April 27, 2024, 6:02 am

Sấu tương tư

Ra chơi, ngôi trường Tây Marie Curie ở Sài Gòn như cả trăm năm nay vẫn thế, các cô cậu học sinh ùa ra ồn ào, người xuống sân chơi, kẻ đứng hành lang ngó xuống sân, người thì vơ vẩn thẩn thơ vườn hoa hay ra mấy gốc xà cừ cổ thụ lượm hoa lượm trái… Chỉ có khác là bây giờ số nam sinh nhiều hơn nữ sinh, dù gốc là trường nữ sinh, và bây giờ trường chỉ có hai lớp tiếng Pháp còn thì phần lớn học tiếng Anh, vài lớp tiếng Nhật, Hàn, Đức... Nhưng mọi thứ đã thành quy luật mặc định, tất cả đều chỉn chu, quy củ, phép tắc, lễ nghĩa, không ai bước vào ngôi trường này để có gan làm học sinh cá biệt mà phần lớn đều là con ngoan trò giỏi, những hạt mầm tinh anh của thành phố.

Minh họa của PHẠM HÀ HẢI

Thường mọi bữa thầy hiệu trưởng đi rảo một mình xung quanh các lớp vào giờ chơi, nhưng hôm nay, thầy đang đưa một bà cô khách ra giữa sân trường, nơi có một gốc cây lớn xum xuê lá xanh rợp mát cả khoảng rộng. Lũ học trò tò mò nhìn theo, bà cô rất khó đoán tuổi, gương mặt đẹp quý phái có nét lai Tây, thoạt nhìn phỏng đoán chừng ngoài 50 tuổi. Chúng nhao nhao chào:

- Dạ! Con chào Cô, con chào Thầy.

- Dạ! Thưa Thầy, Cô đây là khách của Thầy ạ?

- Dạ! Thưa Thầy, cây này tên gì mà tụi con hổng biết?

Bà cô nhìn đám học trò bằng ánh mắt lấp lánh vui, và rồi ánh nhìn vượt lên vòm cây, bỗng xa xăm, miệng như mỉm cười mơ hồ…

- Thời gian, nửa thế kỷ rồi còn gì. Cô là Térese Hồng, ngày xưa cô dạy ở trường, hơn 40 năm nay cô mới trở về thăm.

- Dạ! Thưa Cô, thưa Thầy! Mà đây là cây gì vậy?

- Ồ! Bữa nay thầy nghe cô nói, mới biết nó là cây Sấu. Mà thầy cũng không biết cây Sấu là cây gì, 10 năm nay về trường, thầy chưa thấy cây ra hoa, đậu trái ra sao, nhưng quanh năm xanh mát. Ôi! Mà hình như cây đang ra hoa, có phải những chấm trắng li ti trên ngọn lá là hoa? Kỳ lạ quá.

- Cây này do cô trồng từ hơn 50 năm trước. Cô mới từ Pháp trở về và muốn tới thăm xem cái cây mình trồng năm xưa còn không…

Bà buông ánh mắt đâu đó xa diệu vợi…, nói vào khoảng không gian.

- Ngày ấy cô có nắm hạt cây từ gói ô mai được mang từ Hà Nội vào, sau đó cô mang thả xuống góc vườn trường, cuối cùng, thật kỳ diệu, có một hạt nảy mầm mọc thành cây. Tới năm 1975, cây đã cao lắm, lá quanh năm xanh che thành một khoảng bóng mát trong sân trường, nhưng cô chưa thấy nó ra hoa kết trái lần nào. Thật kỳ diệu, cây vẫn còn đây, to cao vững chãi.

Rồi bà lại hạ giọng nói rất nhỏ, như với riêng mình nghe

- Người ấy bây giờ ở đâu? Còn sống hay là đã..?. Làm sao tìm lại được anh?

*

Ký ức như phim tài liệu quay chậm xuyên không hơn 50 năm trước, khi cô đang là nữ sinh tú tài đôi (lớp 12 bây giờ) của Lycée Marie Curie danh tiếng Sài Gòn, ngôi trường dạy bằng tiếng Pháp và chỉ dành cho con Tây cùng các gia đình danh giá ở miền Nam thời ấy. Cô có một nửa dòng máu Việt, cha cô người Pháp, là giáo sư dạy Triết ở trường Đại học Luật khoa Sài Gòn, má cô là một trong hai giáo viên dạy Việt Văn của trường Marie Curie. Cô học từ lớp năm (lớp 1 bây giờ) ở trường này cho đến đệ nhất (lớp 12), ảnh hưởng rất nhiều văn hóa Pháp từ người cha cũng như gia giáo công - dung - ngôn - hạnh ở người mẹ.

