April 26, 2024, 5:01 pm

Thi sĩ Sándor Halmosi: Hơn cả văn học, thơ là vẻ đẹp của cuộc sống chân thực

Thi sĩ người Hungary Sándor Halmosi đến với đất nước Việt Nam lần đầu tiên tham dự sự kiện “Ngày thơ Việt Nam”, “Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ IV” và “Liên hoan thơ quốc tế lần thứ III”

Đầu năm 2019, thi sĩ người Hungary Sándor Halmosi đến với đất nước Việt Nam lần đầu tiên tham dự sự kiện “Ngày thơ Việt Nam”, “Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ IV” và “Liên hoan thơ quốc tế lần thứ III”. Ấn tượng bởi đất nước với thiên nhiên tươi đẹp, giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và đặc biệt là thơ ca và cuộc sống đầy tình cảm, anh đã quyết định sẽ tiếp tục trở lại Việt Nam trong tương lai gần để thực hiện dự án hợp tác dịch và xuất bản tác phẩm thơ văn giữa hai nước Việt Nam và Hungary.

 

Năm 2018, thi sĩ  Sándor Halmosi đã giành giải thưởng của Hội nhà văn quốc tế, cho những tác phẩm có giá trị, với tính nhân văn cao cả và sự tìm tòi sáng tạo ấn tượng. Tìm hiểu thêm về Sándor Halmosi, tôi thấy anh còn hơn cả một nhà thơ. Vừa là một dịch giả văn học, anh còn là một nhà toán học và làm việc tại một Tập đoàn công nghệ thông tin của Hungary. Anh cũng là nhà đồng sáng lập và sở hữu nhà xuất bản AB Art tại Budapest.

Chúng ta hãy cùng tìm hiểu thêm về một thi nhân đặc sắc của đất nước sở hữu dòng Danube xanh thơ mộng.

Các tập thơ đã xuất bản của thi sĩ Sándor Halmosi:

 

Showing off with the Demons (tạm dịch: Phô bày trước quỷ dữ ) (2001)

You were a Sun Girl (tạm dịch: Em là cô gái mặt trời ) (2002)

Laurel Grove (tạm dịch: Lùm cây nguyệt quế nhỏ) (2003)

It belongs to Solomon (tạm dịch: Thuộc về Solomon) (2004)

On the Southern Slopes of Annapurna – Book of Lovers (tạm dịch: Trên những dãy núi phía Nam xứ Annapurna – Cuốn sách của những người đang yêu) (2006)

Gilead (2009)

Blue Tuesday – Selection from Franz Hodjak’s oeuvre (tạm dịch: Thứ Ba buồn – Tuyển tập từ những sáng tác của Franz Hodjak) (2009)

Ibrahim – The taste of mint (tạm dịch:  Ibrahim – Mùi hương tươi mới) (2011)

The Passion of Lao-Tse (tạm dịch: Niềm đam mê của Lão Tử) (2018).

Trong một quán bar sôi động tại Thủ đô Budapest (Hungary), nơi hội tụ giới trẻ khắp châu Âu đến đây để thưởng thức một không gian sống bản năng nhất, nhân tính nhất, thi sỹ người Hungary Sándor Halmosi đã bật cười khi một cô gái trẻ người Đức hỏi anh: “Anh làm thơ về toán học như thế nào?”

 

Cất lên tiếng nói sâu sắc của tâm hồn mình

Cô gái trẻ này chỉ bằng nửa số tuổi của thi sĩ, nhưng câu hỏi của cô không phải quá ngớ ngẩn. Bởi Sándor Halmosi được giới văn chương Hungary và thế giới biết đến không chỉ bởi chất thơ lạ, đặc biệt mà còn bởi anh là con người hội tụ những năng lực khác thường, thậm chí có vẻ như đối nghịch. Ngay chính tôi cũng tò mò khi biết anh vừa là một nhà toán học, làm việc trong ngành công nghệ thông tin, trong khi lại là một nhà thơ đáng chú ý. Hẳn là một người có khả năng phân thân thì mới có thể cùng lúc thi triển những năng lực đối nghịch như thế.

