April 26, 2024, 10:39 pm

Tìm thấy 3 bức tranh của gia đình cố nhà thơ, họa sĩ Bàng Sĩ Nguyên

Đồi Nghệ Sĩ hôm nay có một sự kiện đặc biệt. Đó là lễ giỗ cụ Bàng Sĩ Nguyên – cố nhà thơ, nhà văn, họa sĩ nổi tiếng một thời. Đây là lần giỗ thứ 6 của cụ, nhưng là lần đầu tiên làm giỗ ở Đồi Nghệ Sĩ.

Niềm vui khôn xiết khi 3 bức tranh của gia đình họ Bàng được nhà sưu tầm tốt bụng trả lại đúng ngày hôm ấy.

Nhà thơ, họa sĩ Bàng Ái Thơ, con gái cụ Bàng Sỹ Nguyên nói: Cách đây nhiều năm, chị từng sống một mình. Khoảng hơn 10 năm, trước khi có chuyến công tác ở Trường Sa, chị nhờ một người bản địa ở gần đó trông coi giùm nhà cửa và khu vườn.

Không ngờ người mà chị tin tưởng ấy lại nổi lòng tham: Anh ta bán cây, cắt gỗ. Chưa dừng ở đó, anh ta còn dẫn người lên gạ bán hết những tài sản trong gia đình chị, từ giường tủ tới đồ dùng xoong nồi, bát đĩa… lại còn có thêm kẻ gian khác làm giả chữ ký, giấy tờ mua bán đất để lừa bán cả đất của chị. Điều chị Thơ đau buồn nhất là trong số những thứ bị anh ta bán đi, có cả những tác phẩm nghệ thuật của những người thân trong gia đình.  

Khi chính quyền xã liên lạc với chị để xác nhận về việc bán đất thì chị mới vỡ lẽ, hóa ra chị đã tin lầm người.

*

Nhà thơ, họa sĩ Bàng Sĩ Nguyên xuất thân trong một gia đình trí thức, dòng dõi triều Lý. Ông sinh ra ở phố Thuốc Bắc (Hà Nội, được học chữ Hán, chữ La tinh, tiếng Anh, tiếng Pháp.  

Theo đánh giá của các bậc tiền bối, nhà thơ, họa sĩ Bàng Sĩ Nguyên là người đa tài, học rộng. Tuy nhiên, ông chính trực, yêu nghệ thuật, không ham nổi tiếng và sống vì đam mê. Cho nên sinh thời và ngay cả bây giờ không nhiều người biết tới ông. Bàng Sỹ Nguyên độc hành trên con đường nghệ thuật, không ngừng khám phá, nghiên cứu tìm ra hướng sáng tạo nghệ thuật mới.  

Ông nghiên cứu sâu về hội họa và 2/3 thời gian lao động của ông là vẽ và vẽ. Đa số đề tài cho những họa phẩm đều xuất phát từ thơ, nhất là Truyện Kiều. Ông đã để lại cho con cháu và các thế hệ đời sau khoảng 3000 bức tranh, nhiều tập thơ và truyện. Hiện họa sĩ Bàng Sĩ Nguyên có 5 bức tranh được trưng bày tại Viện Bảo tàng Mỹ thuật ở Tokyo Nhật Bản. Một số tác phẩm được các nhà sưu tập lưu giữ. Một số bị mất cắp, thất lạc…  

Nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình Đỗ Ngọc Yên đặt cho nhà thơ, họa sỹ Bàng Sĩ Nguyên biệt danh là “Kỳ nhân Phủ Lạng Thương” – Ông giải thích: “Sở dĩ tôi dùng hai chữ kỳ nhân, một cụm từ ghép Hán-Việt không cố định gồm hai từ có nghĩa độc lập, tức là người tài để nói về nhà thơ, họa sĩ Bàng Sĩ Nguyên vì họa sĩ họ Bàng là người duy nhất vẽ tranh bằng 10 ngón tay trên mọi chất liệu, chứ không vẽ bằng cọ (bút vẽ) như hầu hết các họa sĩ ở nước ta và trên thế giới từ cổ chí kim. Cũng vì thế, tôi mạn phép vong linh cụ, đặt cho cụ biệt danh là kỳ nhân”.  

Nhà thơ, họa sĩ Bàng Sĩ Nguyên từng được mời đi nghỉ và tham gia trại sáng tác thuộc vùng Hắc Hải (Liên Xô). Ở trại sáng tác Hắc Hải, một người bạn Do Thái có nói với Bàng Sĩ Nguyên: “Ông làm thơ để làm gì, trong khi tranh ông lại đẹp như thế”.  

Hồi hai mắt ông bị mù (do khóc nhiều từ cái chết đột ngột của em trai), mặt bị băng kín do phải chữa trị, ông vẫn yêu cầu con trai là họa sĩ Bàng Sĩ Trực căng toan lên để vẽ, ông vẽ trong bóng tối mà vẫn thành một bức tranh với đầy đủ bố cục, màu sắc. Ông vẽ không cần nhìn, không cần mở mắt mà vẽ bằng cảm nhận tiềm thức, sự tinh túy nơi tâm hồn.  

