April 26, 2024, 1:34 pm

Thêm tỏa sáng “Ngoại giao Hồ Chí Minh”

 

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, trong khi nguồn vaccine trên thế giới khan hiếm, Việt Nam chưa sản xuất và tự chủ được vaccine, yêu cầu phòng chống dịch lại rất cấp bách… thì “ngoại giao vaccine” chính là mặt trận quan trọng phát huy truyền thống “ngoại giao Hồ Chí Minh” để mang vaccine về nhanh nhất, nhiều nhất và sớm nhất có thể tiêm cho người dân, góp phần đưa nhịp sống trở lại trạng thái bình thường mới và phục hồi nền kinh tế…

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trao tiền ủng hộ Quỹ vacxin của cộng đồng người Việt Nam và doanh nghiệp tại Fukuoka (Nhật Bản) cho Chủ tịchTrung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến 

Khác với các nước giàu có, tiềm lực tài chính và y tế hùng hậu để tự phát triển hay sẵn sàng đặt cọc tiền mua vaccine ngay cả khi loại thuốc này còn đang trong quá trình nghiên cứu, bào chế… thì đa số các nước đang phát triển như Việt Nam chưa có được những điều kiện đó, thường phải chờ đến khi vaccine chính thức ra đời và được công nhận về hiệu quả thì mới tìm kiếm nguồn đặt hàng. Chính vì thế, chưa bao giờ thế giới phải chứng kiến cuộc đua khốc liệt về vaccine đến như vậy!

Trong cuộc chiến cam go với rất nhiều khác biệt lần đầu tiên phải đối mặt, trước một kẻ địch gần như vô hình, bất định và khôn lường, Việt Nam đã bình tĩnh, kiên cường và sáng tạo để từng bước vượt qua thử thách, trở thành một trong những hình mẫu về nỗ lực không mệt mỏi vì sức khỏe và an toàn tính mạng của người dân. Ngay khi đại dịch bùng phát, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19… đã sớm dự báo, chỉ đạo toàn diện công tác phòng, chống dịch. Trong đó, việc triển khai “chiến lược vaccine” được xác định là một mũi nhọn ưu tiên. Đây là chủ trương rất kịp thời và cần thiết, nhất là trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm và bất bình đẳng tiếp cận vaccine trên toàn cầu. Về bản chất, “ngoại giao vaccine” là việc tranh thủ các mối quan hệ song phương và đa phương, thông qua các tổ chức quốc tế, các cộng đồng và cá nhân để chúng ta có thể tiếp cận và đem vaccine về phục vụ nhân dân, đồng thời đóng góp chung cho nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc bảo đảm tiếp cận công bằng vaccine trên toàn cầu.

Chính trên mặt trận ngoại giao này, truyền thống quý báu của “ngoại giao Hồ Chí Minh” đã được vận dụng và tỏa sáng, đem lại những nguồn lực quan trọng cho Việt Nam trong cuộc chiến sống còn với đại dịch Covid-19. Những kinh nghiệm trong chiến tranh giải phóng và sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, khi chúng ta thành công nhờ tranh thủ tối đa sự ủng hộ của quốc tế, những bài học về phát huy cao độ sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước và sức mạnh quốc tế… đã tạo nên sức mạnh tổng hợp giúp vượt qua mọi thử thách, lại được vận dụng trong đại dịch Covid-19 để thực hiện mục tiêu cấp thiết: làm sao có vaccine nhanh nhất, nhiều nhất, kịp thời nhất phục vụ người dân.

Hiếm khi nào các hoạt động đối ngoại, từ đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước đến đối ngoại nhân dân… ở mọi cấp độ khác nhau, lại được triển khai khẩn trương, thần tốc, quyết liệt đến như vậy. Từ đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, đến Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội… đều quan tâm, chỉ đạo và tham gia trực tiếp vào “ngoại giao vaccine” một cách quyết liệt, không câu nệ hình thức, ngoại giao song phương hay đa phương, sẵn sàng điện đàm hay viết thư cho lãnh đạo các nước, lãnh đạo các tổ chức quốc tế, gặp gỡ các doanh nghiệp sản xuất vaccine… Trong hàng trăm cuộc điện đàm, tiếp xúc cả trong và ngoài nước, không có cuộc làm việc, trao đổi ngoại giao nào mà các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước không đề cập đến hợp tác về vaccine cũng như tiếp cận nguồn vaccine của các đối tác.

