April 26, 2024, 2:44 pm

Thèm chợ và nếm… chợ

Cái chợ, dù nhỏ như chợ xép, chợ cóc, hay lớn như chợ đầu mối, chợ Đồng Xuân, chợ Bến Thành ở Việt Nam, đều có một đặc điểm chung: đó là một hiện tượng kỳ diệu.

Nói tới chợ là nói tới ba nhân vật chính: người, màu, và mùi.

Trong những tháng năm khố khó của cuộc đời, và ngay cả khi nhờ sự giúp đỡ của đứa con trai “Vàng” - nghệ sĩ piano Đặng Thái Sơn - mà thoát khỏi khốn khó, nhà thơ Đặng Đình Hưng vẫn giữ cho mình một cái thú khá kỳ lạ: thú nếm… chợ. Người ta chỉ nếm khi… thèm, và Đặng Đình Hưng đúng là có cái thèm ở tầm “vĩ mô”: thèm… chợ. Hãy nghe nhà thơ tả cái thú này trong tác phẩm Ô mai - một bài thơ văn xuôi khá kỳ lạ của mình: “Thú, cực thú! Có lúc mải ngắm và nếm (nếm là đích) anh quên khuấy một cái chén trên tay”. Nghĩa là nhà thơ đi nếm… chợ, trên tay cầm một chén rượu nhỏ, với ý đồ rõ ràng là muốn biến cả cái chợ thành món… mồi nhậu của mình? Thật thế chăng? Nhưng ta thử xem ông “nếm” và “nhậu” cả cái chợ ra sao? “Nếm cả cái chợ không phải dễ. Phải có một động cơ cực mạnh. Thèm. Có thèm mới ăn được. Kiểu nhà thơ, người ta ăn tái”. Thì ra, đây là thèm, là nếm kiểu nhà thơ, là ăn tái kiểu nhà thơ. Nó thế nào nhỉ?

ăn tái bình minh ăn tái buổi chiều

ăn (ràu rạu) cả mặt trời

Và, “chẳng hạn, (thèm) ăn một quả chuông buông giờ

Một cái thèm thật… siêu hình, phải không? Nhưng vẫn là thèm. Còn khi cái thèm đã cụ thể, đã hiện thực như thế này, trực tiếp như thế này, thì “đã” lắm:

 “Xách lên tay một con cá chép, mở cái mang ra xem có hồng tươi. Lên tay một tảng thịt. Nghe trọng lượng. Đi duyệt một lượt các mẹt tim – gan - bù dục - chân giò - thủ - lòng tràng. Tung nhẹ tay một quả xoài năm ký nâng niu. Lặng lẽ ngắm không lời một quả quýt đỏ chôn (trôn) báo động… Nhưng đẹp vẫn là gạo. Gạo có khuôn mặt hiền. Đố thấy một mảy may ác ý”. Phải trích nguyên một đoạn thơ dài để bạn đọc cùng tác giả cảm hết cái thú cái sướng của một người đi chợ, nhất là với một người đi chợ mà ít tiền, hoặc không có tiền. Chỉ ngắm là chính, thèm là chính, và nếm trong… tưởng tượng là chính. Lưu ý bạn đọc đoạn nhà thơ nhận xét về gạo: “Gạo có khuôn mặt hiền. Đố thấy một mảy may ác ý”. Tôi chưa nghe hoặc đọc ai nhận xét về hạt gạo quê ta mà hay đến thế, sâu sắc đến thế, nhân hậu đến thế! Thì, nhà thơ ăn trong tưởng tượng là chính cơ mà! Nhưng phải chăng, đó là cái thèm cái nếm cái ăn đi thẳng vào lòng… chợ, đi thẳng vào bản thể của sự vật. Nó là cái thèm chợ, thèm đời, thèm những cảm giác, thèm những yêu thương, chắt chiu, gần gũi, bé nhỏ, gắn bó với cuộc sống con người. Hoá ra, thèm chợ, cuối cùng là để thèm đời sống, thèm người, thèm tình cảm bình dị thân thiết của con người. Ở chợ luôn có đủ thứ, nhưng có một thứ người ta hay quên: đó chính là con người. Hay rõ hơn, người - đi - chợ. Nếu cái chợ là biểu trưng cho đời sống, thì người đi chợ cũng tiêu biểu cho con người cho nhân loại nói chung. Phải đọc Đặng Đình Hưng từ ngoài vào trong, rồi đọc từ trong lòng ruột câu chữ của ông mà đọc ra ngoài như thế, mới thấy thú! Thông thường, người ta có thiếu mới thèm. Và thiếu cái gì thì thường thèm cái ấy. Thế thì thèm chợ cũng có nghĩa là thèm đời, và thèm người đi chợ cũng là thèm… nhân loại. Thơ có thể đi nhanh từ “vi mô” tới “vĩ mô”, và ngược lại. Và đi như không vậy thôi.

Nó giống như sự tự do của người đi chợ. Ngày còn trẻ khỏe, tôi coi đi chợ là một cái thú, chứ không hề là chuyện bắt buộc. Tôi có cái lạ, nếu vào chợ mà có tiền trong túi thì sự tự tin là chuyện tự nhiên. Còn khi không có tiền trong túi, tôi vẫn tự tin. Thuở đó, tôi quen nhiều mẹ chị bán hàng trong chợ. Những mẹt hàng nào tôi hay mua, các mẹ chị đều quen biết tôi, và họ sẵn sàng… bán chịu cho tôi. Có lẽ nhìn mặt tôi, họ biết, tôi chỉ thiếu tiền “tạm thời” - dù sự tạm thời ấy có thể kéo dài hơi bị lâu - nhưng họ không ngại. Họ biết, tôi sẽ trả tiền đầy đủ. Có lẽ bản mặt tôi đã cam kết điều đó. Vì thế, dù túi không tiền, tôi vẫn vào chợ một cách rất tự tin. Nói thật, mua chịu là một cái thú. Và một cảm giác tự hài lòng với mình. Vì mình biết, người ta tin mình. Được người khác, không phải bạn bè hay người nhà, tin mình, là một hạnh phúc.

Nguồn Văn nghệ số 11/2022


Có thể bạn quan tâm