April 26, 2024, 5:38 pm

Sửa Luật Sở hữu trí tuệ để bước vào “cuộc chơi lớn”

Luật Sở hữu trí tuệ được thông qua năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009 và năm 2019, được xem là văn bản pháp luật quan trọng, điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến loại tài sản đặc biệt - tài sản trí tuệ; trong đó, lĩnh vực biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, thực thi pháp luật trong nước và hội nhập quốc tế... đang được xem còn nhiều bất cập, cần có những điều chỉnh để khắc phục hạn chế của Luật hiện hành. Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc, tại hội thảo “Tham vấn về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ” được tổ chức gần đây: Chúng ta đã và đang bước vào một “cuộc chơi lớn” của thế giới, vì vậy buộc phải sửa đổi để hòa nhập. Sửa đổi Luật cũng nhằm tạo động lực phát triển sức sáng tạo của quốc gia. Việc sửa đổi đã được tiến hành một cách bài bản, với kỳ vọng sẽ tạo nên hành lang pháp lý quan trọng để Việt Nam hòa nhập thế giới, phù hợp với các điều ước quốc tế và cũng tạo động lực cho sự phát triển.

VI PHẠM BẢN QUYỀN TRỞ THÀNH VẤN NẠN

Luật Sở hữu trí tuệ chính là nền tảng đưa hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ của Việt Nam đạt chuẩn mực theo Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) cũng như đáp ứng các nghĩa vụ theo cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới gần đây. Song, trước những diễn biến khá mới mẻ và những thử thách chưa từng có tiền lệ cả trong lĩnh vực địa chính trị, văn hóa, xã hội, đang diễn ra trên thế giới đã tác động trực tiếp đến Việt Nam, làm bộc lộ những bất cập trong Luật Sở hữu trí tuệ và lĩnh vực nghệ thuật không là ngoại lệ. Do đó việc sửa luật và hoàn thiện luật là vô cùng cần thiết.

Trên thực tế, đối với lĩnh vực nghệ thuật, vấn đề bản quyền và thực thi bản quyền tác giả đối với tác giả, tác phẩm, công trình nghệ thuật đã được thực thi trong một thời gian dài và được coi là khá nghiêm túc thông qua các Trung tâm tác quyền thuộc các tổ chức xã hội nghề nghiệp mà cá nhân, tổ chức là Hội viên. Tuy nhiên, do hạn chế về con người, trình độ và những lỗ hổng trong Luật, mà nhiều cá nhân, tổ chức đã cố tình xâm hại quyền tác giả, vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ. Hậu quả, gây thiệt hại cả về kinh tế, tinh thần... cho cá nhân, tổ chức sở hữu trí tuệ hợp pháp, đồng thời gây tổn thất về thuế đối với Nhà nước. Có thể kể ra đây một vài vụ việc liên quan đến Luật sở hữu trí tuệ khiến dư luận xã hội không khỏi bất bình:

 Năm 2001, họa sỹ Lê Linh bắt đầu làm việc tại Công ty Phan Thị và được giao thực hiện bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt. Tranh chấp quyền tác giả xảy ra khi đến tập 78, họa sỹ Lê Linh chấm dứt cộng tác với Phan Thị. Những tưởng Thần đồng đất Việt sẽ phải dừng lại, nhưng sau đó Phan Thị đã thuê họa sỹ làm tiếp và xuất bản từ tập 79 trở đi mà không có sự đồng ý của họa sỹ Lê Linh.

Năm 2007, họa sỹ Lê Linh bắt đầu khởi kiện Công ty Phan Thị và bà Phan Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc công ty. “Cuộc chiến bản quyền” diễn ra kéo dài trong nhiều năm với sự tham gia của nhiều cấp toàn, đến nỗi họa sỹ Lê Linh cũng phải thốt lên rằng: “Đây không phải là khổ nạn của tôi trong suốt hơn 12 năm mà còn là bài học của nhiều người khi vẫn còn lơ mơ về bản quyền và sở hữu trí tuệ”. Chưa dừng lại ở cuộc chiến bản quyền mà phần thắng đã thuộc về họa sỹ Lê Linh, Thần đồng đất Việt mới đây lại vướng vào một nghi án khác. Họa sỹ Lê Linh tiếp tục kiện Phan Thị và ekip làm phim Trạng Tí phiêu lưu ký - hãng phim Studio68 của Ngô Thanh Vân (phim chuyển thể từ bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt) đã vi phạm bản quyền. Hiện vụ việc vẫn chưa đi đến hồi kết, nhưng nó khiến người trong cuộc cảm thấy mệt mỏi, dư luận xã hội mất niềm tin vào luật hiện hành.

