April 26, 2024, 2:42 pm

Tình yêu thì còn mãi*

Khoảng mười lăm năm gần đây, tiểu thuyết Việt Nam nở rộ cả về số lượng và thăng hoa trong chất lượng. Số lượng thì đã rõ, nhưng chất thì ngoài cái “thấy tức thì” như Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Mẫu thượng ngàn, Đội gạo lên chùa… của Nguyễn Xuân Khánh, và hàng loạt những tiểu thuyết lên ngôi về đề tài lịch sử: như bộ ba tập Hồ Qúy Ly của Hoàng Quốc Hải, Nguyễn Du của Nguyễn Thế Quang v.v… và không ít các tác giả trẻ đang nổi lên giàu hương sắc trong làng tiểu thuyết Việt Nam đương đại. Có những tác phẩm của họ đọc ngay chưa thấy hết được giá trị thẩm mĩ của tác phẩm mà đòi hỏi phải có độ lùi thời gian để nhận rõ hơn, trong số này phải kể đến tiểu thuyết Lời thề Budapest của nhà văn Kiều Bích Hậu.

Lời thề Budapest có độ dày khá khiêm tốn - 200 trang, thể hiện theo lối viết truyền thống chương hồi. Câu chuyện xoay quanh đề tài tình yêu lứa đôi qua hai nhân vật chính Andras, chàng trai người Hungary sống ở thủ đô Budapest, và cô gái Việt Nam, nàng có cái tên là An, sống ở Hà Nội, Việt Nam. Nghe như “Hai đầu nỗi nhớ” do cách trở Đông - Tây, nhưng không gian chuyện hầu hết chỉ diễn ra ở thủ đô Budapest, Hungary. Điều ngạc nhiên với người đọc trong mối tình xuyên biên giới này không có nhân vật phản diện tay ba tay tư của chàng hoặc nàng nào khác khía vào mối tình của họ, mà vẫn hấp dẫn cuốn hút người đọc.

Tiếng sét ái tình qua tia nắng mùa xuân phản chiếu gương mặt và ánh mắt biết nói, tự tin, đẹp và rất gợi của An trong phòng hội thảo thơ Andras tại Hà Nội, đã hạ gục chàng trai Budapest. Andras thốt lên trong dòng đề tặng An tập thơ của mình: “Tặng An bằng tất cả tình yêu của tôi” đã đi hết hành trình tiểu thuyết Lời thề Budapest.

Họ nhận ra khi cả Andras và An, tên của hai người đều bắt đầu từ âm A. Đây là điều thú vị và như một cơ duyên đến với nhau. Rồi tiếp nối dày đặc những cuộc gặp gỡ thường xuyên ríu rít giữa hai người. Họ yêu nhau say đắm, nồng nàn, không thể không có nhau, mê say công việc, cùng nhau khám phá những danh thắng gắn với lịch sử văn hóa dựng nước và giữ nước của Hungary, được tái hiện thông qua mô tả, lời kể của Andras cho An nghe. Mỗi lần như vậy, hình ảnh, con người đất nước Hungary luôn quấn riết lấy An. Một đất nước với diện tích nhỏ, dân số ít mà có tới 15 giải Nobel. Và Andras, sừng sững trước cô như một người hùng, đã hoàn toàn chinh phục cô gái Hà Nội.

Đọc tiểu thuyết là đọc nhân vật và sự kiện. Nhân vật An, đến từ Hà Nội là nhà văn sống theo đam mê “dịch chuyển”, đi và viết, và khám phá thế giới qua trải nghiệm, và cũng khám phá chính mình để rồi không ngừng sáng tạo ra những tác phẩm văn học cho người đọc. An tự “xếp đặt” lối sống cho mình. Không ràng buộc vào “ý thức hệ gia đình”. Từ chối hôn nhân và sex, yêu mà không sex, thể xác không thuộc về nhau, không chiếm hữu nhau. Và đương nhiên không con cái, không gia đình. Đấy chính là “lời thề Budapest”.

Với nhân vật Andras nhà thơ người Hungary: Andras điển trai, thông minh và mạnh mẽ, Andras vừa có tố chất của một hiệp sĩ, pha chút hài hước, hóm hỉnh, một diễn giả, một nhà tổ chức, vừa nhân hậu và có tâm hồn mộng mơ mong manh của nàng thơ trong anh. Andras rất giỏi về công nghệ thông tin, lập trình máy tính, anh là chuyên gia đầu ngành của chuyên môn này. Cái “vô cơ” khô cứng, chính xác, căng thẳng của khoa học ở Andras lại được đắp bù dung hòa vào cái “hữu cơ” thơ ca mơ mộng trong anh, đã làm nên một Andras tự tin, tự chủ trong tình yêu xuyên biên giới của mình. Andras hội tụ những gì tinh tú của người Hungary, con người hiện đại thế kỷ này. “Không tưởng nhớ quá khứ, chẳng lo lắng tương lai, biết rõ mình là ai và làm điều mình muốn ngay lúc này. Sống căng từng phút cho hiện tại. Đó là được sống trong thiên đường do chính mình tạo ra, không phải thiên đường của bất cứ thánh nhân hay thượng đế nào cả”. Đây phải chăng là quan điểm sống, lối sống mới mà Andras hay lớp trẻ đang hướng tới? Thiên đường, hạnh phúc do chính mình, trong mình, sống theo sở thích đam mê mà mình muốn. Đấy chẳng phải là tự do cá nhân sao? Andras cũng tương đồng quan điểm lối sống của An. Và vì thế Andras là mẫu người mà An say đắm.

