April 26, 2024, 8:14 am

Tám mươi mùa xuân một bài thơ Chợ Tết

 

Nhà thơ Đoàn Văn Cừ xuất hiện trên thi đàn Việt Nam từ năm 1938 với bút danh Thanh Cừ, in các bài Tiếng sao, Yêu thương trên báo Hà Nội. Tuy nhiên, bạn đọc chú ý đến Đoàn Văn Cừ bắt đầu từ bài thơ Chợ Tết đăng báo Ngày nay năm 1939. Và Chợ Tết đã gây ấn tượng đẹp với các soạn giả Thi nhân Việt Nam: “Đoàn Văn Cừ trước sau đăng báo chỉ có sáu, bảy bài thơ. Bài nào cũng hay. Cũng có bài đăng báo Ngày nay số thường nhưng nghĩ đến Đoàn Văn Cừ, tôi lại nghĩ đến Tết” (Hoài Thanh- Hoài Chân - Thi nhân Việt Nam,1942).

Chúng ta đều biết, trước Đoàn Văn Cừ, các nhà thơ Việt Nam cũng từng nói đến chợ, nơi diễn ra những trao đổi, bán, mua, hò hẹn... gắn bó tự bao giờ. Ức Trai tiên sinh (1380-1442) trong Bảo kính cảnh giới (Bài XLIII) viết:

                    Lao xao chợ cá làng ngư phủ

                      Dặng dõi cầm ve lầu tịch dương...

Câu thơ tả phiên chợ chiều hè ở một làng chài sau bóng hoè xanh, phía ao sen lên hương. Chợ trong cái hoà điệu thân thiết của cuộc đời, lao xao tiếng chào mời, dặng dõi giọng ve kêu.

Thám hoa Lương Nhữ Hộc (đậu năm 1442),có bài thơ Chợ núi buổi tạnh hơi mù (Sơn thị tình lam) :

Non mở bình phong tám bức vầy,

Chợ xuân ngày tạnh lục in cây.

Cá tươi xâu liễu người về gấp,

Rượu chín nồng hoa khách ở chầy.

Điếm nọ cờ còn trương gió,

Lều kia rèm đã cuốn mây.

Ông nào thổi địch thanh thơi tá? (thế)

Cưỡi hạc bay về ngàn núi tây.

 (Hợp tuyển Thơ Văn Việt Nam, tập II, Thế kỷ X - Thế kỷ XVII, Nxb Văn hoá,1962 ) 

Thơ tả "chợ búa" của quan Đô ngự sử họ Lương rất có thần thái. Phiên chợ quê miền núi vấn vít hơi xuân, sương lam bên triền núi xanh vừa mở tám bức bình phong mời gọi. Đến chợ, người mua được cá tươi, xâu cành liễu xanh bước gấp về nhà. Còn vị khách nhấp men nồng rượu ngon giữa chợ lại chẳng vội vàng, điếm nọ cờ còn kéo cả gió lên mà lều kia rèm mây đã cuốn. Những còn trương với đã cuốn, về gấp với ở chầy nói được cả cái nồng hậu gấp gáp, cái thanh thản chùng chình của phiên chợ núi ngày xuân. Hai câu kết bài thơ đã biến đổi phiên chợ vùng cao có tiếng sáo, tiếng khèn dìu dặt thành phút lên tiên của khách làng say: Ông nào thổi địch thanh thơi tá/ Cưỡi hạc bay về ngàn núi tây...

Rời thế kỷ XV, trước khi bước vào "Chợ Tết - Thôn ca" của Đoàn Văn Cừ, ta thử ghé qua một phiên chợ Tết vùng chiêm trũng xưa, nơi Tam nguyên Yên Đổ cáo quan trở lại "vườn Bùi chốn cũ". Đây là phiên chợ Đồng, làng Vị Hạ (làng Và),Yên Đổ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, họp phiên cuối năm vào các ngày 24, 26, 30 tháng Chạp.Gọi là chợ Đồng vì chợ họp ở cánh ruộng mạ phía tây làng, cạnh ngôi đền 3 gian,các cụ bô lão ra chợ nếm rượu, chọn mua rượu ngon để làng làm lễ tế thánh đầu năm. Cụ Nguyễn Khuyến từng "rủ rê" mọi người đi chơi chợ Trời Hương Tích, Hà Đông: Ai đi Hương Tích chợ Trời đi/ Chợ họp quanh năm cả bốn thì... háo hức là thế. Nhưng phiên chợ Tết làng mình cụ lại chẳng đi. Có lẽ đây là "năm hung" (hung niên) đói kém, nó nhuốm màu xám ngắt lên phiên Chợ Đồng:

Tháng Chạp hai mươi bốn chợ Đồng,

Năm nay chợ họp có đông không?

Dở trời mưa bụi còn hơi rét,

Nếm rượu tường đền được mấy ông?

Hàng quán người về nghe xáo xác,

Nợ nần năm hết hỏi lung tung.

Dăm ba ngày nữa tin xuân tới,

Pháo trúc nhà ai một tiếng đùng.

 (Chợ Đồng - Nguyễn Khuyến)

            Nghe eo óc khổ sở tiếng hỏi nợ hỏi nần lúc năm cùng tháng tận, vui thú gì Đùng đùng Tết đến sau lưng /Trẻ con thì mừng, người lớn thì lo (ca dao).

