April 26, 2024, 7:18 pm

TẾT ở vùng giới tuyến

Tôi là người lớn lên sau này, không am hiểu nhiều lắm về cuộc sống, chiến đấu của quân và dân vùng giới Vĩnh Linh trong những năm chia cắt đất nước. Những năm ấy họ đã sống ra sao, khó khăn gian khổ thế nào, rồi chuyện vui buồn, những kỷ niệm không quên về tình đồng đội, tình quân dân…, đặc biệt, trong điều kiện chiến tranh ác liệt lúc bấy giờ, bộ đội và nhân dân ta đã vui Xuân đón Tết ra sao? Những chuyện tôi kể dưới đây phần lớn là nghe các cựu chiến binh, họ từng là bộ đội, dân quân, nhân dân, có mặt ở vùng giới tuyến ngày ấy kể lại.

Minh họa: Lê Trí Dũng

Ai cũng biết, vào ngày 21tháng 7 năm 1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, đã lấy vĩ tuyến 17 dọc sông Bến Hải, đi qua hai huyện Vĩnh Linh và Gio Linh của tỉnh Quảng Trị, làm giới tuyến quân sự tạm thời, đặt dưới sự giám sát của Ủy ban quốc tế gồm các nước Ba Lan, Canada và Ấn Độ. Đây là khu phi quân sự rộng 1,6 km, có nơi rộng hơn 2km mỗi phía, tính từ bờ sông Bến Hải trở vào, và kéo dài từ biển Cửa Tùng lên đến biên giới Việt - Lào. Dọc hai bên bờ sông Bến Hải là một loạt các đồn công an ta ở phía bờ bắc, và đồn cảnh sát của chính quyền Sài Gòn ở phía bờ nam. Từ đây, sông Bến Hải trở thành nơi chia cắt đất nước, trở thành chỗ ngày nhớ đêm mong của nhân dân hai miền Nam - Bắc. Sông Bến Hải không rộng, không dài, nhưng đã ngăn cách lòng người, chia xa gia đình, người thân, bạn bè trong cảnh kẻ Nam, người Bắc kéo dài đằng đẵng suốt hai mươi năm.

Vùng giới tuyến những năm đầu Hiệp định Giơ-ne-vơ, diễn ra trong không khí khá “thanh bình”, “hòa hợp”. Hàng tuần, công an ta và cảnh sát Sài Gòn vẫn qua lại hai bên làm việc, giải quyết mọi chuyện xảy ra trong vùng. Vẫn cùng nhau thi đấu bóng chuyền, xem biểu diễn văn nghệ, chiếu phim, đánh cờ tướng… tưởng như nơi này chưa từng xảy ra chiến tranh, chưa từng xảy ra sự đối đầu giữa hai thế lực cách mạng và phản cách mạng; tưởng như mọi chuyện rồi sẽ trở nên êm đẹp, chiến tranh sẽ nhanh chóng kết thúc, nhân dân hai miền Nam - Bắc sẽ đoàn tụ, đất nước sẽ hòa bình, thống nhất trong nay mai. Nhưng sự thật không phải như vậy! Chiến tranh đã xảy ra. Quân và dân ta đã phải chiến đấu ròng rã suốt hai mươi năm. Hòa bình, thống nhất chỉ thực sự đến với đất nước ta vào ngày 30 tháng Tư năm 1975.

