April 26, 2024, 4:17 pm

Tìm gì dưới rêu phong

1.

Dưới rêu phong (tập truyện, Nxb Dân trí, 2015) gồm 12 truyện và Thần thức dưới rêu phong (truyện ngắn, Nxb Hội Nhà văn, 2018) gồm  22 truyện, là một “dấu luyến” trong viết truyện ngắn của Văn Chinh.

Thật ra thì giữa hai tập có đến 12 truyện trùng nhau, cũng không lạ vì cách nhau 3 năm rất khó viết thêm được nhiều cái hoàn toàn mới. Sức mấy! Như vậy từ 2015 đến 2018, Văn Chinh viết được 10 truyện mới. Văn Chinh trải bút trên nhiều thể loại từ thơ, truyện, đến phê bình (năm 2013, ông nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam với tập Tiểu luận – Phê bình Đa cực và điểm đến). Nếu nhớ lại Văn Chinh thời viết Dòng sông mùa lũ qua (tập truyện, 1986), sẽ thấy còn nhiều cái hơi hướng của chất đời ùa vào tác phẩm, cái hồn nhiên của cảm và nghĩ khi bước vào tuổi “tứ thập nhi bất hoặc”. Trong Truyện ngắn tinh tuyển (60 năm báo Văn nghệ), Văn Chinh được chọn một truyện Người bạn ấy xuống tàu ở ga xép (viết 1989). Cũng hơi dài (26 trang), nhưng đọc vào vì có “tứ”. Độ ấy Văn Chinh cũng đã thích triết lý nhưng còn kín đáo, nhuần nhuyễn. Nhưng càng ngày Văn Chinh càng xác tín “Ngòi bút lại quen với can dự, tháo gỡ, đề xuất,  như một cố tật” (Suy nghĩ về nghề văn. Sách: Nhà văn Việt Nam hiện đại, Nxb Hội Nhà văn, 2010, tr. 1129). Thế nên, trong hai tập truyện đã nói ở trên, cái “tạng” Văn Chinh bộc lộ rất rõ nét, thậm chí đậm đặc. Nhưng mà như cổ nhân tổng kết “ Non sông dễ đổi bản tính khó dời” (!?). Quan sát văn chương đương đại, tôi thấy, có người đổi cách viết thì đâm ra “sái”. Văn Chinh, trong dăm năm trở lại đây, viết khác những cái trước đây. Vì sao? Vì đã qua trải nghiệm (với cả “trải nghiệm cay đắng dần hun đúc trong tôi”, như nhà văn thừa nhận trong truyện Mùi trần, với cả ít nhiều trải nghiệm văn hóa), bây giờ chuyển sang chiêm nghiệm. Đã chiêm nghiệm ắt có triết lý. Nhưng rất may không sa vào “triết lý vặt” đang nhan nhản trong văn chương đương thời, nhất là với các cây bút mới vào nghề đang thiếu thốn đủ thứ, nên sinh ra đắp điếm câu chữ bằng những suy luận non nớt.

2.

Thần thức dưới rêu phong gồm 22 truyện, như đã nói ở trên. Có thể chia ra thành mấy phân khúc chính (mỗi phân khúc ứng với một cách/lối viết) sau: Mượn ngoài nói trong, mượn xưa nói nay (Thị, Puellae, Ghi chép của ngài Appin về con ngựa Hãn Huyết, Văn tự án liệt truyện, Cựu hoàng, Trái tim bốc khói,...); tả chân chuyện đương thời (Mùi trần, Lão Khúng và đứa con hoang của vợ, Ai biết mộ liệt sỹ ở đâu, Chị Mỵ làng Minh Quang, Bệnh xá Dốc Đót, Mừng nỗi buồn qua, Mất trí nhớ, Con tàu tuổi thơ,...); lại thêm vài ba cái phảng phất “liêu trai” (Ngôi chùa cổ dưới chân núi Lĩnh Nam, Chiếc đồng hồ một kim,...); lại có cả “liệt truyện (Văn tự án liệt truyện)... Theo tôi đây là lối viết theo tinh thần “đại hợp xướng”. Có lẽ nhà văn muốn diễn lại “tấn trò đời” theo cách viết của người đầu thế kỷ XXI (?!). Là bởi xã hội đương thời đầy rẫy “ba đào ký”: Nhố nhăng không ít, cao thượng chẳng nhiều, bi ai đầy rẫy, nghịch lý/phi lý tràn trề, khúc khải hoàn vắng bóng,...Đọc Thần thức dưới rêu phong lần này, tôi cứ ngờ ngợ sau đây “Thần thức Văn Chinh” (như Sương Nguyệt Minh viết trong Lời giới thiệu), không còn viết được như thế nữa. Cũng là thuộc hàng “xưa nay hiếm” rồi, đầu vào thì ít đầu ra chẳng nhiều nữa! Đúng thế chăng?

