April 27, 2024, 6:34 am

Thi sĩ Trường Sơn và bài thơ Tiếng bom ở Seng Phan

 

Bài thơ Tiếng bom ở Seng Phan (viết tháng 12 năm 1968 tại Seng Phan, in báo Văn nghệ năm 1969) của nhà thơ tài hoa Phạm Tiến Duật đơn giản là nói về “tiếng bom” mà máy bay Mỹ ném xuống một trọng điểm trên đường Trường Sơn những năm chiến tranh ác liệt.

Từ xa: “Tôi từ xa Seng Phan/ Nghe bom dội đêm ngày/ Ầm ì tiếng tàu bay/ Vọng vào trong trí nhớ…”; đến gần: “Tôi đến gần Seng Phan/ Nghe cây ầm ầm đổ/ Cốc chén chẳng nằm yên/ Lung lay cả ngọn đèn/ Tiếng bom như tiếng thú…”, rồi đến nơi, đến giữa Seng Phan: “nghe tiếng bom rất nhỏ”!... Và, nhà thơ phát hiện ra một điều thật giản đơn ở đó có những người lính thân yêu đang bám trụ, lao động, chiến đấu:

Cao hơn tiếng bom là khe đá tiếng đàn

Tiếng mìn công binh phá đá

Tiếng điếu cày rít lên thong thả…

Tiếng oai nghiêm xe rú máy trên đường…

Bài thơ được phổ biến rộng rãi ở hậu phương lớn miền Bắc, theo bước chân bộ đội ra chiến trường. Anh hùng Phan Văn Quý nhớ lại, hồi chiến tranh khi đang là lính lái xe trên đường Trường Sơn, một hôm tình cờ gặp tác giả bài thơ, anh mạnh dạn nói với nhà thơ anh rất thích và đã thuộc lòng bài thơ Tiếng bom ở Seng Phan và hỏi nhà thơ viết bài này khi đang ở đâu?. Nhà thơ Pham Tiến Duật trả lời ngắn gọn: “Tôi đứng giữa Seng Phan!”. (Nhà thơ lấy một câu trong bài thơ làm câu trả lời: “Tôi đứng giữa Siêng Phan/ Cao hơn tiếng bom là khe đá tiếng đàn/ Tiếng mìn công binh phá đá/ Tiếng điếu cày rít lên thong thả...”. Seng Phan ở đâu mà người ta mới nghe đã “sởn gai ốc, nổi da gà” mà từ xa đã ngửi thấy máu thấy lửa?

Những năm ấy Đế quốc Mỹ đã biến tuyến đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh thành chiến trường thử nghiệm hàng loạt các chủ trương chiến lược và thủ đoạn chiến thuật, đồng thời cũng là chiến trường thử nghiệm các loại vũ khí, phương tiện kỹ thuật hiện đại. Với hơn 150.000 trận đánh phá bằng không quân, trong đó sử dụng hàng vạn lần chiếc máy bay B-52, ném xuống tuyến đường hơn 4 triệu tấn bom đạn trong tổng số hơn 7 triệu tấn sử dụng trên toàn chiến trường Việt Nam, tiến hành trên 120 cuộc hành quân đánh phá, 1.235 vụ biệt kích… Để mở đường 128, bộ đội tăng cường công binh, ngành giao thông vận tải huy động công nhân và các lực lượng làm đường cơ giới, điều lực lượng cơ giới mạnh nhất của Bộ đang thi công trên công trường Tây Bắc, cộng với xe máy tốt của các công trường khác hành quân cấp tốc vào ngã ba Làng Khăng, đầu đường 129 tuyến I. Vì nếu chậm thì túi nước Siêng Phan sẽ dâng, xe sẽ không thể vào được tuyến thi công.

Nhiệm vụ của Bộ Tư lệnh 559 rất nặng nề, phải lo đường mới, sửa đường cũ, tận dụng các đoạn có thể vận chuyển cơ giới để tung lực lượng vào hoạt động, tận dụng các dòng sông, suối để tung thuyền ra vận chuyển như các sông Noong Cà Đeng, Sê Băng Hiêng, Sê Công... Vấn đề đặt ra là túi nước Seng Phan dài gần 30 cây số đang cao khiến tiếp tế khó khăn, không đáp ứng kịp cho tiền tuyến. Phải làm sao để phá thế độc đạo ở hậu phương, ở khắp các tuyến Đông và Tây Trường Sơn. Sau khi nghiên cứu kỹ, cấp trên quyết định mở tuyến đường từ động Phong Nha, Đông Trường Sơn vượt qua Trường Sơn thọc sâu vào cánh đồng Lùm Bùm phía Tây Trường Sơn, nối với giữa đường 128 và kéo dài xuống đường 9. Con đường này dài khoảng 150km và kiên quyết phải được thông trước mùa mưa năm 1966. Thời gian chỉ còn khoảng 5 tháng nên con đường vừa được thiết kế, vừa khảo sát, vừa thi công với ý chí và quyết tâm cao và được đặt tên là đường 20.

