April 26, 2024, 2:37 pm

Thế hệ sưu tập thứ 5 của Việt Nam: “Con hơn cha là nhà có phúc”

Nếu chia sẻ với định nghĩa nhà sưu tập (NST) là người sở hữu nhiều hơn số tranh cần có để trang trí cho ngôi nhà, thì Việt Nam đang có thế hệ sưu tập thứ 5, với vài trăm người, đông hơn cả 4 thế hệ trước cộng lại. Đó là về lượng, còn về chất, thế hệ thứ 5 cũng có những khác biệt.

Về mặt quy ước thời gian, các NST thế hệ thứ 5 là những người xuất hiện cùng với thời với Internet đi vào đại chúng tại Việt Nam, hoặc trong thế kỷ 21 này. Đa số họ sinh sau 1975, nhưng cũng có vài người thuộc thế hệ 5X, 6X như Lê Thái Sơn (1968 -2012), Nguyễn Thị Mai Thanh, Lê Quang Khải, Hàn Ngọc Vũ, Nguyễn Thị Thanh Thủy, Thanh Uy…, góp mặt với các bộ sưu tập bề thế, có giá trị rất cao.

Theo báo Thanh niên, một NST với mã số 5496, đã đấu giá trực tuyến thành công chiếc mũ quan văn triều Nguyễn hôm 28/10/2021, với giá 600.000 Euro (chưa tính 25% thuế, phí). Đây là một doanh nhân người Việt, thuộc thế hệ sưu tập thứ 5, trong tương lai gần sẽ lộ diện và dự kiến trao tặng lại chiếc mũ này cho cố đô Huế.

Sưu tập thời Internet có gì lạ?

Giám tuyển Ace Lê khẳng định: “Đúng rồi, Internet làm phẳng thế giới. Thị trường nghệ thuật vốn là một loại thị trường phi đối xứng (asymmetric market), trong đó các bên mua, bán và môi giới - bên nào nắm được nhiều thông tin quan trọng hơn thì sẽ thương thảo được tốt hơn. Các kênh thông tin, tài liệu trực tuyến hiện nay đã làm giảm phần nào tính phi đối xứng đó, khi thông tin, tiểu sử của nghệ sĩ, cũng như tính minh bạch về lai lịch tác phẩm có thể được lưu trữ và tra cứu dễ dàng hơn. Nó tạo điều kiện cho một lứa nhà sưu tập mới có khả năng truy cứu, xác minh thông tin, cũng như tổng hợp, phân tích đồ thị giá cả ở mức độ thị trường, phân khúc và nghệ sĩ. Có lẽ đây là điểm lợi lớn nhất của các NST thế hệ này”.

Còn NST Hoàng Anh Tuấn thì cho rằng: “Thế hệ này khác trước nhiều lắm. Và thay đổi rất nhanh. Có thể gọi là có nhiều lớp sưu tập mới, đặc biệt nhanh từ 5-6 năm trở lại đây, với mấy điểm khác biệt. Đầu tiên, lớp sưu tập có lượng tài chính lớn sẽ dành sự quan tâm tới tranh của tác giả Đông Dương. Và có lẽ sẽ giống quy luật chung, đó là sự quan tâm tới sưu tập có độ trễ so với sự phát triển kinh tế từ 5 đến 10 năm. Họ sẽ bước vào sưu tập có chủ đích hơn và muốn rút ngắn quãng đường bằng cách đổ một lượng lớn tài chính xây dựng sưu tập của mình. Thứ hai, nhóm quan tâm tới mảng đương đại, cởi mở hơn rất nhiều, nếu so với 20-30 năm trước, vì có lẽ họ có điều kiện tiếp cận thông tin quốc tế và một phần các nhà sưu tập trẻ học tập, làm việc tại nước ngoài, rất ý thức dành một phần thu nhập cho thú sưu tập của mình. Thứ ba, cũng là đáng chú ý, đó là trong vòng 5-6 năm trở lại đây, thị trường nghệ thuật thay đổi căn bản so với trước đây, khi người Việt Nam chơi tranh phát triển nhanh chóng. Vì số lượng NST nhiều và mới, nên số họa sĩ mới xuất hiện trên thị trường cũng nhiều hơn, đa dạng phong cách, trường phái. Nhiều họa sĩ vào nghề từ 20 năm trước (có thể chiếm phần lớn), vốn không chọn đi theo con đường chuyên nghiệp, nay đã quay lại sáng tác chuyên nghiệp. Họ đáp ứng phần lớn các nhu cầu, đặt biệt là số đông muốn tiếp cận tranh sáng tác cho nhu cầu trang trí nhà cửa, công sở, hội quán... Số này theo thời gian sẽ tiếp tục tìm hiểu, bổ sung kiến thức và một phần sẽ trở thành lớp NST mới, thế hệ thưởng thức mới. Nhiều người đã chọn mua tác phẩm qua hình thức trực tuyến, trong 2-3 năm trở lại, đây có lẽ là nhân tố quyết định các cuộc chơi, thay đổi tình thế chơi (game changer)”.

