April 26, 2024, 7:57 pm

Sau tất cả, ngày mai là một ngày mới

Cháu ngoại mình sống tại Ăngle, bố cháu nựng yêu gọi là Xuân Ku. Nhưng những lúc đòi quà Xuân Ku thường dở trò ỏng eo nên bố còn thêm cho cháu cái danh xưng Cõm - thằng Cõm Già - có lẽ năm sau vào lớp 1, ngoan lên, thì biệt hiệu và danh xưng trên sẽ được bớt đi. Bởi Phan Anh mới thực là tên cháu, vợ chồng nhà con gái HA trọng nghề luật nên đặt tên con trùng với tên một luật sư nổi tiếng ở xứ ta.

Sau tất cả, ngày mai sẽ là một ngày mới

Sáng nay xem status của HA, biết ở Anh dịch siêu covid-19 (nCoV) bùng phát với cấp độ nguy hiểm, tuy lệnh phong tỏa và cách ly của chính phủ đã được thực thi nhưng trong 24 giờ cho đến cuối chiều ngày 29/3 có 209 người tử vong, nghĩa là cứ gần một giờ thì có 9 người Anh đã phải ra đi; rồi lướt xem video thấy con rể đang sửa sang lại vườn tược, HA thì lo dạy Xuân Ku viết tập, lớp mẫu giáo lớn cũng đã bị con covid-19 nó đóng. Bàn học của Xuân Ku đặt tạm ngay cạnh chỗ nấu ăn để mẹ tiện thể vừa trông bếp vừa dạy con, chứ nhà đã có sẵn phòng học cho mấy đứa. Trai trưởng là anh cu Hoà còn đang bận ngủ nướng, HA cũng không thể thong thả, độ 9 giờ sáng đã phải lên phòng đọc ở tầng 2 để online với sếp ở công ty về tình hình thuế của các doanh nghiệp thời kỳ dịch bệnh. Như vậy gia đình nhỏ của HA vẫn yên ấm những ngày cách ly mùa dịch, dù bên ngoài có nhiều diễn biến khác thường. Thay đổi rõ nhất so với mọi khi, là cả nhà ai cũng đeo khẩu trang, Xuân Ku thích được như mẹ nên chọn khẩu trang người lớn đeo vào, mặt cứ như chú Tễu. Mình chẳng rành Anh ngữ nhưng thấy trong trang viết tập của cháu, bên cạnh các kí tự tiếng Anh thì có hai chữ in hoa “VN” nắn nót mà lại còn đẹp nữa. Ngôi nhà của vợ chồng nhà HA nằm phía Nam thành phố Leicester, tuy chỉ nhà liền kề nhưng lại là nơi tụ họp của nhiều người Việt có thẻ định cư, hoặc du học sinh từ quê sang. Với gia đình nhỏ này, hai tiếng Việt Nam luôn có một sự thôi thúc lạ kỳ. Khoảnh sân vườn sau nhà la liệt những cây cảnh, chậu cảnh với những lan hồ điệp, địa lan, sen cạn xen cả ăn quả như lê, táo; một góc phòng khách có bàn thờ ông Công ông Táo cùng bàn thờ gia tiên; trên mỗi bàn đều có lọ cắm hương, bánh đậu xanh hiệu Rồng Vàng xếp ngay ngắn trong những cái đĩa hàng gốm sứ Bát Tràng. Điều đặc biệt của những trang trí còn lại trong phòng khách toàn là hàng mua từ Việt Nam, chúng được chuyển sang đây bằng đường hàng không, nên phải khá nhọc công và kỹ lưỡng mới có thể chu toàn. Bố mẹ là vậy, còn hai chữ VN với Phan Anh thì lại khác, nó luôn ánh lên thật rạng rỡ, tết đến giờ bố mẹ luôn hứa Xuân Ku ngoan lên sắp tới sẽ được về Việt Nam thăm quê nội, quê ngoại, được tắm biển Sầm Sơn, thăm khu thắng tích Côn Sơn có đền thờ Cụ Nguyễn Trãi và cuối cùng, là đi máy bay vào chơi đảo ngọc Phú Quốc...

Thỉnh thoảng mình lướt tay mở messenger thấy HA thông tin chính phủ Anh sắp tiến hành khám sàng lọc cho đội ngũ nhân viên ngành Y. Việc khám sẽ xem người đó có dương tính với covi không, rồi tiếp đến khám thêm để phân thành ba loại: 1- Người có kháng thể tốt, chống được kháng nguyên xâm nhập, có khả năng miễn dịch siêu covi; 2- Mức đề kháng trung bình, cần giữ gìn, hạn chế tiếp xúc; 3- Mức đề kháng kém, phải gấp rút dùng thuốc tăng đề kháng, coi trọng chế độ dinh dưỡng, và theo dõi tích cực. Sự phân loại này giúp dữ liệu để định hướng về sức khoẻ cho từng cá nhân. Đội ngũ nhân viên y tế được ưu tiên trước, để họ được an toàn và tập trung vào chuyên môn, thứ đến là lực lượng làm dịch vụ công; người dân thường có thể tự mua và sử dụng để chăm sóc thể trạng.

