April 27, 2024, 3:04 am

Tăng tuổi nghỉ hưu - Dấu chấm hết cho người trẻ?

 

Dự kiến, năm 2017, khi trình Quốc hội Bộ Luật Lao động sửa đổi, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục trình phương án tăng tuổi nghỉ hưu. Giải pháp này nhằm ứng phó với nguy cơ mất cân đối Quỹ Bảo hiểm Xã hội, tình trạng già hóa dân sốHiện nay tỉ lệ thất nghiệp ở Việt Nam còn rất cao, số người không có việc làm còn rất lớn. Riêng số thanh niên có trình độ đại học, cao đẳng đang không có việc làm là 200 nghìn người. Nếu kéo dài độ tuổi nghỉ hưu cho người lao động đang làm việc thì sẽ tạo ra một áp lực rất lớn về vấn đề việc làm. Những người trẻ đến tuổi làm việc, đến tuổi tham gia vào thị trường lao động thì càng khó kiếm được việc làm. Điều này cũng đồng nghĩa với việc sẽ tạo ra một hệ quả xấu về vấn đề an ninh, trật tự, làm cho môi trường xã hội phức tạp lên.

 

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Theo các nhà nghiên cứu xã hội học, Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng, có nghĩa số người đang ở độ tuổi lao động rất lớn. Trong khi đó, sự phát triển kinh tế xã hội và việc mở mang việc làm mới rất hạn chế. Vì vậy, trong thời điểm “dân số vàng”, việc kéo dài tuổi nghỉ hưu cần phải xem xét và cân nhắc kỹ lưỡng, nếu như không muốn nói là thời điểm này lựa chọn khôn ngoan nhất chính là không nên kéo dài tuổi nghỉ hưu một cách đồng loạt mà chỉ tập trung vào một số đối tượng, đặc biệt là đối tượng làm công tác nghiên cứu, giảng dạy ở các trường đại học, khu vực hành chính ở một số lĩnh vực để tận dụng chất xám và trình độ cao.

Trên thực tế, nhìn vào tương quan nền kinh tế, tăng trưởng chung đang có dấu hiệu chậm lại. Điều này kéo theo nhiều hệ lụy trong đó có vấn đề tạo ra việc làm mới, nguồn lực mới cho nền kinh tế cũng sẽ gặp nhiều khó khăn.

Đã có nhiều ý kiến cho rằng, nên mở rộng và tận dụng tối đa xuất khẩu lao động ra thế giới. Việc xuất khẩu lao động sẽ đem lại lợi ích kép cả cho người lao động và lợi ích quốc gia. Về lâu về dài, Việt Nam sẽ tận dụng được những kỹ năng  công nghiệp mà người lao động sau khi hết thời hạn làm việc ở nước ngoài về nước đầu quân cho các nhà máy, xí nghiệp...trong nước.  Đấy là xét trên mặt lý thuyết, còn thực tế, với công nghiệp phụ trợ hầu như không phát triển, thì dù có muốn tận dụng tối đa nguồn lực con người có được từ hậu xuất khẩu lao động, vẫn sẽ là lực bất tòng tâm. Bên cạnh sự lãng phí về nguồn nhân lực chất lượng cao còn có vô số những hệ lụy nảy sinh từ xuất khẩu lao động bằng mọi giá. Đó là sự mất cân đối về nhân lực tại các vùng nông thôn, là một thế hệ trẻ em lớn lên phát triển lệch lạc về thể chất và tinh thần khi thiếu vắng bố, hay mẹ, thậm chí cả bố và mẹ...

Kết quả này có một phần nguyên nhân từ việc kéo dài tuổi nghỉ hưu đồng loạt, thậm chí còn tác động xấu đến ý chí phấn đấu của người trẻ. Có một thực tế đáng buồn mà ai cũng nhận ra đó là quy tắc 4 T" Thứ nhất quan hệ, thứ nhì tiền tệ, thứ ba hậu duệ và thứ tư mới đến trí tuệ ... Nhiều người tự lực nhưng không có chỗ nào để dựa. Nhiều người không đút lót vì không có tiền để đút, v.v và v.v... đã rơi vào  tình cảnh thất nghiệp, thử hỏi, nếu kéo dài tuổi hưu thì ắt hẳn quy tắc 4 T sẽ phải biến hóa thế nào?

Thực tế tại các khu công nghiệp, đa số người lao động trực tiếp (80 - 90%) thì nữ đến 50 tuổi, nam đến 55 tuổi là đối tượng bị xem là kém năng suất lao động và luôn bị chủ doanh nghiệp kiếm chuyện đuổi vì năng suất giảm, đồng thời trốn tránh đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu, nên việc kéo dài tuổi lao động đối với họ là việc làm không tưởng. Đối với đối tượng lao động gián tiếp cũng vậy, để làm đủ tuổi như quy định cũng không hề đơn giả  và chỉ có những người ở tuổi này mà có chức vụ lãnh đạo thì mới muốn ngồi thêm nhiều năm nữa.

Thiết nghĩ, trước khi đưa ra đề xuất, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, nên đứng ở góc độ người lao động thay vì đứng ở vị trí người quản lý, bởi trrước những luồng ý kiến đang còn gây nhiều tranh cãi như hiện nay, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội không nên vội vàng, cần xem xét kỹ lưỡng, tăng tuổi nghỉ hưu đối với đối tượng nào, tại thời điểm nào cần phải có lộ trình, làm sao vừa phù hợp với Bộ luật Lao động vừa đảm bảo sức khỏe của người lao động,chứ không vì quản lý yếu kém, sợ vỡ quỹ mà tăng tuổi cho người lao động.

 

Có thể bạn quan tâm