April 26, 2024, 11:04 am

Thủ thỉ chuyện Tết

 

Một năm trôi đi.

Tờ lịch cuối cùng trong lốc cũ đã hết, thay lốc mới lại cứ chăm chăm vào bên dưới, con số của ngày âm lịch đang hiện lên rõ nét của tháng chạp; nó là niềm vui và cộng cả nỗi lo khi ta đã là chủ nhân của ngôi nhà, là ba là ông với trách nhiệm làm người lớn nhưng mỗi công việc đón tết từ việc nhỏ đến việc quan trọng nhất là bàn thờ gia tiên đều cẩn thận, chậm rãi thì ta lại nhớ những mùa tết qua đi cứ chầm chậm xuân về lại đến.

Nhớ nhất, quý nhất là lúc ông bà, cha mẹ, anh em đều ở chung nhà, tề tựu đông đủ để chuẩn bị một cái tết thật đầm ấm. Khi ấy, đang thời bao cấp, mọi thứ đều rất khó… tìm, khó mua và khó đổi! Nhưng không hiểu làm sao mà mẹ lại lo được, lo từ tháng mười lo đi từ ký đường, ký nếp, ký đỗ, chồng bánh tráng và ba tôi lại lo về quê mà chuẩn bị chung vốn để có thịt, chuẩn bị rau củ từ sớm. Và cũng lúc ấy, anh em tôi lại học xa mọi tin tức chỉ thư từ qua lại rồi hẹn nhau cùng về trước ngày tiễn ông Táo, kịp cho hôm sau cùng ba đi tảo mộ gia tộc.

Dẫy mả tổ, câu nghe thật dễ thương và ám vào chúng tôi mỗi khi đi cắt tóc đón tết. Nhưng chính dẫy mả tổ đó, đến giờ anh em chúng tôi mới nhận ra từng người thân dòng tộc đã nằm xuống nơi nào mà ít nhất vào mỗi năm mới có dịp gặp, mới kính cẩn cúng bái trong khói hương nghi ngút hòa trong nắng se vàng ấy mà mời mọi người về lại gia đình đón tết. Đó là việc đầu tiên nhất được truyền qua nhiều thế hệ, như mỗi năm nơi quê nhà nào mà không có hàng vạn thọ đơm bông, cánh mai vàng trổ nụ và cặp bánh tét trên bàn thờ gia tiên nơi chúng tôi ở.

Đó là những ngày chuẩn bị đón tết. Mọi người tất bật, nhà nhà tất bật. Bộ lư hương, bàn thờ, cửa nhà ra đến tận ngõ đều sáng choang, mới mẻ. Tất cả như bừng lên sau những tháng đông dài lạnh buốt bởi có hoa lá và nắng mới. Tôi nhớ, trong những ánh mắt trẻ thơ đến người già cũng long lanh sáng và nụ cười thường trực. Mẹ quầy quả ra chợ rồi hí húi mãi trong gian bếp đỏ lửa, cha đã ra vườn rọc lá chuối, ngâm nếp; nội luôn ngắm nhìn cây mai sà trổ nụ, cây mai đẹp nhất xóm vì thân gốc u nần và hoa đan kín đợi giao thừa đến là bừng sắc hoa. Anh trai đã lau dọn bàn thờ rồi đánh bóng bộ bàn ghế đón khách khi em gái đang phơi những bộ quần áo mới của gia đình. Tôi là người được cha giao cho công việc nhẹ nhàng nhưng tỉ mẩn, đó là chọn thân tre từ nhà ngoại đem về để rọc kỹ, chẻ từng khúc vừa tầm tay rồi rọc thành những sợi lạt, những cọng lạt ấy đem ngâm nước và sẽ buộc cho từng đòn bánh tét, bánh chưng; sau nữa là đón lấy những xấp lá từ tay cha để trải lên sân phơi nắng lật thật đều hai mặt, lá giữ xanh thì thân bánh sẽ xanh rất bắt mắt và khi xắn bánh để ngân cùng dưa món giòn rụm, ngon lành thấm đượm hương vị tết quê nhà.