Tuy nhiên, còn có một phiên Chợ Tết của Đoàn Văn Cừ để ta tìm về:

Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi

Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà gianh

Trên con đường viền trắng mép đồi xanh

Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết

Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc

Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon

Vài cụ già chống gậy bước lom khom

Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ

Thằng em bé nép đầu bên yếm mẹ

Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu

Con bò vàng ngộ nghĩnh đuổi theo sau

Sương trắng rỏ đầu cành như giọt sữa

Tia nắng tía  nháy hoài trong ruộng lúa                                

Núi uốn mình trong chiếc áo the xanh

Đồi thoa son nằm dưới ánh bình minh...

Chân ta bước, mắt ta cùng dõi theo Chợ Tết. “Ra chợ”, dòng người đi như trẩy hội, sắc màu tươi thắm từ phục trang "nam phụ lão ấu" đến vạt cỏ, áng mây, tia nắng, dải đồi...Bức tranh toàn cảnh trải rộng dưới trời trong cõi nhân gian hớn hở, tưng bừng. Chợ Tết có thể là mẫu mực cho thể văn miêu tả. Câu thơ nào cũng "động", cũng lung linh. Mười bốn dòng thơ mở đầu "giới thiệu" đủ cả không gian, thời gian, trình tự diễn tiến...Tiếp theo là quang cảnh ồn ào đầy ắp hình ảnh sinh động của Chợ Tết :

Người mua bán vào ra đầy cổng chợ

Con trâu đứng vờ dim hai mắt ngủ

Để lắng nghe người khách nói bô bô

Anh hàng tranh kĩu kịt quảy đôi bồ

Tìm đến chỗ đông người ngồi giở bán

Một thày khoá gò lưng trên cánh phản

Tay mài nghiên hí hoáy viết thơ xuân

Cụ đồ nho dừng lại vuốt râu cằm

Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ

Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ

Nước thời gian gội tóc trắng phau phau...

Thi ca đất Việt đã bao lần đăng quang. Thơ tả hoa mai nở sớm Tảo mai của vị Hoàng đế thi sĩ Trần Nhân Tông (1258-1308) viết:

Cam lộ lưu phương si điệp tỉnh 

Dạ quang như thuỷ khát cầm sầu....

Dịch nghĩa: Móc ngọt chảy mùi thơm làm chú bướm si ngây tỉnh giấc. Ánh sáng ban đêm như nước khiến con chim khát buồn rầu!

            Câu thơ tả hoa mai nở sớm trong đêm, giọt móc ngọt đậu trên hoa đượm hương thơm làm chú bướm si ngây tỉnh giấc và vẻ đẹp của hoa ánh lên như nước khiến con chim khát buồn rầu thì thật là thơ cực hay, ít người "với" được. Đến lượt thi nhân Đoàn Văn Cừ, ông cũng xứng "bậc tài danh" khi viết:

Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ

Nước thời gian gội tóc trắng phau phau...

            Thời gian vốn là vô hình. Ở đây, nhà thơ đã "làm" cho ta nhìn thấy được, rằng thời gian là nước trong suốt hữu hình, gội một đời người tóc xanh thành tóc trắng phau phau! Cũng thật thú vị là cái cảnh Áo cụ lý bị người chen sấn kéo/Khăn trên đầu đang chít cũng bung ra...con người chức dịch quyền uy ở chốn đình trung xem ra cũng phải "chào thua" buổi chợ đông người, nơi Lũ trẻ con mải ngắm bức tranh gà/ Quên cả chị bên đường đang đứng gọi; nơi Mấy cô gái ôm nhau cười rũ rượi/ Cạnh anh chàng bán pháo dưới cây đa...

*

            Một phiên Chợ Tết của làng quê đất Việt gồm được cả phong vận của chợ Viềng Nam Định, chợ miền trung du Bắc Bộ, chợ ven đô...Ta gặp ở đây bao người chân quê thuần phác, những trai gái thanh tân, cụ già, em bé, thầy khoá, cụ đồ nho...người hồ hởi vồn vã, người thanh thản hồn nhiên cùng bao nhiêu sản vật nhìn thật thích mắt: Những mẹt cam đỏ chót tựa son pha /Thúng gạo nếp đong đầy như núi tuyết..

            Đến chợ người mua, kẻ bán còn được ngắm tranh xuân, đọc câu đối đỏ bày hàng...một sinh hoạt văn hoá vật chất, tinh thần từ xưa còn đó. Nhà thơ chọn một kết cấu mạch lạc, vừa có cái nhìn toàn cảnh, lại chú ý đến các chi tiết đặc sắc, nổi bật. Ông miêu tả diện mạo, tâm lý các "nhân vật" của cả một phiên chợ Tết quê. Tất cả đâu ra đấy: náo nhiệt, đủ đầy. Rồi khi chợ đã vãn, lòng ta tiếc nuối bâng khuâng lúc ánh chiều dần nhạt:

Ánh dương vàng trên cỏ kéo lê thê

Lá đa rụng tơi bời quanh quán chợ

Cảm ơn nhà thơ Đoàn Văn Cừ (1913-2004)."Năm tháng càng lùi xa, bài thơ Chợ Tết càng được yêu mến. Nó như tấm ảnh quí ghi lại những nét tiêu biểu trong sinh hoạt của quê ta" (Vũ Quần Phương). Đến nay, bài thơ đặc sắc của nhà thơ quê hương với bút lực “dồi dào mà rực rỡ” đã tám mươi mùa xuân. Chắc hẳn Tết năm nay lại có thêm người yêu thơ tìm đọc bài thơ Chợ Tết.


Có thể bạn quan tâm