April 26, 2024, 10:51 am

Thể lục bát dịch thơ nước ngoài

Ngày xưa về đời nhà Đường bên Tàu có một thi nhân tên là Thôi Hiệu nổi danh vì bài thơ đề trên Hoàng Hạc Lâu:

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ

Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu

Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản

Bạch vân thiên tải không du du

Tình Xuyên lịch lịch Hán Dương thọ

Phương thảo thê thê Anh Vũ châu 

Nhật mộ hương quan hà xứ thị

Yên ba giang thượng xử nhân sầu 

Bài thơ truyền qua Việt Nam được nhiều người tán thán, và dịch ra thơ Việt, Trong đó đáng chú ý là bản dịch của Tản Đà qua thể thơ Lục Bát:

Hạc vàng ai cuỡi đi đâu?

Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ

Hạc vàng đi mất từ xưa

Nghìn năm mây trắng bây giờ còn đây

Hán Dương sông tạnh cây bày

Bãi xa Anh Vũ xanh đầy cỏ non

Quê nhà khuất bóng hoàng hôn

Trên sông khói sóng cho buồn lòng đây.

Bài thơ nguyên tác còn nhiều nhà thơ khác dịch ra nhiều thể, song bài của Tản Đà tiên sinh vẫn mãi mãi rung động lòng người đọc mặc dù chỉ cảm qua nguyên tác một cách đơn sơ.

Tại sao có sự rung cảm sâu đậm đến như vậy. Một phần lớn là nhờ ở tài dịch của Tản Đà và một phần nhờ ở thể văn dịch: Đó là thể lục bát, một thể văn mang đậm sắc màu dân tộc Việt Nam.

Hai câu:

Nhật mộ hương quan hà xứ thị

Yên ba giang thượng xử nhân sầu

đâu có khó hiểu, đâu có khó dịch mà khi nghe đến:

Quê hương khuất bóng hoàng hôn

Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai

Thì những ý thơ của nguyên tác chẳng những đã diễn đạt được rõ ràng mà âm hưởng còn rung động đến tận con tim người đọc…

*

Tại tỉnh Bình Định nơi làng Trường Định quê hương của thi sĩ Quách Tấn có câu chuyện về bà Trần Thị Hào:

Nhật ký trong tù (Hồ Chí Minh) với phần dịch quốc ngữ của nhà thơ Quách Tấn và phần chữ Hán của Trần Thúc Lâm.

“Má tôi (bà thân của thi sĩ) mua được một bộ Nam sử và mượn của ông nội tôi bộ Tây Sơn dã sử. Khi dạy chúng tôi thường đem sự tích nước nhà ra làm ví dụ. Một hôm nói về tình anh em, má trách vua Quang Trung sao nỡ đem quân về vây đánh vua Thái Đức. Thầy tôi cười:

Vua Quang Trung dựng nên sự nghiệp nghìn thu là do hai trận dẹp quân cướp nước là Xiêm La và Trung Quốc. Còn sự nghiệp vua Thái Đức chỉ có nhất thời. Nếu không có vua Quang Trung đem quân vây Hoàng Đế thành thì làm gì có được một lời nói bất hủ: Bì oa chữ nhục, đệ tâm hà nhẫn.

Má không đáp, chỉ mượn ý câu “bì oa…” mà ngâm:

Lỗi lầm anh vẫn là anh

Nồi da nấu thịt sao đành hỡi em?!

Thầy nghe, cảm động ứa nước mắt.

Và lời ngâm của má tôi, giọt nước mắt của Thầy tôi thấm sâu vào lòng anh em chúng tôi từ lúc nhỏ…”

(Trích hồi ký Bóng ngày qua của Quách Tấn)

Tám từ “bì oa chữ nhục, đệ tâm hà nhẫn” không xúc động bằng câu lục bát “Lỗi lầm anh vẫn là anh. Nồi da nấu thịt sao đành hỡi anh” vì câu thơ dịch còn mang sự tích và tâm sự của các nhân vật trong thơ. Đó là anh em vua Tây Sơn. Nguyên tháng 5 năm Bính Ngọ (1786) Nguyễn Huệ đem binh ra chiếm Thuận Hóa và nhân đó thẳng ra Bắc Hà vào Thăng Long (tháng 6 năm Bính Ngọ) diệt họ Trịnh được vua Lê phong làm Nguyên soái Uy Quốc công và gả con gái thứ 21 là Ngọc Hân công chúa. Vua Thái Đức nghe tin em chiếm được Thăng Long vội đem kỵ binh ra tiếp ứng. Rồi cùng em trở về Nam. Vua Quang Trung xin được ở lại Thuận Hóa và tu bổ thành quách trọng dụng triều thần như một giang san riêng. Vua Thái Đức nhiều lần triệu hồi vua Quang Trung về Bình Định song em không nghe lời nên vua anh tuyên bố đem quân hỏi tội. Vua em chống cự, vua anh thua đành rút quân về Bình Định. Vua em đuổi theo vây thành. Trong cơn lâm nguy vua anh đành lên mặt thành kêu vua em mà khóc:

Bì oa chữ nhục, đệ tâm hà nhẫn (Nồi da xáo thịt lòng em sao nỡ?)