 

3.

Đọc Văn Chinh, lại nhớ đến một định đề “không phải là viết về cái gì mà là viết như thế nào”. Văn Chinh, theo tôi, là người như dân gian nói rất “riết róng” (nói cho đến tận cùng lý lẽ, làm cho đến tận cùng mục đích). Cũng tốt thôi, không có gì đáng phê phán cả khi mà người Việt ta làm cái gì cũng hay lỡ dở. Có thể hiểu là Văn Chinh hết mình. Tôi rất chú ý đến cái “tứ” THẬT - GIẢ (các ngụy tạo có khi được coi là chân lý) được Văn Chinh cài cắm, “lập trình” khắp nơi mọi chốn. Ngay như truyện đầu sách Thị (viết về thời xa xưa bên Trung Quốc, hơn 2000 năm), thì cái kết vẫn là “Riêng chuyện rắn thật giả ra sao còn cần xem thêm truyện sau, cũng đặt là thị nhưng do nhân vật chính người Hy Lạp, nên chuyển thành Puellae”. Tại sao Văn Chinh lại quan tâm đến cái gọi là vấn nạn “thật - giả” là vì thời đại dội vào, tôi nghĩ thế. Người Việt hôm nay rất khó khăn để sở hữu cái thật, trong khi “xài” toàn cái giả nên món giả cầy được nhiều người ưa thích thích (!?). Vì thật - giả, vàng - thau, chân - ngụy cứ lẫn lộn lung tung phèng nên sinh ra vấn nạn NHẦM LẪN (lại thêm một “tứ” nữa). Trong Văn tự án liệt truyện, nhà văn khảo bằng ngôn từ nghệ thuật các kiểu “nhầm lẫn” mà người đời từ Đông sang Tây, từ cổ chí kim, thường sa vào, mắc phải (dù vô tình hay cố ý, nhưng có lẽ cố ý nhiều hơn). Nhưng thú thật, riêng tôi không thích Văn Chinh ở kiểu truyện mượn xưa nói nay, mượn ngoài nói trong. Nói cách khác “chuyện cũ viết lại” không phải là sở trường của Văn Chinh nói riêng, các nhà văn xứ ta nói chung. Nếu không lường đúng, có khi biến thành sở đoản, thì nguy! Vì sao? Là vì, theo tôi, cái cách thức “chuyện cũ viết lại” chỉ có một là Cụ Lỗ Tấn (1881-1936), hai là Cụ Lâm Ngữ  Đường (1895-1976) bên Trung Quốc. Còn ở xứ ta, đó không phải là “đặc sản”. Cứ xem văn chương Việt thế kỷ XX, các tiểu thuyết gia hiện thực hay lãng mạn tài ba đều thành công chủ yếu khi vận dụng cái cảm hứng đương đại mà viết về “cái chưa hoàn tất” (như một đặc trưng của tư duy tiểu thuyết). Nhân viết về truyện ngắn Văn Chinh, tôi đọc lại hai Cụ này, đặc biệt là Cụ thứ hai rất kỹ. Đọc kỹ để xem Văn Chinh ảnh hưởng theo lối nào? Tôi thấy Văn Chinh có vẻ như ảnh hưởng Lâm Ngữ Đường nhiều hơn. Đọc truyện Thị của Văn Chinh, riêng tôi cứ váng vất nhớ tới truyện Địch Thị của Lâm Ngữ Đường. Rồi vội đem Truyện Lâm Ngữ Đường (Nxb Hội Nhà văn, 2002) ra so sánh (không phải là so đo). May là chỉ có cái hơi hướng phảng phất. Vẫn cứ có một Văn Chinh Việt Nam tuổi Mậu Tý (1948), ngang ngang ngửa ngửa câu chữ.

