April 26, 2024, 11:01 pm

Thông điệp màu xanh*

Chắc hẳn bạn sẽ vô cùng ấn tượng và choáng ngợp với mật độ xuất hiện dày đặc những hình ảnh của mây trời màu xanh, những giấc mơ xanh, và những khúc nhạc xanh trong thơ Trương Anh Tú. Dường như sắc xanh đã trở thành một chất liệu đầy ám ảnh đối với nhà thơ này. Bao giờ trong thơ anh, ta cũng thấy - hoặc là những sắc xanh tuyệt đẹp hiện ra ngay trong từng câu chữ - hoặc là cái bóng loang loáng màu xanh, vẫn đang e ấp phía sau mỗi câu thơ. Ta tự hỏi, điều gì đã khiến màu xanh trở thành một sự hiện diện không thể thiếu trong thơ Trương Anh Tú như vậy? Sao tất cả những vui buồn, những hy vọng, và bao nỗi nhớ mong, đều được cụ thể hóa bằng màu xanh? Có phải vì:

Nhà thơ Trương Anh Tú

Bên mẹ

Tôi đã lớn lên với những bức tranh chứa đầy ánh sáng”.

 “Những bức tranh chứa đầy ánh sáng” của mẹ đã nuôi dưỡng trong sâu thẳm tâm hồn nhà thơ một tình yêu cuộc sống dạt dào, để rồi sau này khi lớn lên, đã rời xa vòng tay mẹ và bắt đầu sải cánh ở một vùng trời khác, thì sắc xanh màu nhiệm và huyền ảo ngày nào, vẫn luôn là thứ ký ức mà “con” mãi luôn nhớ về, và mãi rong ruổi chạy theo…

Dưới bầu trời

đêm hay ngày

những đứa trẻ chập chờn trong những

giấc mơ xanh”.

 “Giấc mơ xanh” của ngày xưa, là ký ức về một buổi chiều có đám trẻ thơ nô nức trên đồng, “gom bầu trời trong những cánh diều cao vút”, chẳng cần phải biết đêm đã thay ngày, và “nắng đã tắt sau lưng”. “Giấc mơ xanh” của ngày xưa, là cảnh loài cáo thức dậy sau vành trăng lưỡi liềm, “chúng đếm những con mồi như những đứa trẻ đếm các vì sao”… “Giấc mơ xanh” của ngày xưa, là bầu trời trong xanh, là những cơn gió mát, là một “tôi tha thẩn như một chú kiến dại khờ”, là “những chiếc lá xanh non, những cánh hoa nhỏ xíu”… Ôi tuổi thơ ơi! Có bao giờ trở lại? Để ru dịu lòng ta sau những hoang hoải, sau những giàn giụa trước cuộc đời đầy ắp những biến thiên?! Phải chăng tuổi thơ kia đã trôi đi theo một miền trời nào xa thẳm, chỉ có giấc mơ ở lại vỗ về, ôm ấp phần thơ trẻ trong ta…

Trương Anh Tú đã gợi ra cho bạn đọc một hình dung rất rõ về tuổi thơ của mình như thế. Tôi tưởng tượng về tuổi thơ anh, như một bức tranh với những gam màu tuyệt đẹp, chính giữa là một cậu bé đang thả sáo diều, trên đầu có trời biếc xanh, dưới chân xanh rì cỏ mới, và xa kia là một dòng sông xanh lóng lánh soi ánh mây trời. Tôi cho rằng chất liệu hình ảnh và âm thanh của đồng quê Việt Nam ấy, đã được Trương Anh Tú tiếp thu một cách rất tự nhiên, nên khi được phản chiếu lên thơ, bạn đọc có thể hình dung ra, và bắt gặp trong thơ Trương Anh Tú tuổi thơ của chính mình. Đồng thời, chính những chất liệu hết sức mộc mạc ấy đã góp phần hình thành nên một tâm hồn thơ rất rộng rãi và khoáng đạt trong con người Trương Anh Tú. Đọc thơ anh (dẫu có thể là một bài thơ không viết về đề tài thiên nhiên), ta vẫn nghe đâu đó tiếng gió rì rào, hương hoa cỏ, và một màu xanh bình yên không thể thiếu.

Trên những con đường xanh

Anh tìm sao trên đất

Có ngôi sao rất thật

Lặng trong đôi mắt em”.

Ta thường liên tưởng tình yêu với màu đỏ - màu của trái tim, của máu nóng, màu của những si mê cháy bỏng của đôi lứa đang tha thiết yêu nhau. Nhưng với Trương Anh Tú, anh nghĩ về tình yêu với một màu xanh rất dung dị và đơn thuần. “Anh tìm sao trên đất”, vì tinh tú anh tìm không phải một thứ hào nhoáng mà anh chỉ có thể đứng thật xa để lặng ngắm và ước ao. Anh không còn là một đứa trẻ mê mải ngắm các vì sao tít tắp trên trời xa nữa, trong tình yêu, anh chỉ muốn tìm về những điều chân thật. Và anh đã tìm thấy ngôi sao quý giá ấy “lặng trong đôi mắt em”. Ở dòng thơ này, Trương Anh Tú đã vẽ ra một hình ảnh rất đẹp và lãng mạn. Tôi cho rằng chữ “lặng” ở đây vô cùng đắt. Không phải là ngôi sao ở trên trời đã sà xuống và “lặn” vào mắt nàng, chữ “lặng” này gợi ra một đôi mắt sâu, chứa nhiều mơ mộng của người thiếu nữ. “Lặng” cũng có thể hiểu, trước tình yêu của đôi trẻ, sự tồn tại của ngôi sao kia cũng trở nên lặng lẽ hơn, bởi đôi mắt nàng mới là ánh sao mà cả cuộc đời anh chàng kia kiếm tìm.