18 tuổi, nữ sinh Térese Hồng có gương mặt đẹp như tượng Đức Mẹ, và cũng rất nổi tiếng trong trường bởi thành tích học tập, gần như giỏi tất cả các môn, chưa kể còn biết đàn piano, vẽ tranh, nữ công thêu thùa bánh trái… Tiếng lành đồn tới tận bên trường Petrus - Ký toàn nam sinh (trường Lê Hồng Phong bây giờ), chiều tan trường, nhiều nam sinh từ bên đó chạy sang trường đây chỉ để ngó mặt cô nữ sinh trường Tây đẹp như Mẹ Maria, mà lại học giỏi hạng nhất trường, ngó rồi trầm trồ, nhưng chưa ai sáp lại gần làm quen được, bởi vừa ra khỏi cổng chừng vài mươi bước, là cô đã lên xe nhà rước về rồi.

Còn cô, tuy không bị cấm đoán gì, nhưng cuộc sống cũng gần như khép kín, rất ít giao tiếp. Ở ngôi trường Tây toàn con gái, mà thời đó đám trò gái trường Tây này khá kiêu kỳ, ít quảng giao, ai cũng lo chăm chỉ học, học xong về nhà, gần như không tham gia các hoạt động phong trào học sinh như bên các trường Việt, chỉ thi thoảng một nhóm con nhà giàu quen biết tổ chức các party sinh nhật, Noel mang tính gia đình. Cô ra tới cửa trường là lên xe về nhà, ở nhà cũng có ít người, ngoài lái xe có thêm bà vú, má và papa, mà papa thì ngoài giờ dạy ở trường, những khoảng trống thời gian, thường đọc sách nghiên cứu viết lách trong thư phòng, vài ba tháng lại về Pháp thăm bà nội. Sau giờ học, ngoài giờ làm bài tập về nhà, cô gần như chúi vào phòng sách riêng của má như một thư viện mini, mà phần lớn là các tiểu thuyết văn học đông tây kim cổ, tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Anh, có cả tiếng Hán Nôm…, đó là một thế giới hấp dẫn cô hơn hết thảy những gì bên ngoài cánh cổng trường hay ngoài phố nhộn nhạo kia. Hàng ngày đi học cô vẫn bắt gặp vài sắc lính trên đường phố, hay thi thoảng ào qua mấy chiếc xe nhà binh hú còi ầm ĩ…, nhưng cô không quan tâm, nghĩ đó là chuyện của quốc gia, của người lớn, dù cô biết ít nhiều hiện đang có một cuộc chiến tranh giữa những người Bắc Việt với quân đội Mỹ và quân đội Sài Gòn.

Đầu năm 1968, sau khi thi đợt đầu Lục cá nguyệt (thi học kỳ 1 thời bây giờ) thì học sinh các trường rục rịch nghỉ Tết Nguyên đán. Cho dù chiến tranh, nhưng ở Sài Gòn không khí Tết cũng đã tràn ngập các con đường, dưa hấu, mai vàng, hoa kiểng, cam quýt, rồi heo gà vịt… ở miền Tây xuôi theo các con kênh Tàu Hủ, Kênh Đôi, Kênh Tẻ, Bến Bình Đông, Bến Vân Đồn…, lên hàng đưa về các ngả chợ…, rồi các kiot bán hàng “xôn” - giảm giá (sale) cũng thay nhau dựng san sát ở nhiều đoạn phố gần các khu dân cư, các Hội chợ Xuân cũng bắt đầu gõ trống khua chiêng, phèng la rân trời, rao bán đủ các thứ hàng hóa từ quần áo cho đến nồi chảo chén dĩa… Mọi người bắt đầu sắm Tết như mọi cái Tết trước. 

Buổi học sau cùng để nghỉ Tết, Térese Hồng như thường lệ, lên xe trở về villa xinh xắn của gia đình nằm cuối đường Gia Long (đường Lý Tự Trọng bây giờ), nhưng bất chợt cô có ý muốn dạo xung quanh đường phố ngắm không khí Tết một chút. Khi xe tới đường Hàn Thuyên, cô kêu dừng lại, nói chú lái xe về nhà trước và thả bộ từ Nhà thờ Đức Bà đi về phía Khu trung tâm Sài Gòn. Ở các khu thương mại Eden, Thương xá Tax, Chợ Bến Thành…, tấp nập người đi sắm Tết, chen chân trong họ, lây cái vui ngời ngời trong mắt họ, cảm thấy như lâu nay mình đã bỏ sót thật nhiều điều đáng yêu của Sài Gòn, nhất là khi đứng trước dãy kiot hoa phía sau Chợ Bến Thành, hoa ngập tràn màu sắc, vàng hoa mai, cúc vạn thọ, cúc đại đóa, các sắc hồng phấn, tím nhạt, cho đến rực đỏ của nhiều loại hoa vương giả từ Đà Lạt về, chen vào cả những màu hoa ngát hương quý phái của bao nhiêu loài phong lan, địa lan…

