April 27, 2024, 12:26 am

Thương một chiều để thương một đời

Tháng tám giữa thu, còn mấy ngày nữa rằm mà nắng oi, mưa dập chẳng có nắng nhạt, gió se, sương mờ. Mấy ngày buồn lần giở những trang thơ của nhà thơ Vân Long mong gặp một chút mùa thu đâu đây vương đậu ở nhành lá, cánh hoa ngoài cửa. Những câu thơ mê cảm tinh tế chắt từ một tâm hồn trong trẻo “Tôi loài cá ăn chìm/ Thơ và đời lặng lẽ”. Những câu thơ đằm thắm tình người, tình non nước: “Mùa thu vắng bạn/ Se se nhớ/ Thả lá/ Hòm thư động ngõ ngoài” và thăm thẳm vọng ngóng tháng năm qua “Tôi thả bước lơ ngơ/ trưa vàng ngõ cũ.../ Hoa đại đầu thế kỷ/ Rụng vào tôi bây giờ”.

Cảm ơn nhà thơ Vân Long cho tôi có ngày thu riêng mình trong thế giới ồn ào đầy bắc trắc, chiến tranh, khủng bố, dịch Corôna và biến đổi khí hậu. Nhà thơ Vân Long tuổi hơn tám mươi, thuộc dạng hiếm các nhà văn Việt Nam đương đại còn viết, mạch văn chương ứa tràn trên trang giấy. Nhớ hôm ở quán café cạnh báo Văn Nghệ thấy ông ngồi với lớp trẻ say sưa nói về nhà văn hóa Hữu Ngọc. Tuần sau được đọc bài viết của ông về Hữu Ngọc trên báo. Sức làm việc thật kính nể. Danh mục tác phẩm của ông đầy đặn: Hơn mười tập thơ, hơn mười tập tiểu luận. Nhiều tập nhận giải thưởng của Hội Văn nghệ Hà Nội, Hội Liên hiệp VHNT Việt Nam, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam. Đó là người viết có trách nhiệm ở một câu thơ, dòng văn. Chọn từ, xóa chữ để dồn nén ý tưởng “Trắng đêm trang sách trắng gai người”.

Nhà thơ Vân Long tên khai sinh Nguyễn Văn Long quê huyện Khoái Châu, Hưng Yên. Ông sinh năm 1934 theo cha lên Hà Nội lập nghiệp. Ông thân sinh là nhà kinh doanh mở hiệu may và lập cơ sở sản xuất chè gói ở phố hàng Lọng. Thân mẫu mở cơ sở thêu ren giao thương với các hãng ở Pháp. Gia đình trắc trở, cha mẹ chia tay khi Vân Long còn nhỏ vất vả đơn côi.

Bé Long sống với bà ngoại, khi Hà Nội bước vào kháng chiến chống Pháp lại về Khoái Châu sống với gia đình chú. Vân Long theo học ở vùng kháng chiến, lao động ở xưởng chè để có tiền sinh sống. Hai năm cuối bậc phổ thông Vân Long theo cha vào Thành học ở tận Sêu, Đặng (Mỹ Đức). Học trò Long đi bộ 15km đường đêm từ nhà vào trường. Thời gian ở Hà Nội tạm chiếm Vân Long ngày đi học, đêm lao động gói chè, học nghề may, mỗi ngày 10 tiếng. Cậu học trò Long bắt đầu mê thơ, làm thơ, lập nhóm thơ học trò “Hoa Phượng”. Dạo này do học nhiều, lao động khuya, sức khỏe giảm ông xin phép gia đình ra ngoài xã hội tìm việc kiếm sống. Vân Long làm thu ngân cho một công ty, cùng bạn mở hiệu sách nhỏ, dành thời gian học văn hóa, học nhạc.

Những năm hòa bình đầu tiên ở Hà Nội, Vân Long đã có thơ in ở nhiều báo và trúng tuyển nhạc công Violon của nhà hát Giao hưởng - Hợp xướng - Ca múa kịch Việt Nam vừa thành lập.