Không biết tôi có bảo thủ hay không khi vẫn chỉ thích những truyện Văn Chinh viết nương theo cảm hứng đương đại về cuộc đời, con người thời nay ? Vậy nên tôi lại chú ý đến một cái “tứ” có chữ “thời” trong truyện Văn Chinh. Trong truyện Gái, tác giả đã phải thốt lên “ Ôi, một triết lý về chữ thời”. Tôi hiểu “thời” là “thời thế”. Ai nhỉ, đã triết lý “Thời đã thế thế thời phải thế” (?!). Chính vì cái chữ “thời” này mà có biết bao nhiêu chuyện buồn hay vui, biệt ly hay đoàn tụ, sinh  hay tử, cao sang hay thấp hèn, trung quân hay gian thần, được hay mất, chính hay tà,... nghĩa là toàn những chuyện rối rắm, cắc cớ ở đời từ xưa đến nay trên cõi trần tục (còn ở âm phủ hay tiên giới thì không có, vì đó là những phạm trù không gian giả tưởng, hoang đường). Tôi đồ rằng ngay cả trong những truyện Văn Chinh dựa theo lối “chuyện cũ viết lại” thì vẫn cứ đăm đắm cái chữ “thời”. Như chuyện tha hóa quyền lực (Văn Chinh viết trong Tựa “Nhỏ mà bùng nổ hạt nhân, như chuyện Sư Minh Không chữa khỏi cho một ông vua họ Lý mắc căn bệnh bây giờ ta gọi là tha hóa quyền lực nhưng xa xưa nói là vua hóa hổ”). Đọc thế, tôi cứ ngờ ngợ, liền mở Truyện Lâm Ngữ Đường đọc lại thì thấy có truyện Người hóa hổ (tr.388-397). Cũng hay, cũng chỉ là gần gũi về “tứ” còn cốt nhục thì khác nhau - bên Tàu bên Ta rành rẽ, phân minh. Cái chữ “thời” mà Văn Chinh quan tâm, nhất là thời nay, thì đúng là thời tao loạn, đúng hơn là thời mạt “Khi nhà nước chuyển sang kinh tế thị trường, người người đua nhau làm giàu thì môi trường xấu đi nhanh nhất, sau mới đến đạo đức con người. Vì rằng cái nhân để làm giàu là vốn thì không ai có vốn tích lũy. Bèn chỉ làm giàu  bằng đất và nước. Hai thứ vốn của chung này mạnh ai nấy vơ, vơ vào tay rồi thì mặc sức vắt cho nó sinh lời” (Mùi trần). Có lẽ, theo tôi, Văn Chinh rất ưu thời mẫn thế với chữ “thời”, nên cứ đọc một khúc lại gặp nó “Thời thế thay đổi...”. Ông liền sau đó kê ra hàng loạt sự thay đổi, nhưng thay đổi không tích cực nhất là con người ta cứ ngày một càng mụ mị đi vì tin vào những chuyện viển vông, hoang đường trên trời “ Hãi nhất là cạnh ngôi chùa thời thị trường có hàng dãy ông viết sớ thuê, các ông thầy xóc thẻ, xem lá trầu, xem chân gà ăn theo. Rồi không biết các bên thỏa thuận thế nào mà cạnh chùa mọc lên đền hầu bóng, đàn nhị trống chiêng bên ấy át cả tiếng gõ mõ bên này; giọng nỉ non réo rắt hát chầu văn át cả tiếng cầu kinh niệm Phật” (Mùi trần). Có thể Văn Chinh không đồng thuận với nhận xét của tôi, mặc lòng, nhưng tôi vẫn cứ thấy Văn Chinh đời hơn, sâu cay hơn, thâm thúy hơn trong những “cái” viết về thế sự dương gian đương thời hơn là múa bút viết kiểu “chuyện cũ chép lại” (!?). Không nên vì sợ tác phẩm của mình rơi vào tình trạng “không tải” (không tư tưởng ) mà cố sức “làm mới”. Tôi nghĩ, nhiều khi cái mới lại mọc lên từ chính trên những gì vốn có, nhưng cần cải biến nó cho phù hợp với yêu cầu chung của nguyên tắc “Chân -Thiện - Mỹ”.