Nhiều chuyện vui buồn xảy ra ở vùng giới tuyến ngày ấy, nhất là vào các dịp Tết đến Xuân về, bây giờ đã mấy chục năm trôi qua hẳn nhiều người còn nhớ. Ông Nguyễn Ngọc Thành, cán bộ nghỉ hưu ở thị trấn Cửa Tùng, là hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật Quảng Trị, trong một bài viết về Cửa Tùng thời chiến tranh, kể lại rằng: “Đồn Công an liên hợp Cửa Tùng chiều 29 Tết năm Kỷ Hợi 1959, công an ta và cảnh sát Sài Gòn tổ chức thi đấu giao hữu bóng chuyền. Trận đấu theo yêu cầu của cảnh sát Sài Gòn là không được cho nhân dân đến xem, vì họ sợ thua nhân dân sẽ cười. Bên nào cũng muốn thắng để xác định tính ưu việt của chế độ mình. Cầu thủ hai đội đều cao trên 1m7. Trọng tài điều khiển trận đấu là ông Lê Hồng Sơn người miền Bắc, có bằng quốc tế. Phía cảnh sát phát bóng trước. Bóng đi ngang lưới rất mạnh, ta không thể nào chặn được, lên 9 điểm cho đội cảnh sát Sài Gòn. Ta hội ý và đổi chiến thuật đánh. Ta kéo lên 8 điểm, như vậy tỷ số là 9-8 nghiêng về phía ta. Tiếp tục trận giao hữu, ta đã thắng 3-0. Cảnh sát Sài Gòn xin đánh thêm 2 hiệp, kết cục ta thắng 4-1. Sáng 30 Tết, công an ta qua bờ nam để đấu giao hữu với cảnh sát đồn Cát Sơn (nay thuộc xã Trung Giang, huyện Gio Linh). Kết cục ta thắng 3-2. Cuối trận, cảnh sát Sài Gòn tổ chức chiêu đãi 2 đội bóng. Thức ăn bày ra vô cùng hấp dẫn. Các nữ tiếp viên mặc áo dài tím Huế, rất duyên dáng. Luôn luôn niềm nở đón tiếp công an ta…”.

Thi đấu bóng chuyền giữa Đồn Công an Cửa Tùng và Đồn Cảnh sát Cát Sơn hầu như Tết nào cũng diễn ra. Những trận thi đấu giao hữu ấy, nhìn bề ngoài thì có vẻ  sôi nổi, vui vẻ, hòa đồng, chuyện thắng - thua không quan trọng, nhưng bên trong mỗi đội, mỗi cầu thủ lại toát lên sự thi đấu, giao tranh quyết liệt, vì thực ra, bên nào cũng mong đội mình chiến thắng. Trong những lần gặp gỡ vui vẻ như thế, công an ta lại có dịp gặp cảnh sát bờ nam để nói về Hiệp định Giơ-ne-vơ, về hòa bình thống nhất đất nước và khát vọng của nhân dân hai miền Nam - Bắc…

Xin được nói thêm, bộ phim truyện Vĩ tuyến 17 ngày và đêm sản xuất năm 1972, kịch bản Hoàng Tích Chỉ, đạo diễn Hải Ninh, là một trong những bộ phim nói về cuộc chiến đấu của quân dân ta ở vùng giới tuyến, giờ đã trở thành tác phẩm kinh điển của Điện ảnh cách mạng Việt Nam. Các nhà làm phim đã lấy bối cảnh, nhân vật, sự kiện, những ngày sau Hiệp định Giơ-ne-vơ ở vùng Cửa Tùng, Cát Sơn, đôi bờ sông Bến Hải dựng lên bộ phim truyện đặc sắc này. Những chiến sĩ công an ta, những viên cảnh sát chính quyền Sài Gòn cũng được lấy nguyên mẫu từ nơi này. Đồn trưởng Đồn cảnh sát Cát Sơn cũng vậy, một tên ác ôn khét tiếng lúc bấy giờ được hư cấu trở thành nhân vật Đồn trưởng Trần Sùng trong phim như ta đã được xem sau này.

