April 27, 2024, 3:09 am

Tiếp tục “gỡ khó” trong xét tặng giải thưởng…

Lễ trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật năm 2021 đã được tổ chức trọng thể vào dịp 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đây là giải thưởng cao quý, ghi nhận sự đóng góp của các thế hệ văn nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật; đồng thời cũng là mùa giải được đánh giá là công tâm khi đã được thực hiện đúng theo các quy định, thủ tục, hồ sơ quy định tại Nghị định 90 (NĐ 90), Nghị định 133 (NĐ 133) của Chính phủ và kế hoạch xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh và giải Nhà nước về Văn học, nghệ thuật do Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch ban hành.

Tuy nhiên, để phù hợp với thực tiễn, đồng thời đáp ứng các quy định của Luật Thi đua khen thưởng hiện đã có hiệu lực (năm 2023), Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đã khẩn trương lấy ý kiến chuyên gia, xây dựng Nghị định mới thay thế NĐ 90 và NĐ 133 nhằm “gỡ khó” và không “bỏ sót” những tác phẩm và cụm tác phẩm xứng đáng.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đăng tải lên Cổng thông tin điện tử dự thảo Nghị định quy định xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật, để lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị, chuyên gia, nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ liên quan, từ nay đến hết ngày 26-7-2023.

Dự thảo Nghị định gồm 5 chương, 20 điều, quy định đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục xét tặng hoặc truy tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật. Theo đó, đối tượng áp dụng là các tác giả, đồng tác giả công dân Việt Nam, người nước ngoài có tác phẩm, công trình, cụm công trình văn học, nghệ thuật đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn, thuộc các lĩnh vực âm nhạc, điện ảnh, kiến trúc, múa, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu, văn học, văn nghệ dân gian; các cá nhân, tổ chức có liên quan đến hoạt động xét tặng.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan chủ trì tổ chức việc xét tặng. Dự thảo cũng quy định rõ về điều kiện, tiêu chuẩn xét tặng; việc tổ chức và nguyên tắc làm việc của các cấp hội đồng; hồ sơ, trình tự, thủ tục xét tặng giải thưởng…

Chú trọng yếu tố chuyên ngành, bản quyền

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, để có cơ sở xây dựng Nghị định mới, ngày 10/10/2022, Bộ đã có Công văn số 3921/BVHTTDL-TĐKT gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; và 9 Hội Văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương đề nghị tổng kết thực hiện Nghị định số 90/2014/NĐ-CP và Nghị định số 133/2018/NĐ-CP. Tính đến ngày 21/11/2022, Bộ đã nhận được văn bản phản hồi của 48/63 tỉnh/ thành phố trực thuộc Trung ương và 03/09 Hội Văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương.

16 tác giả, đồng tác giả được tặng, truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh

 

Xuất phát từ thực tiễn qua hai đợt xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật năm 2016, 2021 và ý kiến của các địa phương, các Hội Văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương khi tổng kết thi hành Nghị định số 90/2014/NĐ-CP và Nghị định số 133/2018/NĐ-CP, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đề xuất, kiến nghị một số nội dung khi xây dựng Nghị định thay thế như sau: Bổ sung những quy định về quyền tác giả để có căn cứ giải quyết những nội dung liên quan đến vấn đề đồng tác giả; Sửa đổi, bổ sung quy định Cơ quan thường trực Hội đồng được sử dụng con dấu của đơn vị trong thực hiện một số hoạt động của Hội đồng; Sửa đổi quy định về người đại diện làm hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng cho tác phẩm, cụm tác phẩm của tác giả đã mất…

Trước đó, theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, Nghị định số 90 là văn bản có tính pháp lý và nhân văn sâu sắc. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã có một số vướng mắc nảy sinh. Ngày 01/10/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 133, sửa đổi, bổ sung những quy định tạo điều kiện thuận lợi trong việc xét tôn vinh tác phẩm, cụm tác phẩm văn học, nghệ thuật, tránh bỏ sót các tác phẩm thực sự có giá trị.

Cụ thể, tại Nghị định 133, về tiêu chuẩn xét tặng Giải thưởng, quy định tác phẩm được công bố, sử dụng trước năm 1993 thì không cần giải thưởng (Nghị định số 90); quy định về số lượng thành phần Hội đồng các cấp, giảm bớt đại diện các cơ quan, tổ chức hành chính, tăng thêm các nhà chuyên môn, chuyên gia, chuyên ngành cơ bản đạt 2/3 trong thành phần Hội đồng; quy định Hội đồng tổ chức phiên họp khi có mặt ít nhất 90% thành viên; quy định tỷ lệ phiếu đồng ý của các thành viên Hội đồng phải đạt từ 80% phiếu đồng ý của tổng số thành viên có mặt tại cuộc họp.

Trên tinh thần này, tại mùa giải năm 2021, các hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về Văn học, nghệ thuật được thực hiện qua 3 cấp của Hội đồng: Hội đồng cấp cơ sở, Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước và Hội đồng cấp Nhà nước. Ở lần xét tặng này, tác giả chỉ phải nộp một bộ hồ sơ duy nhất đến Hội đồng cấp cơ sở là điều kiện để xem xét trong suốt quá trình xét tặng tại Hội đồng 3 cấp thay vì phải nộp cả 3 cấp như trước đây. Đó là điểm mới trong xét tặng, giảm thiểu sự phiền hà, tiết kiệm cho tác giả khi phải làm hồ sơ, bảo đảm thực hiện tốt công tác cải cách hành chính.

