April 26, 2024, 11:22 am

Tan chảy một phận người

 

Với cuốn tiểu thuyết đầu tay Sắp đặt của số phận, tác giả Phạm Đức Hùng đã nhập vào một dòng văn học mới mẻ và lạ lùng ở nước ta, dòng văn học hội nhập, với số lượng tác giả thật sự ít ỏi. Những người viết được tác phẩm thuộc dòng văn học hội nhập này, phải thực sự sống tha hương, đủ bản lĩnh để yêu người bản xứ, đủ can đảm và sự cao thượng để có thể đối mặt với những thách thức kinh khủng nhất của tình yêu trong sự xa cách ngàn trùng, không chỉ về khoảng cách địa lý, mà còn là những khác biệt văn hóa, và định kiến sâu sắc. Hoặc, họ phải được chứng kiến tận mắt tất cả những câu chuyện tình yêu khác biệt, vượt biên giới, của những con người, để được gắn kết bên nhau, phải trả giá bằng cả quê hương yêu dấu, sẵn sàng chuyển hóa chính linh hồn mình, để hội nhập và yêu thương…

Thực tế cho thấy số lượng tác giả có thể viết được dòng văn học hội nhập còn hiếm hoi. Đề tài này trước tiên là rất khó, nhưng rồi sẽ mở rộng dần ra, vì con người Việt Nam cũng đang có xu hướng, có khao khát trở thành công dân toàn cầu, sống và làm việc bên ngoài biên giới quốc gia.

“Trong xu hướng hội nhập toàn cầu hóa, con người Việt Nam cũng nỗ lực dịch chuyển, dám thay đổi để phát triển chính mình… Biên giới quốc gia thì không thay đổi, nhưng tính người thì thay đổi. Tính người là mẫu số chung của nhân loại. Nhà văn nào đi vào dòng văn học (hoặc xu hướng) hội nhập này, sẽ có cơ hội để đi ra thế giới. Bởi vấn đề họ nêu ra trong tác phẩm có mẫu số chung toàn cầu, đó là tình yêu, thân phận người, khủng hoảng trên mọi lĩnh vực y tế, chính trị…” – Nhà phê bình Bùi Việt Thắng cho biết.

Trở lại cuốn tiểu thuyết Sắp đặt của số phận của tác giả Phạm Đức Hùng, thì đây là cuốn sách viết về mối tình một chàng trai Việt – một cô gái Đức. Khởi đầu của mối tình vô cùng đẹp đẽ, tại một không gian sống như thiên đường tại nước Đức. Khi những người trẻ tuổi, đẹp đẽ, với những khát vọng cao cả được vươn tới những đỉnh cao tri thức nhân loại để phát triển bản thân, phục vụ cộng đồng. Trong không gian lý tưởng ấy, tình yêu trong vắt như pha lê của họ nảy nở. Một tương lai đẹp như trong mơ của chàng sinh viên Việt Nam tên Minh và cô gái Đức tên Monika đã được hoạch định chắc chắn, tưởng như cả cuộc đời họ sẽ ướp trong hương thơm của tình yêu và đón nhận quả ngọt của hạnh phúc. Tình yêu lớn lao đến nỗi họ sẵn sàng vượt qua những khác biệt lớn về văn hóa Đông – Tây, hay điều kiện kinh tế. Họ dám thay đổi cả căn tính của mình để có thể đồng điệu với bạn đời, để đồng hành sóng bước ngang nhau trên đường đời.

Nhưng cuộc đời không là mơ, hay cái gọi là “số phận” lại có cách sắp đặt riêng của nó, bất tuân ý người. Chỉ vì một tai nạn trong chơi thể thao, chàng sinh viên Minh bị chấn thương nặng, liệt một tay phải với đau đớn triền miên, khiến anh phải chia tay người yêu, chia tay nước Đức, một thiên đường học tập và nghiên cứu mà anh mới được hòa nhập chưa lâu, để trở về quê hương. Cuộc trở về không mong muốn này là sự sụp đổ mọi ước mơ, khát vọng trong chàng trai trẻ. Giống như đang bay lượn tự do và nhẹ bỗng trên những tầng mây, thỏa sức đùa cùng gió, thì anh bị đẩy rơi thỏm xuống hố đen không đáy. Anh sẽ vẫy vùng ra sao?