Vua em cảm động lui quân.

Câu lục bát diễn giải lời vua Thái Đức của thân mẫu nhà thơ Quách Tấn chẳng những làm xúc động lòng nhà thơ trong thuở ấu thơ mà còn sâu đậm mãi mãi trong suốt cuộc đời để trở thành mục tiêu trong việc dịch thơ: Diễn đạt tròn vẹn nội dung lời thơ nguyên tác bằng một câu lục bát…

Chịu ảnh hưởng của thơ văn thân mẫu, Quách Tấn đã thấm nhuần những vần điệu ca dao cho nên ngoài thể thơ Đường luật ông còn chuyên về các thể văn Quốc âm như Lục bát, Song thất lục bát, Ca trù, Vè, v.v… Về mẹ ông viết:

“Hát ru con, má luôn luôn hát những câu thanh tao, những câu có tình có nghĩa, có thể trau dồi được tánh thiện của con em. Những câu hát ấy, một số là ca dao, một số do má tôi đặt ra. Tôi còn nhớ được một ít. Như:

- Tham vàng bỏ nghĩa mặc ai

Lòng đây sông giải non mài vẫn nguyên.

- Dù cho đất đổi trời thay

Trăm năm giữ một lòng ngay với đời.

- Những phường bất nghĩa bất nhân

Lưới trời đâu dễ thoát thân ra ngoài...”

Tản Đà được nhà thơ Quách Tấn tôn trọng như thầy. Bà Trần Thị Hào là thân mẫu nhà thơ.

Từ hai nguồn thái đẩu ấy thi sĩ Quách Tấn đã chuyên nghiên cứu thơ văn lục bát, ngoài thơ luật Đường. Dòng thơ lục bát chảy song song với dòng thơ Đường luật suốt cả cuộc đời thơ. Kết quả ông đã có được 3 tập thơ lục bát và trên vài trăm bài thơ dịch bằng thể lục bát.

*

Năm 1960 Nhà xuất bản Văn Hóa, Viện Văn học xuất bản tập thơ dịch Nhật ký trong tù của Hồ Chủ tịch. Đó là cuốn sổ tay của Hồ Chủ tịch gồm những bài thơ mà Người đã viết trong thời gian 1942-1943 khi Người đi công tác từ Cao Bằng sang Trung Quốc  đã bị bọn Tưởng Giới Thạch bắt lúc qua khỏi biên giới Việt Trung. Hơn một năm ròng Người đã bị giải tới giải lui qua mấy chục nhà lao tỉnh Quảng Tây.

Tập Ngục Trung Nhật Ký chẳng những là một văn kiện lịch sử vô giá mà còn là một tác phẩm văn học lớn có tác dụng giáo dục sâu sắc phẩm chất, đạo đức cách mạng cho tất cả chúng ta ngày nay. Là tâm hồn của một nhà cách mạng có ý chí sắc đá, một tinh thần lạc quan, một khí phách hào hùng và một phong thái ung dung. Vì làm thơ trong nhà tù Trung Quốc cho nên thơ của Người bằng chữ Hán và theo thể Đường thi tứ tuyệt. Các dịch giả phần nhiều cũng dịch thơ theo thể luật thi bốn câu.

Mùa xuân năm Kỷ Dậu (1969) chú Quách Tạo em của nhà thơ Quách Tấn, làm việc ở ngành tư pháp (Viện kiểm sát tối cao Hà Nội) gởi một tập qua Pháp cho người chị là cô Quách Thị Thược để gởi tiếp về Việt Nam cho ba tôi đọc tập thơ dịch ba tôi nhận thấy không vừa ý nên âm thầm phiên dịch. Mùa thu năm Ất Mão (1975) là giai đoạn gom góp sửa chữa và bổ túc thành tập. Ba tôi viết chữ Quốc ngữ và nhờ bác Trần Thúc Lâm viết chữ Hán rồi đóng lại thành tập. Tiết sương giáng năm Ất Mão (tháng 10 năm 1975) tập thơ hoàn tất có tên là Thơ dịch Nhật Ký Trong Tù. Và một tập thơ thứ hai có tên là Hồ Chí Minh Thi cũng do ba tôi trích dịch viết chữ quốc ngữ và bác Trần Thúc Lâm viết chữ Hán để kỷ niệm ngày chú Quách Tạo về thăm anh sau 20 năm xa cách.