Ông Nguyễn Thi Sỹ, cán bộ nghỉ hưu, người đam mê lịch sử vùng đất giới tuyến và đã có những cuốn sách, những bài viết về đất và người  Cửa Tùng xưa và nay, cho biết thêm: Ngoài thi đấu bóng chuyền, ta nhằm đúng thời gian Đồn Cảnh sát Cát Sơn “đổi  bờ” sang Đồn Công an Cửa Tùng làm việc, đội văn nghệ các xã Vĩnh Quang, Vĩnh Giang… lại tổ chức đến đồn biểu diễn văn nghệ phục vụ công an và đồng bào địa phương. Lẽ dĩ nhiên, trong số hàng trăm khán giả đến xem, có cả sĩ quan, binh lính Đồn Cảnh sát Cát Sơn. Những làn điệu dân ca Bình Trị Thiên, giọng hò mái nhì mái đẩy, khúc nam ai nam bình, ngọt ngào, sâu lắng, được các diễn viên không chuyên như chị Lê Thị Thí, Lê Thị Ngoan trình bày làm xao động lòng người. Mấy viên cảnh sát đồn Cát Sơn im lặng ngồi nghe, và sau mỗi tiết mục, lại vỗ tay và không ngớt lời ngợi khen. Họ say mê được xem biểu diễn văn nghệ lắm! Vì thế, mỗi lần “đổi bờ” sang Cửa Tùng làm việc, nghe tin có biểu diễn văn nghệ là họ lại hăm hở chờ đợi. Và tối ấy, chưa đợi ta mời, họ đã có mặt rất sớm để đón xem.

Nhưng những cảnh sát này cũng không vừa, xem biểu diễn văn nghệ thì họ cho binh lính cùng xem, nhưng xem phim thì không phải lần nào cũng xem. Chả là, đồn Cửa Tùng thỉnh thoảng được các đơn vị điện ảnh về chiếu phim phục vụ, nhất là trong các dịp lễ, dịp Tết. Hồi ấy, được xem phim là một nhu cầu đặc biệt được mọi người yêu thích. Nhưng tối đến, hễ nghe ta sẽ chiếu những bộ phim có yếu tố đả kích bọn thực dân, đế quốc, ngợi ca người cán bộ, đảng viên… là bọn sĩ quan lại cấm tiệt binh lính không ai được xem. Vì thế, những bộ phim, dù của trong nước hay của các nước xã hội chủ nghĩa sản xuất, như phim Chiến thắng Điện Biên Phủ, Chung một dòng sông, Con chim vành khuyên, Chị Tư Hậu… của Điện ảnh Việt Nam; Người con gái của Đảng phim của Trung Quốc, Việt Nam trên đường thắng lợi phim của Liên Xô… là họ không bao giờ xem. Một lần, sau buổi xem phim, dù biết lý do vì sao họ không xem, nhưng một anh công an ta cũng vờ hỏi: “Phim hay thế, sao anh không cho anh em cùng xem?”. Viên cảnh sát đồn Cát Sơn trả lời: “Hay là hay đối với các anh, còn chúng tôi, mục đích, lý tưởng của chúng tôi khác… nên chúng tôi không xem”. Thế đấy! Cũng trung thành với “lý tưởng” của chúng, một thứ “lý tưởng” mà chính quyền Sài Gòn đã bao năm nhồi nhét vào đầu óc họ, biến họ trở thành tay sai cầm súng chống lại dân tộc, đồng bào mình. Cảnh sát được điều ra vùng giới tuyến không phải người nào cũng mong muốn, ngược lại họ rất lo sợ phải đến những nơi này. Đối với họ, vùng giới tuyến là vùng “đặc biệt”, nên không thể không lo sợ. Đa số những cảnh sát được điều đến đây là những phần tử điên cuồng chống Cộng. Chúng được đào tạo bài bản từ các trường chính quy ở Sài Gòn, do sỹ quan Mỹ trực tiếp giảng dạy, được chọn lựa kỹ càng, trước khi được điều đến khu phi quân sự, phải đối mặt với những khó khăn, thách thức, nhất là phải giữ được mạng sống của bản thân. Vì chúng cũng hiểu, ở vùng giới tuyến này làm gì cũng phải “một vừa hai phải”, hung hăng quá, tàn ác quá, bộ đội, công an chắc không tha. Nhưng tình hình khu phi quân sự chỉ thực sự “yên ổn” được vài năm. Với âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, Mỹ - ngụy một mặt khiêu khích, gây căng thẳng ở khu phi quân sự, một mặt đàn áp phong trào cách mạng, giết hại cán bộ, đồng bào ta ở phía bờ nam, quân dân ta ở vùng giới tuyến không còn sự lựa chọn nào khác, buộc phải chiến đấu. Đầu năm 1967, Trung Giang và các xã thuộc huyện Gio Linh, dọc bờ nam sông Bến Hải được giải phóng. Một loạt đồn bốt cảnh sát của chính quyền Sài Gòn từ Cát Sơn lên đến Giàng Phao, Hải Cụ cũng tan rã, hoặc bỏ chạy khỏi khu phi quân sự.

