April 26, 2024, 12:53 pm

Thổi hồn cho đất

Tự ngàn đời xưa, gốm luôn cất lên thanh âm ấm áp đầy mê hoặc. Nếu ngắm bàn chân to khỏe xoãi ra đạp nhồi đất nhịp nhàng như nốt nhạc cất lên từ đất, bạn sẽ say đắm. Nếu mắt nâng niu ngón tay sần sùi thô ráp nắn vuốt phớt trên đất sét dẻo quánh nhẹ lướt như trên phím đàn với bản nhạc riêng của đất, bạn sẽ bị hút hồn. Họ là những người đàn bà cần mẫn bên bàn xoay lò gốm.

Chạm chân đến ngôi làng bình yên nằm bên bờ sông thở phập phồng dưới nắng, tôi bị hút hồn ngay bởi nơi đây sinh ra gốm Bàu Trúc (Ninh Thuận) ngàn năm tuổi. Nơi tôi đến là ngôi nhà của nghệ nhân Đàng Thị Phan nổi tiếng với nhiều đời làm gốm. Gốm quấn quýt bước chân ngay từ cổng vào : vô số bình cổ cong đủ kích cỡ duyên dáng như eo thon cô gái Chăm trong điệu múa truyền thống; những thạp, vò, chum, vại dáng vững chãi khỏe khoắn mạnh mẽ như chàng trai Chăm trong lễ hội đấu võ; tượng thú xinh xắn như mắt trẻ thơ tinh nghịch vui vẻ… Ngắm cụ bà nghệ nhân có gương mặt đẹp rạng rỡ, thấy cái đẹp của gốm song hành với nụ cười tỏa sáng vượt thời gian.

Nghệ nhân gốm làng Bàu Trúc, bà Đàng Thị Phan, đôi mắt đen óng, nước da nâu rám nắng in hằn chi chít nếp nhăn thời gian đẹp một cách kỳ lạ. Tôi mê mải ngắm dáng vẻ nhanh nhẹn trẻ của bà Phan bên bàn xoay chiếc lu đại, bàn tay lướt nhẹ như múa nắn vuốt miệng lu tròn vạnh. Chợt nghĩ thời gian khắc nghiệt cuốn theo mọi thứ, nếu thế hệ bà Phan đi khuất thì ai tiếp nối giữ lại gốm trong lòng bàn tay…

Bà Phan rủ rỉ kể chuyện về cuộc đời gắn với gốm như duyên phận. Cha mẹ ruột bà Phan không phải người làng Bàu Trúc, cô dâu mười tám tuổi về Bàu Trúc với chồng rồi theo luôn nghề gốm, thầy dậy nghề là bà nội chồng và mẹ chồng. Nay tuổi bảy mươi bà Phan là thợ gốm lành nghề như thể sinh ra ở Bàu Trúc.

Ông trời ăn ở bất công, cho bà Phan đôi bàn tay khéo léo nhưng lại sớm lấy đi người chồng hiền hậu. Bà Phan góa chồng từ năm hai mươi sáu tuổi, người góa phụ trẻ nuôi sáu đứa con trưởng thành bằng nghề gốm. Hiện giờ bà Phan có hai con gái và hai con trai nối nghiệp theo nghề gốm.

Khi tôi hỏi về sự vất vả của nghề gốm, bà Phan nói vất vả nhất là đi lấy đất sét. Làm nên tiếng tăm gốm Bàu Trúc phải là hòn đất sét ở cánh đồng bên bờ sông Goao. Từ nhà bà Phan đến đó cũng hàng chục cây số. Khi tôi ngỏ ý muốn tới nơi mảnh ruộng có đất sét được dùng làm nên những sản phẩm gốm nổi tiếng ngàn đời của Bàu Trúc, bà Phan ngần ngại, nói từ đây tới đó phải đi bộ men theo đường bờ ruộng, không đủ thời gian tới đó đâu, nên tôi đành ngậm ngùi tiếc nuối.

Đất sét làm được gốm chỉ khai thác trong tháng Năm, khi mùa mưa chưa đến. Tảng đất sét ngậm đủ nước mưa từ mùa trước, được chan nắng ướp gió của mùa khô tiếp sau, đã đủ độ trở nên dẻo quánh, mượt như bột gạo nếp. Đất sét làm gốm phải đào sâu chừng 0,7 mét và lấy đủ với mức sản xuất trong năm, không được lấy thừa, còn phải dành đất cho nhà khác. Nhà bà Phan làm gốm nhiều nhất làng, hàng năm mang về 20 mét khối đất.

Trải qua hàng nghìn năm, làng nghề Bàu Trúc đều lấy đất sét khu ruộng đó về làm gốm. Qua mỗi mùa mưa, ruột đất rỗng hoác lại được muôn ngàn vạn hạt phù sa theo dòng nước mát lành trôi về lấp đầy. Tôi cứ nghĩ mãi về hạt phù sa được nắng gió và hạt mưa dòng nước sông Goao ngọt lành thấm nhuyễn làm nên màu gốm Bàu Trúc.