Tối 25-9-2021, chuyên cơ chở Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam hạ cánh xuống sân bay quốc tế Nội Bài, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cuba, tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao Khóa 76 Đại hội đồng Liên hợp quốc và thực hiện các hoạt động song phương tại New York, Mỹ. Trong khoang máy bay chuyên cơ của Chủ tịch nước là 1 triệu liều vaccine Abdala của Cuba cùng nhiều vật phẩm y tế trị giá 8,8 triệu USD của các đối tác Mỹ và 1.000 máy tạo oxy trợ thở mà kiều bào ta tại Mỹ hỗ trợ. Hiếm có chuyến đi nào như chuyến đi này, khi các thành viên trong đoàn được quán triệt và luôn nhắc nhau: “mỗi người chỉ một kiện hành lý ký gửi”. Ai cũng hiểu chuyên cơ cần ưu tiên dành chỗ cho vaccine. Bên cạnh kết quả của ngoại giao đa phương, song phương, dấu ấn đậm nét của “ngoại giao vaccine” càng làm cho chuyến công tác của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thêm thành công.

Trước đó vài ngày, trên khoang máy bay chuyên cơ của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trở về sau chuyến công tác tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 (WCSP5) tại Áo, thăm làm việc với Nghị viện châu Âu (EP), Bỉ và thăm chính thức Phần Lan của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là 100.000 liều vaccine mà Bỉ hỗ trợ cho Việt Nam cùng nhiều trang thiết bị và vật tư y tế, nhất là các bộ kit xét nghiệm Covid-19, tổng trị giá đạt trên 1.028 tỷ đồng, do các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài hỗ trợ. Vào thời điểm đó, dịch bệnh ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đang rất căng thẳng, số vaccine và vật tư, thiết bị y tế này là sự trợ giúp rất kịp thời và quý báu của cộng đồng quốc tế và kiều bào ta ở nước ngoài.

Thông qua “ngoại giao vaccine”, Việt Nam đã tiếp nhận nhiều nguồn vaccine phòng Covid-19, cũng như sự hỗ trợ quý giá, kịp thời của cộng đồng quốc tế, Theo thống kê của Bộ Ngoại giao, tính đến tháng 10-2021, Việt Nam đã nhận được hơn 60 triệu liều vaccine phòng Covid-19 từ các nguồn khác nhau. Trong đó, tháng 8 là hơn 16 triệu liều, gấp đôi số lượng vaccine về trong tháng 7. Tháng 9 là hơn 20 triệu liều, gần gấp 3 lượng vaccine về trong tháng 7… Đó là những kết quả của chiến dịch ngoại giao chưa từng có tiền lệ với những nỗ lực to lớn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, các cơ quan liên quan và hơn 90 cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài. Nguồn vaccine và trang thiết bị y tế có được không chỉ trực tiếp phục vụ công tác phòng, chống dịch, mà còn có ý nghĩa rất quan trọng về nhiều mặt đối nội, đối ngoại, chính trị, quốc phòng, an ninh và kinh tế - xã hội.

Bàn về “ngoại giao vaccine” Việt Nam, có thể nói chúng ta thành công khi được các nước tích cực ủng hộ, trợ giúp chính là vì Việt Nam đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao cả của một quốc gia thủy chung, tình nghĩa đối với bạn bè, đối tác; đúng như tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết, trách nhiệm quốc tế, cùng việc nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ. Bác Hồ là người luôn kết hợp nhuần nhuyễn giữa lợi ích dân tộc với nghĩa vụ quốc tế. Bên cạnh việc tranh thủ sự giúp đỡ quốc tế cho dân tộc mình, Bác luôn căn dặn phải kiên trì hoàn thành tốt và phù hợp nghĩa vụ quốc tế, coi “giúp bạn là tự giúp mình”.

