April 27, 2024, 6:13 am

Tình Cha

Đêm đã về khuya, rất khuya, cả vùng quê mênh mang rơi chìm trong tĩnh lặng. Trong gian thờ căn nhà gỗ, dưới ánh sáng nhạt mờ của cây đèn nến, trước bức di ảnh của ông, tôi ngồi như vô định. Đã qua mấy tuần trăng rồi mà ở nơi đây, ngôi nhà này, không gian này… tất cả vẫn không thể quen nổi trong sự thiếu vắng của ông. Người đã ra đi nhẹ nhàng, thanh thản. Để lại trong lòng mẹ tôi, vợ chồng tôi, anh chị em chúng tôi, con cháu chắt chúng tôi, họ hàng quê hương làng xóm người thân bạn hữu xa gần bàng hoàng thương tiếc như không thể nào tin đã mất đi một người thân yêu nhất mực, một khoảng trống không có gì thay thế được.

Cụ Phạm Lục và hai cháu Phạm Quốc Sử, Phạm Hồng Mạnh (Ngày còn nhỏ ở quê) 

Bố tôi là Phạm Lục, sinh năm Kỷ Tỵ trong một gia đình nông dân ở làng quê có tên cổ xa xưa là làng Tử Tế. Chưa được mười tuổi ông đã mồ côi cha. Nhà nghèo mọi việc tang lễ an táng ông nội đều nhờ anh em chú bác bên nội, bên ngoại. Mẹ tôi kể lễ cải táng cho ông nội, bố tôi đứng bên huyệt mộ gào khóc “Các bác các chú ơi! Bao giờ mẹ con cháu mới trả được hết ơn nghĩa cho các chú các bác, cho bà con họ hàng…”. Mấy mẹ con ở ba gian nhà tre sát cánh đồng làng là đất công điền, các nhà có ruộng thường xếp nhờ mạ để tiện gánh xuống đồng cấy, nhà không có ruộng, bà tôi và các con làm thuê cuốc mướn cho nhà giàu trong làng đổi lấy bữa ăn hàng ngày. Bố tôi ở chăn trâu cắt cỏ cho người bác họ. Ngày đi làm tối về mẹ con trú dưới mái nhà không đủ che mưa nắng. Mấy chị em nghe lời mẹ hát ru để quên một ngày lao động mệt mỏi mà chìm vào giấc ngủ nhọc nhằn: “Cám ơn cái cọc cầu ao - Nửa đêm gà gáy có tao có mày - Cám ơn cái cối cái chày - Nửa đêm gà gáy có mày có tao…”. Những năm Ất Dậu đói kém, bà tôi, bố tôi, bác gái thứ hai và cô em sau bố dạt lên Hà Nội. Bà làm vú em cho nhà giàu, bác gái làm thuê công nhật. Bố tôi hơn chục tuổi khoác thùng trên vai đi bán kẹo khắp đường phố Hà Nội. Ông cũng tham gia đi quyên góp phát chẩn cho người cơ nhỡ để được hưởng thêm một nắm cơm mang về cho mẹ. Bác họ tôi nấu ăn cho trại lính cứ chiều tối lại hẹn em đứng ngoài hàng rào ném chuyển cho gói cơm cháy hay thức ăn thừa để mẹ con đùm bọc chia nhau… Nạn đói khủng khiếp năm Ất Dậu qua đi thật tàn khốc nhưng cũng thấm đậm tình làng nghĩa xóm. Người ở quê tha hương đều ôm ấp đùm bọc lấy nhau, lá rách đùm lá rách “một miếng khi đói - một gói khi no”.