Với lối viết thơ và cách sử dụng từ ngữ trong thơ rất giản dị, đơn thuần như vậy, thơ Trương Anh Tú trở nên gần gũi, và dễ dàng “hòa âm” cùng tiếng lòng và những trăn trở của bạn đọc. Quá trình đồng sáng tạo này rất quan trọng trong thơ. Một bài thơ chỉ thật sự sống, và thực hiện được chức năng văn học của mình, khi nó được người đọc đồng hành, tri âm, và đồng sáng tạo. Điều đó không chỉ giúp cho tên tuổi nhà thơ không bị chìm lấp giữa vô vàn những cái tên của “bể văn chương”, mà còn giúp bản thân tác phẩm tự kéo dài và viết tiếp số phận cho mình. Tôi cho rằng, những lối thơ quá hoành tráng về câu chữ, nhưng rỗng tuếch cảm xúc, hay có cảm xúc, nhưng lại hời hợt và vô hồn, không thể nào sống lâu trong lòng độc giả. Xin nói như vậy, để hiểu thêm lý do vì sao một nhà thơ đang sinh sống ở nước ngoài, nhưng lại nhận được nhiều sự ủng hộ từ bạn đọc Việt. Trương Anh Tú đã viết thơ về cuộc sống này bằng những chất liệu cuộc sống và bằng những cảm xúc chân thực nhất, như Baudelaire đã nói: “Những mùi hương, những màu sắc, và những âm thanh tương xứng nhau”. Không có một hình ảnh nào là sản phẩm của một trí tưởng tượng gò ép, không một âm thanh nào được cố ý đưa vào, không một cảm xúc gượng gạo nào nhảy múa trên mỗi câu thơ, đó là một điều rất quý mà Trương Anh Tú đã làm được, đó là cách mà anh thể hiện sự tôn trọng cho nghiệp thi ca, cũng đồng thời là sự tôn trọng dành cho chính mình.

Hãy tiếp tục nhớ về những màu xanh trong thơ Trương Anh Tú. Màu xanh trong thơ anh xuất hiện rất dày, và nó thường là biểu tượng cho sự trong trẻo, sự bình yên, và là màu thời gian, màu hoài niệm. Nhưng ở đây, tôi muốn bàn đến một khía cạnh khác của màu xanh, và cũng là một khía cạnh khác của thơ Trương Anh Tú trong tập thơ “Hoa ban mai”. Rõ ràng, vẫn là những câu thơ rất tinh tế và dịu dàng vốn đã trở thành phong cách thơ của người nghệ sỹ Trương Anh Tú, nhưng xen giữa vào đó, ta bắt gặp những nét thoáng buồn nhẹ lướt qua trang thơ. Giọng thơ đã có lúc trầm đi, nhịp thơ đã có lúc chậm lại, những chồng chéo đan xen đã xuất hiện trong những mảng màu sáng - tối. Đã có những lúc ta ngậm ngùi ngắm nghía một màu xanh, đã không còn là hiện thân của những niềm vui thuở nhỏ:

Bà tôi như cơn gió

Thoảng về núi xanh rồi

Bóng bà bên bậu cửa

Chỉ còn trong mơ thôi.

Cái sắc xanh của một ngọn núi xa xăm hiện lên sao mà da diết, mênh mang và day dứt quá! Chẳng biết là “núi xanh”, hay là ngọn khói mà bà vẫn nhóm mỗi sớm mỗi chiều, nay hóa thành sương lam quấn lấy đầu ngọn núi, để giờ đây cháu nhớ bà, ám ảnh mãi một sắc “núi xanh!?

Hay trong những bài thơ khác, nhà thơ đã đặt ra câu hỏi về cách sống của con người ngày nay, khiến cho mỗi chúng ta phải tự vấn chính mình. Tôi xin lấy ra một khổ thơ mà tôi rất ấn tượng với cách Trương Anh Tú đặt vấn đề:

Ngoài biển khơi

Những con sóng vô tâm

Đè nghiến lên nhau tìm chỗ trú.

