April 26, 2024, 4:31 pm

Sử thi một dòng sông

1. 

Châu La Việt đến với văn học nghệ thuật từ những năm tháng tuổi trẻ của “Thời hoa đỏ”. Là người lính, nhà văn giàu bút lực. Anh viết kịch, văn xuôi, làm thơ, lĩnh vực nào cũng xông xáo và gặt hái được thành công.

Kịch của anh đã được một số đoàn nghệ thuật nổi tiếng dàn dựng và truyền trên sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam Việt Nam (Người mẹ Trường Sơn, Tình em trao anh, Mạch ngầm). Nhiều tập truyện ngắn, tiểu thuyết của anh có tiếng vang: Những tầng cây săng lẻ, Ký sự miền Nam, Một buổi sáng nhiều chim, Chim vẫn hót cúc cu bên đồiLửa sáng phía chân trời…

Đó là những trang viết đậm chất lính, cái chất lính một cực thì rất dũng cảm, gan lì, chẳng nề gian khó, tả tơi trải qua những thử thách lửa đạn khốc liệt, chứng kiến tận mắt nhiều hi sinh mất mát của đồng đội, cực khác lại rất hào hoa, thậm tinh nghịch, thậm đa tình.

Tôi và nhiều bạn đọc rất thích những trang anh viết về chân dung các nghệ sĩ như Tân Nhân, Nguyên Tài Tuệ, Trần Hiếu, Trung Kiên, Lê Dung, Ngọc Tân, Quang Lý, Trần Tiến, Tất Bình, Trương Nhuận, v.v… Có lẽ anh là một trong những người viết hay, cảm động nhất về họ. Ngồn ngộn chi tiết đắt giá. Ào ạt và ăm ắp những cảm xúc thăng hoa. Nghèn nghẹn nước mắt. Chan chứa tình người… 

2.

Nhà thơ Tố Hữu và vợ Vũ Thị Thanh 

Châu La Việt có những đoạn thơ, bài thơ được bạn đọc nhắc: “Khi ra chiến trường /Chúng tôi xếp hàng ngang/ Không ai muốn lùi bước/ Khi đi nhận lương thực/ Chúng tôi xếp hàng dọc/ Đồng chí khỏe đứng sau/ Đồng chí yếu đứng trước/ Đồng chí nào thương tật/ Đề nghị xếp lên đầu”(Bộ đội), “Đánh trận xong mới sực nhớ ra mình/ Nửa đêm rồi hành quân chưa ngủ”(Chiều sau trận đánh), “Tiếng sáo tre lơi lả cánh diều/ Tiếng vĩ cầm xao động ngôi sao chiều/ Nếu như rồi chẳng có/ Hẳn chiến trường sẽ chỉ toàn bom nổ/ Trái tim mình biết đập làm sao”(Sức còn lại để hát)… Sau những trăn trở, lần này anh lại tiếp tục thể nghiệm trong thơ: Dòng sông thơm hương cỏ Xương Bồ, trường ca anh viết về Tố Hữu nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông. Châu La Việt tâm sự: “Tôi ngồi lặng lẽ trong một căn phòng của Trại viết, và nhìn ra biển rộng. Văng vẳng bên tai tôi, hòa trong tiếng sóng biển, là lời nhà văn Paustovski trong truyện ngắn Bụi quý : “Giống như bông hồng vàng của người thợ hót rác già kia làm ra là để cho Xuyzan được hạnh phúc, sáng tác của chúng ta là để cho cái đẹp của Trái Đất, cho lời kêu gọi đấu tranh vì hạnh phúc, vì niềm vui và tự do, cho cái cao rộng của tâm hồn và sức mạnh của trí tuệ chiến thắng bóng tối…”. Và rồi trong sóng biển Vũng Tàu, tôi viết trường ca Dòng sông thơm hương cỏ Xương Bồ. Viết theo thể thơ 7 chữ cổ kính, đúng như thể thơ nhà thơ Tố Hữu đã viết trường ca Theo chân Bác. Tôi chỉ thầm nghĩ một điều: Phía trước là kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Tố Hữu. Có lẽ nào không có những vần thơ, những trường ca hay đẹp viết về ông? Có lẽ nào tôi không có một bông hồng vàng để kính dâng ông?... Sóng Vũng tàu cứ mải mê vỗ suốt đêm, và từng vần thơ của tôi cũng vang lên trong tiếng sóng biển ấy.Tôi khao khát có một bông hồng vàng kính dâng ông”.