Làng Tử Tế có lịch sử hình thành và phát triển từ những ngày Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa. Truyền thống anh hùng của tổ tiên bao đời tạo nên cốt cách của người Tử Tế. Phong trào cách mạng như luồng gió mới thổi về. Bố tôi được lớp đàn anh dìu dắt, với nhiệt huyết của tuổi thanh niên hăng hái tham gia hoạt động trong các đoàn thể cách mạng ở địa phương. Từ cán bộ đoàn thanh niên cứu Quốc, làm thông tin tuyên truyền, cán bộ thuế nông nghiệp, tham gia du kích làm chính trị viên thôn đội. Nhớ những buổi tối cả nhà ngồi chơi uống nước, tôi thường chen ngồi nghe ông và các bác các chú kể lại những năm tháng cam go ác liệt trong kháng chiến chống Pháp, quân dân ta cùng bộ đội đại đoàn Đồng Bằng đánh giặc. Bố tôi say sưa kể chuyện chị Nguyễn Thị Chiên (được tuyên dương anh hùng quân đội 1952) nữ du kích xã Tán Thuật bị địch bắt mang đi xử bắn hiên ngang trước kẻ thù, chuyện Bộ đội ta bí mật đưa một đại đội về đóng quân ở chùa Làng diệt ác, phá tề… Mẹ tôi kể có lần giặc càn bố mẹ phải xuống hầm bí mật, địch lùng sục ngay trên nóc hầm, cô em thứ là du kích ba ngày dưới hầm bí mật, khi địch rút suýt ngất lả vì kiệt sức không được ăn uống. Cô em út làm giao thông liên lạc, được kết nạp đảng mới 18 tuổi. Sau kháng chiến chống Pháp các đảng viên lớp đàn anh được tặng thưởng huy chương kháng chiến hạng Nhất, Bố tôi được tặng huy chương kháng chiến hạng Nhì và gia đình bà nội tôi, cụ Vũ Thị Hồi, được Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng tặng bằng khen “Đã góp công, góp sức trong công cuộc kháng chiến lâu dài và anh dũng của dân tộc”.

Hòa bình lập lại năm 1954, bố tôi cùng các cán bộ của địa phương là những hạt nhân nòng cốt trong hoạt động xây dựng quê hương. Ông làm cán bộ bình dân học vụ, làm cán bộ tín dụng. Ông quyết tâm học chữ quốc ngữ qua các lớp bình dân học vụ và đã hết cấp I - cấp II, bổ túc. Ở lĩnh vực nào ông cũng tận tụy hết lòng nên uy tín của ông được cấp ủy Đảng, nhân dân đánh giá cao. Năm 1966 ông được cơ cấu vào lãnh đạo cán bộ xã và làm Phó chủ tịch Ủy ban hành chính kiêm Trưởng Công an xã Thanh Tân. Trụ sở Ủy ban hành chính xã là nhà xây 5 gian lợp ngói tây bên cạnh ngôi chùa có cây đa cổ kính xum xuê trong vùng. Chính giữa lan can hiên trước ủy ban là dòng chữ “Cần - Kiệm - Liêm - Chính. Chí - Công - Vô - Tư”. Phía bên trái hai chữ “Đoàn kết”, đối diện bên phải hai chữ “Kỷ luật”. Học trường Đảng của Tỉnh ở Châu giang, huyện Đông Hưng, là học viên xuất sắc được tặng tấm ảnh chân dung Bác Hồ có lời phê tặng và dấu đỏ của trường, ông về tìm mua lại một khung gỗ lồng kính treo trang trọng giữa nhà, ông vui và tự hào lắm. Hình ảnh bố tôi hàng ngày trên chiếc xe đạp Liên Xô đã xuống khung cho dễ đi, với tác phong giản dị, chiếc cặp giả da màu vàng đã sờn mà tôi biết trong đó chứa đầy công văn, chỉ thị của cấp trên, văn bản nghị quyết và cả tập biên bản dày cộp in theo mẫu ghi chép tình hình an ninh, chính trị, về trật tự xã hội trong thời chiến, cả những sơ đồ hầm hào phòng không các trường học trong xã…

Khi làm Phó Chủ tịch hay Chủ tịch Uỷ ban hành chính xã, công việc điều hành của ông rất công minh với nhiệt tính cách mạng của lớp cán bộ đảng viên đã trải qua kháng chiến thời ấy, ông là người kiên quyết đấu tranh với những việc làm sai trái, quyết liệt với đối tượng ngoan cố vi phạm đạo đức pháp luật, cũng là người trực tiếp xử lý những công việc nhạy cảm trong thời chiến mà không ít người khác còn ngại. Ông nhiều lần thay mặt lãnh đạo và nhân dân xã đến thăm và tặng quà, mang lương thực vật chất hỗ trợ cho bà con quê hương đi xây dựng kinh tế mới ở các tỉnh vùng núi Thái Nguyên hay tận các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Đến nay mọi gia đình đều khá giả về kinh tế và cùng hướng về xây dựng quê hương yêu dấu. Những việc liên quan tới người dân, ông tận tình hướng dẫn và giúp đỡ, có nhiều người cảm ơn tấm lòng bao dung độ lượng của ông, tặng chút quà quê, ông vui vẻ cảm ơn, nhưng vật chất ông gửi đến tận nhà trả lại. Hàng mấy chục năm làm cán bộ, hơn mười hai năm làm Phó Chủ tịch - Chủ tịch xã nhưng tận đến khi ông nghỉ hưởng chế độ hưu tại địa phương vẫn ở căn nhà gỗ xoan thấp nhỏ làm từ những năm 60 lợp ngói xi măng phải phủ những tàu chuối khô lên mái không che được trời nắng nóng mùa hè và giọt nước hắt khi có gió mưa.

