April 26, 2024, 10:43 pm

Thầy trò bên trang thơ

 

Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội, Đào Nam Sơn được phân công lên Việt Bắc giảng dạy phổ thông vào năm 1973. Đó là thời kỳ kháng chiến chống ngoại xâm và bọn tay sai phản động đang vô cùng gay go quyết liệt. Lớp trẻ sẵn sàng đón nhận mọi nhiệm vụ nơi tiền tuyến cũng như ở hậu phương xa xôi theo nhịp sống của toàn dân. Tuy vậy, lần đầu tiên xa nhà, người giáo viên trẻ vẫn bị xao động sâu sắc. Vốn yêu thơ từ tuổi học trò và phải chăng núi ngàn xa lạ mai đây lại là mảnh đất màu mỡ nên thơ, nên họa dành cho những tâm hồn nhạy cảm, nhất là những phút giây xao xuyến.

Bước chân tới miền đất mới dằng dặc “mở mắt là thấy núi/ nhắm mắt thấy quê nhà”, rồi từng bước quen dần, nhưng bóng dáng mẹ cha vẫn luôn luôn chập chờn hiển hiện: Cha chưa hết bâng khuâng/ Thèm gọt thủy tiên đón Tết…./ …Cha không còn nữa/ Hoa thủy tiên không còn nữa”.

Nhớ về cha đã khuất qua hình tượng thơ đẹp Hoa thủy tiên - một hoài niệm buồn man mác là nét tinh tế của tác giả… Nhớ bố mẹ lại càng không sao quên được “Ngõ Thuận Thành” quê hương thuở còn thơ. Hình ảnh thân thương đầy ắp kỷ niệm hồn nhiên lưu luyến: Nhà mình nép trong ngõ nhỏ/ Ngoại ô - xanh một điền trang/ Trăng tròn cười rung lòng giếng/ Miếu thờ đỏ mắt tuần nhang.

Dạy học chốn núi rừng xa lạ quả là một thử thách khó khăn không kém gì vượt đường Trường Sơn dốc núi cheo leo đối với các cô giáo cũng như thầy giáo! Đến nỗi có cô giáo mới 17 tuổi để nước mắt ròng ròng khi chân đã mỏi, mà bản cao cao dốc đứng vẫn còn xa lắm!...: Em đã khóc trên đường từ thị trấn lên đây…/ … Mười bảy tuổi mới ra trường cắm bản/ Lớp học trên độ cao một nghìn ba trăm tỏa sáng./ Đỏ lửa ngày ngày, đỏ lửa đêm đêm./ Học trò ngồi trong lớp của em/ Nửa mới học vần, nửa vào tập đọc.

Tấm bảng chia đôi cho đất lành nhiều lứa măng cùng mọc (Điểm hồng trên núi). Bức tranh chân thật đầy cảm động của bạn đồng nghiệp qua nét vẽ mộc mạc theo ngòi bút tác giả khiến người đọc không thể không nao lòng, nhất là các thầy cô giáo chốn thành phố hiện đại ngày nay đang giảng dạy học sinh trên các bảng truyền hình!?

Chốn Việt Bắc xa xôi có hoa ban nở trắng đồi với mây ngàn thăm thẳm này đã hóa tâm hồn nhà thơ. Hình ảnh lớp trẻ nhỏ thật thà đáng yêu dưới chân núi Mã Pi Lèng đã nhập vào những dòng thơ hồn hậu quyện hương sắc núi rừng vừa lạ, vừa quen khiến người đọc xao xuyến thú vị: Đúng là Mã Pì Lèng cao thật/ Lên hôm nào chóng mặt đến hôm nay/ Đúng là Mã Pì Lèng tuyệt thật/ Một nét cắt lệch trời, lệch cả gió mây/ Tôi là con ngựa gầy/ Khát Mã Pì Lèng ngửa mặt.

Đã từ lâu bao người ao ước đặt chân tới nơi đây, nhưng chưa đạt được, chắc có lẽ cũng đồng tình với tác giả: “Đúng là Mã Pì Lèng tuyệt thật!”! Thôi đành ở nhà vậy, xin hẹn lần sau sẽ tới?!

Thế rồi giữa chốn núi cao rừng xanh này thầy giáo trẻ cứ ngỡ “Tôi là Ông già núi”: Tôi là ông già núi/ Trong mắt toàn đèo mây/ Mùa qua mùa không tỏ/ Cứ trông rừng mà hay…/ … Sương lạnh luồn vách nứa/ Củ sắn lùi bỏng tay… Ngày tháng trôi đi, xuân qua hạ tới, các thầy cô cùng bao thế hệ học trò không bao giờ quên hình ảnh “củ sắn lùi bỏng tay”, song dường như lại quên dần tuổi xanh với mái đầu dần dần sương trắng hóa thành thơ: Bữa vui gặp lại toàn đầu bạc/ Trên lớp ngày nào toàn đầu xanh/ Ai lấy sương Ngã Ba Tuần Giáo/ Phủ lên tóc thầy trò mình…/ Ngựa tía, ngựa hồng cõng vùng cao về chợ.  (Gửi các học trò).

Ở đây các hình tượng thơ đượm vẻ ngơ ngác hồn hậu của bao lứa học trò chốn mây ngàn gió núi mỗi lần bước qua cổng trường mờ sương. Chính nhịp sống đời thường chốn đây lại là tình cảm chân thật quấn quýt giữa thầy và trò chẳng thế mờ phai.

Những vần thơ chảy từ quá khứ vào hiện tại đồng hiện đan xen tựa nỗi niềm nhà thơ đã tạo dựng nên một bức tranh nhẹ nhàng phảng phất hương rừng như tiếng hát buồn vui của lòng mình. Tuy vần điệu thơ không mới, nhưng cấu tứ gắn kết với các chất liệu mới mẻ qua các hình tượng là lạ tạo được sức gợi cảm đối với người đọc. “Ai lấy sương Ngã ba Tuần giáo/ Phủ lên tóc thây trò mình”? Chân thật đến bâng khuâng!

Từ góc độ thẩm mỹ, phải chăng đó cũng là một viên gạch hồng của tác giả góp thêm sắc màu hoa lá vào nền thơ đương đại?…

Nguồn Văn nghệ số 23/2020


Có thể bạn quan tâm