệp đã trở thành tiến sĩ, vụ phó. Riêng Cấn Tùng Lâm ban đầu chỉ là một kế toán đội sản xuất. Nhưng “Nhờ nghề nghiệp mà Lâm biết được những bí mật về tài chính của nông trường trong việc cân đối kế toán, lại biết được những khoản quĩ đen để ngoài sổ sách chi phí cho Giám đốc cũ. Sự nhanh nhẹn mẫn cán có phần tinh quái của anh khiến ông giám đốc cũ phải e dè, nể nang. dần dần Lâm được giám đốc bố trí vào các chức vụ nhậy cảm, từ phó phòng tài vụ rồi kế toán trưởng nông trường. Thế là đương nhiên anh ta có chân trong thường vụ Đảng ủy . Mấy năm sau Cấn Tùng Lâm được đề bạt Phó Giám đốc”. Còn Cấn Tùng Cán được tác giả xây dựng là một ví dụ về cậu ấm, con quan. Y dám làm tất cả, chà đạp lên tất cả. Từ ngày có cơ chế quản lý mới Giám đốc Lâm thâu tóm mọi quyền hành vào tay mình thì Cán cũng được đà thay đổi. Mọi việc chỉ đạo sản xuất trong công ty Trưởng phòng kế hoạch Cao Đình Tạo vẫn phải lo, nhưng việc mua bán vật tư phục vụ sản xuất thì lại do Phó phòng Cấn Tùng Cán quyết định. Hình tượng “Trên nách tầu lá cọ xuất hiện một cây đa con. Cây đa ấy ban đầu còn lả lướt, nép mình trong bóng cọ. Hàng ngày nó được những tầu lá cọ che nắng, che gió, hứng mưa, xé những vụn lá, vụn tơ đã già cỗi của mình tạo thành mùn làm thức ăn, chắt chiu từng giọt sương làm nước uống cho nó lớn lên. Chẳng mấy chốc cây đa đã buông những chùm rễ dài, khỏe khoắn bao quanh thân cọ suốt từ ngọn đến gốc, lấn xuống đất tranh chấp thức ăn với rễ, vít ngọn không cho cọ trổ búp để cao lên. Mười năm sau cây đa ấy trở thành lực lưỡng bao kín thân cọ. Nó đã bóp chết cái cây đã nuôi nó khôn lớn…” đã nói lên dã tâm của Cán trong việc lợi dụng quyền lực của Lâm để thôn tính cả Công ty. “Sự ra đời của mô hình quản lý công ty cùng với việc giao quyền tự chủ cho giám đốc đã tháo gỡ nhiều khó khăn mà mô hình quản lý tập trung quan liêu bao cấp gặp phải, những điểm yếu của nó cũng đã bộc lộ, đó chính là sự độc đoán chuyên quyền của người cầm đầu công ty, sẵn sàng dùng quyền lực của mình làm thui chột những nhân tài, bóp nghẹt tự do, dân chủ của những người mà họ không ưa, không thích.

Cho đến khi Vụ phó Nguyễn Thế Hiệp cùng với Giám đốc Cấn Tùng Lâm định dùng ngàn cây vàng đã tham ô và dùng mánh lới để mua đứt xí nghiệp chè Bảo Đường thì mâu thuẫn đã lên đến tột đỉnh. “Thế là ông Giám đốc phải tiếp tục thực hiện những mưu mẹo từ nhào nặn những hợp đồng kinh tế mua bán sản phẩm, hợp tác với phóng viên, o ép công nhân, đảo lộn tổ chức, đến tác động vào giá trị cổ phiếu. Làm méo mó hình ảnh của công ty. Ngay cả ông cũng chưa hiểu những việc này bao giờ mới chấm hết”.

Còn tuyến nhân vật chính diện:

Trước hết qua mâu thuẫn địch ta, còn mất Vũ Quốc Khánh đã chứng minh sự rèn luyện để trưởng thành mạnh mẽ, sâu sắc và toàn diện một tuyến nhân vật chính diện là Hà Tuấn Quang sau này là công an phòng kinh tế tỉnh, Bùi Trần Huấn sau này là Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy cùng với Seo La, một nữ thanh niên dân tộc Giáy sau này là cán bộ Sở Thương Mại tỉnh. Những trường đoạn nói về quá trình trưởng thành của Quang, Seo La và Huấn; về sự hy sinh anh dũng của Chính trị viên Nguyễn Hồng Lam trên cao điểm 141 Lũng Vài để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, cũng như hình tượng Quang đã được kết nạp Đảng và phong hàm thiếu úy vượt cấp ngay giữa trận đánh là những hình tượng đẹp gây được xúc cảm trong lòng độc giả. Hình tượng Hà Tuấn Quang đã lăn lộn để điều tra ra việc Cấn Tùng Lâm cấu kết với nhà báo Minh Tuân phản ảnh sai giá trị vườn chè và nhà máy chế biến của công ty cũng như sự cấu kết với Công ty xuất nhập khẩu Trường Phát và Công ty Kim Thành nhằm thôn tính Công ty chè Bảo Đường là những trang viết công phu, giầu trí tuệ. Việc Quang tìm ra được mưu mô của Nguyễn Thế Hiệp và Cấn Tùng Lâm trong việc thuê Phan Lịch đóng giả người mua phần thoái vốn của Nhà nước là sự lao động nghiêm túc và sáng tạo của tác giả. Chắc chắn rằng phải là người am hiểu tường tận những ngõ ngách trong cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước tác giả mới có thể dựng nên bối cảnh đầy tính phức tạp này.