Làm cán bộ của địa phương nhưng ông vẫn là một người nông dân của đồng bằng quê lúa. Những ngày không họp hành hay giải quyết công việc, ông ra đồng cùng cày ruộng, gặt lúa và bao công việc đồng áng cùng xã viên hợp tác. Những chuyện vui tiếu lâm bố tôi kể làm mọi người cười vui cả góc cánh đồng xua đi bao mệt nhọc giữa cái nắng mùa hè. Ông cũng rất chú trọng cùng dân làng lo toan gìn giữ di sản tâm linh văn hóa bao đời của ông cha để lại, là trưởng ban vận động thiện nguyện công đức xây dựng lại Quang Mô Tự Chùa làng, xây lại Đình làng, động viên con cháu công đức xây dựng cổng làng. Ông cùng các cụ cao niên trong làng đầu cuốn khăn Điều cùng ba con em thành đạt đặt lễ cất nóc tôn tạo Miếu làng thờ Nhị vị Thành hoàng có công cùng Hai Bà Trưng đánh giặc giữ nước; cùng họ hàng chỉ đạo con cháu xây nhà thờ họ... Bài thơ Giỗ Tổ ông đọc nặng tình cảm quê hương dòng họ như hồn người ở đâu cũng ấm áp cội nguồn: “… Nhớ ngày giỗ Tổ hàng năm/ Họ hàng gần gũi, xa xăm tìm về/ Người thành thị kẻ nhà quê/ Họ trăm năm vẫn bậc bề dưới, trên/ Trước bàn thờ Tổ trang nghiêm/ Cháu con trầm nặng như quên cõi đời/ Sang hèn sướng khổ đầy vơi/ Cùng sinh từ một kiếp người mà ra/ Tháng năm hương khói nhạt nhòa/ Ảo mơ hình bóng ông bà tổ tiên/ Bao đời đói gạo thiêu tiền/ Chữ Nhân chữ Đức vẫn truyền đời sau/ Đi từ cội khổ nguồn đau/ Họ nhà giờ đã có giàu có sang/ Người đi xa rạng tiếng làng/ Kẻ ở quê vẫn đàng hoàng nhà quê/ Nhân sinh trăm nẻo bốn bề/ Vẫn dành riêng một lối về ngày xưa…”.

Mẹ tôi là Đỗ Thị Thế, thời còn trẻ là người con gái nết na trong làng, vốn hay lam hay làm với nét duyên dáng phúc hậu bà được nhiều nhà để ý và đánh tiếng dạm hỏi xin về làm dâu. Vậy nhưng bà ngoại và các bác quyết gả mẹ cho bố tôi. Mẹ tôi là người tham công tiếc việc, ngoài việc đồng áng theo điểm hợp tác xã bà còn quang gánh mòn vai đi gánh rau về mua thóc xay làm hàng xáo, gạo thì bán có cám nuôi lợn, tiếng xay lúa và tiếng giã gạo chày chân là bản nhạc vui quen thuộc các buổi tối nhà tôi. Từ bàn tay lao động trai sần, những chi tiêu dè sẻn chắt bóp được, khi vợ chồng chị gái cả sống ở tỉnh Yên Bái và chị gái thứ hai ở tỉnh Phú Thọ giúp sức, bố mẹ tôi đã làm được 5 gian nhà vừa phải bằng gỗ xoan rừng lợp mái rạ ấm cúng thay cho 3 gian nhà nứa dột nát…

Mùa hè năm 1971, chiến tranh ác liệt ở cả hai miền Nam Bắc, tôi mới 16 tuổi học hết lớp 9 đang nghỉ hè ở quê, bố thì đang học trường Đảng của tỉnh. Trước nhu cầu tuyển quân để chi viện cho chiến trường ông động viên tôi vào bộ đội. Vậy là không kịp chia tay bạn bè trường lớp, không chờ có lệnh gọi nhập ngũ, tôi cùng các anh thanh niên tập trung ở sân kho hợp tác xã Thống Nhất để xuống phố huyện làm lễ giao quân. Được cử thay mặt cho anh em cùng nhập ngũ phát biểu cảm tưởng, tôi đọc luôn câu thơ ghi dưới bức tranh cổ động trong Hội trường “Măng non kế tiếp tre già/ Đời con nối tiếp đời cha diệt thù” làm cho ông sáng nét tự hào trên mặt.