Miền Bắc những năm chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, Vân Long nhận quyết định xuống Hải Phòng công tác khi vừa cưới vợ được một tháng. Buồn vì tình cảm vợ chồng chia ly, vui vì được xuống sống công tác thành phố cảng, thành phố công nghiệp hàng đầu miền Bắc. Sau những buổi biểu diễn nhạc giao hưởng cho bạn bè quốc tế ông lại say sưa viết văn, làm thơ. Vân Long viết ký sự về sự kiện đổ móng lò cao số 1 Thái Nguyên, viết về cô em gái được nhận việc ở Thành phố Việt Trì và in tập thơ đầu tay Tia nắng (Nxb Văn học 1962). Những năm giặc Mỹ leo thang đánh phá Hải Phòng ác liệt, Ty văn hóa do nhạc sĩ Trần Hoàn làm trưởng ty lập Nhà sáng tác mời về các nhà văn nhà thơ: Trần Đình Ngôn, Thi Hoàng, Vân Long... Từ đó người nhạc công Nguyễn Văn Long chính thức thành nhà thơ chuyên nghiệp Vân Long.

Năm 1975 đất nước hòa bình thống nhất Vân Long được chuyển về Hà Nội sau 10 năm gắn bó với thành phố Hoa phượng đỏ đầy ân tình thương nhớ. Đầu tiên ông về xứ Đoài làm biên tập văn học cho cho Ty văn hóa Hà Sơn Bình cùng với Phượng Vũ, Trần Lê Văn, Bế Kiến Quốc... Năm 1980 Vân Long về làm Trưởng ban văn nghệ báo Độc Lập, rồi thay Xuân Quỳnh làm biên tập thơ nhà xuất bản Tác phẩm mới. Có chuyện đáng nhớ Vân Long thấy nhiều bản thảo thơ chưa in được vì kinh phí xuất bản hạn hẹp. Ông đề xuất hướng giải quyết “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Cách làm hợp lý cho các tập tập thơ tốt ra mắt công chúng. Mở đầu Vân Long chọn ba tác giả trẻ Nguyễn Lương Ngọc, Dương Kiều Minh, Trần Quốc Thực có dấu ấn riêng mở ra thời kỳ trẻ trung, mới mẻ.

Nghỉ hưu, Vân Long làm trợ lý cho Tổng biên tập báo Sức khỏe và Đời sống, từng làm Chủ tịch Hội đồng thơ Hội Nhà văn Hà Nội. Chặng đường hơn 60 năm dằng dặc với nghề biên tập, nhà thơ Vân Long gắn bó với nghiệp chọn câu, gieo chữ trên cánh đồng văn chương. Một cây lim già càng nhiều tuổi càng ngút xanh: “Đình dốc cây lim xanh/ Lặng lẽ xanh ngàn tuổi”.

Nhà thơ Trịnh Thanh Sơn từng viết “Hành trình thơ Vân Long đi từ chiều rộng đến bề sâu, đi từ nồng đến đậm. Càng về sau thơ Vân Long càng mang vẻ khoan hòa, lão thực nên dễ thấm vào lòng người và tạo được vẻ đẹp thuần phác mà trang trọng”. Nhà thơ Vân Long lấy cái đẹp làm gốc cho cảm xúc và thi ảnh của thơ mình. Ông tâm niệm: “Ôi Cái đẹp dù không nhìn thấy/ vẫn chiếm lòng như những ước mơ”. Tình yêu máu thịt với Hải Phòng; Tình yêu mặn nồng mùa thu Hà Nội; Tình yêu đôi lứa mộng mơ tạo lên hồn cảm thơ Vân Long.

Nhà thơ Vân Long sống gần 10 năm, gắn bố máu thịt với thành phố Hoa phượng đỏ. Cảm xúc thơ đi từ cái tôi duy - mỹ đến cái tôi - công - dân - chiến sĩ. Bài thơ mang đậm ý tưởng cao cả người công dân, bung phá giọng điệu, vạm vỡ mạch trường ca. Những câu thơ tự sự mà trữ tình hào khởi trước không khí lao động chiến đấu của nhân dân thành phố cảng anh hùng.