Một khoảnh khắc cô như trôi trong miên man sắc màu hoa, mải mê ngắm đến quên thực tại, và giật thót người khi nghe sát bên mình giọng một nam nhân:

- Xin phép cô Hai cho tôi chụp tấm hình? Tôi là ký giả của tờ nhật trình Bút Thép. Nhìn cô đi ngắm hoa, đẹp quá, tôi muốn chụp làm tờ bìa cho giai phẩm xuân của báo.

Có chút ngỡ ngàng, hơi bối rối, nhưng khi nhìn thấy người xưng ký giả còn trẻ, gương mặt khá đẹp trai, nụ cười hiền lành thân thiện, trên cổ đeo chiếc máy ảnh Nhật Nikon F khá đắt giá (papa của cô còn đam mê sưu tầm các loại máy chụp hình, và ở nhà có một cái y hệt), sự e ngại ở cô giảm đi đến tối đa, cô cũng mỉm cười đáp lễ.

Chàng ký giả như sợ cô chưa tin, vội móc bóp lấy ra tấm thẻ.

- Đây, thẻ hành nghề ký giả của tôi đây… Tôi tên Kỳ Hoàng. Cô xem. Rồi gật đầu ưng cho tôi xin tấm hình về tòa báo nghen… Làm ơn giúp nha… Biết ơn cô nhiều đó đa… Thôi, tôi chụp nè. Cô cứ ngắm hoa tự nhiên, đừng nhìn vào tôi… Xong.

Chàng ký giả vừa nói liến thoắng như sợ cô từ chối, vừa bấm máy liên tục mấy shot, và khi thấy cô dợm chân bước đi, thì luống cuống níu lại:

-  Cô Hai, nán lại chút. À mà cô tên gì, ở đâu, cho tôi ghi lại, khi nào báo ra, tôi kêu tòa báo gởi tặng…

-  Dạ, nhà ở cuối đường Gia Long. Mà thôi, xem như giúp chút lấy hên năm mới..

*

Đêm giao thừa Tết Mậu Thân, con đường nhà cô tưởng chừng êm ả thì bỗng dưng lọt trong “tâm bão” bởi xung quanh là Dinh Độc Lập, Đại sứ quán Mỹ, Đài phát thanh… Chen giữa tiếng pháo đón giao thừa là tiếng súng đạn, tiếng pháo nổ, tiếng xe gầm rú trong đêm cùng những chớp lóe của hỏa châu rực sáng trời. Nhà cô lúc này chỉ còn 2 má con, papa về Pháp từ dịp Noel thăm bà nội, chú lái xe và bà vú, má cho về quê Cần Thơ từ sau khi đưa ông Táo tới rằm Nguyên tiêu mới lên. Lần đầu tiên trong đời cô cảm thấy sợ đến nỗi đi trong nhà mà chân cứ ríu vào nhau bước không trôi, tim thì bấn loạn muốn lọt ra ngoài, cô không còn cảm giác mình thở như thế nào, bám lấy má, má đi một bước cô theo một bước. Mà lạ, má cô lại không hề có chút gì hoảng sợ, bình tĩnh đi lại từ trên lầu xuống dưới, lần lượt đóng các cửa sổ, còn chọc cho cô cười khi thấy cô đeo dính má không buông. Khi vào tới gian bếp, tới lúc này, cô mới bình tĩnh đôi chút, và để ý thấy, nơi tủ garde-manger (tủ đựng thức ăn), đồ ăn chật tủ và có khoảng hơn 20 đòn bánh tét để bên cạnh. Lấy làm lạ, cô hỏi má:

- Nhà có hai má con mình, sao má mua nhiều đồ ăn vậy. Mà má biết con không hảo lắm mấy thứ này mà.

 - Má có tính cho con ăn đâu, mà không phải lo, sẽ có người tiêu thụ hết.

