April 27, 2024, 1:35 am

Tiếp tục khẳng định " không có vùng cấm " trong phòng chống tham nhũng và tiêu cực


Hôm nay, 30-6, Bộ Chính trị sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Hội nghị được đánh giá lớn nhất từ trước đến nay của Đảng với hơn 81 nghìn đại biểu tại 4.100 điểm cầu kết nối trực tuyến với Hội trường Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực sẽ có những chỉ đạo quan trọng, quyết liệt hơn nữa đối với công tác này.

 

Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng,  Ảnh: VGP

Những con số tạo dựng niềm tin

*Năm 2012, lần đầu tiên người đứng đầu Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng và tiêu cực  là Tổng Bí Thư và cũng không có thành viên Chính phủ tham gia trong Ban chỉ đạo. Tại thời điểm đó,  nhiều câu hỏi đã đặt ra cho sự kiện chưa có tiền lệ này.

*Sau 10 năm bền bỉ ( 2012-2022) chống tham nhũng và tiêu cực đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong đời sống xã hội, đặc biệt tạo dựng niềm tin trong quần chúng nhân dân, cho thấy quyết định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư là đúng và trúng

Tháng 5/2012 tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XI, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo  Trung ương phòng chống tham nhũng và tiêu cực  trực thuộc Bộ Chính trị và do Tổng Bí thư làm trưởng ban ( trước năm 2012, Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng và tiêu cực do Thủ tướng Chính phủ làm trưởng ban).  Ở địa phương, không tổ chức ban chỉ đạo tỉnh, thành phố về phòng, chống tham nhũng. Đây là quyết định được cho là cần thiết và kịp thời khi tình hình tham nhũng, tiêu cực đang ngày càng trở nên phức tạp, thậm chí nhiều lĩnh vực ngành mang tính đặc thù đang bộ lộ nhiều bất cập khiến dư luận, người dân mất niềm tin vào bộ máy công quyền nhà nước. Quyết định cũng cho thấy, quyết tâm chống tham nhũng muốn đạt hiệu quả phải từ trong ra, từ trên xuống của Đảng ta là hoàn toàn đúng đắn

Trong 10 năm qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức Đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện trung ương quản lý, trong đó có 33 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, đã kỷ luật 50 cán bộ diện trung ương quản lý, trong đó có 8 ủy viên, nguyên ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.

Qua công tác thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân sai phạm; kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 975.000 tỉ đồng, gần 76.000 ha đất; chuyển cơ quan điều tra gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. "Công tác điều tra, truy tố, xét xử được chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đúng quan điểm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai", tạo bước đột phá trong công tác PCTN-TC" 

Trong 10 năm qua, các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 19.546 vụ/33.868 bị can, truy tố 16.699 vụ/33.037 bị can, xét xử sơ thẩm 15.857 vụ/30.355 bị cáo về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế; trong đó tội phạm về tham nhũng đã khởi tố, điều tra 2.657 vụ/5.841 bị can, truy tố 2.628 vụ/6.199 bị can, xét xử sơ thẩm 2.439 vụ/5.647 bị cáo. Chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã khởi tố, điều tra gần 4.200 vụ/7.572 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế (trong đó các tội về tham nhũng đã khởi tố, điều tra 455 vụ/1.054 bị can). 

Riêng Ban Chỉ đạo đã đưa 977 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo ở 3 cấp độ; trong đó, Ban Chỉ đạo trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 180 vụ án, 133 vụ việc; các cơ quan chức năng đã kết thúc điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm 120 vụ án/1.083 bị cáo, có 37 bị cáo nguyên là cán bộ thuộc diện trung ương quản lý.

Đặc biệt, thời gian gần đây đã tập trung điều tra, xử lý nghiêm nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn, xảy ra trong lĩnh vực y tế, quản lý, sử dụng đất đai, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp... Đáng chú ý, công tác thu hồi tài sản tham nhũng có chuyển biến tích cực. Cơ quan thi hành án dân sự các cấp đã thu hồi 61.000 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 34,7% (năm 2013, tỉ lệ này chỉ đạt dưới 10%). Riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã thu hồi được gần 50.000 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 41,3%.

Tổng tấn công đầy lùi tham nhũng, tiêu cực

Thực hiện kết luận của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, các tỉnh ủy, thành ủy đang khẩn trương thành lập và triển khai hoạt động của Ban Chỉ đạo PCTN-TC cấp tỉnh nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong công tác PCTN-TC ở địa phương, cơ sở. Tính đến ngày 27-6-2022, đã có 34 tỉnh, thành phố quyết định thành lập Ban Chỉ đạo PCTN-TC cấp tỉnh.