Thành phố mang hơi thở đại dương

... Ở đâu đây những viên đạn mới lên nòng

Tiếng gió trở mình trên mái phố

(Hải Phòng đêm thu mùa thu 1967)

Thành phố cần lao hiện hữu trong hồn cảm thơ Vân Long cả chất tráng ca và bi ca:

Một đám bụi đỏ nhờ gió cuốn

Bám đầy vai tôi

Có chút nào của bạn đó không

Người bạn chết đêm qua mất xác

(Kỷ niệm đỏ)

Và:

... Mùa thu này tôi lại tiến tôi đi

Tôi một nửa sẽ ở đây vĩnh viễn

... Tôi - con - tàu và tôi - hải cảng

Ở và di cùng một nhịp triều dâng

(Mùa thu chia tay)

Năm tháng đất nước xây dựng kinh tế, hòa nhập toàn cầu nhiều đổi thay bung phá, nhiều cái được, cái mất của phận người. Vân Long về Hà Nội trong bộn bề cuộc sống lo toan. Với bản lĩnh của mình, thơ ông lặng lẽ chảy trong dòng mạch mới. Có chiêm nghiệm thế sự, nhưng vẫn nồng ấm tình người. Nương trên cánh thơ cổ điển với tầm bay hiện đại Vân Long lại tươi tắn, mặn mà trong những câu thơ về mùa thu Hà Nội. Mùa thu nắng nhạt, gió se, liễu rũ bên hồ, hoa sữa thơm gom nỗi nhớ gọi ta:

Mở cửa đường thơm hoa sữa gọi

Phải bùng ra phố, phải đi thôi

Hà Nội trời xanh màu cốm mới

Tôi nhập vào thu với mọi người

... Xòe ra đôi sợi vương màu nắng

Bắt chợt mùa thu vương kẽ tay.

(Thu cảm)

Bất chợt mùa thu vương kẽ tay” là câu thơ tài hoa nâng vóc dáng con người trước thiên nhiên chỉ có cái tâm, cái đạo sáng trong của người thơ mới nắm bắt được hồn cảm ấy. Cảnh vật mùa thu vào thơ Vân Long tinh tế, đầy biểu cảm:

Lá phượng lăn tăn rơi suốt đêm

Sớm dậy lá vàng như nhựa sánh

... Chiếc hôn mặn mòi vị muối

Gặp mùa thu mắt em xôi xao.

(Lại một mùa thu Hà Nội)

Chiêm nghiệm đời mình để khắc khoải trư­ớc nắng vàng, gió lạnh, mưa bay: “Nửa thế kỷ gánh trên vai cái tuổi/ Mùa thu vầng trán trầm tư”, và:

Lư­ơng trời rộng sao lòng mình hẹp

Thiên nhiên không biết cũ già

Lá biếc nghìn năm vẫn biếc

Tàn nở nghìn năm vẫn hoa

(Vào thu)

Quy luật sinh hóa muôn đời của thiên nhiên, dòng thơ đang đau đáu thế sự bỗng bừng cháy soi sáng một mảnh hồn xanh nõn:

Trận mưa thu ào qua

Nắng lại xòe diêm đầu lá ướt

(Vào thu)

Động từ “xòe” vừa thực vừa hư, kỳ ảo điệu nghệ làm xao động ng­ười đọc. Thiên nhiên trong vắt, tinh lọc rung cảm đến tận cùng thị giác và thính giác dịu dàng da diết: “Chiều trôi trong tiếng chim gù/ Nghe cả tiếng lá rơi vào nắng/ Một mảnh trời xanh như thu. (Thoáng hiện)

Bài thơ đầu tiên của Vân Long đi vào lòng người là bài thơ tình khúc triết, dễ nhớ. Đó là điệu hồn của chàng trai trẻ trước bóng hình người yêu:

Qua giải sân mưa tôi ngắm em

Màn mưa nhòa những nét thân quen

Tình yêu mới nở sao mà đẹp

Một thoáng nhìn nhau mưa cũng ghen

(Qua mưa)

Tình yêu bất chợt và si mê: “Gần nhau non buổi chiều/ Ngẩn ngơ tròn buổi tối/ Đường về quên mất lối/ Rẽ nhầm tới nhà em”. Vô tình hay hữu ý chỉ hai người biết. Bài thơ nói trúng tâm trạng người đang yêu nên được trân trọng nằm trong sổ tay nhiều thế hệ. Người con gái hiện hữu trong đời, trong mơ “Tôi trong chiêm bao lẽo đẽo/ Đi về thương nhớ khôn khuây”. Tình yêu gái trai niềm khát khao đắm say phồn thực tràn đầy:

Anh nứt nẻ, anh như ruộng cạn

Cơn mưa em tưới tắm đời anh

Em tinh tế đến từng giọt nhỏ

Em tràn đầy những giấc mơ xanh

(Mùa em)

Ở cái tuổi tri thiên mệnh, thơ tình Vân Long vẫn ngời lên những tứ thơ độc đáo, đầy tính thời sự mà trẻ trung như nụ cười của tuổi hai mươi:

Đất nước im súng bom

Lòng lại bầy trận mạc

Em trẻ thế chả lẽ em là giặc

Bất chợt mình chưa đánh đã mong thua

(Không chiến trường)

Người con gái đẹp nhất thơ tình Vân Long là người yêu - người vợ theo ông bươn chải qua tháng năm dài. Người vợ đảm, dịu hiền lo toan tổ ấm gia đình cho nhà thơ mơ mộng. Vân Long viết những câu thơ nồng nàn tình ân nghĩa vợ chồng: “Em làm rỗng căn buồng/ Một nửa trời xanh theo em đi vắng”. Thấm nỗi cô đơn khi không có người ấy bên mình:

Em đi vắng, bạn bè xa ngái

Mùa thu bủa lưới thủy tinh

Trời chật nỗi buồn rộng rãi.

(Nỗi buồn nhà mới)

Thơ tình Vân Long chất chứa số phận một đời ngư­ời, một đời thơ “Thương một chiều để thương một đời”. Dòng mạch thơ Vân Long trong lắng vững bền hơn 60 năm là sự thành công của người thơ biết sống chân thành, nghĩa tình, yêu thương cho con người và đất nước. Tấm lòng đó, phẩm giá đó là hộ chiếu đưa thơ ông đến với công chúng. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo viết: “Đó là lối sống giản dị và nhân hậu với người với đời. Đó là sự trân quý văn chương nghệ thuật. Đó là tâm hồn chia sẻ tài năng cùng bạn bè thi hữu... Nhờ thế mà Vân Long đã học đ­ược từ đời sống bụi bặm lầm than những câu thơ sạch, những câu thơ run rẩy xúc cảm về cái đẹp”.

Nhớ dạo mùa thu năm 2005 tôi mời “Hội bia xứ Đoài, xứ Thanh” về Nga Sơn. Cả đoàn gồm Vân Long, Trịnh Thanh Sơn, Lê Bá Thự, Hòa Vang, Đặng Ái, Văn Đình Hùng đến thăm nhà thơ Hữu Loan. Trên manh chiếu trải nền gạch ngôi nhà mái bằng nhỏ có chai rượu, đĩa lạc bày ra đơn sơ. Ngôi nhà này vào năm 1990 thời Đặng Ái làm Chủ tịch Hội Văn nghệ Thanh Hóa xin Ủy ban Nhân dân tỉnh cấp kinh phí làm. Nay gặp lại nhà thơ Hữu Loan mừng và vui lắm. Vân Long ngồi lặng ngắm những kỷ vật treo trên tường, mảnh vườn ao chuôm gợn sóng, nhìn nhà thơ mình kính yêu trong dáng gầy vóc hạc, tóc bạc buông xõa. Một sáng thu đáng nhớ trong đời văn chúng tôi.

Mười năm sau Vân Long mới có bài viết về tướng Nguyễn Sơn và thi sĩ Hữu Loan, in báo Văn nghệ tháng 8 năm 2015. Thật tâm huyết, cẩn trọng tìm hiểu tài liệu, có trách nhiệm với các bậc đàn anh trên thi đàn, như đã từng viết về Quang Dũng, Trần Lê Văn, Ngô Quân Miện...

Nhà thơ Vân Long không vướng bận nào quyền lực, tiền tài, danh vọng. Ông như­ bậc túc nho xưa ẩn cư chốn thị thành lặng lẽ viết những câu thơ, trang văn nồng ấm tình người. “Mình đã bửa cuộc đời ra bán lẻ” thì bán đến tận mảnh hồn thơ cuối cùng... Không chấm than, chấm hết nửa chừng đâu. Thời công nghệ, thế giới phẳng nhà thơ cứ rút ruột tầm kết tấm lụa thơ vàng óng tươi non:

Thơ mới đọc truyền qua điện thoại

Ve đàn, ếch đệm, líu lo chim

(Nhà mới)

Nguồn Văn nghệ số 28/2020


Có thể bạn quan tâm