Chưa kịp hỏi thêm má “sao kỳ vậy”, “ai ăn”…, thì nghe chuông cửa nhà cô reo, má vụt ngồi dậy rất nhanh chạy ra mở cửa, còn cô cũng đi theo má và chưa kịp ngạc nhiên khi thấy má kỳ kỳ, thì đứng trân người khi thấy trong phòng khách nhà mình xuất hiện ba người đàn ông, hai người lính giải phóng, mặt mũi lấm lem, súng dài súng ngắn, lưu đạn, balo lùm xùm…, còn một người, thoạt đầu cô thấy hơi có nét quen quen, và nhớ ngay anh ký giả báo Bút Thép tên Kỳ Hoàng. Cả ba gọi má bằng “chị” và quay qua chào cô, cô cảm giác có một góc chết “đứng hình” ở anh ký giả, anh định nói thêm câu gì đó nhưng kìm lại, còn hai người kia cũng có vẻ hơi sửng sốt, mà cũng đúng, trong lúc đạn lửa tơi bời, tự dưng lọt vào một căn villa sang trọng, có hai người phụ nữ rất đẹp, và chiến trận ngoài kia hình như xa lắm khi nhìn thấy hai vẻ đẹp này… Dồn dập những ngạc nhiên đến lạ lùng, không đủ thời gian để cho cô thắc mắc vì rất nhiều thứ đang dồn đầy mỗi lúc một tăng thêm, cô chỉ biết im lặng và dè dặt nhìn má cùng với mấy người lính giải phóng đi vào phòng sách, rồi trong cái nhìn ngỡ ngàng của cô, má bấm vào một chỗ nào đó, một kệ tủ sách chuyển động xoay ngang, một căn phòng nhỏ hiện ra, đầy bí ẩn. Cô kịp nhìn vào trong khi má bật đèn, không bàn ghế, chỉ có mấy chiếc ghế xếp nằm một góc, và hình như có rất nhiều súng đạn xếp hết gần 1/3 căn phòng. Má ra hiệu ba người lánh vào đó, dặn dò vài câu, rồi nhấn cái nút đâu đó, cánh cửa phòng - kệ sách từ từ khép lại. Cô tâm trí lơ lửng với bao nhiêu câu hỏi về má, về sự xuất hiện của căn phòng bí mật trong nhà mình mà cô không hề biết, về hai người giải phóng, và cả về người ký giả tên Kỳ Hoàng.

- Con vô đây má nói chuyện. Má kéo cô vào phòng má.

- Chắc nãy giờ con muốn hỏi má nhiều lắm phải không? Giờ con cũng đã lớn, má tin là con hiểu chuyện, dù trước giờ con chỉ chuyên tâm học hành, papa và má lại không cho con biết chuyện gì.

Má cô xoay cô ngồi đối diện, nhìn vào mắt cô, một cái nhìn yêu thương có chút bối rối, vì câu chuyện bà sắp nói ra có vẻ vượt tầm cô con gái yêu của bà, nhưng bà tin cô sẽ hiểu, sẽ tiếp nhận.

- Má trước khi lấy papa đã là người của cách mạng và hoạt động trong phòng trào học sinh Trần Văn Ơn của Đoàn thanh niên Cứu Quốc và Đoàn học sinh, sinh viên Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn chống thực dân Pháp. Gặp papa trong một lần xuống đường mít tinh, thấy papa cũng cầm cờ Việt Minh, cùng hô vang khẩu hiệu chống Pháp, rồi quen, rồi cả mấy năm trời tìm hiểu, biết papa con là một trí thức Pháp tiến bộ, luôn tìm cách giúp Việt Minh.., và năm 1954, lý ra má đi tập kết ra miền Bắc Việt thì má xin ở lại, rồi kết hôn với papa… Cho đến mấy năm gần đây, người của Giải phóng bắt liên lạc với má, Quân Giải phóng có kế hoạch đánh lớn, nhà mình thành cơ sở mật, cất giữ vũ khí. Căn phòng con thấy, nó là của chủ cũ căn nhà này thiết kế, khi papa và má mua và dọn tới ở, để không, giờ thì mới dùng tới nó. Papa con biết hết việc má làm, và cũng đang bí mật giúp cách mạng trong việc chuẩn bị đàm phán với Mỹ và chính quyền Sài Gòn chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Vắn tắt vậy cho con hiểu. Còn nhiều điều nữa, má sẽ dần nói cho con biết thêm. Giờ má lo công chuyện, hai người giải phóng này bị lạc đơn vị khi đánh vào Dinh Độc Lập, không thể ở lâu, chút nữa, má phải lo đưa họ ra ngoài thành và còn chuyển số vũ khí đi.. Giờ con lên phòng con. Đừng sợ nghe con. Má thương con…

Má nắm chặt lấy tay cô, ôm hôn cô, vỗ nhẹ vào lưng cô như có phần nào xin lỗi con gái vì đã để cô bất ngờ rơi vào tình huống ngặt như vậy. Rồi mà tất tả đi…