Hoa ban mai đưa chúng ta đi từ những miền cảm xúc này đến những miền cảm xúc khác. Ta được du hành về tuổi thơ với những niềm hạnh phúc trắng trong, nhưng cũng không vì thế mà phải “đào thoát” khỏi cuộc đời thực. Ta bắt gặp nhiều cuộc “đối thoại” trong thơ anh, như là những tiếng gọi của cuộc sống. Một điểm đặc biệt cần được nhấn mạnh, ngay cả khi viết về những góc tối của cuộc sống, Trương Anh Tú không gặng hỏi, không chỉ tay và lớn giọng chỉ trích. Khi đưa ra một thông điệp, anh cũng không búa lớn đao to, không giáo điều, rập khuôn. Và đối với những câu hỏi của mình, đa phần Trương Anh Tú đều dẫn bạn đọc ra khỏi vùng u tối ấy. Nghĩa rằng, anh viết về cái xấu, thậm chí cái ác, nhưng không bao giờ bỏ mặc nó, mà luôn luôn thông qua đó, để nói về cái đẹp, cái thiện. Có bất ngờ hay không, nếu tôi nói rằng, anh thực hiện tất cả những điều ấy, đôi khi chỉ với một sắc xanh quen thuộc?

Rồi cánh đồng chợt ngả mầu vàng

cả những cánh hoa

những chiếc lá của tôi cũng thế

...

Nếu chỉ dừng ở đây, bài thơ chắc chắn sẽ trở thành vô nghĩa. Bởi nó giống như một kết cục buồn, một lời vĩnh biệt mãi mãi đối với tuổi thơ đã trôi qua. Nhưng ở câu thơ cuối của bài, ta thở phào nhẹ nhõm, khi ngước nhìn lên, trời vẫn xanh trong trên đầu:

Chỉ có bầu trời là mãi trong xanh.

Màu xanh vĩnh cửu trong thơ Trương Anh Tú như một lời khẳng định chắc chắn cho những giá trị chân - thiện - mỹ. Dẫu cho tất cả úa vàng, dẫu cho mọi vật đều đổi thay theo thời gian, thì vẫn mãi có một thứ không bao giờ thay đổi, ấy là bầu trời xanh, là sự thật, là cái đẹp vẫn luôn bền bỉ tồn tại trong cuộc sống. Đã yêu cuộc sống này biết bao nhiêu, để mỗi góc nhỏ trong thơ (và cả trong cuộc đời thật), ta đều thấy thấp thoáng một nét mỉm cười rất đôn hậu của Trương Anh Tú; để dẫu viết về điều gì, nhà thơ cũng để lại một dấu ấn rất riêng, đó là “cái giọng riêng biệt không thể tìm thấy trọng cổ họng của bất kỳ một người nào khác” (Turghenev)…

Hay trong những bài thơ khác, cũng sử dụng hai hình ảnh đối lập của sự úa tàn và sức sống mãnh liệt, Trương Anh Tú cũng đã tiếp thêm niềm tin, tình yêu cuộc sống, và tiếp thêm sức mạnh cho bạn đọc:

“Cây lặng im thiu ngủ

nghe hồn dưới đất sâu

qua bao mùa lá rụng

vẫn trời xanh trên đầu!”.

Hoặc: “Vượt qua cơn lũ

         Là trời xanh thôi”.

Những đau khổ vẫn vây bủa của đời thường, những bể dâu bất ngờ sà vào số phận, Trương Anh Tú đã không hề né tránh, ngược lại, anh đặt mình vào thế đối diện với chúng. Anh nhìn thẳng vào cái màn xám đen và cái úa màu trước mặt, nhưng không hề sợ hãi, hay tuyệt vọng, anh chiến thắng chúng bằng chính những con chữ của mình. Ta lần nữa gặp lại cái màu xanh biêng biếc thân quen. Màu xanh ở đây, đã là một hiện thân rực rỡ của sự lạc quan và hy vọng. Đó là niềm tin không hề thay đổi của nhà thơ đối với cái đẹp trong cuộc đời này. Đồng thời, đó cũng là sự khẳng định cho một chân lý sống vô cùng tích cực: mọi cơn bĩ cực rồi sẽ qua đi, như thể sau mọi cơn mưa, bầu trời vẫn vẹn nguyên thanh sạch. Bởi vậy, đọc thơ Trương Anh Tú, ta dường như yêu thêm cuộc sống này. Không chỉ vì những cảnh thiên nhiên rất tươi nguyên và trong sáng, không chỉ vì nhịp điệu vui tươi và tính nhạc rất rõ trong thơ, mà còn bởi vì tư tưởng đã tạo nên sức nặng trong bản thân từng con chữ.

Màu xanh trở thành một biểu trưng nghệ thuật trong thơ Trương Anh Tú như vậy. Thế giới thơ của anh - là một thế giới của màu xanh. Màu xanh trong bầu trời, giọt sương, trong cánh buồm, ngôi sao, trong con đường, bàn chân, ngọn lửa, trong cỏ cây hoa lá...  chính là những chất liệu nghệ thuật để anh song hành cùng thơ, cùng đời sống.

______

* Nhân đọc tập thơ song ngữ Hoa ban mai (Poranne Kwiaty) của Trương Anh Tú ra mắt tại Ba Lan - tháng 10/2021.

Nguồn Văn nghệ số 24/2022


Có thể bạn quan tâm