Chính Internet đã làm cho việc mua tranh, đấu giá, sưu tập thay đổi rất nhiều, nhất là ở 3 khía cạnh lớn. Đầu tiên là khoảng cách địa lý và múi giờ, trước đây việc di chuyển rất tốn kém, mệt mỏi, bây giờ có Internet giải quyết nhanh hơn, rẻ hơn, an toàn hơn. Kế đến, đó là các cách ngăn về ngôn ngữ và dùng nhà cố vấn, kiểm tra chéo, thời Internet làm tốt hơn rất nhiều. NST không thể dẫn theo vài ba chuyên gia đến nhà đấu giá, chi phí sẽ quá cao, nhưng bằng Internet, thì có thể dùng rất nhiều người, nhưng chi phí vẫn thấp hơn. Thứ ba, đó là vấn đề đọ giá, kiểm tra tầng suất xuất hiện, độ nguyên bản, tranh giả tranh nhái, thì Google Images, Google Photos giải quyết rất gọn nhẹ, nhanh chóng. Dù đây chưa phải là tất cả và khả tín, nhưng là cơ sở ban đầu, rất quan trọng.

Theo tin từ nhà báo Hoàng Anh (Tổng biên tập tạp chí Mỹ thuật), bức tranh Phong cảnh Phnôm-Pênh của Lê Quốc Lộc đã được một NST người Việt, thuộc thế hệ thứ 5, đấu giá trực tuyến thành hôm 21/10/2021, với giá 1.210.000 EUR. Một nguồn tin khác cho hay, bức tranh này sẽ sớm hồi hương, dự kiến sẽ cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mượn để trưng bày một thời gian dài.

Góp sức tuyên chiến với tranh giả, tranh nhái

Chính nhờ Internet và các công cụ kiểm định khoa học, cũng như thế hệ giám tuyển, nghiên cứu, phê bình, báo chí, cuộc chiến với tranh giả, tranh nhái cũng mạnh mẽ hơn trong 10 năm trở lại đây. Các NST thế hệ thứ 5 đã biết dùng chuyên gia, cố vấn, không chỉ ở khía cạnh chuyên môn, mà còn cả ở cả khía cạnh pháp lý, truyền thông, tài chính. Nhiều bức tranh được mua bán với hợp đồng kinh tế, xuất hóa đơn đỏ, làm hồ sơ kiểm định… là điều mà các thế hệ sưu tập trước còn xa lạ.

Giám tuyển Lê Thiên Bảo thì cho rằng một trong những điểm khác biệt nhất là mục đích sưu tập. “Thế hệ đầu tiên như bác Đức Minh hoặc ông Vương Hồng Sển (sưu tập cổ vật) chưa có xuất hiện việc đầu cơ. Nghĩa là có thể họ trao đổi tác phẩm, cổ vật… để làm giàu cho bộ sưu tập, nhưng không có chủ đích đầu cơ đợi lên giá rồi bán lại. Họ không phải con buôn. Tuy nhiên, bộ sưu tập của họ theo kiểu thích gì mua đấy, hoặc thấy đẹp là mua, chưa có nhiều định hướng chuyên sâu, đặc biệt là chưa có Internet nên chưa đầu tư các giám tuyển, cố vấn bài bản như bây giờ. Ví dụ, với các bộ sưu tập như Post Vidai, Nguyen Art Foundation… thuộc thế hệ thứ 5, thì có cả website, có chương trình giáo dục, có không gian trưng bày, có quỹ tài trợ…, nghĩa là đường hướng sưu tập hướng tới phục vụ công chúng, có định hướng giáo dục nghệ thuật rõ ràng, chứ không chỉ cất riêng ở tư gia, hoặc đầu cơ. BST Witness Collection của Andrian Jones còn hợp tác với nhiều bảo tàng, trường đại học, tài trợ cho nhiều nghiên cứu, cho các chương trình nghệ thuật vì cộng đồng… Đồng ý rằng, kiểu sưu tập cũ - mua về cất riêng tại tư gia - thì vẫn là phần lớn tại Việt Nam hiện nay, nhưng kiểu sưu tập theo dạng mở, dạng công bố (public collection) thì thời nay đã phổ biến hơn, thời trước chưa thể có. Một điểm cần lưu ý nữa, đó là thế hệ sưu tập thứ 5 cũng chịu nhiều áp lực vì nạn tranh giả tranh nhái, khiến họ phải cẩn trọng hơn với tác phẩm của các họa sĩ đã mất, từ đó dành nhiều quan tâm hơn tới tác giả hiện đại và đương đại”.

Đúng vậy, chưa bao giờ có cuộc chay đua về giá tranh giữa đương đại và Đông Dương như hiện nay. Ví dụ trong bộ sưu tập hơn 300 tác phẩm của Nguyễn Thanh Phượng, các bức tranh của Lê Kinh Tài, Cyril Kongo… có giá mua bán không hề thấp hơn Nguyễn Gia Trí, Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm... Chính điều này làm nên cán cân mới của thị trường, đồng thời làm cho việc “khát” tranh của thế hệ Đông Dương, kháng chiến… giảm nhiệt, bớt tính chất bong bóng, giúp người mua tinh táo hơn. Điều này vô tình góp sức tuyên chiến với tranh giả, tranh nhái mạnh mẽ hơn.

Thế hệ sưu tập thứ 5 còn có một điểm khác biệt nữa, đó là cân bằng hơn về giới tính, nếu 4 thế hệ trước chủ yếu là nam giới, thì bây giờ những nhà sưu tập nữ rất nhiều, trong đó có các tên tuổi đáng nể. Các bộ sưu tập của Nguyen Art Foundation, Nguyễn Thị Mai Thanh, Nguyễn Thị Thanh Thủy, Nguyễn Thanh Phượng, Thùy Dương, Julie Lâm, Jang Kều… không thua kém gì nam giới, trong vài khía cạnh hẹp, còn nổi trội hơn. Có thể nói thế hệ sưu tập thứ 5 của Việt Nam đang ở trong tình trạng “Con hơn cha là nhà có phúc”.

Nguồn Văn nghệ số 45/2021


Có thể bạn quan tâm