April 26, 2024, 7:53 am

Tiếng nói từ mảnh đất cội nguồn

HƯỚNG TỚI ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM LẦN THỨ X

Triển khai kết luận tại các Hội nghị lãnh đạo chi hội nhà văn các tỉnh phía bắc, và lãnh đạo các chi hội nhà văn khu vực Bắc miền trung từ giữa tháng 9/2020; trong những ngày cuối tháng 9 và đầu tháng 10 vừa qua, nhiều chi hội nhà văn tại các địa phương đã tiến hành các đại hội cơ sở thông qua các Đại hội chi hội, hay các Hội nghị văn học, trong lộ trình tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ X. Ở phía Bắc có Chi hội nhà văn Sông Chảy (gồm các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai), Chi hội nhà văn các tỉnh Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Quảng Ninh… 3 tỉnh Tây Nguyên gồm Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc đều đã hoàn thành Đại hội cơ sở. Riêng miền Trung, do ảnh hưởng của thời tiết, nên cho đến nay mới có Chi hội nhà văn Quảng Bình tổ chức Đại hội. Hòa chung với không khí sôi nổi, khẩn trương nhưng không kém phần nghiêm túc và trách nhiệm tại các Đại hội chi hội nhà văn Việt Nam đã được phản ánh trên Văn nghệ thời gian vừa qua, Hội Nhà văn Việt Nam đang gấp rút hoàn thành những Đại hội cơ sở cuối cùng để bước vào công tác chuẩn bị cho Đại hội toàn quốc.

Trong tinh thần đó, ngày 11/10/2020 vừa qua, tại thành phố Việt Trì, đã diễn ra Đại hội Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Phú Thọ nhiệm kỳ 2020-2025. Đây cũng là một trong những Đại hội cơ sở nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà văn trong khu vực phía Bắc

Văn nghệ

 

Chánh Văn phòng Hội Nhà văn Việt Nam Dương Dương Hảo, tặng lẵng hoa của Hội chúc mừng Đại hội

 

Đại hội diễn ra tại Trụ sở Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Phú Thọ. Đến dự Đại hội, về phía tỉnh Phú Thọ có ông Nguyễn Hữu Điền - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ; ông Phạm Lam Hồng - Phó ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Thọ, cùng Đại diện Hội Nhà văn Việt Nam và đầy đủ các hội viên của Chi hội đến dự.

Sau phần tuyên bố khai mạc của nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn, Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Phú Thọ, nhà thơ Nguyễn Hưng Hải, Ủy viên Ban Thư ký, đã đọc toàn văn bộ dự thảo văn kiện Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ X (nhiệm kỳ 2020-2025) mà điểm nhấn là Dự thảo Báo cáo Tổng kết nhiệm kỳ IX (2015-2020) và Phương hướng, nhiệm kỳ X (2020-2025) của Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam với đầu đề “Đồng hành cùng dân tộc phấn đấu để có nhiều tác phẩm giá trị cao, đáp ứng yêu cầu xây dựng văn hóa, con người Việt Nam trong tình hình mới”.

Các ý kiến tham luận của các hội viên Chi hội bao giờ cũng sôi nổi, kịp thời và cần thiết. Nhà thơ Kim Dũng, Chi hội phó khái quát ngắn gọn trong nhiệm kỳ qua, những “thư ký của thời đại” luôn giữ vững, bám sát được dòng văn học chủ lưu để sáng tác theo tiêu chí: Dân tộc - Dân chủ và Nhân văn. Các hội viên luôn hưởng ứng và tâm huyết với các cuộc thi, cuộc vận động sáng tác văn học về các đề tài, chủ đề do Hội Nhà văn Việt Nam và các Bộ, ngành phối hợp tổ chức. Nhiều tác giả đạt giải thưởng cao như các nhà thơ Nguyễn Hưng Hải, Nguyễn Quang Thuyên, Nguyễn Đình Phúc và nhà văn Tống Ngọc Hân. Chi hội đánh giá cao Hội Nhà văn Việt Nam và báo Văn nghệ đã mở cuộc thi Vì sự học ngày nay và chuyên mục Văn học với nhà trường. Nhất trí với phương hướng nhiệm vụ phát triển Văn học nhiệm kỳ X, sửa đổi Điều lệ Hội, ông nêu một số đề nghị như: Nên khôi phục Bản tin hội viên mỗi quý; Văn phòng Hội nên gửi báo Văn nghệ cho hội viên theo tuần để đảm bảo tính thời sự hơn; Song song với công tác quảng bá tác phẩm văn học thì Nhà xuất bản Hội Nhà văn chỉ nên cấp phép xuất bản cho các tác phẩm có chất lượng và thẻ hội viên nhà văn cần làm lại cho đẹp hơn, cứng cáp hơn, sang trọng hơn - như sự sang trọng, chuẩn mực của văn chương.

Nhà văn Vũ Quốc Khánh thì nêu một thực trạng đáng báo động: Văn học mạng, văn hóa mạng và các phương tiện nghe nhìn ngày càng lấn át, lu mờ sáng tác và giá trị đích thực của văn chương. Theo đó, danh xưng “nhà văn”, “nhà thơ”, “nhà báo” vô tội vạ, thực giả lẫn lộn. Bởi thế, cần làm mọi cách nhằm tăng cường vị thế của nhà văn Việt Nam.

Lâu nay, mảng văn học viết cho thiếu nhi còn thiếu vắng và cũng chưa có một chuyên đề sâu nào đưa ra bàn bạc. Vậy, Hội cần có những giải pháp, cơ chế, đầu tư thỏa đáng cho mảng văn học thiếu nhi và văn học nhà trường… Hiện tượng hội viên ít chịu đọc sáng tác của nhau vẫn còn phổ biến và sự công bằng trong thẩm định tác phẩm văn học còn chưa được công bằng, minh định chính xác, lăng xê quảng cáo rầm rộ, nên cần khắc phục.

Có lẽ, phần góp ý Văn kiện dự thảo Đại hội đại biểu Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ X, nhà thơ Nông Thị Ngọc Hòa cho thấy có sự “đầu tư” đáng kể. Đó là những đánh giá chân xác, kiến giải đầy tâm huyết; trong đó nhà thơ có một số góp ý nhỏ để Báo cáo được hoàn thiện hơn như: Công tác hỗ trợ sáng tác, quảng bá tác phẩm, phát triển hội viên nên chú tâm vào chất lượng chứ không chạy theo số lượng; phần Phương hướng nên đi sâu vào từng lĩnh vực và đặc biệt có thêm phần đánh giá hoạt động của các Chi hội sẽ bao quát được nhiều nội dung hơn; nên phối hợp chặt chẽ với các Hội VHNT địa phương thì sẽ nâng tầm quan trọng của Báo cáo.

Đại hội đã tiến hành lấy phiếu thăm dò giới thiệu nhân sự Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra và các chức danh chủ chốt của Hội. Với 15 nhà văn hội viên có mặt, Chi hội đã bầu được 8 nhà văn đi dự Đại hội Đại biểu Hội Nhà văn Việt Nam khóa X (theo tỷ lệ quy định).

Do Đại hội của Chi hội mới tiến hành năm 2018 nên Đại hội lần này không bầu Ban thư ký mà giữ nguyên Ban thư ký, gồm nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn - Chi hội trưởng; Nhà thơ Kim Dũng - Chi hội phó và nhà thơ Nguyễn Hưng Hải - Ủy viên.

Đức Dũng (Tổng thuật)

Nguồn Văn nghệ số 42/2020


Có thể bạn quan tâm