Chưa biết sao nhưng thế cũng tạm yên tâm rồi.

*

Quay sang status của Thanh Thuy Smc thì được biết hai cháu nội Chíp và Nấm lại đang trên bà ngoại tận thành phố Vĩnh Yên. Nhà của bà là vùng ngoại thành nên chất quê còn đọng; ít ngày sau thêm cu Bun ké vào (bởi quê ngoại Bun tận Tĩnh Gia, vùng cực Nam Thanh Hoá). Đầu tháng trước, bọn nhỏ lên thăm bà vào chiều thứ 7, chiều chủ nhật cùng bố mẹ xuôi Hà Nội để lên lớp vào đầu tuần sau. Nhưng con covi nó phá hỏng tất cả. Có chút buồn thoáng trên gương mặt bố mẹ. Lại phải xa con. Yêu và nhớ. Bọn nhỏ nghỉ học nhiều chơi mãi cũng thấy nhớ bạn, nhớ cô giáo. Buồn tí lúc chia tay bố mẹ về lại thủ đô còn sau đâu lại vào đó. Nhìn ảnh bà ngoại vừa post lên “phây” của Thanh Thuy Smc thì thấy khung cảnh thật chộn rộn. Trong ảnh, chị em hai đứa một xe, khẩu trang che kín miệng mũi, thong dong đèo nhau bên những triền lúa của cánh đồng ngoại thành đang độ tháng ba; chuyển xem ảnh khác lại thấy cả nhóm tay đứa nào cũng cầm giẻ lau đẫm nước xà phòng hăng say “lao động” để lấy “thưởng” từ chú Tony Nguyễn. Con CRV láng coóng vừa mới tậu, giờ được được chú sinh việc cho tất cả cùng cố gắng; rồi thêm nữa là cảnh nhà bà thành lớp học. Bà ngoại có lẽ chưa từng đứng lớp nhưng sợ bọn nhỏ quên mặt chữ nên mở lớp ngay tại phòng khách; cháu lớn có bàn kê sách đọc và viết, riêng Chíp thỉnh thoảng online cho cô giáo để xin bài tập; nhỏ như Bun và Nấm thì nằm giường xem truyện tranh. Điều ngạc nhiên là cháu nào cũng thấy sướng. Làm người thủ đô mãi rồi còn gì. Bà ngoại phải cố gắng hết cỡ trong vai trò mới. Đúng là cháu ông nội tội bà ngoại. Cơ mà bà những sáu cháu ngoại lại thêm tướng Bun nữa, thì vui đấy, nhưng bà nên để ý bản thân kẻo huyết áp tăng. 

Nếu như Xuân Ku đến giờ vẫn hoàn toàn không rõ tai hoạ Covid-19 đang bủa vây nhân loại, giấc mơ Việt Nam vào giữa tháng 4 của cháu đã tạm lùi lại, toàn xứ Ăngle đang phải tạm “phong tỏa” và đối mặt với lệnh “khẩn cấp quốc gia”, mỗi người nếu có mặt tại nơi công cộng phải cách nhau những… 2 mét, thì hai nàng Chíp, Nấm, và cả trai Bun nữa thi thoảng có nhớ bố mẹ còn đa phần thấy chơi là thích, tẹt ga luôn. 

HA bản tính đa sự. Vào đầu giờ sáng hay sâm sẩm tối, thường cập nhật tin tức cho bố. Anh, Mỹ và các nước châu Âu thuộc khối Schengen tự tin thái quá vào tiềm lực, tiềm năng của họ nên đang gặp hoạ. Tâm của đại dịch siêu corona chuyển từ tỉnh Hồ Bắc thuộc Hoa Lục tới Italy, Tây Ban Nha, và giờ đã sang Hoa Kỳ. Toàn thế giới đang chịu trận trước sự phẫn nộ của cơn cuồng phong Corona virus. Nó không phải dạng bom A bom H, siêu pháo đài bay hay tên lửa hành trình có độ chính xác cao mà là những vi hạt sẫm màu tua tủa những gai là gai, vô ảnh vô hình dưới mắt người thường. Cơn cuồng phong cỡ siêu này có đặc tính kỳ lạ, không ác liệt như cuộc đụng đầu giữa các nhóm quốc gia ở thế chiến 1 và 2 của thế kỷ 20, hay sự tuyên chiến nhuốm màu ý thức hệ Đông - Tây để chứng tỏ ai thắng ai, và cũng hoàn toàn khác với những cuộc tàn sát chưa có hồi kết giữa chính giáo và tà giáo vùng Tây Á. Tấn công tất cả. Không phân biệt thiện ác, sắc tộc màu da, anh giàu tôi nghèo, người thấp kẻ cao địa vị; xuyên biên giới không cần vi-sa; đối tượng nhắm tới là loài động vật có não bộ phát triển, đứng thẳng bằng hai chân. Quyền uy như Ngài Tổng thống Donald Trump của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, Bà Thủ tướng Angela Merkel của nước Đức kiêu hùng cũng phải đi xét nghiệm do bị nghi nhiễm còn Thủ tướng Boris Johnson, Thái tử Charles, Bộ trưởng và Thứ trưởng Y tế của Vương quốc Anh thì đã dương tính thật rồi. Mà thất vọng rõ nhất là đàn con ngoan ngoãn đức tin của Thánh Ala tại xứ Ba Tư sùng tín cũng không thể vượt thoát sau chuỗi ngày siêng năng cầu nguyện. Phải chăng đây là sự trừng phạt của một thế lực siêu nhiên nào đó đối với những sai sót của con người với nhau, và của con người với thiên nhiên?... Cần phải nhớ rằng, đời sống nhân loại đang phát triển đến chóng mặt, thì các thế giới khác, như thế giới siêu Covid, cũng không chịu nằm yên, và biến thái của nó thậm chí còn tai quái hơn. Tất cả còn ở phía trước, việc của nhân loại ở thì hiện tại, trước hết là phải trì hoãn sự lây nhiễm, tiến tới dập tắt hoàn toàn đại dịch.

