April 26, 2024, 9:19 pm

Tâm thế mới của ngoại giao hội nhập

Nhiệm vụ trọng tâm của đối ngoại Việt Nam năm 2021 là tổ chức triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng, làm sâu sắc thêm quan hệ với các nước, bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, góp phần củng cố môi trường hòa bình, huy động các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển, nâng cao vị thế của đất nước.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh hôm 15-1 đã có cuộc điện đàm với Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien.         Ảnh Bộ Ngoại giao

Ngày 14/1/2021, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu bình luận về việc Mỹ vừa đề ra kế hoạch tích hợp 3 lực lượng hải quân, thuỷ quân lục chiến và tuần duyên nhằm ứng phó các thách thức mới, trong đó có vấn đề Biển Đông. Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, đại diện hãng Sputnik của Nga đề nghị muốn biết lập trường của Việt Nam về việc Mỹ vừa đề ra kế hoạch tích hợp 3 lực lượng hải quân nói trên. Trả lời câu hỏi này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định, lập trường nhất quán của Việt Nam là các quốc gia trong và ngoài khu vực đều cần đóng góp có trách nhiệm vào mục tiêu chung duy trì hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở Biển Đông, tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS-1982).

Ủng hộ kế hoạch tích hợp 

Theo bà Lê Thị Thu Hằng, bản kế hoạch tích hợp 3 lực lượng hải quân, thủy quân lục chiến và tuần duyên trở thành lực lượng quân sự chung trên biển đã được Mỹ công bố với sự phối hợp của chỉ huy 3 lực lượng hải quân, thủy quân lục chiến và tuần duyên. Theo bản kế hoạch, Mỹ đang đứng trước các thách thức lớn kể từ sau Thế chiến 2 khiến cho quyền lợi nước này bị đe dọa, nên cần phải tái tổ chức lực lượng phù hợp. Bên cạnh các thách thức ở biển Hoa Đông, biển Ả Rập, thì biển Đông là một thách thức lớn, khi Trung Quốc đang liên tục tăng cường quân sự hóa các thực thể, đảo nhân tạo nhằm độc chiếm vùng biển này. Theo đó, Bắc Kinh đã triển khai lực lượng hùng hậu bao gồm hải quân, hải cảnh, dân quân biển… nhằm phối hợp để đạt được tham vọng kiểm soát Biển Đông. Ngoài ra, Trung Quốc cũng không ngừng tăng cường lực lượng tàu sân bay, tàu đổ bộ tấn công, chiến hạm cỡ lớn, tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo...

Chính vì thế, kế hoạch trên đặt ra mục tiêu quân đội Mỹ phải thay đổi phù hợp, bao gồm việc tích hợp 3 lực lượng hải quân, thủy quân lục chiến và tuần duyên nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp để ứng phó các thách thức mới. Tương tự, khi phản hồi đối với đề nghị nêu bình luận của Việt Nam về tài liệu vừa được giải mật của phía Mỹ về chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” (FOIP), bà Lê Thị Thu Hằng nhắc lại lập trường của Việt Nam là mong muốn và hoan nghênh các sáng kiến liên kết, kết nối ở khu vực góp phần đảm bảo hoà bình, ổn định, hợp tác ở khu vực, dựa trên luật lệ và tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của tất cả các nước, bao gồm vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình. Lập trường này đã được Việt Nam và các nước ASEAN chia sẻ trong “Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương”, gọi tắt là AOIT.

Lập trường trên đây của Việt Nam phục vụ cho nhiệm vụ trọng tâm của đối ngoại Việt Nam năm 2021 là tổ chức triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội XIII của Đảng, tiếp tục công cuộc hội nhập quốc tế sâu rộng. Ngay từ đầu năm mới, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã khẳng định trong bài viết ngày 1/1/2021: “Chúng ta tin tưởng rằng, với đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước cùng sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân và đối ngoại của các bộ, ngành, địa phương, cùng sự hưởng ứng của người dân và doanh nghiệp, chúng ta sẽ thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đối ngoại trong năm 2021, triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, để “tiếng chiêng” của đối ngoại Việt Nam mạnh mẽ, vang xa, thể hiện thực lực đất nước và khát vọng phát triển ngày càng lớn mạnh, phồn vinh”.