Nói đến “sự kiện” trong tiểu thuyết, ồ, nghe to tát quá, thực ra là những tình tiết truyện. Ở đây, những tình tiết được xây dựng qua các chương theo mạch lôgíc truyện, lôgic tình cảm. Thông qua các sinh hoạt ngao du thăm thú, khám phá nơi mình đến đều hướng đến khám phá văn hóa đất nước và con người Hungary và Việt Nam, cũng là hành trình khám phá chính mình: (Andras – An). Cả hai luôn bên nhau, gần gũi và luôn bùng nổ từ trường rung động thể xác, lôi kéo bản năng nhục thể tự nhiên của con người. Cả hai đều nhận ra họ không thể thiếu nhau. Không thể không thuộc về nhau, tần số đòi chiếm đoạt nhau tăng lên khi bản năng trong Andras và An trỗi dậy khó bề thoát ra được. Và đây là đỉnh điểm. Khi An trong phòng tắm, Andras hình dung ra: “Cô ấy hẳn đang trần truồng dưới màn tia nước li ti ấm áp… một vẻ gợi cảm mơ hồ trong mây, trong sương. Anh như tan chảy… Anh hít một hơi thật sâu, chặn khát khao điên dại muốn xô cửa phòng tắm lao tới ôm nghiến tấm thân ướt át thanh tân của cô, dùng đôi môi anh, lưỡi anh, bàn tay anh, tất cả, để tận hưởng từng mi li mét da thịt của cô”… Còn An: “hình như có một thứ đang sôi sục bên trong cô đòi giải phóng. Cô gắng dìm nó xuống, và cúi người lau tiếp đến hai cẳng chân. Khi lau lên đến đùi, cô ngừng lại, nôn nao. Giữa hai đùi cô dấp dính thứ gì đó bất trị từ bên trong đã lén rịn ra, cô đã không thể kiểm soát. Nó rịn ra nóng ấm ngay lúc cô chợt thấy Andras và ánh mắt của anh nhìn cô từ bàn bếp. Cho đến chết cô sẽ không quên ánh mắt thiêu rụi ấy”. Sau rất nhiều lần mô tả ham muốn sex, rồi cả hai cùng gồng mình vượt thoát, trung thành với lời thề. Mâu thuẫn truyện chính là sự đấu tranh nội tại của hai nhân vật An và Andras chống lại sex, chống lại bản năng nhục thể khi nó trỗi dậy.

“Nhân vật phản diện” chính là yêu mà không hôn nhân, thân xác không thuộc về nhau, không sex. Đề cao tự do cá nhân, cổ súy sống theo sở thích, đam mê của mình. Nó trái với truyền thồng nhiều ngàn năm nay của loài người. Nó được nhất quán trong tư tưởng tác phẩm. Nhưng có lúc nó cũng bị phân tâm, dao động qua chương “Nước mắt hữu cơ” khi gia đình Benedek, một gia đình mẫu mực trong truyền thống Hungary; “đông con được giáo dục rất tốt. “Quả là một gia đình đẹp như trong mơ! Lối sống hữu cơ của họ thật hấp dẫn. Liệu Andras thường xuyên lui tới thăm gia đình này, có bị cám dỗ bởi cuộc sống gia đình thông thường, ấm áp, vui vẻ này hay không”. Và cú rẽ bất ngờ khi Bella, cô vợ của Benedek, mẹ của năm đứa con khỏe mạnh, thông minh và rất ngoan này lại đang theo đuổi đam mê hội họa, dẫn đến quyết định ly hôn chồng, hồ sơ ly hôn đã xong, vấn đề còn lại là thời gian. Sự kiện bất ngờ đó đã khẳng định lại lập trường Lời thề Budapest. Qua tình tiết Bella, tác giả cho ta thấy sức cám dỗ của tự do, đam mê sở thích cá nhân, mạnh mẽ nhường nào. Liệu quan điểm này có trở thành lối sống phổ biến hay không? Nhưng đây là tiểu thuyết, và vì vậy nhà văn tha hồ tưởng tượng, sáng tạo ra những mẫu nhân vật mang hai chiều lô gic và phi lô gic, tạo ra không ít tranh luận, nhất là trong giới trẻ hiện nay.

Tôi đã bị thuyết phục hoàn toàn bởi giọng văn trong sáng, trôi chảy, đôi chút hóm hỉnh, giàu nội tâm. Tác giả như một phù thủy cao tay điều khiển các cung bậc cảm xúc nhân vật, diễn sex rất gợi mà tinh tế. Và khéo léo đến nghệ thuật sau mỗi lần tác giả “chuyển gam” tình tiết truyện.

Kết thúc tiểu thuyết, bằng cái chết của nhân vật An làm ta bất ngờ, đau nhói. Nhưng không bất ngờ về lô-gic truyện, về tư tưởng trong cuốn tiểu thuyết Lời thề Budapest mà nó hướng tới. Và cái phân tâm trong tôi, liệu “lời thề Budapest” trong tương lai có không nhỉ? Thời gian sẽ trả lời cho chúng ta. Nhưng một điều chắc chắn, tình yêu thì còn mãi. Ngay cả cái chết cũng không thể chia lìa lứa đôi.

________

* Tiểu thuyết Lời thề Budapest của nhà văn Kiều Bích Hậu, Nxb Văn học, 11/2021

Nguồn Văn nghệ số 16/2022


Có thể bạn quan tâm