 Vuốt xong cái lu đại, bà Phan thảnh thơi ngồi chơi với cháu ngoại ba tuổi, bên những bình, chum, vại và ánh nắng cuối buổi sáng chín mọng xuyên qua hiên nhà. Thật ấm áp khi nhìn thấy đất hiện hồn bởi bàn tay tài hoa, đất an nhiên trong tuổi thọ ngàn năm của gốm, cảm nhận cái thư thái khi nghệ nhân một đời tựa nương Mẹ Đất. Ngồi bên bàn mài chăm chú đánh bóng một chiếc bình, chị Đàng Thị Kim Sương, con gái bà Phan thi thoảng nhìn ra phía mẹ già và con gái. Đàng Thị Kim Sương, là người chị lớn của năm đứa em trong gia đình, đã thừa kế được bàn tay tài hoa nghệ thuật của mẹ Phan. Cũng như mẹ, Kim Sương theo nghề từ khi hai mươi tuổi, tới nay đã có mười bảy năm gắn bó với gốm, và tự nhận tay nghề chưa giỏi. Sương nói, nghề gốm phải học cả đời, mỗi sản phẩm phải chứa đựng tình yêu nghề, kinh nghiệm và nhất là sự kiên trì, trong nghề này chỉ vội vã hấp tấp chút xíu là hỏng. Gốm Bàu Trúc đặc biệt ở chỗ mỗi sản phẩm được làm ra là hàng độc bản, không lặp lại, thợ gốm phải suy nghĩ làm sao ra được sản phẩm riêng biệt

 Sương kể, theo nghề gốm vất vả lắm. Nước trộn nhào đất phải sạch, trước đây nước được lấy từ con sông chảy qua làng, hiện nay sông bị ô nhiễm phải thay thế bằng nước máy. Cực nhọc nhất là công đoạn nhồi đất, vừa cần có sức khỏe lại phải vô cùng kiên nhẫn. Bàn tay khỏe mạnh bắt từng thớ đất sét, nhào miết cho mịn tơi. Ngón tay lần tỉ mỉ theo hạt đất bắt lựa ra cục sạn sỏi li ti thì mặt gốm mới mịn được… Việc trộn nhuyễn đất với cát cũng đòi hỏi sức khỏe và sự kiên trì không kém. Công thức chung là bảy đất ba cát, nhưng mỗi nhà lại có bí quyết riêng để tạo ra sản phẩm riêng biệt. Nhìn khối đất khổng lồ nằm trên sân dưới nắng óng mịn vì được nhồi dẻo quánh mới thấu nỗi vất vả của người làm gốm. Phải nhồi đạp bằng chân cho tới khi khối đất cát nhuyễn quyện dẻo quánh, bắt tay không dính và mịn như bột mì nhồi làm bánh là đạt yêu cầu. Nói thì dễ, nhưng nhìn tận mắt mới thấm nỗi vất vả, chỉ có thể lí giải bằng tình yêu gốm mà thôi. Những giọt mồ hôi mặn mòi thấm đẫm vào gốm. Đời gốm và đời người kết tinh trong niềm say mê tạo nên duyên nghiệp.

Công đoạn nắn tạo hình lại phụ thuộc tâm trạng, ít ai biết tâm lý ảnh hưởng nhiều đến việc cho ra sản phẩm gốm đến vậy. Nếu tâm trạng vui vẻ thì ra sản phẩm cân đối hài hòa. Khi buồn bã, giận dỗi thì mặt gốm méo mó, lồi lõm kỳ dị lắm… Tay thoăn thoắt xoa mặt gốm, chị Sương vui vẻ nói.

Ngắm chiếc bình cổ cong có chiếc quai vặn vẹo, thân bình lồi ra lõm vào như gốc cây bị khoét gọt, tôi hỏi, khi giận chồng thì gốm sẽ như này phải không? Sương cười. Chồng Sương trước làm doanh nghiệp nhà nước, bán xăng dầu, có thu nhập ổn định, thế mà vì đam mê gốm mà bỏ về làm gốm cùng vợ… Đáng tiếc là chiếc bình chưa được nung. Tôi nghĩ nếu có dịp quay trở lại, tôi sẽ mang theo chiếc bình gốm “giận dỗi” này về.

Trong gia đình bà Phan, có ba thế hệ tiếp nối nghề gốm, ai cũng nói làm gốm cực lắm, nhưng vì yêu nên không bỏ được. Tôi thấy thật may mắn cho Bàu Trúc, khi vẫn còn những người say mê thổi hồn cho đất, khiến cho linh hồn đất được thăng hoa từ tình yêu mãnh liệt với đất thô mộc mạc.