 

3. 

Trong những năm chiến tranh, văn học Việt Nam đã có nhiều trường ca nổi tiếng. Sau chiến tranh, nhất là những năm gần đây, trường ca gần như vắng bóng. Trở lại với trường ca, phải chăng, Châu La Việt muốn sử dụng thể loại đậm chất sử thi này để ngợi ca những nhân vật lớn của một thời vĩ đại? Không thể nói rằng văn học thời hậu chiến không còn âm hưởng sử thi. Sau chiến tranh, con người có độ lùi thời gian để nhìn cuộc chiến nhiều mặt hơn, toàn diện hơn, cả ở những góc khuất của nó. Nhưng bên cạnh những tác phẩm về thân phận con người trong và sau chiến tranh, văn học Việt Nam thời hậu chiến vẫn vang lên âm hưởng sử thi trong không ít tiểu thuyết, truyện ngắn. Châu La Việt viết Dòng sông thơm hương cỏ Xương Bồ để kính dâng hương hồn nhà thơ Tố Hữu, lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam. Nhưng không chỉ có thế! Đây còn là trường ca ca ngợi nhân dân, ca ngợi Bác Hồ và bao chiến sĩ khác, đặc biệt là Đại tướng Nguyễn Chí Thanh “nặng tình đồng chí lại đồng hương” với Tố Hữu.

Đọc Dòng sông thơm hương cỏ Xương Bồ của Châu La Việt, bất giác tôi nhớ những câu thơ rất hay của Bế Kiến Quốc: Sinh ra ở đâu mà ai cũng anh hùng?/ Tất cả trả lời: Sinh bên một dòng sông

Tôi cũng nhớ lại bút ký nổi tiếng Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Tố Hữu và Nguyễn Chí Thanh cùng quê ở Quảng Điền, Thừa Thiên – Huế. Sông Bồ, một phụ lưu quan trọng của sông Hương, chảy qua một bên là làng Phù Lai, quê Tố Hữu và bên kia là làng Niêm Phò, quê Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Cỏ xương bồ rất thơm, mùi thơm của nó là một trong những giả thuyết tương truyền đã tạo nên tên gọi của sông Hương. Những nhân vật lịch sử gắn liền với cuộc đời và vẻ đẹp sông Bồ đã khơi nguồn cho những cảm xúc thơ ca của Châu La Việt: Có môt ngày tôi về sông Bồ/ Con sông Bồ chảy từ A Lưới/ Cỏ Xương Bồ thơm hương đỉnh núi/ Bên này sông có người Thi sĩ/ Bên kia sông quê người chiến sĩ/ Nên dòng sông bốn mùa xanh trong/ Đất thi nhân, đất của anh hùng…

Mạch của trường ca hơn một trăm trang, mười chín chương, như mạch ngầm nước non ngàn dặm của sông Bồ, sông Hương, sông Lô, sông Thao, sông Hồng, sông Tiền, sông Hậu… chảy theo cuộc đời, sự nghiệp của hai nhân vật chính: Tố Hữu và Nguyễn Chí Thanh, những con người đã trải qua bao bước đường thăng trầm của tù đày, gian khổ, hi sinh trong hai cuộc trường chinh thần thánh của dân tộc. Từ sông Bồ, họ lớn lên theo các chặng đường cách mạng, thành đôi bạn tri âm tri kỷ. Đôi bạn ấy, một vị tướng và một thi nhân, như cụ thể hóa cho biểu tượng thanh gươm và bút hoa, súng và vầng trănghoa và áo trận, vẻ đẹp vừa anh hùng vừa nghệ sĩ của dân tộc.