Ngòi bút Phạm Đức Hùng cũng đã khơi sâu tới đáy nỗi đau ít người trải qua của nhân vật này. Tâm trạng rơi chơi vơi trong tuyệt vọng ấy không dễ gì vượt qua, khi mọi điều đẹp đẽ mình muốn đã vượt khỏi tầm tay, Minh còn gì để sống tiếp? Đây là tâm trạng chung của những người công dân toàn cầu, trước nghịch cảnh cuộc đời, khi họ bỗng dưng nhận ra mình không thuộc về nơi nào cả, về mặt vật lý. Chỉ có những tâm hồn neo chắc được vào bản thể cao quý bên trong (eminent self), thì mới có thể vùng thoát ra khỏi vùng chơi vơi này. Còn phần lớn sẽ rơi thẳng vào hố đen và biến mất tăm tích. Nếu ai đó còn tồn tại, thì chỉ như những xác sống vật vờ, hoặc vô cùng nguy hiểm. Phần thách thức nhất, và cũng là phần giá trị nhất của cuốn sách Sắp đặt của số phận chính là ở phần giữa, nội dung thể hiện nhân vật Minh đã nỗ lực ra sao để thoát ra khỏi cú rơi vào hố đen định mệnh. Ngụm nước sông Saale mà Minh đã uống, tinh thần quật cường của người Đức mà Minh đã ngấm, trở thành một phần hành trang sống, một phần tính cách con người Minh trước những nghịch cảnh cuộc đời bày biện ra cho anh. Hai phần tính cách của người Việt và người Đức hòa quyện nhuần nhuyễn trong Minh (sự bền bỉ chịu đựng khó khăn của người Việt – sự quật cường chinh phục đỉnh cao của người Đức) đã giúp anh vượt lên số phận, thay đổi cuộc đời, dần dần nắm lại vận mệnh trong tay, và không bị chìm lấp trong số đông đồng bào lam lũ. Anh sống trong hoàn cảnh chung của đất nước nhưng dường như đồng thời cũng không ở đó. Anh có tư duy khác và cách sống khác hơn, không nhằm từ chối cộng đồng và giá trị hiện có của cộng đồng, mà là để trở thành điểm sáng của đổi thay, dẫn dắt tinh thần của mọi người bằng chính việc làm và câu chuyện đời mình. Không chỉ trong tiểu thuyết của Phạm Đức Hùng, mà trong đời sống thực, bất cứ ai từng sống, học tập và lao động từ Đức trở về, đều ít nhiều thành công theo cách riêng của mình. Bởi họ có được điều khác biệt, đó là nguồn vốn từ chắt lọc văn hóa, tinh thần Đức.

Rải rác trong tiểu thuyết Sắp đặt của số phận là những chi tiết ấn tượng và đắt giá. Tiểu thuyết Phạm Đức Hùng có thể neo lại trong tâm trí người đọc không chỉ là một tình yêu đẹp, trong khung cảnh đẹp như mơ của hai nhân vật chính, mà còn là những chi tiết được cài đặt khéo léo trong từng bước đi và diễn biến tâm lý của nhân vật. Có thể kể ra chi tiết chính ông bố của cô gái Monika lại chủ động sắp đặt một chuyến đi nghỉ riêng cho con gái mình và chàng trai cô yêu ở tận nước Áo, vùng núi An-pơ hiểm trở và lãng mạn. Có lẽ ông bố Đức này hiểu rằng, mật ngọt của tình yêu thì cần tận hưởng ngay, không thể để dành, bởi nó sẽ lên men cay đắng tức thì. Điều này khác biệt so với Việt Nam… Chi tiết Monika ngạc nhiên khi thấy Minh luôn giành phần trả tiền trong những chuyến đi chơi, ăn uống của hai người tuy không mới lạ, nhưng một lần nữa cho thấy sự khác biệt trong văn hóa ứng xử của người Việt và người Đức, và đồng thời tôn vinh những nỗ lực của Monika trong việc tự thay đổi căn tính, thói quen, văn hóa của mình, để phù hợp đồng điệu với Minh, để sẵn sàng làm một cô dâu nước Việt. Chứ hoàn toàn không phải chỉ từ phía Minh, cần thay đổi để làm rể nước Đức. Đó là sự cân bằng thông thái, khi hai người yêu nhau đến từ hai quốc gia quá khác biệt, giống như đi trên dây. Cả hai người yêu nhau, chông chênh đi trên đường biên văn hóa – giáo dục Đông - Tây đều nhờ nguồn năng lượng từ tình yêu lớn lao bao dung mà linh hoạt thay đổi mình, cố gắng tìm cách thích nghi, cân bằng giữa hai bờ khác biệt. Họ đã tìm ra cách truy cập thường xuyên vào nguồn năng lượng yêu bất tận ấy, để vẫn hy vọng tìm lại được nhau, giữa ấm áp yêu thương, dù thời gian xa cách và quy luật đời sống có khắc nghiệt đến đâu chăng nữa.

Phạm Đức Hùng là một dịch giả tiếng Đức với nhiều tác phẩm dịch giá trị. Nhưng từ truyện ngắn đầu tiên Về miền ánh sáng đăng trên báo Văn nghệ đầu năm 2022, cho tới tiểu thuyết Sắp đặt của số phận đã nhận ra lấp lánh tài năng trong sáng tác. Cho dù có những đoạn văn còn chưa gọt giũa được mượt mà do kỹ năng sử dụng ngôn ngữ, hoặc chưa đạt tới đỉnh thăng hoa của ngôn ngữ và ý tứ chưa thoát, chữ nghĩa chưa đủ độ phổ rộng, sâu, nhưng Sắp đặt của số phận là một tiểu thuyết có thể định danh một tác giả Phạm Đức Hùng trong làng văn.

Nguồn Văn nghệ số 34/2022


Có thể bạn quan tâm