Gặp Đàng Thị Hoa Chăm Pa, cô gái nhỏ mang tên đẹp của một loài hoa, bạn sẽ thấy đất mở ra thế giới trong trẻo vô cùng. Người Chăm Ninh Thuận theo mẫu hệ, đàn bà là trụ cột gia đình, con sinh ra mang họ mẹ. Bé Hoa Chăm Pa từ trường về, buông cặp sách là bắt tay vào việc. Em mới chỉ được làm công đoạn chà miết trên sản phẩm gốm nặn xong, phơi nắng khô kiệt, phải chà đi chà lại cho mặt gốm mịn nhẵn, công việc đòi hỏi kiên nhẫn cần cù… Cô gái nhỏ xinh xắn kể chuyện trong vẻ hơi bẽn lẽn. Em học lớp 10, lớp có 40 bạn, riêng em yêu gốm nên quyết theo nghề, bà ngoại Đàng Thị Phan là thầy dậy nghề. Hoa Chăm Pa nói, làm gốm khó nhất là nung gốm đó, cứ học dần vậy thôi, chứ biết bao giờ mới nung được gốm. Mẹ Sương còn chưa biết, chỉ bà ngoại biết đốt lò thôi. Học nghề gốm phải kiên trì...

Tôi nói muốn xem lò nung, Hoa Chăm Pa chỉ ra mảnh sân tráng xi măng dãi chang chang dưới nắng, lò kia đó. Gốm thô phơi khô, chà mịn xếp lớp, một lớp củi, tiếp lớp gốm, bao giờ hết gốm thì phủ lớp rơm dầy xung quanh, lên trên. Nhóm lửa đốt liên tục khoảng 4.500 phút là gốm chín. - Có khi nào gốm bị sống không ? Hoa Chăm Pa nhíu đôi mắt đen óng ả giống bà ngoại, nói rất quả quyết: - Hỏng chừng khoảng 2%. Tôi nghĩ, vậy gốm ra lò đạt tỉ lệ cao.

Chất lượng sản phẩm tương xứng với hàng chục bằng khen, giấy khen tại các cuộc thi nghề làm gốm Chăm dành cho nghệ nhân Đàng Thị Phan, treo kín trên tường gạch xưởng gốm.

Mỗi món gốm Bàu Trúc đều lưu dấu bàn tay người làm ra nó. Cô gái nhỏ có suy nghĩ chững chạc khi nói bằng giọng nhỏ nhẹ, con yêu nghề gốm vì mỗi sản phẩm đều phải tự mình nghĩ ra hoàn thiện nó, làm xong thích lắm. Nói rồi Hoa Chăm Pa chỉ tôi xem sản phẩm tự tay làm ra là tượng 12 con giáp, theo quan niệm người Chăm là mang đến may mắn. Tôi bị hút hồn bởi những đường nét ngây thơ trong trẻo ngộ nghĩnh. Bức tượng rồng nặn vuốt cầu kỳ, tượng dê ngộ nghĩnh, dễ thương toát lên tâm hồn trong trẻo của tuổi thơ… Tôi nghĩ bà Phan rất may mắn khi có hậu duệ xứng đáng tiếp nối nghề gốm. Tôi cũng tin cô gái nhỏ sẽ thành nghệ nhân như bà ngoại. Những thăng trầm nghề gốm khiến cô gái nhỏ có suy nghĩ chững chạc, trưởng thành hơn cái tuổi trăng tròn.

Thấy tôi ngắm mãi bức tượng Vũ Nữ có eo thon cong vắt, bầu ngực nõn nà như đóa sen vươn lên đón mặt trời, Kim Sương nói, chỉ đàn ông Chăm mới được làm tượng Vũ Nữ và tượng Tháp, vì đó là vật thiêng dành cho việc thờ cúng. Mới hiểu nhà bà Phan có hai con trai theo nghề gốm, nên trên kệ bày nhiều tượng Vũ Nữ và tượng Tháp. Chắc người làm đã gửi nhiều niềm ước mong về tình yêu hạnh phúc và niềm đam mê cái đẹp hoàn hảo của tạo hóa, niềm tôn kính đấng thần linh thiêng liêng tạo ra sự sống muôn loài.

Từ biệt Bàu Trúc, tôi tiếc không gặp được con trai bà Phan, tác giả của những bức tượng vũ nữ tuyệt vời kia. Hoa Chăm Pa gửi tặng cháu trai nhỏ của tôi bức tượng Dê, tôi tặng lại chút tiền nhỏ mà bé không nhận. Ở đây, đất được đánh thức và gốm sống cuộc đời riêng trong vẻ đẹp vừa thô tháp mộc mạc, vừa diễm lệ kiêu sa trong văn hóa Chăm đầy quyến rũ.

Tôi mong trở lại Bàu Trúc để biết nhiều hơn về gốm và điêu khắc Chăm, biểu tượng đời sống tâm hồn phong phú rộng mở của một dân tộc còn nhiều bí ẩn, một nền văn hóa luôn nhắc nhở về quá khứ rực rỡ sắc màu trong sự gắn bó máu thịt với Đất Mẹ. Ngẫm ra nếu ta biết nhìn thấu đáo vẻ đẹp của những gì ngay bên cạnh mình, thì chắc chắn sẽ tìm thấy sự tựa nương an nhiên tĩnh tại như ruột đất vĩnh hằng.

Nguồn Văn nghệ số 1+2/2022


Có thể bạn quan tâm