Thuở nhỏ, khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, Sándor Halmosi thể hiện năng lực vượt trội nhất ở môn toán. Mặc dù anh cũng thích văn học nói chung và yêu môn văn, nhưng thời đó anh lại thường được chọn đi thi học sinh giỏi toán. Sau này khi sống và học đại học tại nước Đức, anh đã chọn chuyên ngành toán, định hướng sẽ trở thành tiến sĩ Toán. Chính anh, cũng như những người trong gia đình và những người hiểu rõ về anh, đều chẳng bao giờ nghĩ anh lại trở thành một thi sĩ.

Nhưng thơ, như một ngọn lửa không màu, ẩn sâu trong anh, chỉ chờ thời cơ phù hợp để bùng cháy và khiến cuộc đời anh tỏa sáng. Thơ khiến anh tìm ra chính bản thân mình. Trong khi cả thế giới văn chương lo lắng cho sự sinh tồn của thơ, thì Sándor Halmosi nghĩ khác. Thơ có một sức sống mạnh mẽ, bởi thơ chính là vẻ đẹp của cuộc sống chân thực nhất. Chớ khoác cho thơ những tấm áo màu mè mộng mị hoặc chất lên vai thơ những sứ mệnh vĩ đại, bởi tuy nghe thì rất hay nhưng thực chất lại trống rỗng. Anh cho rằng cuộc sống hiện tại của chúng ta thực sự rất đẹp, và thơ ca chỉ cần thể hiện chính xác vẻ đẹp của cuộc sống mà thôi, chỉ cần cất lên tiếng nói sâu sắc của tâm hồn mình, thì đó là thơ ca.

Và nàng thơ đến với Sándor Halmosi khi anh 24 tuổi. Khi ấy, vào năm 1995, anh đang sống và học đại học tại Stuttgart (nước Đức), thì được chuyển sang Budapest (Hungary) để học hai học kỳ môn toán. Sự kiện đó đánh dấu một bước ngoặt lớn trong cuộc đời anh. Budapest cổ tích, với ngôn ngữ anh từng biết rõ từ thời ấu thơ, nền văn hóa đặc sắc, lối sống chân thật mà sâu lắng với truyền thống giàu có đã đánh thức hồn thơ trong anh. Và thời điểm kỳ diệu đã tới, đó là ngày 29/2/1995, một thời điểm đặc biệt bởi cứ 4 năm mới có một ngày 29/2. Anh đang phải ôn thi cho kỳ thi toán, nhưng lẽ ra phải học toán, thì trong suốt ba ngày, anh cùng người bạn của mình chỉ đàm đạo về thơ. Và hôm sau, lúc 3 giờ chiều, khi người bạn đã đi làm, anh cần đến trường, cất chìa khóa vào hộp, định viết lời nhắn lên giấy cho bạn, thì anh lại viết những dòng thơ đầu tiên. Và kể từ thời điểm đó, song song với một nhà toán học, đã có một nhà thơ cùng tồn tại trong anh. Đó chính là một trong những khoảnh khắc chuyển đổi diệu kỳ, một khoảnh khắc bất tử trong cuộc đời của thi sĩ Sándor Halmosi. Kể từ thời điểm đó, anh nhận rõ và bước vào một con đường đi thật sự của riêng mình.

 

Thơ là cuộc sống diệu kỳ trong dạng thức ngôn ngữ

Trở về tiếp tục sống tại Đức, và thơ đến với anh hàng ngày, như hơi thở mãnh liệt của cuộc sống trẻ trung. Anh viết thơ, sửa chữa, viết đi viết lại, cho thật ưng ý, say mê sống với câu chữ, với ý thơ. Và tập thơ đầu tiên - Showing off with the Demons (Phô bày trước quỷ dữ) ra đời sau 5 năm, khi Sándor 30 tuổi, viết bằng tiếng Hungary. Đó là tập thơ với câu chữ trau chuốt, lối viết thơ điển hình, và đặc biệt là nó đã ra đời ở một đất nước khác, một vùng ngôn ngữ khác. Anh chú trọng đặc biệt tới chữ nghĩa, cách dùng chữ nghĩa để biểu đạt cuộc sống bằng những vần thơ.

Cũng vào thời điểm đó, Sándor Halmosi phải ra một quyết định quan trọng, hoặc anh sẽ tiếp tục nghiên cứu để làm Tiến sĩ Toán học, hoặc anh sẽ tập trung cho thơ ca. Và anh lựa chọn thơ. Cũng lúc đó, anh quyết định đi làm tại hãng IBM ở Stuttgart (Đức), cho dù công việc ở đây không phải là cách tốt để anh tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu khoa học.