 

4.

Văn Chinh đôi lúc cũng bị “hở sườn” trong cách viết. Vì người càng tự tin thì càng dễ quá đà (trong đời sống cũng như trong văn chương). Tôi cứ băn khoăn câu văn đối thoại sau “Vì sao cháu lại dùng vị ngữ còn là?” (Gái). Có hai phương diện cần bàn: Nói chuyện với cô cháu gái ở quê mà dùng đến các khái niệm “vị ngữ” này nọ, e không  phù hợp, không bình dân, tỏ ra bác học không cần thiết với người đối thoại là một cô cháu gái thôn dã (Ở chỗ này, nhà phê bình quên rằng nhân vật là giáo sư, lại học tiếng Việt chỉ mới ba tháng; cách nói của một người vừa hàn lâm vừa mới học.VC). Họ “ chân quê” lắm ông Văn Chinh ơi! Hai là, viết đối thoại như thế là chưa khéo léo (bị vênh). Tôi cũng không rõ trình độ chữ Nho của Văn Chinh đến đâu nhưng thấy ông hay “trộ” (dọa) độc giả (ví dụ “Tôi lờ mờ hiểu chữ Hĩm là đặc trưng giống cái (...) (“Trộ”, “dọa” bạn đọc là một thói tật xấu  của người  viết. Người viết luôn có tâm lý muốn bạn đọc yêu mến mình, chứ sao ngu dại đi trộ họ? Vả lại, vẫn là kẻ mới học chưa hết từ tiếng Việt (cụ thể là chữ “Hĩm”- tên người) nên khi Gái vừa nói vừa đỏ mặt, ông Varo mới “Tôi lờ mờ hiểu chữ Hĩm là đặc trưng giống cái (...) ; Cách viết như thế thì không thể coi là “trộ”, “dọa” ông chua một chữ Nho trong ngoặc đơn. Trong truyện Thị, Ông “chua” 38 chữ Nho (riêng trang 23, 26 mỗi trang 11 chữ). Tôi không muốn bàn đến chuyện thoát Trung như trong các lĩnh vực chính trị - kinh tế - xã hội người ta thường bàn thảo hăng hái bây giờ. Tôi chỉ muốn nói đến tính chất thuần Việt của ngôn từ văn chương nhà văn nên dùi mài, tích lũy, nâng cao. Lại nữa, khi viết, tôi thấy Văn Chinh đôi khi “bốc đồng” (ví dụ “Vì ghi chép thời ấy khó, cho nên khối tư tưởng đồ sộ của Khổng Tử, ngài chỉ mới kịp san định Kinh Thi (thì cũng như ông Nguyễn Đổng Chi nhà mình biên soạn “Tục ngữ ca dao Việt Nam” chứ gì?)” (Không nói không phải là không biết). Ai đó nói, mọi sự so sánh đều khập khiễng. Chí lý! Tuy nhiên, có người lại cho rằng đôi khi Văn Chinh “trộ”, hay “bốc”, không đáng đem ra phê bình, mà nên xem như một thứ “gia vị” làm tăng thêm sự hấp dẫn của các món “ẩm thực chữ” mang nhãn “made in Vanchinh” (!?)./.

Nguồn Văn nghệ số 34/2018


Có thể bạn quan tâm