Tập Thơ dịch Nhật Ký Trong Tù gồm có 115 bài thơ dịch. Trong số này có 58 bài dịch theo thể lục bát. Tập Hồ Chí Minh Thi trích dịch gồm 15 bài, trong đó có 2 bài dịch theo thể lục bát. Những bài thơ dịch theo thể lục bát phần nhiều diễn dịch được ý chính của tác giả qua thể điệu lục bát. Các tác giả khác khi dịch đều muốn theo đúng thể cách của thơ nguyên tác. Tuy nhiên dáng của bài thơ y như nguyên tác mà ý của bài thơ chưa thỏa mản lòng người đọc.

Ví như bài NẠN HỮU XUY ĐỊCH

Ngục trung hốt thính tư hương khúc

Thanh chuyển thê lương, điệu chuyển sầu

Thiên lý quan hà vô hạn cảm

Khuê nhân cánh hướng nhất tầng lâu.

 

Nam Trân dịch: Người bạn tù thổi sáo

Bỗng nghe trong ngục sáo vi vu

Khúc nhạc tình quê chuyển điệu sầu

Muôn dặm sơn hà khôn xiết nỗi

Lên lầu ai đó ngóng trông nhau.

 

Quách Tấn dịch:

Bỗng nghe tiếng sáo thê lương

Trong tù thổi khúc tư hương não nùng

Quan san cảm cảnh muôn trùng

Nhớ thương dục bước lầu hồng lên cao.

 

Bài VÃNG NAM NINH

Thiết thằng ngạnh thế ma thằng nhuyễn

Bộ bộ đinh đương hoàn bội thanh

Tuy thị hiềm nghi gián điệp phạm

Nghi dung khước tượng cựu công khanh.

 

Nam Trân dịch: Đi Nam Ninh

Hôm nay xiềng xích thay dây trói

Mỗi bước leng keng tiếng ngọc rung;

Tuy bị tình nghi là gián điệp

Mà như khanh tướng vẻ ung dung

 

Quách Tấn dịch:

Dây xiềng thay thế dây thừng

Leng keng tiếng ngọc rung từng bước đi

Tuy gián điệp bị hiềm nghi

Uy phong trông có khác gì công khanh.

 

Bài ỨC HỮU

Tích quân tống ngã chí giang tân

Vấn ngã qui kỳ, chỉ cốc tân

Hiện tại tân điền dĩ lê hảo

Tha hương ngã tác ngục trung nhân.

 

Nam Trân dịch: Nhớ bạn

Ngày đi bạn tiễn đến bên sông

Hẹn bạn về khi lúa đỏ đồng

Nay gặt đã xong cày đã khắp

Quê người tôi vẫn chốn lao lung

 

Quách Tấn dịch:

Đưa nhau đến tận bờ sông

Ngày về?

Hẹn bạn lúa đồng trĩu hương

Nay cày đã khắp ruộng nương

Tôi còn làm khách tha hương trong tù.

Ngoài nhà thơ Quách Tấn còn có các nhà thơ khác như Xuân Thủy đã dùng thể lục bát dịch thơ Bác Hồ như bài NGUYÊN TIÊU

Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên

Xuân giang xuân thủy tiếp xuân thiên

Yên ba thâm xứ đàm quân sự

Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền.

 

Xuân Thủy dịch: Tiết rằm tháng Giêng

Rằm xuân lồng lộng trăng soi

Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân

Giữa dòng bàn bạc việc quân

Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.

 

Và bài VÔ ĐỀ

Sơn kính khách lại hoa mãn địa

Tùng lâm quân đáo điểu xung thiên

Quân cơ quốc kế thương đàm liễu

Huê dũng giai đồng quán thái viên

 

Xuân Thủy dịch:

Đường non khách tới hoa đầy

Rừng sâu quân đến tung bay chim ngàn

Việc quân việc nước đã bàn

Xách bương dắt trẻ ra vườn tưới rau.

 

Đồng thời còn có bài ỨC CỐ NHÂN

Vân ủng trùng sơn sơn ủng vân

Giang tâm như kính tịnh vô trần

Bồi hồi độc bộ Tây Phong lĩnh

Dao vọng Nam thiên ức cố nhân

 

T. Lan dịch: Nhớ cố nhân

Mây ôm núi, núi ấp mây

Lòng sông chẳng gợn mảy may bụi hồng

Bồi hồi dạo đỉnh Tây Phong

Trông vời cố quốc chạnh lòng nhớ ai.