Sáng hôm sau, tiếng súng tiếng đạn chưa ngớt, lại có phần ác liệt hơn, Sài Gòn thiết quân luật, nhiều cuộc bố ráp khắp nội thành. Các nhà đều đóng cửa, khu trung tâm Sài Gòn tê liệt, không ai dám ra ngoài mua bán gì, trên đường ngập hơi súng đạn, khói cay mù. Nghe qua radio thì Tòa Đại sứ Mỹ đang đánh lớn, Đài phát thanh, Dinh Độc Lập cũng đang giao tranh ác liệt. Trong nhà chỉ còn cô và người ký giả tên Kỳ Hoàng. Cô vẫn chưa hết sợ, nhưng có sợ thêm cũng không thể, theo lời dặn của má, giờ cô phải có trách nhiệm giữ an toàn cho người ký giả này đến khi má về, mà má nói có thể sẽ đi vài ngày lo nhiệm vụ của cách mạng giao. Còn bao nhiêu chuyện cô muốn biết về má, về papa, và cả những người lính Giải phóng, nhưng đành phải đợi má về. Cầu mong má bình an.

Ngồi trong phòng khách, chưa khi nào cô cảm thấy lúng túng như lúc này, trước giờ có tiếp xúc người lạ đâu, mà lại trong thời điểm mọi thứ đến với cô toàn những bất ngờ kỳ lạ. Nhưng cũng chính thế, cô cảm thấy mình mạnh mẽ hơn, không phải cô nữ sinh trường Tây nhút nhát, e lệ, không phải một tiểu thư con nhà sợ nắng sợ gió, mưa không tới mặt, nắng chẳng tới đầu.. Mình sẽ không để papa và má thất vọng vì có cô con gái yếu đuối, không để người ký giả tên Kỳ Hoàng kia coi thường. Chỉ một đêm Giao thừa khói lửa đạn pháo đầy trời, cô bỗng như thành người lớn.

- Cô Hai của tôi, giờ chúng ta làm quen nha. - Giọng người ký giả cắt đứt luồng suy tư của cô. Cô quay lại, yên lòng khi thấy nụ cười rất hiền, và một ánh nhìn thân thiện. Người ký giả đã ra khỏi căn phòng bí mật.

- Tên thì cô biết rồi, cô còn nhớ?

- Dạ, nhớ. Kỳ Hoàng, ký giả báo Bút Thép? Mà có thật là ký giả không?

- Thật! Hổng tin, bữa nào yên yên, kiếm tờ nhật trình đó coi có thấy tên Kỳ Hoàng không thì biết.

 - Nhưng mà sao lại là người của Giải phóng?

 - Hì. Cái vụ này thì dài, có thời gian sẽ nói cô nghe. Mà ngộ heng, tưởng bóng chim tăm cá giữa Sài Gòn, khó mà gặp lại người đẹp, ai dè, lại trúng ngay nhà người quen lâu nay mà hổng biết. Mà cô chưa cho biết tên à…

- Dạ, tên Térese Hồng. Mà cứ gọi là Cô Hai…

- Dạ, thì Cô Hai. Mà cái tên Térese Hồng đẹp quá. Tôi nhớ cái hình Nữ Thánh Térese tay ôm dây hoa hồng, gương mặt tuyệt mỹ ánh lên sự nhân hậu cũng như miễn nhiễm bất diệt trong các album tranh Thánh. Cô Hai cũng có gương mặt thánh thiện y hệt. Hổng phải tôi khen nịnh, tôi thấy từ bữa gặp cô ở Chợ Bến Thành, lúc đó cứ nghĩ thần tiên hạ phàm đi chơi.

- Trời, làm ký giả mà cũng dẻo miệng ha?

- Ý mà đói chưa, để làm chút gì ăn nha. Cô xuống bếp, nấu chút mì nui với thịt bò.

- Nghe má nói, chắc phải ở nhà vài ngày, hổng được ra ngoài. Vậy nếu thấy người nào tới hay lính đi kiểm tra, vào phòng mật nha. Còn giờ cứ ở ngoài cho thoáng. À, mà có thích đọc sách không, phòng sách của má nhiều sách lắm, toàn sách hay, thích cuốn nào lấy đọc…

- Ui chà, thật thơm, ôi cái bụng đánh lô tô rồi, chắc ngon lắm… Mà ngon thiệt. Cứ nghĩ cô Hai đây đẹp người, học trường Tây, nhà có người làm, không biết gì, vậy mà nấu ăn ngon quá.

- Thiệt không, hay nói lấy lòng gia chủ. Ngon, ăn thêm nữa nha.