Cuộc chiến chống nCOV vẫn đang cực kỳ quyết liệt, khi mà cho đến 8 giờ sáng 6/4 đã có hơn 200 nước trên thế giới bị tấn công với gần 70.000 người thiệt mạng. Thật lạ kỳ trong một thế giới phẳng, liên thông biên giới để làm ăn và phát triển, thì bây giờ người ta lại phải kêu gọi, nếu thương mình và thương người, bạn nên “đứng yên” còn lời chúc chân thành và khẩn thiết nhất lúc này phải là “hãy rửa tay thật nhiều!” Đến như họp Thượng đỉnh G20, các nguyên thủ quốc gia cũng chỉ có thể cùng nhau online. Thì cơ sự như thế đã nói lên tất cả.

Việt Nam không đứng ngoài vòng xoáy của địa cầu. Ngay sau tết Canh Tý, từ các vị lãnh đạo Nhà nước tới người dân thường, tất cả lao vào cuộc chiến “chống dịch như chống giặc”. Đời sống bị đảo lộn mọi mặt về sinh hoạt. Nụ cười có vẻ ít đi. Nỗi lo toan thời bao cấp, thời chiến tranh tưởng đã bị lùi xa giờ lại có cơ “sống” lại. Nhiều gia đình phải chia nhau để tiện cách ly hay bị chia ra do bị liệt vào diện F1, F2…, cần theo dõi; toàn thể lực lượng vũ trang cùng đội ngũ thầy thuốc luôn trên tuyến đầu của cuộc chiến. Những ngày này, sự vắng lặng của đường phố Thủ đô cùng các thành phố khác; điểm vui chơi và khu thắng tích vắng hơn chùa bà đanh; trên nhiều trang mạng như zalo, face mọi người nhắc nhau hoặc nặng hơn thì rủa sả những việc làm vô ý thức dẫn tới dịch lây lan. Về kinh tế, có nhiều điểm ta chưa bằng các nước phương Tây nhưng phòng, chống và ngăn dịch lây lan, hiện ta làm rất tốt. Nhiều người nước ngoài, các kiều bào cùng du học sinh đang tìm cách trở về với đất mẹ dịp này. Việt Nam, do đó đã và đang trở thành điểm sáng. 

Nếu như mỗi con người, hay mỗi dân tộc muốn tồn tại và phát triển, theo như quan niệm của y học đều phải có một sức “đề kháng”, tức là phải sẵn có trong mình những “kháng thể” để chống lại sự xâm nhập của các “kháng nguyên” gây bệnh, thì Việt Nam ta đang là một quốc gia như thế. Có thể khẳng định rằng, những kinh nghiệm và truyền thống chống giặc ngoại xâm cùng bao cay đắng mà dân tộc ta phải nếm trải để khống chế thiên tai, dịch dã, đã giúp sản sinh nhiều “kháng thể” góp sức cho thế hệ hôm nay thành những người chiến thắng. 

Để thay lời kết, tác giả xin dành tặng độc giả bằng lời nữ nhân vật Scarlett O’Hara trong tiểu thuyết Cuốn theo chiều gió của nhà văn Margaret Mitchell. Cơn bão nội chiến của đất nước (Hoa Kỳ khoảng giữa sau thế kỷ19) cùng cơn bão cuộc đời đã không quật ngã được nàng. Và đứng trước thử thách cùng những phân khúc của số phận sắp xảy đến; trên thềm của Tara ngập nắng; nàng đã tiếp thêm sức mạnh cho bản thân bằng câu nói đầy cương nghị: SAU TẤT CẢ, NGÀY MAI LÀ MỘT NGÀY MỚI!

Nguồn Văn nghệ số 15/2020


Có thể bạn quan tâm