Đối ngoại tiếp tục là điểm sáng

Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2020 hôm 11/1/2021, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã đánh giá, tình hình thế giới và khu vực năm 2020 nổi lên nhiều diễn biến phức tạp, mau lẹ, chưa từng có tiền lệ, nhất là đại dịch COVID-19 đã tác động sâu sắc và toàn diện đến mọi mặt đời sống quốc tế và quan hệ quốc tế. Trong bối cảnh đó, công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta đã bản lĩnh, sáng tạo vượt qua thách thức, tạo dựng và tranh thủ thời cơ, triển khai đồng bộ, toàn diện, thích ứng năng động và đạt được những kết quả quan trọng. Đối ngoại tiếp tục là một điểm sáng trong những thành tựu chung của cả nước, góp phần tạo dựng môi trường thuận lợi cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao vị thế của nước ta. Năm 2020, Việt Nam đảm nhiệm thành công các trọng trách quốc tế, nhất là Chủ tịch ASEAN 2020, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021; duy trì và thúc đẩy đà quan hệ với các nước thông qua việc điều chỉnh linh hoạt phương thức hoạt động đối ngoại kết hợp trực tuyến và trực tiếp.

Công tác hội nhập quốc tế, trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế có những bước đột phá mới với việc phê chuẩn/ký kết các hiệp định thương mại tự do (trong đó có EVFTA, RCEP, UKVFTA), qua đó tạo thêm động lực mới cho phục hồi kinh tế. Các hoạt động ngoại giao kinh tế hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp kết nối với các đối tác, mở rộng thị trường được triển khai hiệu quả. Công tác đối ngoại đã đóng góp quan trọng vào bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam phù hợp với luật pháp quốc tế. Công tác bảo hộ công dân tiếp tục là một điểm sáng; công tác người Việt Nam ở nước ngoài được triển khai hiệu quả; ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại đã ứng dụng tốt các phương thức truyền thông mới để quảng bá hình ảnh Việt Nam đổi mới, hội nhập thành công, chống dịch hiệu quả. Trong phát biểu kết luận và chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh biểu dương những nỗ lực của tập thể cán bộ công chức viên chức của Bộ Ngoại giao đã góp phần vào những thành tựu đối ngoại đáng tự hào trong năm 2020.

Những tia sáng của vận hội mới

Năm 2021 là năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 2021 – 2025 và Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2021 – 2030, tạo nền tảng để thực hiện khát vọng phát triển, nâng cao vị thế quốc tế của nước ta. Thế giới cũng đã bước sang thập nhiên thứ 3 của thế kỷ 21 với những chuyển biến sâu sắc, mau lẹ và khó lường, tác động trực tiếp, nhiều chiều đến môi trường an ninh và phát triển của đất nước. Song trong khó khăn, thách thức, chúng ta vẫn thấy được tia sáng của vận hội và thuận lợi. Đó là thế và lực mới của đất nước sau 35 năm Đổi mới; sự vững mạnh, đoàn kết của cả hệ thống chính trị; sự tin tưởng, đồng hành, ủng hộ của nhân dân cũng như sự trưởng thành, nhiệt huyết của đội ngũ cán bộ đối ngoại. Đây là những tiền đề vững chắc để Việt Nam vững bước vào năm 2021 và những năm tiếp theo với tâm thế mới.   

Nhiệm vụ trọng tâm của đối ngoại Việt Nam năm 2021 là tổ chức triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng, làm sâu sắc quan hệ với các nước, bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, góp phần củng cố môi trường hòa bình, huy động các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển, nâng cao vị thế của đất nước. Chúng ta tin tưởng rằng, với đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước cùng sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân và đối ngoại của các bộ, ngành, địa phương, cùng sự hưởng ứng của người dân và doanh nghiệp, chúng ta sẽ thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đối ngoại trong năm 2021, triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đề nghị ngành Ngoại giao năm 2021 tập trung vào: (i) Tổ chức triển khai có hiệu quả đường lối đối ngoại Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; (ii) Tiếp tục đưa quan hệ với các nước láng giềng, các nước lớn, các đối tác quan trọng, bạn bè truyền thống vào chiều sâu, ổn định, bền vững với những phương thức sáng tạo, hiệu quả, triển khai tốt ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa và công tác người Việt Nam ở nước ngoài; (iii) Đẩy mạnh triển khai chỉ đạo của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030. (iv) Theo dõi sát, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo và các lợi ích chính đáng của ta ở Biển Đông, các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống. (v) Tiếp tục triển khai hiệu quả công tác bảo hộ công dân, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại. (vi) Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa giữa các lực lượng: đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Nhân dân, đối ngoại quốc phòng, an ninh. (vii) Về công tác xây dựng ngành, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chỉ đạo cần tiếp tục làm tốt hơn nữa các mảng công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, đào tạo và bồi dưỡng cũng như công tác thi đua khen thưởng để xây dựng đội ngũ cán bộ ngày càng chuyên nghiệp, có phẩm chất và năng lực đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của công tác đối ngoại.

Nguồn Văn nghệ số 4/2021


Có thể bạn quan tâm