Cô cũng bắt đầu thân thiện hơn, bớt chút e dè ban đầu. Vừa ăn vừa hỏi chuyện. Mà lạ, hai người nói chuyện với nhau nãy giờ, cô cứ trống không, dù vẫn dạ thưa lễ phép. Ngó lại, thì rõ ràng cô nhỏ hơn người ký giả ít chừng gần chục tuổi, nhưng xưng hô anh - em thì có vẻ không đặng, mà kêu chú xưng con thì lỡ cỡ không đâu.

- Học trường Tây nói tiếng Tây quen, mà sao cô Hai nói tiếng Việt hay quá.

- Má bắt khi về nhà phải nói tiếng Việt, mà papa cũng nói tiếng Việt. Má nói, papa mà không nói tiếng Việt là không yêu má.

- Má dạy Việt Văn, thấy phòng sách quá trời sách, vậy chớ cô Hai có đọc sách tiếng Việt không?

- Dạ, có đọc, rảnh là lấy sách của má đọc. Má có nhiều cuốn sách “Hà Nội” không biết từ đâu má có, đọc ngộ lắm.

- Ngộ là sao?

- Là lạ, nhiều thứ không hiểu, hỏi má, má cũng không biết luôn, vì hồi nào giờ má có ở ngoài đó đâu.

- Như cuốn nào?

- Dạ, cuốn “Chùa Đàn”, “Vang bóng một thời” của Nguyễn Tuân, “Thương nhớ 12”, “Món ngon Hà Nội” của Vũ Bằng, hay tiểu thuyết của Nguyễn Bính “Hai người điên giữa kinh thành Hà Nội”, mấy cuốn truyện của Thạch Lam “Hà Nội 36 phố phường”, “Gió đầu mùa”, “Nắng trong vườn”….,

- Chà, cô Hai đọc hết mấy cuốn đó, xem như biết Hà Nội ra sao rồi.

- Ồ, có cái biết, nhiều cái không hình dung ra sao.

- Đâu, ví dụ…

Cô ra hiệu đi sang phòng sách, cũng là để gần với căn phòng bí mật, nếu có động thì Kỳ Hoàng sẽ lánh vào ngay. Đến gần kệ sách, cô lấy xuống mấy cuốn sách.

- Như cây đàn đáy, ca trù, hay có những món ăn rất lạ như bánh đúc, bánh Xuân Cầu, cốm Vòng, rươi, chả cá, bún ốc lạnh, bún mọc…

- Vừa ăn xong, giờ nghe đọc tên các món ăn lại thấy cái bụng hình như trống. Nói giỡn với cô Hai cho vui… Chớ thật tình, tôi cũng không biết nhiều lắm. Nhưng tôi hứa với cô Hai, mai này thống nhất, tôi sẽ đưa cô Hai ra Hà Nội, tha hồ cho cô Hai khám phá, tìm hiểu bằng thích.

- Hứa nha, mai này yên bình, mà chắc gì nhớ?

- Nhớ chứ. Kỳ Hoàng tôi đã hứa là chắc như bắp. Ờ, để làm tin, tôi có cái này cho cô Hai. Bữa vô cứ, mấy chỉ huy ngoài Hà Nội vô đưa cho. Trái ô mai sấu. Trái này trong mình không có đâu. Tính cho mấy cô giao liên thành, nhưng thôi, giờ lấy làm tin, đưa cho cô Hai.

- Làm tin gì mấy trái ômai?

- Thì ăn xong, lấy hột gieo xuống. Bao giờ có trái làm ômai…

- Trời, bộ gạt con nít sao, hột ômai bị muối mặn lè, sao mà lên cây được.

- Thì cứ thử, biết đâu điều kỳ diệu, lên được cây là lời hứa thành sự thật.

- Vậy chắc hứa lèo rồi, có thấy ai nói lấy hột ômai mà gieo lên cây.

- Thế mà thành đó, biết đâu, vì lời hứa thật tình và người đợi thật tâm mà cây sẽ mọc… Kỳ Hoàng vừa nói vừa nhìn cô một cách í nhị.

Mở cái gói nhỏ Kỳ Hoàng đưa, cô ngắm nghía có chút tò mò mấy trái ômai tròn, nâu đen, e dè cắn nhẹ một miếng nhỏ, một vị chua ngọt lạ lẫm, rất khó diễn tả, nhưng có vẻ hạp sở thích của cô. Đúng là khác hoàn toàn mấy vị ômai của nhà Bảo Hiên Rồng Vàng đầu phía trên đường nhà cô, ở đó không có loại trái này. 