Lối vẽ của ông thiên về ẩn dụ, vừa thực, vừa ảo như dẫn dắt người xem đến với một thế giới phiêu linh. Ngôn ngữ thi họa mang âm hưởng của tâm tính, thông qua những nét buồn vui trong cuộc sống. “Ôi thực đã có biết bao nhiêu tinh thần nhân văn trong tác phẩm của cụ Bàng. Tôi rất xúc động trước sự gợi cảm của những “công trình” nghệ thuật này”- Daniel De Rudde (Viện Trao đổi Văn hóa Pháp).  

*

Ký ức của chị Thơ về cha mình là những tháng ngày ông miệt mài đọc sách, vẽ tranh và viết văn. Ông chăm chỉ, miệt mài làm việc, sáng tác ngay cả khi ốm. Với ông liều thuốc chữa lành bệnh nhanh nhất là làm việc.  

Chị Thơ kế thừa ở ông sự mạnh mẽ, sức làm việc hiệu quả. Ông chính là người thầy đầu tiên và duy nhất khai mở chị đến với văn chương nghệ thuật. Trong mắt chị, ông là thần tượng, là người cha đáng kính. Ông để lại cho các con giá trị tinh thần - nội lực của mình là lòng đam mê hết mình vì nghệ thuật.

*

Lim, con trai chị Bàng Ái Thơ - tháng 11/2021 lên sống tại ngôi nhà tròn dưới chân Đồi Nghệ Sĩ. Tại đây Lim có kết giao thân tình với nhà thơ Mạc Khải Tuân (bạn học của chị Thơ) quê ở Ninh Bình, vì yêu mảnh đất này nên bán nhà ở thành phố Ninh Bình lên Ba Vì vui thú điền viên 2 năm nay.

Trong một lần sang chơi với nhà thơ Mạc Khải Tuân, Lim vô tình được biết anh Nguyễn Đình Điển. Trò chuyện một hồi lâu, Lim vô tình khám phá ra câu chuyện xưa cũ. Anh Điển (người ở Văn Điển, Hà Nội) kết hôn với một cô giáo người Mường ở Ba Vì, từ đó anh chuyển lên đây sinh sống.

Anh Điển kể: 10 năm trước có một người hàng xóm dẫn lên thăm ngôi nhà đá mà anh ta được uỷ quyền trông coi ở gần đỉnh Đồi… “Chú xem ở đây có đồ đạc, nồi niêu xoong chảo… ưng cái gì anh bán cho giá rẻ. Chủ nhân ngôi nhà này là một người đi công tác ngoài Trường Sa chết rồi, con của người đó thì đã đi Mỹ không về nữa. Trên này giờ bỏ hoang và anh toàn quyền xử lý.” – Anh ta nói với anh Điển.

Nghe thấy vậy, anh Điển đáp lại: “Ô, thế à. Tội nghiệp họ quá. Nhưng mà em nghĩ, họ mất rồi mà mình dùng lại những thứ nồi niêu xoong chảo… của họ thì thật không phải. Em là người có chút duy tâm. Để em làm chút lễ, rồi em xin phép mua lại 3 bức tranh…”. Anh Điển về nhà, sau đó trở lại ngôi nhà đá mang theo hoa quả thắp hương, xin phép người đã khuất để lấy tranh về.

*

Anh Điển bấy giờ mới vỡ lẽ, 3 bức tranh mua được năm xưa chính là của những người thân trong gia đình của cố nhà thơ, họa sĩ Bàng Sĩ Nguyên. Họ vẫn đang hiện diện ở ngôi nhà đá và hôm nay tổ chức ngày giỗ lần thứ 6 của cụ. Anh Nguyễn Đình Điển cùng với người bạn tâm giao là nhà thơ Mạc Khải Tuân quyết định sang ngôi nhà đá, gặp gỡ chị Thơ và tận tay trao lại 3 bức tranh năm xưa.

Niềm vui vỡ òa, chị Thơ rưng rưng nhận lại 2 bức tranh của gia đình, còn 1 bức do chị vẽ thì chị tặng lại anh Điển - một người sưu tầm tốt bụng đã gìn giữ và bảo quản tác phẩm 10 năm qua.

“Xin cảm tạ người có tâm! Xin cảm tạ tấm lòng hào hiệp của vợ chồng anh Điển!” – Bàn tay nâng niu, chạm vào những bức tranh đã phủ màu thời gian, chị Thơ xúc động khó nói thành lời.

Nhắc đến người cha đáng kính, ánh mắt chị Thơ bừng sáng “Bụt chùa nhà không thiêng. Ai thì tôi không biết, chứ riêng tôi thì tôi kính phục bố vô cùng. Tôi có thể đọc thơ ông, ngắm tranh ông vẽ và nghe ông giảng cả ngày không biết chán”.  

Trong số những câu chuyện kể có chi tiết “Khi tôi đưa ông tới ngọn đồi ở Ba Vì này, ông nói đây là vùng đất linh thiêng, tụ điểm tinh túy văn hóa. Rồi tự tay ông đặt 3 hòn đá làm nền móng dựng lên căn nhà đá mà chúng ta đang đứng ở đây…”  

… Trên sườn đồi, những búp chè non đang đâm chồi. Sự sống đang trào dâng. Một câu chuyện có hậu trong ngày giỗ cố nhà thơ, họa sỹ Bàng Sĩ Nguyên: Lấy tình đối đãi với tình thế nhân!

Nguồn Văn nghệ số 21/2022


Có thể bạn quan tâm