April 27, 2024, 11:53 am

Thêm thời gian cho dự án Luật Giáo dục (sửa đổi)

 

Kết thúc kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV, trong số 6 dự án Luật được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này có Luật Giáo dục (sửa đổi). Đây là dự án Luật nhận được nhiều sự quan tâm không chỉ của đại biểu quốc hội mà hầu hết cử tri cả nước và người dân, bởi đây không chỉ là một dự án luật quan trọng, ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống, chính trị xã hội, mà còn quyết định vận mệnh tương lai của đất nước. Do đó, yêu cầu làm rõ triết lý giáo dục Việt Nam, về sách giáo khoa khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, về đổi mới thi cử… chưa thể thống nhất, cho thấy cần thêm thời gian để hoàn thiện Luật Giáo dục, dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp đầu năm 2019.

Làm rõ triết lý giáo dục

Luật Giáo dục được Quốc hội thông qua ngày 14/6/2005, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục được Quốc hội thông qua ngày 25/11/2009 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho tổ chức và hoạt động giáo dục. Tuy nhiên, qua gần 12 năm thực hiện, Luật Giáo dục đã bộc lộ không ít bất cập, đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện để phù hợp với yêu cầu thực tiễn và đón đầu xu hướng phát triển giáo dục của thế gới. Đó là v ấn đề lương nhà giáo, có hay không thu học phí trung học cơ sở, thi tốt nghiệp trung học phổ thông hay xét tốt nghiệp, sách giáo khoa.v.v.

Cho ý kiến về Luật Giáo dục (sửa đổi), liên quan trực tiếp đến kỳ thi tôtý nghiệp THPT hiện có hai quan điểm: Quan điểm thứ nhất cho rằng việc tổ chức kỳ thi là cần thiết để đánh giá mức độ đạt chuẩn giáo dục phổ thông của học sinh, cung cấp dữ liệu quốc gia cho việc nghiên cứu, xây dựng, điều chỉnh chính sách giáo dục và là nguồn thông tin tham khảo cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tổ chức tuyển sinh. Kỳ thi còn có ý nghĩa chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông cho mục đích liên thông và hội nhập hệ thống giáo dục quốc tế.

Quan điểm thứ hai lại cho rằng, không nên tổ chức thi mà xét và cấp bằng tốt nghiệp để phù hợp với mục tiêu, tính chất của cấp học này; Đồng thời tương thích với xu hướng đổi mới đánh giá theo quá trình; giảm áp lực, tốn kém do thi cử mang lại. Dĩ nhiên khi đưa ra quan điểm trái chiều nói trên, nhóm thứ hai cũng đã dựa trên những nghiên cứu khoa học từ kết quả những kỳ thi cấp quốc gia hiện nay. Nhóm ý kiến này cho rằng việc điều chỉnh có tính chất kỹ thuật này sẽ tạo điều kiện tốt hơn đối với người theo học trình độ trung cấp ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, có tích lũy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông theo quy định, được học lên các trình độ cao hơn.

Trên thực tế, khoảng ba năm trở lại đây, đổi mới thi cử đã trở thành “mệnh lệnh” bất khả kháng của ngành Giáo dục & Đào tạo. Mỗi năm lại có một sáng kiến mới được áp dụng cho kỳ thi hai trong một như; thi theo cụm, thi theo điểm trường, thi theo khu vực… khiến cho phụ huynh, học sinh và cả thầy cô giáo có cảm giác như đang ngồi trên “ghế nóng”.

Và khi câu chuyện thi cử, nên tổ chức thế nào còn chưa ngã ngũ, thì gian lận thi cử, kiến thức trong bài thi (về độ khó để phân hoá học sinh, về kiến thức nền được xác định trong ba năm học phổ thông trung học hay chỉ lớp 12), cũng khiến cho dư luận chông chênh với những cảm xúc mơ hồ khó tả

Thực tế, ngay cả khi Luật Giáo dục (sửa đổi) còn đang được bàn thảo thì quy trình giáo dục của Việt Nam vẫn tuân thủ theo nguyên tắc, Nhà nước chỉ đưa ra khung chương trình, và khung này được coi là chuẩn chung cho cả nước, cho tất cả các cấp học. Trên cơ sở chương trình chuẩn đó mới biên soạn sách giáo khoa. Tiếp nữa là Hội đồng thẩm định quốc gia trên cơ sở khung chương trình đó, cũng như chương trình môn học sẽ thẩm định các bộ sách giáo khoa, phê duyệt sách nào đạt để được ban hành sử dụng. Khi có sách giáo khoa, các sở, trường sẽ lựa chọn. hướng đến mục tiêu lớn nhất là không để ai bỏ lỡ cơ hội được học tập, dù ở bất kỳ hoàn cảnh hay độ tuổi nào. Đặc biệt trong hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 hiện nay.

Ổn định để tạo sự thống nhất

Cho ý kiến về Luật giáo dục (sửa đổi) và quyết định sẽ kéo dài thời gian lấy ý kiến người dân để có thể cho ra đời một bộ luật hoàn thiện là quyết định cuối cùng của Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV. Và Luật sẽ được chính thức thông qua vào kỳ họp thứ 7 (tức tháng 5/2019). Đây được xem là khoảng thời gian cần thiết để Luật bám sát thực tiễn giáo dục và đáp ứng nhu cầu, mong mỏi của người dân về sự ổn định trong chiến lược giáo dục hiện nay.

Trước đó, tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, khi cho ý kiến về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, giáo dục cần ổn đỉnh, và cần tạo ra sự thống nhất trong toàn hệ thống, đặc biệt, sau khi xảy ra vụ việc tiêu cực trong thi cử năm 2018 tại các tỉnh vừa rồi, thì nhân dân rất quan tâm tới Dự luật này, do đó chúng ta không thể không lấy ý kiến rộng rãi người dân. 

Dừng lại, để lắng nghe, là một quyết định đúng đắn của Quốc hội, và tới đây trong vai trò Bộ chủ quản,  Bộ Giáo dục & Đào tạo sẽ rà soát để cụ thể hơn các vấn đề mà xã hội đang bức xúc và những vấn đề gây nút thắt trong phát triển giáo dục, trên cơ sở đó lựa chọn, xác định rõ những vấn đề nào cụ thể được thì sẽ cụ thể ngay trong luật, khi triển khai không cần phải đợi các văn bản hướng dẫn.

Đồng bộ trong triển khai các giải pháp nhằm hướng đến hoàn thiện hệ cả thống giáo dục không chỉ là mong mỏi của cơ quan quản lý Nhà nước nói riêng mà còn của tất thảy người dân khi có con em đang trong độ tuổi đến trường. Dẫu biết rằng, mỗi một quyết định đổi mới, hay một chương trình phổ thông được biên soạn cho toàn quốc không thể tính đầy đủ và trọn vẹn  đến mọi yếu tố đặc thù cho từng địa phương. Nhưng sẽ có đồng thuận nếu mọi người dân (có thể) đóng góp ý kiến cho giáo dục. Và với sự cởi mở trong triết lý giáo dục, sẽ mở đường cho việc phát triển giáo dục một cách hợp lý, đảm bảo được chất lượng đề ra, nhất là khi chúng ta sắp bước vào việc đổi mới toàn diện Chương trình giáo dục phổ thông mới với triết lý “Học để biết”. Nhưng “biết” không chỉ có nghĩa là biết kiến thức mà còn bao hàm nghĩa “biết cách học để tự học suốt đời”.

 

 

 

 


Có thể bạn quan tâm