Những năm ấy cuộc sống của quân và dân Vĩnh Linh vô cùng gian khổ. Cái ăn cái mặc, dù đã được cấp trên chi viện, nhưng cuộc sống cũng chẳng cải thiện được bao nhiêu. Ngày thường cũng vậy. Mà ngày Tết cũng vậy. Bộ đội cũng thế. Và nhân dân cũng thế. Cơm không đủ ăn, bộ đội và nhân dân phải ăn sắn, ăn khoai trừ bữa là chuyện thường. Có những cái Tết, mỗi gia đình chỉ có vài lạng thịt, nồi canh suông, bát nước ruốc bình thường như mọi ngày. Nhưng chẳng ai kêu ca, phàn nàn. Tiếng đàn, tiếng ca vẫn cất vang trên các công sự, hầm trú ẩn. Bộ đội, nhân dân càng sống yêu thương nhau, càng lạc quan, tin tưởng vào ngày mai chiến thắng.

Vừa chiến đấu trên đất liền, quân dân Vĩnh Linh vừa phải tiếp tế lương thực, vũ khí cho đảo Cồn Cỏ. Thượng tá cựu chiến binh Trần Biên, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật Quảng Trị, hiện sống tại thị trấn Cửa Tùng, là người có mặt ở Vĩnh Linh rất sớm, cả cuộc đời trận mạc gần như gắn trọn với mảnh đất và các sự kiện xảy ra nơi này, kể rằng: Tết năm 1965 hay 1966 gì đó, nhân dân các xã vùng giới tuyến tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ một số lượng lớn lương thực và hàng hóa để bộ đội đảo vui Xuân đón Tết. Hàng Tết, từ bánh chưng gói sẵn, thịt cá, rau quả các loại, rồi bánh kẹo, mứt Tết, đã được chuẩn bị đâu ra đó và tập trung tại bến Cửa Tùng, chờ xuất bến. Nhưng đáng buồn, vào thời gian đó, gió mùa kết hợp với không khí lạnh tăng cường, biển sóng lớn, thuyền không thể xuất bến. Đợi mấy ngày cũng không thể ra khơi được. Ông Trần Văn Thà - Đảo trưởng đảo Cồn Cỏ, vào đất liền công tác, có mặt tại bến, chờ ra đảo cùng chuyến, nhìn cảnh ấy đã không cầm được nước mắt vì thương bộ đội ngoài đảo. Sau này, ông Thà cho biết, Tết ấy, dù thuyền không ra đảo được, nhưng bộ đội đảo Cồn Cỏ vẫn gói được bánh chưng, bánh tét bằng lá bàng để đón Tết.

Xúc động hơn cả là Tết Kỷ Dậu - 1969, cái Tết cuối cùng quân và dân giới tuyến Vĩnh Linh được đón nghe thơ Bác qua làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Giọng Bác ấm áp cất lên sáu câu thơ chúc Tết đồng bào, chiến sĩ cả nước:

Năm qua thắng lợi vẻ vang

Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to

Vì độc lập, vì tự do

Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào

Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào.