 

Và Huy Cận dịch bài BÁO TIỆP

Nguyệt thôi song vấn: Thi hành vị

Quân vụ nhưng mang vị tố thi

Sơn lâu chung hưởng kinh thu mộng

Chính thị liên khu báo tiệp thì.

 

Báo tin thắng trận

Trăng vào cửa sổ đòi thơ

Việc quân đang bận xin chờ hôm sau

Chuông lầu chợt tỉnh giấc thu

Ấy tin thắng trận Liên khu báo về.

Còn có các nhà thơ như Tần Đắc Thọ, Phan Văn Các, Khương Hữu Dụng v.v… đều có dịch thơ bác Hồ bằng thể thơ lục bát.

Dùng thơ lục bát để dịch thơ nước ngoài các tác giả dịch thơ ngoài mục đích phổ biến thơ người còn muốn gói ghém tình ý nêu cao thể văn của nước nhà

Từ thuở xa xưa song song cùng với tục ngữ, ca dao đã có mặt trong văn hóa dân gian Việt Nam. Ca dao mang tính chất dân tộc từ hình thức đến nội dung.

Ca dao Việt Nam là một thể thơ gồm nhiều từ hợp với nhau thành vần thành điệu từ 4 từ đến nhiều từ, được mang danh là văn học bình dân. Trong loại văn học này thì ca dao là một loại văn học đặc biệt nhất:

Ca dao gồm các thể thơ lục bát, song thất lục bát, lục bát biến thể. Trong ca dao thể lục bát là chủ đạo. Thể lục bát, song thất lục bát đã đi từ văn chương bình dân đến văn chương bác học, từ ca dao đến các bài hát hò hát dặm hát ca trù v.v… rồi leo lên đến các áng văn thơ Truyện Kiều, Chinh Phụ Ngâm v.v…

Năm 1925 trên hai tờ báo bí mật là tờ Thanh niên và tờ Công Nông, bài Quốc Tế Ca được dịch ra tiếng Việt theo thể lục bát. Bài dịch 28 câu gồm 3 đoạn mỗi đoạn 8 câu và một điệp khúc 4 câu. Một bài thơ quốc tế được dịch ra tiếng Việt bằng một thể thơ thuần Việt do một nhà ái quốc Việt Nam Nguyễn Ái Quốc là dịch giả.

Bản Quốc tế ca nguyên là một bài thơ của thi sĩ Eugène Pottier người Pháp viết năm 1870.

Bài thơ gồm 8 đoạn mỗi đoạn gồm 12 câu. Trong mỗi đoạn có một điệp khúc gồm 4 câu. Cụ Nguyễn Ái Quốc chỉ dịch có 3 đoạn và dịch riêng điệp khúc thành 1 đoạn. Hình thức bài thơ dịch là thể lục bát.

Bài Quốc tế ca được mở đầu:

Debout, les damnés de la terre

Debout, les forçats de la faim

La raison tonne en son cratère

C’est l’éruption de la fin

Du passé faisons table rase

Foules, esclaves, debout, debout

Le monde va changer de base

Nous ne sommes rien, soyons tout

C’est la lutte finale

Groupons-nous, et demain

 L’Internationale

Sera le genre humain

 

Bản dịch:

Hởi ai nô lệ trên đời

Hởi ai cực khổ đồng thời đứng lên

Bất bình này chịu sao yên

Phá cho tan nát một phen cho rồi!

Bao nhiêu áp bức trên đời

Sạch sành sanh phá cho rồi mới tha!

Cuộc đời này sẽ đổi ra,

Xưa kia con ở nay là chủ ông.

 

Điệp khúc

Trận này là trận cuối cùng

Ầm ầm đoàn lực, đùng đùng đảng cơ

Lanhtécnaxiônanlơ

Ấy là nhân đạo ấy là tự do.

Bài thơ này đã được nhạc sĩ Pierre Degeyter (người nước Bỉ) phổ nhạc năm 1880. và được dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau trên thế giới trong đó có Việt Nam và trở thành bài ca của giai cấp vô sản thế giới, kêu gọi sự đoàn kết và chỉ con đường giải phóng giai cấp, báo hiệu những cuộc cách mạng của giai cấp vô sản. Nhìn chung, Eugène Pottier là người gắn bó cuộc đời với Công xã Paris, thơ ca của ông là tiếng nói của nhân dân lao động và giai cấp công nhân, nêu lên ước mơ của những người dân nghèo.

Bài thơ của ông được nhà lãnh tụ anh minh của dân tộc Việt Nam dịch thành thơ bằng thể văn lục bát, một thể văn thuần túy Việt Nam.

Nguồn Văn nghệ số 46/2022


Có thể bạn quan tâm