*

Ngày trôi qua, Sài Gòn vẫn ầm ầm tiếng súng tiếng pháo, khu nhà của cô cũng bị bao bọc không chỉ tiếng đạn nổ mà còn là màn khói mờ khét nghẹt. Không ai dám ra khỏi nhà. Qua radio, cô biết đang có cuộc tử thủ của biệt động Sài Gòn ở Tòa Đại sứ Mỹ, Dinh Độc Lập và Đài Phát thanh… Kỳ Hoàng không ở yên trong phòng, ngay sau lúc ăn sáng, anh đã mở cửa ra tầng thượng, đứng trên đó quan sát xung quanh, cô thì muốn đứng tim vì sợ, không phải sợ tiếng súng đạn vì đã quen mấy ngày rồi, mà sợ Kỳ Hoàng có làm sao, cô không biết thế nào. Gọi mấy lần không vô. Ờ mà sao lúc này cô ngắm nhìn, thấy Kỳ Hoàng có một vẻ đẹp rất giống tài tử cô thích là Alain Delon trong mấy phim như Plein Soleil, Le Samouraï. Như một cái gì đó len lỏi bỗng chốc làm tim cô đập nhanh, một thoáng qua cô, phải chăng là “Le coup de foudre” - cú sét tình ái. Bất chợt cô đỏ mặt, quay vào trong, thi thoảng lại ngó ra ngoài lo lắng.

Cô để ý, khi nghe radio đưa tin về cuộc chiến ở Tòa Đại sứ Mỹ, có 15 người của Giải phóng hy sinh, 1 người bị bắt, ngồi bất động, ánh mắt Kỳ Hoàng đọng nước mắt, gương mặt hằn những vệt đau đớn. Cô nhìn mà như lây cảm giác bi thương, cũng thấy thắt lòng, bỗng lo lắng đến nghẹn thở, không biết má đang ở đâu, má có bình an, cô không dám nghĩ tiếp. Qua một tích tắc, Kỳ Hoàng như chợt tỉnh, nhìn cô gái chủ nhà, đang có vẻ bất an đến tái xanh mặt, anh thấy thương quá cô gái nhỏ này. Nếu có gì bất trắc xảy đến với cô, chắc anh cũng đau lắm, bỗng dưng anh đưa tay nắm tay cô, chỉ như an ủi, chỉ như giúp cô bình tĩnh, mà cũng là chia sẻ với cô cảm xúc lúc này, để cô bình tâm. Trong anh tự dưng cảm giác một điều gì đó rất đặc biệt, chưa thể nói thành lời, nhưng chắc anh khó mà quên những khoảnh khắc như thế này trong cuộc đời.

Kỳ Hoàng tốt nghiệp Đại học Luật khoa Sài Gòn hạng ưu và may mắn được nhận làm Luật sư tập sự của Luật sư đoàn Tòa thượng thẩm Sài Gòn, giúp việc cho Luật sư Nguyễn Văn Huyền, đang là nghị sĩ, ông là người chuyên biện hộ cho các tù chính trị Việt Minh thời Pháp nổi tiếng như Hà Huy Tập, Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Văn Dưỡng... Trước đó, Kỳ Hoàng đã từng là  nhóm trưởng trong phong trào sinh viên học sinh của Thành đoàn Sài Gòn - Gia Định ở Đại học Luật khoa, nên khi được giúp việc cho Luật sư Huyền, anh đã móc nối với tổ chức Quân Giải phóng. Rồi theo yêu cầu của tổ chức, Kỳ Hoàng vào làm ký giả cho tờ Bút Thép, một tờ báo đối lập ở Sài Gòn. Cũng từ đây, che giấu thân phận bằng vai ký giả, Kỳ Hoàng đã tạo vỏ bọc để hoạt động, chủ yếu tìm những nhân sĩ, các nghị sĩ ủng hộ cách mạng, ủng hộ Quân Giải phóng và thông qua hoạt động báo chí thu lượm các tin tức từ những bạn bè ký giả phương Tây… Đang tác nghiệp ở khu vực Dinh Dộc Lập cùng các đồng nghiệp AP, AFP, UPI, LIFE, trong khói đạn mù trời, thì anh thấy hai người lính giải phóng khá lúng túng ở ngã ba mé đường Huyền Trân Công Chúa, biết ngay các anh trong một nhóm quân hỗ trợ đánh vào Dinh và chắc bị lạc nhau, cho dù rất thận trọng trong hoạt động mật ở nội đô, nhưng vào lúc này, không nghĩ suy hơn thiệt, Kỳ Hoàng vội tiếp cận, và quyết định đưa ngay đến nhà cơ sở gần đó, là nhà của một trí thức Pháp có vợ Việt. Ai dè, nhà của cơ sở lại chính là nhà của cô gái anh bắt gặp tình cờ ở Chợ Bến Thành…

