April 26, 2024, 7:17 am

Tô Hoài cũng là một thi nhân

KỶ NIỆM 100 NĂM SINH NHÀ VĂN TÔ HOÀI (1920-2020)

Sinh thời, nhà văn Tô Hoài có kể với tôi là hồi trẻ ông có làm thơ. “Thanh niên sống trong thời tao loạn, có chút suy tư và học hành, thằng nào chẳng làm thơ…”, ông bảo thế, rồi đọc cho tôi nghe thơ Thâm Tâm, Nguyễn Bính - phải rồi, là Nguyễn Bính, như là các ví dụ cho cái khái quát thanh niên thời tao loạn… Ông bùi ngùi: cả Trần Mai Ninh nữa, Trần Huyền Trân nữa… thơ mấy ông ấy ảo vọng và trượng phu.

- Thế còn bác? Cái dòng thơ Nắng mưa thuộc xém da lưu lạc/ Vành mũ phong sương cát bụi đầy… rồi bác còn viết tiếp thế nào?

Tô Hoài tự nhiên chùng lại, có vẻ bẽn lẽn như trẻ trai mới chạm ngõ thi văn đàn:

- Ờ ờ, cũng có bài có vẻ được đấy, và nhiều bài vẩn vơ nữa. Mà lâu quá, không nhớ hết.

Chúng tôi cùng nhìn ra ngoài đường, thấy người đi lại thấp thoáng qua tán cây. Căn phòng ông ở là tầng trệt khu chung cư Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội, rõ ràng thế, mà sao cả tôi và ông cứ ngơ ngẩn như đang ở tại một làng thôn nào. Có phải là tại ông nhắc, đọc thơ của mấy nhà thơ trên? Hay là trước căn phòng này cũng có một mảnh đất nhỏ trồng rau, bao quanh nó là dậu cúc tần thâm thấp? Trẻ con lao xao đi học, mấy ông bà hưu trí đi tập thể dục về muộn đang ghé qua cái quán nhỏ cạnh phòng nhà văn ở mua đồ ăn sáng. Một bà ghé gương mặt ửng đỏ vào hỏi như chào:

- Mới sớm, cụ đã thưởng trà với ai nữa đấy?

Tôi chưa được gặp gỡ thật nhiều, thật lâu với những tác giả văn chương lớn. Nhưng nhớ lại những lần với Nguyên Hồng ở một quán nước nhỏ, với Hoàng Trung Thông tại một vỉa hè Hà Nội, với Bùi Hiển hay Tế Hanh, Kim Lân và Nguyễn Đăng Mạnh dọc một đoạn ngồi xe máy, rồi Tô Hoài, với Tô Hoài thì có nhiều lần hơn nữa (vừa có hẹn, vừa là ngẫu hứng,…). Từ đó dần dần nhận ra: Ở các vị này dường như ai cũng đã tự tạo ra được trường giao tiếp thật tự nhiên riêng, mà tựu chung, lại do họ - tự bản năng sinh tồn và viết, đã có một sự nhập hoà với người và cảnh quanh mình, bất kể người ấy, cảnh ấy có khi mới là lần đầu gặp nhau. Họ chỉn chu đến mức “khó tính” trong nghề, nhưng khi giao tiếp với nhân quần cần lao dân dã, thì đều cho ta nhận ra, thấu hiểu và vui vui về cái trường giao tiếp chan hoà ấy.

Đương miên man, tôi chợt nghe:

- Thế nào?

Nhìn gương mặt Tô Hoài tươi vui, ánh mắt cũng vui tươi sau cặp kính trắng rất hợp, tôi hiểu rằng, không phải là nhà văn hỏi vu vơ, nên dợm giọng:

- Từ dạo ấy nếu lão gia cứ làm thơ….

- Thì cũng có ông bảo tôi thế. Hãi bỏ mẹ!

- Tôi mà xa những câu chuyện vùng Bưởi với ven đô, thì chắc gì người ta còn nhớ nữa? Thơ mà hay là đỉnh, đố theo được, văn xuôi thì khác đấy.

- Một lần nào đó bác đã nói Người giòn cái tỉnh tình tinh cũng giòn mà. Xin bác cái ý này để đánh thành chìa khoá nữa…

- Này, các cậu có vẻ khoái khi dùng hình ảnh đại thụ với rừng cây nhỉ? Thế thơ là giống gì giữa thiên nhiên ấy?