Thủ thỉ mà nói, những việc làm mà ông hay cha tôi giao nó như vận vào cuộc đời anh em chúng tôi để mãi thành thói quen mà sau này chúng tôi mới biết. Và trong những công việc trên vào những ngày áp tết là khoảng thời gian cả nhà vừa làm vừa đón đợi tết lại vừa có những suy nghĩ riêng tư nhất, đó là sự hoài niệm những mùa xuân đã qua, suy nghĩ công việc ngày tới trong niềm hoan hỉ mỗi năm có một lần khi xuân đã về.

Chiều cuối năm, lối ngõ vắng hoe, chỉ se se nắng và gió mơn man trên từng bông vạn thọ vàng, cúc vàng, mai vàng, cọc rơm vàng… màu hoàng hoa trải đều khắp lối thì dưới tàn cây trứng gà lấp ló những trái chín vàng kia cả nhà đã tụ họp lại. Chiếc phản gỗ mun đã sắp đều những vật dụng gói bánh. Cha ngồi kia, ông ngồi đó, bà bên ông như mẹ bên cha khi anh em chúng tôi đứng bên cạnh chờ sai bảo. Đương nhiên, mẹ sẽ gói những đòn bánh tét nhỏ vừa tay chúng tôi mà khoe khắp xóm. Đó là quà của chiều cuối năm; là câu chuyện kéo dài trên tấm phản gỗ mun ấy, thủ thỉ chuyện trò, những câu chuyện của một năm trong tứ mừa chuyển dịch vui buồn, sướng khổ trong đời người khi chuẩn bị nhận thêm một tuổi.

Nồi bánh tét đêm ba mươi mà bất cứ người con đất Việt ở gần hay ở xa đều nhớ bởi từng là người trong cuộc, được nghe kể lại hay nhìn thấy trên bất cứ phương tiện truyền thông nào và ăn sâu vào tiềm thức theo mỗi thế hệ. Nồi bánh có thể được đun trên những gốc tre, củi hộc như nhà tôi hay đun trên hệ thống điện và được đặt bất cứ đâu từ ngõ quê, góc phố, trong nhà nếu như khi ấy là chiều ba mươi tết là hiển hiện xuân về. Gia đình tôi cũng vậy, khi ấy là ba thế hệ ngồi bên nhau để tạo nên bản sắc ẩm thực truyền đời. Để cho đêm ba mươi, tiếng lép bép của củi lửa, tiếng nước sôi sùng sục trong nồi bánh, tiếng dế râm rỉ gáy chung quanh, tiếng người nhà bên văng vẳng vọng là kỷ niệm không quên; không thể quên khi cha trân quý đặt lên bàn thờ gia tiên từng đòn bánh để ông tôi áo dài, khăn đóng thắp nén hương đầu tiên đón chào thời khắc của năm mới, cầu sự an lành.

Hai mươi năm rồi ba mươi năm đi qua.

Cây mai vẫn còn và cho hoa đều cành nhưng nhà tôi đã di dời nhiều nơi với các thế hệ tiếp theo. Ông tôi, bà tôi đã mất hai mươi năm và tiếp theo là mẹ tôi của ba thập kỷ tiếp theo. Để đêm ba mươi hàng năm ấy, cha tôi đã già ngồi bên cạnh cây mai vàng năm xưa, bên bàn thờ năm xưa, tách trà nóng thơm mùi lài như năm xưa mà thủ thỉ chuyện trò với những người đã khuất; khi tôi im lặng ngồi bên cha mà nhớ những mùa tết đi qua trong quãng đời người. Nhớ những chiều ba mươi, đêm ba mươi đầy hoài niệm ấy; cho dù, trên bàn thờ luôn trang trọng cặp bánh chưng và bánh tét nhưng vẫn thiếu một cái gì ấy, đó là thiếu tình cảm đong đầy của những người ruột thịt bên cạnh.

Một năm trôi đi với bao biến cố, nhưng tết vẫn là tết giống như từng tờ lịch cuối cùng của năm cũ đã rơi xuống cho tờ mới tiếp theo vẹn nguyên. Đó là sự hạnh phúc trong mỗi con người và vệt dài hoài niệm sẽ chắp nối, truyền lửa cho mỗi con người tiếp tục hướng tới.                                                                                     

Huỳnh Thạch Thảo


Có thể bạn quan tâm