April 27, 2024, 3:00 am

Thực trạng và tương lai của văn hóa đọc

 

 Gần đây giới xuất bản và phát hành sách đã có nhiều nỗ lực để đưa sách đến tay bạn đọc. Đó là sự xuất hiện đường sách ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh… Rồi các hội sách được mở ở nhiều nơi nhân dịp lễ lạt và các ngày kỷ niệm. Nhưng những nỗ lực ấy chưa cải thiện được tình hình văn hóa đọc ngày càng èo uột ở nước ta. Thống kê gần đây cho thấy một năm một người Việt Nam có 4,6 bản sách (Theo bình quân đầu người mà 84,9% số đầu sách lại là sách giáo khoa, sách tham khảo và giáo trình).

Tình trạng này giới cầm bút là những người cảm nhận rõ ràng nhất. Trước đây người ta thường nói với nhau một cách mỉa mai là nhà văn Việt Nam không sống được bằng nhuận bút, bây giờ còn mỉa mai hơn: số nhà văn có nhuận bút chỉ đếm trên đầu ngón tay. Sách không bán được, nên các nhà xuất bản cũng chẳng mặn mà. Nhiều tác phẩm các tác giả tự in vài trăm cuốn để tặng bạn bè, đồng nghiệp (mà bạn bè, đồng nghiệp mấy khi đã đọc của nhau!), sách đến tay bạn đọc hầu như không có. Một số tác phẩm được đầu nậu hoặc nhà sách phối hợp in (trả nhuận bút cho tác giả bằng sách và ép mua thêm vài trăm cuốn, với lời đề nghị “mỹ miều”: hỗ trợ xuất bản), rồi đưa vào thư viện và cũng chẳng có mấy người xem. Một số nhà văn than thở với chúng tôi: Sách của họ và báo, tạp chí Hội Nhà văn phát cho các hội viên, vợ, con họ cũng chẳng xem…

Công bằng mà nói sách văn học đang bị cạnh tranh khốc liệt bởi văn học mạng, bởi các chương trình giải trí xuất hiện dầy đặc trên ti vi, trên internet và với cuộc sống hối hả hiện nay quỹ thời gian mà mỗi người dành cho việc đọc sách và giải trí lại càng eo hẹp. Nhưng tất cả những lý do trên chỉ là phụ, nguyên nhân chính vẫn là nội tại của nền văn học. Trong những năm qua sách in ra rất nhiều, nhưng số sách được gọi là tác phẩm lại quá ít. Đã thế lại chưa có tác phẩm đỉnh cao phản ánh đúng và trúng những vấn đề của thời đại, như kỳ vọng của công chúng và những người làm nghề. Công bằng mà nói, trong thời gian qua đã có những tìm tòi sáng tạo, bứt phá những lối đi mới, những cách tiếp cận hiện thực mới, hầu như không còn ai muốn viết theo lối cũ, nhưng tất cả mới chỉ là bắt đầu, chưa có tác giả, tác phẩm nào thật sự khiến công chúng phải “tâm phục khẩu phục”. Và do vậy có một nghịch lý không biết đến bao giờ khắc phục được, đó là số lượng bạn đọc đã ít ngày càng ít. Vì vậy văn học trong những năm qua hầu như không có tác động đáng kể đến công chúng. Đã thế trong số công chúng không nhiều của văn chương, thì phần đông lại chỉ quan tâm đến văn học thị trường (tiểu thuyết ngôn tình, chuyện đồng tính, văn chương thuần túy giải trí v.v…), cho nên khâu tiếp nhận gần như là khâu yếu nhất của văn học Việt Nam hiện nay.

Một nền văn học lành mạnh là một nên văn học có sự hoạt động nhịp nhàng giữa 3 yếu tố: nhà văn, tác phẩm và công chúng. Đội ngũ nhà văn và tác phẩm ở ta hiện nay đã có – tuy còn nhiều vấn đề cần phải trao đổi, bàn bạc, nhưng phải thừa nhận ngay là hiện nay rất nhiều tác phẩm không có công chúng. Một nền văn học phải có công chúng thì mới thực sự là văn học, cũng như bóng đá thì phải có người xem thì mới  thực sự là một nền bóng đá lành mạnh. Cho nên FIFA luôn có hình thức kỷ luật cao nhất với các câu lạc bộ vi phạm là phải đá trên sân vận đông không có khán giả. Câu lạc bộ văn học Việt Nam hiện đang “đá” trên sân có rất ít khán giả. Để kéo được công chúng đến với mình trong một thế giới phẳng hiện nay là rất khó khăn, một mình người cầm bút không thể thực hiện – nhưng điều kiện tiên quyết là phải có tác phẩm hay trước đã. Mà điều này thì không ai có thể làm thay được cho người cầm bút.

Hiện nay văn học truyền thống đang bị sự “xâm lăng” dữ dội của văn học mạng khiến cho văn hóa đọc truyền thống cũng bị teo tóp ít nhiều. Tình hình hiện nay cũng giống như điện ảnh trước đây với sự xuất hiện của vô tuyến truyền hình và báo giấy với sự xuất hiện của báo điện tử và mạng xã hội. Nhưng rồi chẳng có loại hình nào “nuốt chửng” được loại hình nào, tất cả vẫn tồn tại. Chỉ có điều văn học, điện ảnh, báo giấy… phải thay đổi, phải tiếp cận với môi trường mới để tồn tại và phát triển. Điện ảnh và phần nào báo giấy đã thích nghi được, hy vọng văn học cũng sớm tìm được lối đi riêng cho mình.

Nguồn Văn nghệ số 08/2020


Có thể bạn quan tâm