Không chỉ có lĩnh vực xuất bản, điện ảnh gặp rắc rồi về vấn đề bản quyền, quyền tác giả, các lĩnh vực khác như Âm nhạc, Văn học, Múa, Sân khấu, Hội họa... vấn nạn bản quyền cũng đang ở mức báo động. Nhiều Trung tâm bản quyền đã phải nhờ đến sự can thiệp của Luật pháp để buộc bên vi phạm phải nghiêm túc thực thi quyền tác giả và các quyền liên quan trong sử dụng tác phẩm nghệ thuật. Theo nhạc sỹ Lê Minh Sơn: Điều đáng buồn hiện nay là người ta làm nhạc một cách thiếu tôn trọng nhạc sỹ. Những hành vi xâm phạm này có thể dần dần hủy diệt hết sự sáng tạo âm nhạc, họ làm cho những người sáng tạo mà không còn muốn sáng tạo nữa...

SỬA LUẬT ĐỂ PHÙ HỢP HƠN VỚI THỰC TẾ

Dự thảo “Tờ trình về việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ” cho biết: Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về việc hoàn thiện thể chế sở hữu trí tuệ; khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn 15 năm thi hành; thể chế hóa, nội luật hóa các cam kết để phù hợp với thông lệ quốc tế; từ đó hoàn thiện thể chế về sở hữu trí tuệ theo hướng khuyến khích sáng tạo, bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, quyền sở hữu trí tuệ được bảo vệ và thực thi hiệu quả; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước...

Nhưng, thực tế khó ai có thể ấn định chính xác “tuổi thọ” của Luật, bởi khi khoa học công nghệ ngày càng phát triển, việc đối phó với nạn “ăn cắp” bản quyền sẽ ngày càng khó khăn hơn, nhất là trên nền tảng trực tuyến. Hội Nhà Văn Việt Nam, một đơn vị được biết đến trong vai trò “nạn nhân - nạn ăn cắp bản quyền”: Những tác phẩm văn học (gồm văn xuôi, thơ) đa phần bị sử dụng tràn lan trên sách giáo khoa (chính thống và không chính thống) mà không được sự đồng ý của tác giả, không trả tiền bản quyền. Hay Hội Mỹ thuật Việt Nam, nhiều tác phẩm nghệ thuật của các danh họa nổi tiếng bị làm nhái... khiến cho tác phẩm, tác giả thật bị tổn thất về giá trị nghệ thuật và danh tiếng. Thế nhưng, những vụ việc dù được phát hiện và đưa ra trước pháp luật, thì việc xử thắng - thua vẫn còn hạn chế, thậm chí những thủ tục, kinh phí chi trả cho các vụ kiện không nhỏ đã khiến các họa sỹ, những cá nhân có liên quan trực tiếp về quyền lợi đối với tác phẩm, công trình nghệ thuật... buộc phải bỏ dở vụ kiện.

Đứng ở góc độ người nhận ủy quyền trong bảo vệ quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ của các tác giả, tổ chức, nhà văn Đỗ Hàn, Phó Giám đốc Trung tâm bản quyền Hội Nhà văn Việt Nam cho biết: Cái khó riêng của bảo vệ quyền tác giả văn học là, khi bị xâm phạm hay bị sử dụng, khai thác, nó âm thầm, không lộ diện (như âm nhạc) chỉ khi vô tình hay có điều kiện mới phát hiện ra. Vì thế cần có các phương tiện hữu hiệu để từ đó quản lý ngay từ khi xuất bản tác phẩm. Chưa kể, hiện nay, sách báo giấy không còn độc tôn trên thị trường, sách điện tử (Ibook) sách nói (Audio Book) đang phát triển mạnh. Người bảo vệ quyền tác giả văn học cần có các phương tiện hiện đại, như phần mềm quản lý, đối soát... mới mong đáp ứng nhiệm vụ của mình. Mà phần mềm và máy móc thiết bị này cần số tiền lớn mới trang bị được.

Tự trang bị phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác bảo vệ quyền tác giả trên thực tế đã và đang trở thành gánh nặng của nhiều Trung tâm bảo vệ quyền tác giả, bên cạnh việc sửa Luật bản quyền cho phù hợp với điều kiện thực tế mà không phải Trung tâm nào cũng có thể tự trang bị. Theo bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Tới đây Bộ Luật sẽ có nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung về quyền tác giả, quyền liên quan cho phù hợp với tình hình thực tiễn cũng như những cam kết quốc tế.

Hy vọng rằng, những điều khoản được bổ sung, sửa đổi sẽ từng bước lấp đầy khoảng trống trong luật, trả lại những giá trị đích thực cho tác phẩm, tác giả- người sử hữu những giá trị sáng tạo nghệ thuật vô giá.

Nguồn Văn nghệ số 4/2021

 


Có thể bạn quan tâm