April 26, 2024, 11:16 am

Tem điện tử và những kỳ vọng trong quản lý sản phẩm in và phòng chống in lậu

Tem điện tử được Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), Hội Xuất bản Việt Nam đề xuất để quản lý sản phẩm in và phòng chống vấn nạn sách lậu. Theo ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, trong công tác phòng chống in lậu, bên cạnh giải pháp quản lý, thể chế, cần giải pháp kỹ thuật. Trong đó,  “Tem công nghệ không chỉ đơn giản là bảo vệ thị trường, đây là bước ngoặt để phát triển thị trường”.

Theo số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam chỉ có 30% số người đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng mới đọc sách. Nhưng Việt Nam  lại có đến 70% người dân sử dụng Internet, nằm trong top đầu Thế giới. 

Theo đó, đơn vị đầu tiền sử dụng tem công nghệ phải kể đến Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Trong 10 năm trở lại đây, Nhà xuất bản đã chủ động đặt in hàng triệu bản tem Hologram (tem 7 màu)  và tự dán tem vào sách. Đây là phương pháp được Nhà xuất bản đánh giá khá hiệu quả.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, việc làm giả tem Hologram đã khiến nhà xuất bản nghĩ đến những công nghệ tiên tiến hơn. Cụ thể là Tem công nghệ có năm thông tin và bốn lớp bảo mật. Năm thông tin trên tem công nghệ của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam gồm: Dấu hiệu nhận biết tem (được in chìm, chỉ nhìn được khi chiếu tia cực tím); số serial (16 ký tự) để định danh sản phẩm; trang web để truy xuất thông tin tem; mã QR trỏ vào đường link truy xuất tem; mã bí mật phủ nhũ (16 ký tự) dành cho người dùng để xác thực (chỉ dùng được một lần). Bốn lớp bảo mật trên tem sách gồm: Lớp bảo mật một là hình dạng, hoa văn và một số đặc điểm bí mật ẩn giấu trong tem; lớp bảo mật hai là dấu hiệu nhận biết tem được in chìm, chỉ nhìn được khi chiếu tia cực tím; lớp bảo mật 3 là số serial (quét mã QR để truy cập trang web tcg-nxbgd.vn); lớp bảo mật 4 là mã số dưới lớp phủ nhũ.

Không chỉ có Nhà xuất bản Giáo dục sử dụng tem công nghệ, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cho biết đơn vị này cũng  đang ứng dụng thí điểm xây dựng phần mềm mã QR code trên sách có số bản in lớn (trên 5.000 bản), thường là sách pháp luật, giáo trình, bộ sách lớn. Tuy nhiên, việc dán tem 7 màu hay tem QR code hiện nay chưa thể đưa lên dây chuyền, vẫn do nhân công dán. Vì vậy, với số lượng đầu sách được xuất bản ra thị trường lớn, thì công đoạn thủ công như vậy sẽ không đáp ứng được như cầu xuất bản, chưa kể việc in tem điện tử sẽ khiến giá thành sách có những ản hưởng nhất định. 

Tại Hội thảo  “Ứng dụng tem điện tử vào quản lý sản phẩm in và phòng chống in lậu”, vừa được Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức cũng đã đặt ra vấn đề tem điện tử có thể bị làm giả ( dù công nghệ cao đến đâu) và những chế tài xử phạt hành vi làm giả còn mang tính hình thức, chưa đủ mạnh để những người có ý đồ in lậu tem có thể dừng lại. Do đó, chỉ nên coi đây là một giải pháp trong nhiều giải pháp mà Cục xuất bản và các Nhà xuất bản có thể hướng đến trong bảo vệ quyền tác giả, tác phẩm, đơn vị xuất bản và phát triển thị trường. Song để vấn nạn in lậu sách nói chung, tem công nghệ nói riêng có thể dừng lại, việc cần làm ngay lúc này ( bên cạnh  những giải pháp công nghệ) chính là nâng cao ý thức người tiêu dùng trong tiếp cận sách. Nhất là khi chúng ta đã có Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam, việc người đọc soi chiếu tem để quyết định mua hay không một cuốn sách là vô cùng quan trọng. Điều đó sẽ góp phần loại trừ sách giả, sách lậu.

Nguyễn Phương


Có thể bạn quan tâm