Chúng tôi vào đơn vị huấn luyện tân binh để bổ sung chi viện cho chiến trường, ông đến nơi đóng quân xin cán bộ cho tôi sang nhà một người bạn ở xã Quỳnh Vân đang học trường Đảng với ông, nhờ gia đình làm cơm để bố con tôi hàn huyên tâm sự. Tôi biết là ông thương và lo cho tôi sức học trò vừa rời ghế nhà trường có chịu được những khó khăn vất vả khi vào bộ đội hay không… Năm 1976 em trai tôi học xong cấp III đã thi đỗ đại học Y Hà Nội, thế nhưng ông động viên em vào ngành công an đang có nhu cầu tuyển dụng đào tạo cán bộ. Trong mỗi bước đường công tác rèn luyện hai anh em được bố luôn chỉ bảo căn dặn mong sao các con hoàn thành nhiệm vụ, phấn đấu tiến bộ, nhưng phải tu dưỡng đạo đức để gần gũi đồng đội, gắn bó với quê hương làng xóm. Tới khi cả hai anh em chúng tôi đã là cán bộ cao cấp của lực lượng vũ trang, và người cháu gọi ông là chú đã được phong quân hàm cấp Tướng, ông vui lắm, nhưng vẫn luôn dõi theo từng bước trưởng thành, căn dặn đủ điều trong công tác, trong cuộc sống. Ông nói với vợ tôi “Đã là cha là mẹ thì phải lo cho con cái”. Khi vui ông bảo mẹ tôi “Sống hơn 90 tuổi ở làng này bà là sướng nhất vì chỉ có bà là có ông cùng Bách niên giai lão”… Tình yêu thương của các cụ chắc hẳn thật đằm thắm nống nàn hơn 73 năm, từ thanh xuân đến tuổi bạc đầu chăm cho nhau từ miếng cơm hớp nước, thuốc thang lúc ốm đau.

Là sự trùng hợp hay vía lành của bố mẹ mà chúng tôi và các con cháu đều là cán bộ Quân đội và ngành Công An hệt như các con của cụ. Những ngày về quê quây quần bên bố mẹ, các cụ giờ đã có thêm chắt nội, chắt ngoại. Ngày lễ Tết, ngày nghỉ, gia đình chúng tôi về quê, các con cháu chắt quây quần đủ cả “Tứ đại đồng đường”, thật là đầm ấm hạnh phúc. Anh em bạn bè, khách đến nhà chơi thường đùa vui là nhà chúng tôi có hai “Bảo vật quốc gia”.

Bố tôi đột ngột ra đi về cõi vĩnh hằng vào chiều ngày 17 tháng tư năm Tân Sửu. Cụ về nơi Bồng lai tiên cảnh nhẹ nhàng thanh thản như đi chơi ở đâu xa vậy. Sống trọn vẹn cả đời người 94 tuổi, người Đảng viên lão thành đã 6 lần nhận Huy hiệu Đảng, suốt đời không mệt mỏi hoàn thành các nhiệm vụ của Đảng và nhân dân giao phó. Cây đại thụ tỏa bóng mát lành của gia đình chúng tôi, cho gia đình, họ hàng, quê hương làng xóm đã sống hết mình như đã cháy đến giọt năng lượng cuối cùng của đời người. Khi cụ mất, chiếc ví đặt gối đầu giường không có tiền bạc gì mà chỉ có tấm thẻ Đảng và thẻ hội viên Cựu chiến binh, “tài sản” cuối cùng gắn bó bên ông đến lúc an nhiên đi vào giấc ngàn thu.

Bố tôi yên nghỉ ở nghĩa trang quê nhà. Hàng ngày mộ bố vẫn ấm khói hương con cháu và dân làng thắp. Có người vừa thắp hương vừa thầm khấn: “Kính thưa hương hồn cụ, cụ còn sống đã che chở thương yêu giúp đỡ chúng con khi làm việc xã việc làng như thế nào, nay ở cõi âm, cụ linh thiêng phù hộ cho chúng con cũng vẫn như thế...”

Làng Tử Tế, ngày 01 tháng 6 năm Tân Sửu

Nguồn Văn nghệ số 35+36/2021


Có thể bạn quan tâm