April 26, 2024, 6:28 pm

Sinh viên làm báo thời chống Mỹ

Trước năm Mậu Thân 1968, Đà Lạt sục sôi phòng trào chống Mỹ - Thiệu, xử án đốt hình nộm tổng thống Mỹ Giônxơn và Bộ trưởng Mắc-Namara tại chùa Linh Sơn, đốt Đài phát thanh Đà Lạt – Tuyên Đức. Một nữ sinh tự thiêu. Sinh viên học sinh liên kết với văn nghệ sĩ, trí thức yêu nước, cùng quần chúng hình thành một thế trận mạnh mẽ tấn công kẻ thù. Hàng loạt tờ báo yêu nước ra đời như: Đà Lạt thức, Nước mắt mẹ, Tranh thủ nhân dân của trí thức, thanh niên, sinh viên; các tờ Đạo pháp, Thắp đuốc của Liên đoàn Học sinh Phật tử Đà Lạt, và tờ Niềm tin ở Bảo Lộc – Lâm Đồng. Chúng tôi cũng nhập cuộc xuất bản tờ Tin Tưởng của Sinh viên Phật tử Đà Lạt. Trụ sở tòa soạn báo đặt tại giảng đường chùa Linh Sơn và Ban biên tập làm việc tại căn gác nhà số 42 Võ Tánh (nay là đường Bùi Thị Xuân, Tp. Đà Lạt).

 

Đài thu, phát vô tuyến điện của Ban Thông tin liên lạc Trung ương Cục miền Nam. (Nguồn: VNPT Thành phố Hồ Chí Minh cung cấp). Ảnh minh hoa

Mục đích báo Tin Tưởng là khơi dậy, thúc giục lòng yêu nước của nhân dân, vận động sinh viên, cùng các giới quần chúng nổi lên chống Mỹ. Về điều kiện vật chất, chúng tôi chỉ là những sinh viên tay trắng, song mỗi người đều náo nức tự nguyện làm tất cả các khâu: Từ nội dung bài vở đến quyên góp tạo nguồn kinh phí, in ấn, xuất bản, phát hành tất cả đều hoàn toàn bí mật. Anh em chúng tôi hồi đấy không có nổi cái radio tốt để nghe thời sự. Nếu được nghe nhờ của người khác thì không thể công khai mở sóng Đài Tiếng Nói Việt Nam và Đài phát thanh Giải Phóng giữa thành phố có hệ thống kiểm soát nghiêm ngặt của binh tướng các trường đào tạo sĩ quan phục vụ chế độ Sài Gòn, như Trường Đại học Võ bị quốc gia; Trường Đại học Chiến tranh chính trị; Trung tâm huấn luyện Cảnh sát quốc gia… Do đó chúng tôi thường bị bít bùng về tin tức. “Bộ sậu” tòa soạn báo gồm có anh Ngô Thế Lý - sinh viên ban Triết làm chủ nhiệm, tôi - sinh viên ban Văn - làm chủ bút, anh thư ký tòa soạn Phan Long Phùng ở ban Sử - Địa, anh Cao Minh Trí, sinh viên ban Toán - Lý làm công tác trị sự. Về thời cuộc chính trị chúng tôi bàn nhau: Trước mắt cứ bám vào Đài Phát thanh Sài Gòn của đối phương mà hành động, điều nào Đài Sài Gòn khen thì ta chê, ngược lại điều gì Đài Sài Gòn chê thì ta khen. Tôi có trách nhiệm tìm gặp các văn nghệ sĩ và trí thức tiến bộ yêu nước để nhờ cộng tác, như các anh Nguyễn Diệp, Trần Hữu Lục, Đoàn Đại Oanh, Lê Kim Ngữ, Lê Quốc Hùng, Đặng Thái Vân, Phạm Thùy Nhân, Nguyễn Nguyên Phương, nhà thơ Lê Văn Ngăn… rồi một số nhà sư yêu nước, nhà dòng tiến bộ; cũng có những giáo sư đang giảng dạy chúng tôi ở trường đại học, đặc biệt có người là sĩ quan trong quân đội Sài Gòn ủng hộ.