Nguyễn Chí Thanh từ người nông dân đã trở thành vị tướng lẫy lừng. Cuộc đời ông nhiều xúc động. Như cảnh vợ chồng ông tìm nhau, gọi nhau trên sông trong chiến tranh, khi người nọ tưởng người kia đã hi sinh. Hay bức tranh hai vợ chồng vị tướng chia tay nhau, họ ôm nhau trên dòng sông, nước mắt đầm hai má: Nghe súng nổ, chào nhau lên đường/ Trong ngực họ trái tim chiến sĩ/ Họ yêu nhau, là hai đồng chí/ Có màu cờ trong mỗi nụ hôn

Màu cờ trong mỗi nụ hôn là hình ảnh đẹp, xúc động, giàu khái quát, sáng tạo của Châu La Việt.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

Nguyễn Chí Thanh, tên của đại tướng do Bác Hồ đặt. Vị tướng ấy cũng từng trở lại với ruộng đồng, làm nên “Gió Đại Phong”, giúp người dân sản xuất, làm giàu. Khi tiền tuyến gọi, Nguyễn Chí Thanh trở lại chiến trường miền Nam, sáng tạo nên chiến thuật “Nắm thắt lưng địch mà đánh”, làm quân thù thất kinh bạt vía. Châu La Việt rất có dụng ý khi dựng chân dung Đại tướng Nguyễn Chí Thanh hòa cùng lớp lớp đoàn giải phóng quân và dùng chính thơ Tố Hữu để ngợi ca những con người ấy. Một bức tranh sử thi hoành tráng về những người dũng sĩ bình thường nhưng mang sức mạnh thần thánh của toàn dân tộc: Anh đi xuôi ngược tung hoành/ Bước dài như gió, lay thành chuyển non. Trên đường ra trận, vị tướng ấy vẫn háo hức, bồi hồi nghe thơ Tố Hữu: Ôi những đêm trăng võng giữa rừng/ Nghe thơ bạn lòng thêm náo nức/ Như bạn cũng lên đường đánh giặc/ Như bạn cùng lửa đạn bên ta.

Sự ra đi đột ngột của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh làm cả nước bàng hoàng. Bác Hồ khóc. Thủ tướng Phạm Văn Đồng khóc: “Chúng ta mất một con đại bàng”. Các vị tướng “Những quân hàm lấp lánh vì sao/ Những đôi chân dạn dày chiến dịch” và cả nước khóc. Toàn bộ tám khổ thơ chương 17 của Dòng sông thơm hương cỏ xương bồ như bản tráng ca tiễn biệt vị đại tướng lừng danh của nhân dân, đất nước: Những cánh rừng hôm nay vẫn hát/ Tiếng nhạc buồn tiễn Người đi xa/ Nước non như lòng mẹ đau thắt/ Bao năm rồi mẹ vẫn xót xa…/ Những cánh rừng muôn đời hát mãi/ Một cuộc đời như ngọc sáng long lanh.  

4.      

Cuộc đời và sự nghiệp của Tố Hữu được Châu La Việt dựng lại bằng tiểu sử và đặc biệt là bằng chính các tác phẩm của nhà thơ, từ Từ ấy tới Việt BắcGió lộngRa trậnMáu và hoaNước non ngàn dặmMột tiếng đờn… Thơ Tố Hữu được lưu giữ và phát huy như một sức mạnh tinh thần, một giá trị văn hóa tiềm ẩn trong con người thời đại Hồ Chí Minh, được nhiều bạn đọc yêu thích, thấm sâu trong tâm hồn nhiều thế hệ: Cả đất nước mang thơ ông lên đường/ Bốn mươi thể kỉ cùng ra trận.

Học dân gian “lẩy Kiều”để gửi gắm nỗi niềm về thế sự, phận người, Châu La Việt “lẩy thơ” Tố Hữu để ngợi ca dân tộc, đất nước, thời đại và Bác Hồ, đồng thời để dựng chính chân dung nhà thơ. Thể loại trường ca với những đặc điểm tự sự - trữ tình của nó tạo không gian rộng để Châu La Việt có thể diễn tả chi tiết bằng thơ hành trình cách mạng cũng là hành trình thơ Tố Hữu. Bạn đọc được gặp lại người thanh niên Nguyễn Kim Thành từ buổi đầu tham gia cách mạng: Ừ anh ạ trong tôi từ ấy/ Có anh Lưu anh Diểu dắt đi/ Sáng bừng một mặt trời chân lý/ Hồn tôi tiếng chim hót say mê!.