Rồi chúng tôi hào hứng nói về sự toàn bích của Nguyễn Du với những tuyệt tác của Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Cư Trinh, sự đau đớn mà hào sảng của Nguyễn Trãi..., thấy ông ngồi im nghe, mắt lim dim thoáng chút lấp lánh. Ông buông một câu:

- Cậu chú ý đến mấy bụi cây có hoa dại lúp xúp nữa đi. Khối ông nghiên cứu cứ chạy theo các đỉnh cao mà tô vẽ đắp đậy mãi, khéo lại thành cái kẻ mượn gió bẻ măng ghé gẩm ăn theo.

Biết là Tô Hoài đang nhắc một chuyện cũng vui vui và hệ trọng, tôi chập chờn:

- Cứ ngỡ là lão gia mải viết, nghĩ rồi viết, không màng gì danh phận danh hiệu?

- Anh thử tìm cho tôi một người lao động cật lực mà không cầu lợi cầu danh xem nào… Khi gọi tôi - hay ai đó là anh, là Tô Hoài đã sẵn sàng “luận chiến”. Tôi học theo ông mà thủng thẳng:

- Dạ, ngỡ thế, khí không phải, cũng mong lượng cả bao dung…

Nhà văn chưa tha:

- Lứa tôi đi hết, gần hết rồi. Từ cụ Tố, ông Hoan, ông Tuân… danh phận tưởng đã ngon cả rồi… nhưng liệu sau này có ai phải xét lại không đấy?

Tô Hoài hỏi thế, tôi hiểu là ông rất vững tin, thì được đà mà thưa:

- Các vị ấy cũng là đỉnh cả. Đỉnh rồi, nên phải đứng một mình. Cũng có nhiều người cố theo, nhưng không theo được, nên các vị ấy lại phải đứng một mình… Còn văn của bác thì có thể theo được.

- Là sao? Nhà văn cắt ngang.

- Là bởi trong văn xuôi của bác dường như có đủ cả. Chẳng hạn: Viết về phong hóa hay thế sự, đều có giọng thơ, chất thơ… viết đối thoại chính trị - xã hội (như cái Chiều chiều với Ba người khác) căng lắm, lại vẫn thấp thoáng cái trào lộng tự giễu cợt của thơ mấy nhà thời trung cổ…

- Chỉ thế thôi ạ? Nhà văn nheo nheo cặp mắt tinh anh mà hỏi.

- Vâng, cái chất thơ trong truyện và ký của bác có lẽ lại do bản tính bản năng của con người bác, đồng thời, cũng là do bác có ý thức viết khác các văn thi gia cùng thời thì phải? Tôi thưa như vậy.

Tô Hoài đang đăm chiêu bỗng trở nên hồ hởi:

- Có nhẽ thế...

Tôi có thêm chìa khóa nữa, là sự đồng ý và gợi dẫn cụ thể hơn của nhà văn Tô Hoài.

Sau các lần như thế, tôi đã trình bày với nhà văn tiền bối về chất thơ trong văn xuôi của ông… Nhà văn nghe chăm chú, có đoạn ông bảo tôi ngừng lời để ông “đối thoại cho rõ hơn”; có nhiều khi ông hỏi:

- Ấy là cậu nghĩ ra thế, vậy có tay nào nghĩ như thế không?

Theo mạch chuyện tay đôi như cha với con, như bậc tiền bối với kẻ đi sau có may mắn nên mạnh dạn hơn mà nghĩ mà nói, tôi vỡ vạc dần, và viết ra dần, cái ý: Tô Hoài cũng là một thi nhân.

Chất thi nhân ở Tô Hoài (nhất là trong các trang Tự truyện hay dựng chân dung nhà văn nhà thơ ở tập Những gương mặt, và trong rất nhiều bút kí, với các truyện vừa…), thường bộc lộ ở nhiều trang và đoạn, ở lối cấu trúc của tác phẩm, và ở thật nhiều cách miêu tả cảnh quan, cách trình thuật những hồi ức - kỉ niệm… ví dụ thật vô vàn.