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm công tác PCTN-TC thời gian tới chính là tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế, pháp luật. Tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; phát hiện sớm, xử lý nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; nâng cao hơn nữa hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng. Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng PCTN-TC; nhất là triển khai có hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo PCTN-TC cấp tỉnh.

Đặc biệt, trước những mối quan hệ lợi ích chi phối đời sống kinh tế xã hội hiện nay, Ban Chỉ đạo PCTH- TC quyết định mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về PCTN-TC, triển khai có hiệu quả hoạt động PCTN-TC ra khu vực ngoài nhà nước. Đây là quyết định xuất phát từ thực tế  đã và đang xuất hiện những mối quan hệ cố kết giữa cán bộ nhà nước với doanh nghiệp trở thành sân sau, cũng chia sẻ lợi ích, thậm chí  "biến tài sản công thành tài sản tư" cũng sẽ được " bốc thuốc, chẩn trị" đúng bệnh.

Vì vậy, Hội nghị lần này cũng sẽ tập trung đưa ra những giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng này. Thậm chí cần thiết sẽ điều chỉnh, bổ sung thể chế, sao cho thật chặt chẽ, đồng bộ để không còn kẽ hở cho tiêu cực, trở thành mầm mống của tham nhũng.

Dư luận xã hội hẳn vẫn không thể quên những bê bối trong đấu thầu, chứng khoán...khiến nền kinh tế gặp không ít sóng gió, niềm tin của người dân vào đội ngũ công bộc giảm sút. Tình trạng chống tiêu cực, tham nhũng có nơi, có lúc trùng xuống.

Chính vì vậy, Hội nghị lần này không chỉ đánh giá toàn diện quá trình 10 năm chống tham nhũng, tiêu cực mà còn đưa ra những thông điệp mới cho chặng đường tiếp theo. Thông điệp mới chắc chắn sẽ mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, bởi nếu có chống được tiêu cực, tham nhũng, nền kinh tế mới khỏe mạnh, xã hội và niềm tin của người dân mới trở nên bền vững. 

Để làm được, các cấp, các ngành phải nhận thức sâu sắc, phòng, chống tham nhũng là công việc hệ trọng, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, kiên quyết, kiên trì. Mọi cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu, phải mạnh dạn gương mẫu thực hiện để giữ gìn uy tín. Bởi theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng "danh dự là điều thiêng liêng…" nên con đường tiếp theo của Đảng ta chính là  tăng cường giáo dục, tuyên truyền coi trọng danh dự, liêm sỉ, coi trọng đạo đức, liêm chính. Cùng với đó, công tác phòng ngừa, giám sát phải thay đổi, mục tiêu là kiểm tra, giám sát, phát hiện từ sớm, từ xa, không để từ sai phạm nhỏ phát triển thành lớn. Mọi bước đi trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực cần bài bản, quyết liệt làm đâu trúng đó, bóc tách sai phạm đúng người đúng tội để không bỏ lọt, hay oan sai cho người vô tội. Từng bước làm trong sạch, tạo sức mạnh cho bộ máy và đội ngũ cán bộ nhà nước, góp phần củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân, tạo động lực mới, khí thế mới xây dựng và phát triển đất nước.

Những thông điệp mới về phòng chống tham nhũng, tiêu cực sẽ được đưa ra sau Hội nghị và đây sẽ là quyết tâm mới của toàn Đảng, toàn dân trước cuộc chiến  với " những viên kẹo bọc đường" mà nếu bản lĩnh chính trị không vũng vàng  bất kỳ ai cũng sẽ gục ngã. Chúng ta đã có Luật Phòng, chống tham nhũng, nê quyết tâm phòng chống tham nhũng, tiêu cực chính là bước cụ thể hóa hơn nữa nhằm phát huy tính nghiêm minh của luật pháp. Đó là " không có vùng cấm" trong phòng chống tham nhũng và tiêu cực,  người có hành vi tham nhũng giữ bất kỳ chức vụ, vị trí công tác nào đều phải bị xử lý nghiêm minh. Chính vì vậy, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, siết chặt kỷ cương, kỷ luật Đảng, không chỉ là nhiệm vụ chính trị trọng yếu mà còn là mong muốn, đòi hỏi của nhân dân; là “ý Đảng, lòng dân”.

 


Có thể bạn quan tâm