Người thanh niên ấy đã qua tù đày, khổ ải, rồi băng rừng vượt ngục trong sự che chở của nhân dân. Người thanh niên ấy đã phải xa mẹ, xa quê, xa Huế đằng đẵng ba mươi năm, tiếp tục dấn thân trên đường cách mạng: Từ buổi ấy Tố Hữu xa Huế/ Ba mươi năm sau mới trở về/ Nơi từ ấy trái tim bừng nắng hạ/ Cách mạng là nhiệt huyết, say mê. Mỗi chặng đường, từ Thanh Hóa tới Việt Bắc, rồi trở về thủ đô, ra tuyến lửa, qua các địa danh, gặp những con người, Tố Hữu đều có thơ, thơ hay, ghi lại những trang sử hào hùng của dân tộc và thời đại. Không một sự kiện lớn nào của đất nước, nhân dân lại vắng bóng thơ ông: Hôm qua thơ Việt Bắc, Gió Lộng/ Đẹp vô cùng Tổ quốc ta ơi/ Hôm nay thơ tiếng kèn xung trận/ Miền Nam trong lửa đạn sáng ngời.

Kể về cuộc đời Tố Hữu nhưng cấu trúc trường ca của Châu La Việt không đơn tuyến. Châu La Việt học kỹ thuật đan cài chi tiết của tiểu thuyết, sân khấu, điện ảnh, trường độ ngắn dài, âm vực cao thấp của âm nhạc để kể về những con người, sự kiện gắn bó với cuộc đời và thơ Tố Hữu. Có lúc anh dẫn câu hò Huế, kể chuyện đám cưới của vợ chồng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh: Gió thổi pho pho đưa đò lên Huế/ Trăng non Đoài vội xế Bao Vinh/ Gặp nhau đây giữa ngã ba Sình/ Có ai vô kết nghĩa chung tình ngàn năm.

Hoặc dẫn lại Tống biệt hành của Thâm Tâm, bồi hồi hình dung buổi gặp mặt, chia tay bịn rịn cuối cùng của hai Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Chí Thanh trước khi đại tướng đột ngột qua đời, chưa kịp trở lại chiến trường miền Nam ác liệt. Hoặc dùng thơ Hữu Thỉnh tự hào viết về nền văn học ra trận của chúng ta: Không có sách, chúng tôi làm ra sách/ Chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình.

5.      

Trong trường ca của mình, không biết bao nhiêu lần Châu La Việt trở đi trở lại với sông Bồ. Sông Bồ, nơi Nguyễn Chí Thanh và Tố Hữu được sinh ra, hai làng quê chung một con đò. Sông Bồ làm họ càng yêu quê hương, càng tự hào về nhau. Sông Bồ bốn mùa xanh trong, đất thi nhân, đất của anh hùng. Và Châu La Việt đã dành cả chương kết của trường ca viết riêng về dòng sông ấy. Tôi cứ miên man trong ý nghĩ: hình như thơ Châu La Việt chính là một dạng của lời tựa xúc động, nghẹn ngào nhớ thương và rất đỗi tự hào cho dòng sông ấy. Dòng sông thơm hương cỏ Xương Bồ, như Châu La Việt mong muốn, chính là Bông hồng vàng anh tặng không chỉ riêng nhà thơ Tố Hữu và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, mà cả với bao con người bất tử và những dòng sông lịch sử, dòng sông văn hóa vừa hiền hòa, vừa mãnh liệt trên đất nước đã vẹn toàn thống nhất của chúng ta:

Sông có nghe tiếng người thi sĩ/ Ba mươi năm trở lại quê nhà.

Họ đã đi suốt cuộc đời không nghỉ/ Những chiến trường gần, chiến trường xa…/ Họ đi từ những năm rất trẻ/ Một con đường giải phóng quê hương/ Lao tù, đạn bom và cái chết/ Những trái tim bất khuất kiên cường…/ Họ ra đi mang dòng sông trong tim/ Sông Bồ xanh trong, câu hát Ngã Ba Sình/ Việt Bắc mù xa,/ Miền Nam nóng bỏng/ Sông Cửu Long tiếng hò lay động/Sóng xôn xao tiếng sóng sông Bồ…/ Họ đi suốt cuộc đời không nghỉ/ Như dòng sông chảy mãi tháng năm/ Đôi bạn ấy cùng vào lịch sử/ Người Danh tướng và người Thi nhân!

Nguồn Văn nghệ số 14/2020


Có thể bạn quan tâm