“Gỡ khó” cho các Hội đồng

Để có đủ những căn cứ trong việc xây dựng nghị định mới, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đã tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị định số 90/2014/NĐ-CP và Nghị định số 133/2018/NĐ-CP tại 02 khu vực: phía Bắc ngày 28/11/2022 (tính từ tỉnh Thừa Thiên - Huế trở ra) và phía Nam ngày 08/12/2022 (tính từ thành phố Đà Nẵng trở vào). Đây là hai hội nghị tổng kết, giúp Bộ ghi nhận được những ý kiến đóng góp từ thực tiễn đời sống văn học nghệ thật của các chuyên gia, văn nghệ sĩ gạo cội hoạt động trong lĩnh vực ngành. Tại các hội nghị, các đại biểu đã chỉ ra độ vênh giữa các nghị định hiện hành với Luật Thi đua, khen thưởng có hiệu lực năm 2023, để công tác xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật được triển khai thực hiện hiệu quả, phù hợp hơn với tình hình thực tế hiện nay, tôn vinh được các tác phẩm văn học, nghệ thuật thực sự có giá trị, có sức lan tỏa trong đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và sự phát triển nền văn học, nghệ thuật Việt Nam. Đại diện Hội Điện ảnh đề xuất, một số loại hình của một lĩnh vực chuyên ngành khi đưa chung vào một thể loại hoặc một nhóm chưa thực sự phù hợp. Hội Điện ảnh Việt Nam đề nghị tách tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình thành hai hạng mục độc lập. Việc xác nhận về đồng tác giả của các tác phẩm ở lĩnh vực Điện ảnh, Múa, Sân khấu còn gặp khó khăn. Trong lĩnh vực điện ảnh, hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng, các tác giả gặp khó khi cung cấp bản sao tác phẩm do vấn đề bản quyền… Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam đề xuất, nên chăng, Giải thưởng Hồ Chí Minh là một giải thưởng đặc biệt phải trao cho toàn bộ sự nghiệp, cống hiến của tác giả đó, từ khi họ sáng tác đến hết cuộc đời. Đồng quan điểm với nhà văn Nguyễn Quang Thiều, nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cũng bày tỏ, trong lĩnh vực âm nhạc, nhiều nhạc sĩ 50-60 tuổi mới được Giải thưởng Nhà nước, sau đó không thể có tác phẩm đỉnh cao để nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh. Vì vậy giải thưởng nên được trao cho toàn bộ sự nghiệp sáng tác…

Trên thực tế, công tác xét giải thưởng đã được thực hiện đồng bộ từ các cấp hội cơ sở và nhận được sự đồng thuận cao của Hội đồng chuyên môn có uy tín. Tuy nhiên, mỗi mùa giải vẫn không tránh khỏi những cái “giá như” đi liền với những cái tên mà thoạt nghe thôi đã thấy tiếc nuối. Có thể do công tác chuẩn bị hồ sơ chưa chuẩn xác, hay những quy định về tỷ lệ đồng thuận cũng như thành phần (yếu tố chuyên ngành) của Hội đồng giám khảo chưa phù hợp dẫn đến “ bỏ sót” tác phẩm xứng đáng.

Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đã tổng hợp ý kiến, kiến nghị của các chuyên gia, các đại biểu và khẳng định, việc xây dựng Nghị định mới thay thế sẽ được thực hiện sát và phù hợp hơn với đời sống thực tiễn văn học, nghệ thuật. Đồng thời, việc xét giải đối với đồng tác giả, tỉ lệ  đồng thuận của Hội đồng, những quy định về quyền tác giả để có căn cứ giải quyết những nội dung liên quan đến vấn đề đồng tác giả… sẽ được nhìn nhận và có hướng giải quyết thấu đáo, hạn chế tối đa thiệt thòi cho các tác giả, người làm hồ sơ xét giải thưởng.

Đây được xem là những vấn đề cấp bách, được đặt ra không chỉ cho các cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch mà còn là của các cấp Hội trong nghiên cứu, ban hành những quy định minh bạch hơn để “gỡ khó”, cho công tác giả xét giải thưởng. Được biết, Dự thảo Nghị định sẽ được đăng tải trên Cổng thông tin Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch để tiếp tục lấy ý kiến đóng góp của nhân dân. Hy vọng rằng, mỗi mùa giải thưởng sẽ là mỗi mùa chúng ta được vinh danh những tác phẩm văn học, nghệ thuật xứng đáng.

--------------------

Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch cho biết, tinh thần của việc xây dựng Nghị định mới thay thế Nghị định số 90/2014/ NĐ-CP và Nghị định số 133/2018/NĐ-CP, sẽ phù hợp với Luật Thi đua, Khen thưởng đã được Quốc hội phê chuẩn tại kỳ họp thứ 3 (Luật số 06/2022/QH-XV), Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2024. Và Quyết định số 917/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong đó phân công Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch chủ trì soạn thảo Nghị định về xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật (thay thế Nghị định số 90/2014/NĐ-CP và Nghị định số 133/2018/NĐ-CP)

Quỳnh Hoa

Nguồn Văn nghệ số 21/2023


Có thể bạn quan tâm