Chính vào thời điểm khó khăn, thử thách nhất khi đại dịch mới bùng phát, chính trong lúc cả thế giới bất ngờ, còn đang hoang mang, lúng túng, nhiều nước rối loạn bởi phải hứng chịu thiệt hại nặng nề về sinh mạng… thì Việt Nam đã thể hiện trách nhiệm cao với bạn bè thế giới, phát huy tinh thần đoàn kết theo tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết và trách nhiệm quốc tế. Cộng đồng quốc tế còn chưa quên những nghĩa cử cao đẹp của một dân tộc tuy còn khó khăn nhưng đã dốc lòng để hỗ trợ cho bạn bè, đối tác, như trợ giúp khẩu trang, thiết bị y tế cho nhiều nước, kể cả các nước phát triển như Mỹ và nhiều nước châu Âu. Thế giới vẫn còn cảm phục trước tinh thần trách nhiệm cao cả của Việt Nam khi chủ động phất cao ngọn cờ đoàn kết ASEAN, hợp tác đa phương, kết nối các quốc gia để cùng nhau vượt qua đại dịch thế kỷ.

Không chỉ ở kênh song phương, chúng ta còn tham gia tích cực vào “ngoại giao vaccine” ở kênh đa phương, kêu gọi cộng đồng quốc tế có những giải pháp đối phó với tình trạng khan hiếm và bất bình đẳng vaccine. Tại Hội nghị thượng đỉnh giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc với các chính đảng trên thế giới ngày 6-7-2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh nhiệm vụ cấp bách hiện nay là bảo vệ hạnh phúc nhân dân, sớm đẩy lùi đại dịch Covid 19. Tại Phiên thảo luận Cấp cao của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hay Hội nghị Tương lai châu Á, Hội nghị thượng đỉnh đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đều nêu bật tầm quan trọng của cộng đồng quốc tế chung tay sớm giải quyết vấn đề thiếu hụt vaccine, bảo đảm phân bổ công bằng vaccine cho các nước đang phát triển và kém phát triển. Không những thế, Việt Nam còn đóng góp 500.000 USD vào quỹ vaccine toàn cầu, được thế giới đánh giá cao.

Một Việt Nam hiện thân cho sự nhân văn đã rạng ngời trong tâm cảm nhân dân thế giới, được bạn bè ghi nhận và sẵn sàng trợ giúp. Thật xúc động khi tại thủ đô La Habana, những người bạn Cuba đã mượn lời lãnh tụ Fidel Castro “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình” để nói với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng chia sẻ vaccine của mình”. Nhìn nhận về thành công chính sách “ngoại giao vaccine” của Việt Nam, bà Bích Trần, Trợ lý Chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (trụ sở tại Washington, Mỹ), đánh giá: “Điểm sáng chính là chính sách đối ngoại của Việt Nam, khi đã tặng khẩu trang và trang thiết bị y tế cho các nước khác từ khi mới bắt đầu đại dịch. Nhờ vào vị thế và mối quan hệ tốt đẹp mà Việt Nam đã xây dựng, các quốc gia trên thế giới đều sẵn lòng trợ giúp Việt Nam bằng việc chia sẻ nguồn vaccine”.

Truyền thống quý báu của “ngoại giao Hồ Chí Minh” một lần nữa lại được vận dụng thành công trong cuộc chiến với Covid-19, giúp “ngoại giao vaccine” của Việt Nam tỏa sáng. Những đóng góp của “ngoại giao vaccine” là vô cùng ý nghĩa, không chỉ góp phần ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh, tạo cơ sở để khôi phục nền kinh tế và sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới… mà còn góp phần nâng cao vị thế và uy tín của đất nước Việt Nam trên trường quốc tế!

……………..

(*) Đại tá, nhà báo, nguyên phó TBT báo QĐND

 

  


Có thể bạn quan tâm