Trong tuyến nhân vật chính diện Vũ Quốc Khánh còn xây dựng nên nhân vật Bùi Văn Năm và Phạm Xuân Lãm sau trưởng thành là giám đốc và phó giám đốc Công ty chè Bảo Đường. Họ là những thanh niên trưởng thành dưới mái trường XHCN, có lý tưởng, được đào tạo bài bản, tinh thông nghiệp vụ và không bị những lợi ích tầm thường chi phối. Hình tượng Bùi Văn Năm vì am hiểu tường tận tính chất đất đai vườn chè đã đấu tranh với cán bộ Viện Nghiên cứu chè để người lao động không phải mất mấy chục triệu thuê họ xử lý bệnh rễ là một minh chứng. Chính nhờ năng lực của mình họ đã trở thành những người đi đầu trong cuộc đấu tranh với những thế lực đen tối muốn lợi dụng chính sách Nhà nước để chiếm hữu Công ty mà các thế hệ cha ông họ đã “bới đất lật cỏ, đánh gốc bốc trà” dựng xây nên.

Bên cạnh đó nhận thức về những yếu tố quan trọng tạo nên sự thắng lợi của quá trình sản xuất là kinh doanh cũng được tác giả đặc biệt chú trọng. Những nhân vật trí thức được đào tạo bài bản, có năng lực trí tuệ trong thương trường quốc tế như Seo La và Minh Nguyệt, con gái liệt sỹ Hồng Lam, là những người góp công sức không nhỏ trong việc tiêu thụ sản phẩm cho Công ty chè Bảo Đường được tác giả dụng công hình tượng hóa. Tất cả đã làm nên một chu trình khép kín trong sản xuất và kinh doanh đầy sự hiểu biết, khiến cho độc giả tâm phục trước những vấn đề tác giả đặt ra.

Đến đây thì mọi việc đã rõ ràng. Những nhân vật có nhân cách trong sáng, những người chủ thực sự của Công ty chè Bảo Đường đã trở thành những quan tòa và là những con người gánh vác toàn bộ sự phát triển của tương lai. Phương thức quản lý công ty sau cổ phần hóa của Bùi Văn Năm là một gợi ý đầy tính thực tế mà với một nhà quản lý kiêm nhà văn Vũ Quốc Khánh đã đặt ra có thể là một giải pháp hay để bạn đọc cùng suy ngẫm. Cách làm này như lời Vũ Quốc Khánh nói đã có người thực hiện thành công. Tôi tin đó là sự thực.

Nhiều vấn đề tác phẩm đặt ra nhưng chưa được giải quyết hoặc giải quyết chưa xong.  Đây chính là mạch sống. Trong cái hoàn hảo có cái chưa hoàn hảo, cần phải làm tiếp cho hoàn hảo. Việc nhân vật Nguyễn Thế Hiệp vẫn ung dung tồn tại, chưa bị khép tội là một minh chứng cho sự tồn tại của cái xấu vẫn luôn luôn ẩn hiện ở đâu đó trong cuộc sống, bất chấp sự tiến hóa của xã hội. Đó là thực tế khách quan mà Vùng xoáy muốn nhắc nhở mọi người.

Khép lại Vùng xoáy tôi với tư cách là độc giả đã nhận ra đầy đủ cơ sở thẩm mỹ để hình thành và phát triển tiểu thuyết mà Vũ Quốc Khánh đã sáng tác. Tác giả đã đạt được tính giáo dục thẩm mỹ khi mỗi nhân vật của anh đều có cuộc sống riêng, sống mãi và trưởng thành trong tâm tưởng mỗi người đọc. Vùng xoáy đúng là tố lốc nhân tâm - đạo đức trong xã hội. Chúng ta hãy đọc và cùng suy ngẫm.

Nguồn Văn nghệ số 43/2020


Có thể bạn quan tâm