Sau khi giải quyết cơ bản vấn đề túi nước Seng Phan, thông xe đường 128, hàng hóa được chuyển xuống tuyến II qua đường 128 tấp nập. Đường 20 đã được rải quân làm từng đoạn. Về căn bản, tuyến I đã được giải quyết và tận dụng được đường thủy. Các tuyến khác tiếp tục được mở rộng và nối liền các đoạn đường cơ giới, xe có thể lưu thông cả hai mùa mưa và mùa khô. Cuộc chiến đấu ở trọng điểm Seng Phan giữa ta và địch trở nên khốc liệt. Người ta ví Seng Phan như một chảo lửa, như một túi bom!

Và nói đến thơ viết về Trường Sơn, viết về chảo lửa Seng Phan và những người lính Trường Sơn, không thể không nói tới nhà thơ – chiến sĩ Phạm Tiến Duật - một “danh nhân Trường Sơn”, một “con chim lửa của Trường Sơn huyền thoại”, một nhà thơ của bộ đội Trường Sơn. Với những bài thơ về Trường Sơn những năm chiến tranh vừa hiện thực sinh động vừa lãng mạn, có cả “quầng lửa” có cả “vầng trăng”, có bom rơi, có máu đổ nhưng cũng có anh có em, có trai có gái, có “nhìn nhau mặt lấm cười ha ha”, có “khăn xanh khăn xanh phơi đầy nắng sớm ”... Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu, người cũng có nhiều bài thơ hay viết về Trường Sơn có lần nói, chính anh Duật là người đầu tiên đã đưa được cả Trường Sơn vào thơ, về thành phố, về Hà Nội. Có những khi vui chuyện, nhà thơ nói, không có những năm ở Trường Sơn, không có Duật! Lại có lần ông kể lại một câu chuyện vui: “Khi nghe bài thơ Trường Sơn Đông – Trường Sơn Tây (được Hoàng Hiệp phổ nhạc thành bài hát cùng tên nổi tiếng) có người bảo cám ơn mình vì câu thơ “muỗi bay rừng già cho dài tay áo”, mình cười: “Ô hay, sao lại cám ơn Duật? phải cám ơn muỗi chứ!”. Sinh thời ông từng giãi bày: "Tôi gắn bó máu thịt với Trường Sơn và có thể nói Trường Sơn đã "đẻ" ra nhà thơ Phạm Tiến Duật. Trước đây bây giờ và sau này nếu tôi viết được chút gì neo lại trong lòng bạn đọc chính là nhờ những năm tháng ở Trường Sơn"...

Thơ Trường Sơn cũng là thơ nói lên ý chí của cả một dân tộc trong cuộc chiến đấu chung.  Những "nhà thơ Trường Sơn" thời đó làm thơ cho mình nhưng cũng là làm thơ cho đồng đội cho dân tộc mình trong dòng mạch cả dân tộc. Thơ cũng là khẩu hiệu là lời hiệu triệu: “Có những ngày vui sao/ cả nước lên đường” với những “Tiếng cười hăm hở đầy sông đầy cầu” để rồi những câu thơ như reo lên suốt đường ra trận: “Ðường ra trận mùa này đẹp lắm” ... Người lính những năm tháng ấy ra trận bước vào cuộc chiến như vậy thật tự nguyện và lạc quan. Đó là sự thật!. Sự thật đã có một thời như thế. Thời của “cái chết nhẹ như lông hồng”, thời “Giữa chiến trường nghe tiếng bom rất nhỏ”...

Anh hùng – chiến sĩ lái xe Trường Sơn Phan Văn Quý (Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Thái Bình Dương) có lần đã dẫn tôi đến thăm Phòng tranh tượng về Trường Sơn đặt ngay tại đại bản doanh của ông ở Hà Nội và cho biết, tiến tới Kỷ niệm 60 năm Đường Trường Sơn và tri ân những người lính Trường Sơn năm xưa, đơn vị đã quyết định tạc hai pho tượng hai “nhân vật” biểu tượng của con đường huyền thoại này. Đó là tượng Trung tướng Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên và Thi sĩ Trường Sơn Phạm Tiến Duật, mẫu tượng đã là xong và đang chờ đúc (ảnh). Ý tưởng thật hay và ý nghĩa được đông đảo cán bộ chiến sĩ Trường Sơn và người xem hoan nghênh.

Nguồn Văn nghệ số 17+18/2019


Có thể bạn quan tâm