Chẳng hạn như đoạn này:

“Những con chim hải âu, vùng biển nào cũng có. Chẳng mấy khi đậu xa mà chỉ bay lang thang trong vùng. Ở Bãi Trước ngoài Vũng Tàu, hải âu lượn trên cột buồm thuyền đánh cá đậu trong vịnh rồi đuổi theo chiếc máy bay lên thẳng ra giàn khoan dầu tít ngoài biển Đông. Người Móng Cái gọi hải âu là con chim mố vốn rất phàm ăn. Trên bãi Gui-mi-la biển Bắc, trẻ con nghịch tung lên chiếc bánh mì. Đàn hải âu xấn đến, giơ chân, giơ mỏ, đỡ lấy, chuyền nhau, giật nhau, chén hết chiếc bánh ngay giữa trời.

Thế mà không hiểu sao, trông vẻ mặt và con mắt chim hải âu cứ thấy man mác buồn buồn. Hay là trước nơi trời nước bao la thường cho ta cảm tưởng ấy, hay là bởi những khi chiều muộn, hải âu mải miết xa xa trong mịt mù biển khơi.”

(Mải vui quên hết…, rút từ sách Tô Hoài, Tuyển tập văn học thiếu nhi, tập 2, Nxb Văn học, 1999, trang 139-140)

Vốn là người từng làm thơ, Tô Hoài không chỉ hiểu thơ, thích thơ, rất thạo trích dẫn thơ… nên khi viết/ nói/ đánh giá các nhà thơ (như Vân Đài, Thâm Thâm, đặc biệt là Nguyễn Bính và Trần Huyền Trân), ông đã vào vai một nhà phê bình tác phẩm, tác giả thơ rất chuẩn xác. Hơn thế, còn tự để cho người đọc thấy và hiểu được thật rõ mối thâm tình, sự trân trọng và cảm thương giữa các thi nhân với nhau.

Trong văn xuôi của Tô Hoài có nhiều đoạn nếu chép ra, giấu tên tác giả là ông đi, tôi đã làm thử, như một cái test thăm dò, thì cho thấy 2 kết quả là: 1, số đông, đều cho đó là những đoạn thơ văn xuôi thế sự; 2, rất ít người đoán ra đó là thơ văn xuôi của Tô Hoài.

Khi được gợi dẫn, thì số ít này ồ lên, chuyển thành số đông, họ thích thú tìm đọc thêm, và đều nói với vẻ ngạc nhiên: Đúng là, Tô Hoài viết thơ văn xuôi thật!

Đây là một đoạn rút từ truyện ngắn Xóm giếng ngày xưa của ông:

“Người ta ước ao lắm một trận mưa rào. Mưa rào xuống cho lòng hả hê và cho trời quang đãng. Những cái gì bực tức được gột bỏ. Trong khoảng mênh mông xanh nhởn kia sẽ phủ một không khí tốt lành và tự do. Trái đất chín nẫu này quẫy cựa dưới một cái mặt trời thui người, đương chờ một trận mưa sung sướng.

… Tôi cho rằng lúc này mà cứ ca ngợi xê dịch, tán tụng vẩn vơ cái thú đi lông bông là thất sách lắm. Ai không thích nhởn nhơ đi đây đi đó. Xưa nay, bài hát đáng hát nhất là bài hát giục lên đường. Nhưng lên đường đi đâu? Tuổi trẻ chúng ta bây giờ đi đâu? Đi đâu? Cất bước trong một buổi ban mai, nhắm cái phía chân trời mới đỏ thắm màu hi vọng, những người thanh niên bốn phương của đất nước! Chớ không phải giang hồ mà mắm miệng lôi cái vali cà khổ lếch thếch…

… Tôi hướng về những đốm nhà tránh nắng trong núi, nghĩ đến một phương trời nào rộng rãi tự do như núi cao. Tự do như sông dài. Cuộc sống có giả dối ngang trái trước mắt. Người ta tự nhiên trở về với nhau, khởi một cuộc đấu tranh mãi mãi.”

Đến đây, tôi xin nhắc lại: văn xuôi giàu chất thơ của Tô Hoài, tất nhiên, không chỉ có ở một số đoạn như vừa dẫn, mà có rất nhiều ở các chương/ đoạn nhà văn miêu tả cảnh quan hay kể lại các sự việc ông đã trải. Đó là thứ thơ gần với thơ của Nguyên Hồng, lại có vẻ bùi ngùi như của Nguyễn Bính… nữa.

Tô Hoài là một thi nhân.

Văn xuôi của Tô Hoài có chất thơ.

Thơ trong văn xuôi Tô Hoài cụ thể là thế nào, rất mong sẽ có dịp chúng ta sẽ trao đổi với nhau nữa.

Nguồn Văn nghệ số 42/2020


Có thể bạn quan tâm