Cho đến tập thơ thứ hai, thì đã có một sự thay đổi rất lạ trong phong cách thơ của anh. Anh không tập trung vào việc làm câu chữ trong thơ, trau chuốt vần điệu, mà để chính cuộc sống cùng những nội dung quan trọng thực sự anh muốn thể hiện, muốn nói với thế giới này, được khơi thông trong một mạch chữ nghĩa tự nhiên nhất. Đó chính là dòng thơ nội dung, một dòng thơ riêng mà anh vẫn tiếp tục thể hiện và đạt được ấn tượng tốt trong giới thơ ca cũng như bạn đọc cho đến nay. Tập thơ thứ hai được Sándor viết rất nhanh, chỉ trong vòng 3 tuần lễ. Anh viết nó trong dư âm xúc cảm sâu sắc sau khi kết thúc một mối tình. Không bị trói buộc bởi cách làm nghệ thuật ngôn từ, anh viết thoải mái nhất, đơn giản nhất tiếng lòng của mình muốn cất lên với thế giới. Đó là tiếng thơ tự nhiên tuôn trào như dòng suối từ tâm hồn, nó không phải là thứ ngôn ngữ lấp lánh kỳ diệu nào cả, nó chỉ là cuộc sống lấp lánh diệu kỳ trong dạng thức ngôn ngữ. Anh cho rằng, chính cuộc sống làm cho ngôn ngữ trở nên kỳ diệu trong thơ, chứ không phải cố gắng trang hoàng một thứ ngôn ngữ đặc biệt, hay một cách tân táo bạo nào đó để tạo nên thơ hay.

“Khi bạn quyết định viết một điều gì đó cho bạn đọc, cho thế giới này, thì bạn cần viết chính xác điều mà trái tim và tâm hồn bạn nhất thiết phải nói ra, không phải khoác lên cho nội dung một cái áo ngôn từ của giễu cợt, ám chỉ, thái độ, hay một trò chơi chữ nào đó...” Thi sĩ Sándor Halmosi nói.

Sau tập thơ thứ hai, thì mỗi năm Sándor xuất bản một tập thơ mới. 2 tập thơ tiếp theo lần lượt ra đời, cũng bằng tiếng Hungary, trong lúc anh đang sống tại Đức. Anh cho rằng, tiếng Hungary mới là miền ngôn ngữ gốc gác của anh, văn hóa, cuộc sống cũng như truyền thống giàu có của đất nước Hungary là màu sắc tâm hồn, là dòng máu trong con người anh. Cũng vì lẽ đó, vào năm 2006 anh đã quyết định chuyển đến Budapest, thủ đô đất nước Hungary để sinh sống, sau 16 năm sống, học tập và làm việc tại Đức. Đó cũng là năm anh xuất bản tập thơ yêu thích nhất của mình - On the Southern Slopes of Annapurna – Book of Lovers (tạm dịch: Trên những dãy núi phía Nam xứ Annapurna – Cuốn sách của những người đang yêu) (2006). Có lẽ vì anh đã được đến sống tại mảnh đất mà anh thuộc về, với ngôn ngữ, văn hóa, tình cảm đồng điệu, hợp nhất.

“Tôi cho rằng, không phải là sách, các tờ báo, tập thơ, mà chính bản thân thơ ca là nhân cách của cuộc sống, là cách để ta sống sâu sắc nhất, để thể hiện tâm hồn, bản chất chân thực của cuộc sống. Hơn cả văn học, thơ ca thể hiện ý nghĩa của bản thân cuộc sống. Và điều quan trọng không chỉ là chính cuộc sống, mà ở việc bạn cho phép mở rộng cánh cửa tâm hồn, bước ra khỏi vùng an toàn, để nhận chân vẻ đẹp thực sự của cuộc sống này, với biết bao khả năng mới mẻ, niềm hy vọng lớn lao...” Thi sĩ Sándor Halmosi chia sẻ về quan điểm của mình với thơ ca.

 

Nguồn Văn nghệ số 20/2019

 

 

Có thể bạn quan tâm