Bắc - Nam sum họp xuân nào vui hơn!

Mọi người, ai cũng rưng rưng xúc động, xen với niềm tự hào vô bờ bến. Bởi ai cũng hiểu, thơ Bác không chỉ là lời kêu gọi, động viên cán bộ, chiến sĩ hai miền Nam - Bắc đánh giỏi, đánh thắng, mà còn là một sự tiên đoán, một sự khẳng định vững chắc vào sự tất thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bài thơ như một lời hịch giục giã quân và dân ta đoàn kết, sát cánh xông lên với niềm tin sắt đá không lay chuyển. Đó là chúng ta sẽ chiến đấu, đi đến thắng lợi cuối cùng, Bắc - Nam sẽ sum họp một nhà.

Ngày 27 tháng 1năm 1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Đây là thắng lợi lớn của ta trên các mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao. Tết Quý Sửu năm ấy, một không khí đón giao thừa tưng bừng, phấn khởi, vượt qua những quy luật thông thường đã xảy ra chưa từng có ở vùng giới tuyến Vĩnh Linh. Cũng theo thượng tá Trần Biên kể lại. Đúng giao thừa năm ấy, khi Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng vừa kết thúc lời chúc mừng năm mới thì bầu trời Vĩnh Linh rền vang tiếng súng. Đó là tiếng súng của bộ đội, dân quân đồng loạt bắn lên chào đón giao thừa, chào đón chiến thắng. Đủ các loại súng, từ súng trường, tiểu liên, trung liên, đại liên… cùng lúc nhả đạn. Cả bầu trời vùng giới tuyến Vĩnh Linh rực sáng. Một không khí đón Xuân thật ấn tượng, không ai có thể quên. Sau Tết, ông Dương Tốn, Chủ tịch Ủy ban hành chính khu vực Vĩnh Linh; ông Vũ Kỳ Lân, Chính ủy Bộ chỉ huy Quân sự Vĩnh Linh, dù biết việc bắn súng đón giao thừa là việc làm không đúng, thậm chí gây lãng phí đạn dược, nhưng các ông cũng hiểu, sau mấy chục năm chiến đấu gian khổ, bộ đội và dân quân Vĩnh Linh chưa một ngày được nghỉ ngơi, chưa một ngày được vui chơi, nay hòa bình lập lại ở một phần đất nước, bộ đội, dân quân ta quá vui mừng, phấn khởi, nên đã “vô tình” để xảy ra sự cố trên, một việc làm chỉ thấy thương mà không thấy trách. Và cuối cùng một quyết định “nhẹ nhàng” được đưa ra là chỉ nhắc nhở, bỏ qua mọi chuyện.

Sau Tết Quý Sửu không lâu thì Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào thăm Vĩnh Linh. Đại tướng làm việc với Khu ủy Vĩnh Linh; về thăm, gặp gỡ, nói chuyện với nhân dân một số xã vùng giới tuyến. Cũng năm ấy, đồng bào Vĩnh Linh từ các nơi sơ tán như Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nam, Thái Bình… trở về quê hương. Nhân dân bắt tay vào sản xuất, ổn định đời sống. Cuộc sống mới trên mảnh đất giới tuyến nhiều mất mát, thương đau, bắt đầu được hồi sinh trở lại. Đến nay, dù đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, quân và dân Vĩnh Linh vẫn không thể quên những năm tháng ấy, những năm tháng được đứng đầu tuyến lửa, đối mặt với kẻ thù, vừa trực tiếp chiến đấu, vừa tham gia chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam. Và trong những tháng ngày không thể quên ấy, có những kỷ niệm nho nhỏ về những lần vui Xuân đón Tết ngay chính trên mảnh đất giới tuyến quê hương mình. 

Nguồn Văn nghệ số 1+2/2022


Có thể bạn quan tâm