Hai ngày Kỳ Hoàng ở nhà cô, nhưng là một khoảng thời gian ấn tượng mãi mãi trong cô. Qua trò chuyện, anh gieo vào trong cô những niềm tin yêu về đất nước Việt - quê Mẹ, về con người Việt Nam luôn yêu hòa bình nhưng quả cảm, kiên cường, thề không khuất phục bất cứ thế lực xâm lược nào, anh như một người thầy giúp cho cô thông tuệ nhiều điều mà trước đó cô gần như không biết, không hề quan tâm, để cô hiểu thế nào là chính nghĩa… Đêm từ biệt, Kỳ Hoàng lại nhắc cô về gói ômai sấu, nắm tay cô như một hẹn ước thầm, giữa họ chưa có gì gọi là một tình cảm sâu sắc, nhưng sao lại giống như một thề hẹn trăm năm trong thầm lặng. Còn cô, từ lúc đó, cái tên Kỳ Hoàng và hình ảnh anh như một vết khắc trong tim, cho dù cũng từ đêm đó, mấy chục năm sau cô không gặp lại anh. Sau cô cũng có tìm báo đọc, thấy tên anh trong vài tờ trước Tết, rồi báo Bút Thép cũng bị chính quyền Sài Gòn đóng cửa.

Cô mang nắm hột sấu ômai gieo thử ở khu vườn trường giáp với bên đường Ngô Thời Nhiệm. Cả Lục cá nguyệt cuối năm, ngày nào cô cũng ra tưới nước, thăm xem cây có mọc… Mấy tháng trôi qua, sắp hết năm học, có lúc cô bần thần hết hy vọng, tự nhủ mình, làm sao hột ômai lại có thể nảy mầm thành cây, lời hứa chắc gì… Giờ ra chơi, trong tâm trạng thất vọng, cô ra vườn chỉ là tưới nước theo thói quen, và như một sự kỳ diệu đến khó tin, trong mắt cô, một đọt mầm xanh biếc đội đất nhú lên, cô mừng đến phát khóc. Rồi cái cây như thấu tình cảm của cô, mọc rất nhanh, khỏe, cuối năm học, má giúp cô bứng trồng vào khóm hoa giữa sân trường. Còn cô, vì yêu cây, hay vì lời hứa của Kỳ Hoàng, cô quyết định thi vào Trường Đại học Sư phạm Sài Gòn, để về lại ngôi trường này dạy học, để được chăm sóc cây, và đợi lời hứa xa xôi năm ấy như một tương tư thầm lặng.

Tới năm 1975, cây sấu đã là một cái cây cao to, sum xuê lá, tỏa bóng mát một khoảnh sân trường, nhưng cô chưa thấy hoa thấy trái. Rồi nhiều xáo trộn đến với gia đình, cả nhà quyết định sang Pháp sống với bà nội. Từ đó cô xa cây sấu, nhưng trái tim hình như đặt vào đó không chỉ một phần, cô vẫn nhớ lời hứa của Kỳ Hoàng đêm chia tay Mậu Thân.

*

Hơn 40 năm sau, cô về lại ngôi trường xưa. Trường vẫn thế màu vôi vàng quen thuộc như trăm năm nay, vẫn phòng học với những ô cửa sổ gỗ mở ra bốn phía tràn gió mát y hệt xưa không khác gì, chỉ khác giờ trường có nhiều nam sinh. Điều làm cô xúc động đến nghẹn ngào, cây sấu của cô, giờ là một cây cổ thụ tuổi ngót nửa thế kỷ, um tùm xanh, bóng mát tỏa cả khoảng sân rộng, một cái cây vững chãi và đầy sức sống xanh tươi.

Thầy hiệu trưởng đang chăm chú ngó lên cành lá, và khẳng định, cây đang trổ hoa, những chấm hoa trắng li ti cánh trong suốt, từng chùm nhỏ… Thầy nói, cả chục năm nay về trường, thầy chưa bao giờ thấy cây này ra hoa kết trái, dù lá xanh quanh năm…

Kỳ Hoàng, anh còn nhớ lời hứa năm xưa? Cây sấu đã trổ hoa, chắc sẽ kết trái… Trái tim cô thắt lại… Cô bặt tin anh từ đó…

Một mẩu tin nhắn lạ lùng trên truyền hình thành phố, và lan trên mạng face book: Kỳ Hoàng! Anh ở đâu? Sấu tương tư giữa ngôi trường Tây đang đợi tin anh…

Nguồn Văn nghệ số 17+18/2020


Có thể bạn quan tâm