Báo Tin Tưởng còn sưu tầm và đăng các tác phẩm của một số văn nghệ sĩ cách mạng, như Tố Hữu, Lưu Quý Kỳ, Nguyễn Đình Thi, Giang Nam, Thu Bồn… Để có những bài này, chúng tôi mượn máy ghi âm, bí mật thu các bài phát trên Đài Giải phóng hoặc Đài Tiếng nói Việt Nam sau đó in lên báo. Có lúc không kịp mượn máy thu băng, chúng tôi chụm đầu trước Chương trình tiếng thơ bên radio, chuẩn bị sẵn giấy bút, phân công nhau: anh này chép các câu thơ số lẻ, anh khác chép những câu số chẵn, sau đó ráp lại thành nguyên bài đem đăng. Gặp lúc thời tiết xấu, anh em nghe không rõ tiếng nên chép bị sai một số từ ngữ trong các bài: Quê Hương, Nghe em vào Đại học của nhà thơ Giang Nam hoặc bài Mẹ của nhà thơ Thu Bồn… Nhân ôn lại kỷ niệm này, tôi xin thay mặt Ban biên tập cách nay nửa thế kỷ chân thành xin lỗi các tác giả và độc giả về những lỗi in ấn của báo Tin Tưởng đăng cách đây 50 năm.

Song song với công việc lo bài vở, mỗi sinh viên chúng tôi phải tự xoay xở kinh phí xuất bản. Anh chủ nhiệm báo có gia đình tại Đà Lạt, quen biết nhiều. Anh vừa tự thân vận động vừa giới thiệu chúng tôi đến các nhà hảo tâm để quyên góp. Đó là các tín đồ Phật giáo, bà con tiểu thương, những Mạnh Thường Quân, kể cả một số giới chức tiến bộ trong guồng máy ngụy quyền. Có khi chúng tôi quyên được tiền từ các cuộc biểu diễn văn nghệ “Về nguồn”, “Hát cho đồng bào tôi nghe”... Có anh em xin tiền gia đình. Có anh em nhịn ăn cơm hàng, xin cơm từ thiện, ăn nhờ nhà bạn hoặc ăn ở quán cơm xã hội giá rẻ để dành tiền góp mua giấy mực in báo. Chị sinh viên ban Pháp văn Nguyễn Thục Hiền, thủ quỹ tòa soạn giúp tài chánh cho báo những lúc tình hình nghiệt ngã nhất.

Việc in ấn là một vấn đề gay go. Không có máy in, phải phân tán số trang báo ra đi in nhờ ở nhiều nơi, sau đó chuyển về điểm hẹn, sắp lại thành quyển, đóng xén và bí mật chuyển đi. Khâu cuối cùng phát hành là khâu quyết định. Chúng tôi tổ chức một mạng lưới phát hành sẵn, hầu hết là những cơ sở hợp pháp và những gia đình yêu nước tiến bộ. Mạng lưới không chỉ tại Đà Lạt mà cả ở Sài Gòn, Mỹ Tho, Bình Dương, Tây Ninh, Cần Thơ, Vũng Tàu, Phan Thiết, Phan Rang, Nha Trang, Đắc Lắc, PleiKu, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quy Nhơn, Tuy Hòa… Không những phát hành trong nhân dân mà ngay cả trong một số các đơn vị cơ quan công quyền cũ trước đây. Báo được ngụy trang, bí mật chuyển về các địa phương và chờ lệnh đồng loạt xuất hiện cùng ngày, giờ. Như thế là trong một lúc tất cả các điểm, các tỉnh báo được tung ra nhiều nơi ở vùng tạm chiếm, đối phương bất ngờ không thể đánh động kịp để đàn áp, tịch thu báo cùng lúc.

Đến năm 1972, báo Tin Tưởng ngừng hoạt động. Tuy chỉ tồn tại chưa đầy 5 năm (1968-1972), song tờ báo đã có nhiều đóng góp cho cho phong trào yêu nước của học sinh sinh viên và Phật tử thời đó. Sau này, báo Tin Tưởng được cuốn sách tư liệu lịch sử Tiếng hát những người đi tới đánh giá là tờ báo đầu tiên công khai giữa lòng địch hưởng ứng ủng hộ, dám phổ biến đăng 7 điểm trong bản tuyên bố của bà Nguyễn Thị Bình, đại diện Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam tại hòa đàm Paris (trang 487 - Nxb trẻ - báo Thanh Niên - báo Tuổi trẻ, 1993).

Nguồn Văn nghệ số 25/2021


Có thể bạn quan tâm