April 27, 2024, 11:20 am

Sàng lọc văn học

Halmosi Sándor, nhà thơ Hungary, dịch giả văn học, chủ một nhà xuất bản, nhà toán học, sinh năm 1971 tại Szatmárnémeti (Satu Mare, Rumani). Ông sống 16 năm tại Đức, và sau đó định cư tại Budapest (Hungary). Ông là hội viên một số Hội Văn học Hungary và Rumani, trong đó có Câu lạc bộ Văn bút Hungary. Nhà sáng lập và Chủ tịch danh dự Hội văn học nghệ thuật Echivox (Stuttgart, Đức), Nhà sáng lập và Giám đốc nghệ thuật, Giám đốc sáng tạo của Hội văn hóa - mỹ thuật và Di sản Csontváry.

Từ năm 2003, ông tham gia các chương trình thực tế sáng tạo văn chương và mỹ thuật. Từ năm 2008, ông tham gia Hội thơ Hungary - Rumani mang tên “Mùa xuân thơ ca”. Gần đây, ông là thành viên Ban tổ chức Hội thơ này. Năm 2018, ông được trao Giải thưởng Thơ của Hội Nhà thơ Quốc tế Pjeter Bogdani (Brusells - Pristina). Năm 2019, ông được trao Giải thưởng thơ Lukijan Musicki (Beograd). Năm 2020, ông được Viện Văn học Nghệ thuật châu Âu phong chức danh Giáo sư. Thơ của ông được dịch ra hơn mười ngôn ngữ.

Bên cạnh các hoạt động văn chương, ông còn nghiên cứu và diễn thuyết về các chủ đề thơ ca, truyền thống, ngôn ngữ thời tiền sử, các biểu tượng, và giải pháp cho khủng hoảng tinh thần với cá nhân cũng như cộng đồng. Ông coi việc nuôi dưỡng tài năng và thúc đẩy sự phát triển thi ca là sứ mệnh của mình. Ông tin tưởng vào đối thoại văn hóa.

Nhà thơ Halmosi Sándor đã xuất bản 15 tập thơ. Trong đó, tập thơ “Mười ngày 57” của ông được xuất bản bằng tiếng Việt, tại Việt Nam năm 2020. Tác giả viết tiểu luận này trong lúc khủng hoảng tinh thần, khá thất vọng với chất lượng thơ và một số hoạt động, quan hệ giới văn thơ nước này. Đây là bài viết gây chú ý về thái độ thẳng thắn nhìn nhận chất lượng sáng tác, cũng như quan điểm của tác giả, đã đăng trên DROT.EU. Đây là trang báo điện tử chuyên nội dung Văn học - Văn hóa - Xã hội của Hungari

Văn nghệ

Hình tượng ẩn dụ về một đức vua khỏa thân và được công chúng tung hô, thiết nghĩ nay có thể vận vào nền văn học của chúng ta, với một số hiện tượng được tung hô bởi những giá trị ảo. Nói điều này, tôi muốn đề cập đến biểu tượng NHÀ THƠ KHỎA THÂN. Anh ta khỏa thân, trước công chúng, do anh ta không thể trốn đi đâu, không còn chỗ trốn, hoặc anh ta nhất quyết không để lộ bộ mặt thật của mình, nhưng cũng có thể, anh ta đã đánh mất hoàn toàn bộ mặt thật ấy rồi.

Dạng thứ nhất: Nhà thơ và tác phẩm của anh đồng nhất. Bản thân anh như một cuốn sách mở, ai cũng có thể đọc, hiểu, tìm điều mình muốn trong cuốn sách, một cách rành mạch. Anh ta không thể chạy trốn bản thân, cũng không muốn chạy trốn, không đeo mặt nạ, không thể hiện những mô hình được chuộng. Mặc dù anh muốn tác động, đóng góp để thế giới giàu có, tốt đẹp hơn, nhân văn và được nâng tầm cao hơn trong mọi ý nghĩa, nhưng bản thân anh lại nghèo khổ trong một góc nhìn thường thấy của người đời. Anh không đao to búa lớn, cũng có thể mắc sai lầm, nhưng anh tự do. Anh thật mỏng manh và qua thời gian càng mỏng manh hơn nữa, dần trở nên trong suốt, nhìn thấu, và tỏa sáng.

Dạng thứ hai: Nhà thơ có tác phẩm và con người anh ta hoàn toàn độc lập nhau. Anh ta dùng toàn bộ thời gian đi tìm những cánh cửa để lẩn vào, chọn chỗ đứng. Anh ta có thể huých tay, chen lấn, vượt qua. Anh cũng có thể lừa dối, miễn đạt mục đích đứng vào vị trí anh muốn. Anh muốn giàu có ngay ở đây, ngay bây giờ. Anh ta nói liên tục, hoạt náo bất cứ đâu. Anh diễn trò mọi lúc và anh thành trò diễn. Anh quỷ quyệt và tin mình không nhầm lẫn trong mọi quyết định. Anh chìm dần vào vũng bùn dơ dáy mà vẫn thoải mái. Anh không tỏa sáng.

Cuộc sống là vậy, có người luôn làm việc, có người chỉ ngồi chơi mà vẫn tồn tại đó. Dân gian vẫn có câu rằng, có người bày bừa thì cũng có người thu dọn. Tất cả các nhà thơ Hungary đương đại đều vật vã giữa hai dạng chính nêu trên. Và chúng ta phải lựa chọn một dạng nào đó cho mình. Chúng ta hãy thực hiện phần việc của mình. Và phần đó, dù khó khăn đến đâu thì ta cũng cần thực hiện được.

Bởi vì:“Chúng ta cần nhận ra/ Và trả lời thành thật/ Trung thực đi hết con đường/ Một mực chân thành thể hiện/ Sống mạnh mẽ và không suy xét.” (Thơ Jeno Dsida – bài thơ Không suy xét)

Hiện nay, có nhiều ồn ào trong đời sống văn học. Nhưng điều quan trọng nhất lại hiếm khi được nói ra: đó là chất lượng văn học, tâm hồn, uy tín, lập trường thi ca, trách nhiệm văn học. Đó là cốt lọi trong công việc của nhà thơ chúng ta. Thơ ca được sinh ra từ cuộc đời nào, để nâng đỡ tâm hồn con người và là chỗ dựa cho hồn người trong những thời điểm khó khăn nhất. Thơ hoàn toàn có thể đề cập đến một thế giới đang tan rã từng ngày, để tư duy lại về thế giới. Những gì chúng ta cần nói ra, những gì không nên nói. Làm sao để chúng ta ngừng đầu độc giếng trời, nguồn sống của con người? Bởi vì lời nói ra có sức mạnh, sức mạnh của tạo tác hoặc hủy diệt. Nhà thơ cần dâng hiến cuộc đời mình cho sứ mệnh đó. Những con quỷ chỉ có quyền lực đối với chúng ta cho đến khi ta gọi tên và nhìn thấu chúng. Rồi chúng sẽ tự biến mất. Ngay cả kim cương, thứ hấp dẫn nhất, cũng vậy mà thôi, sẽ biến mất khi được gọi tên và nhìn thấu.

Bạn hãy nói thật trong mọi tình huống. Bởi chỉ có sự thật mới có tác dụng chữa lành, có tác dụng tìm ra giải pháp. Một nhà thơ, với tư cách là nhà lãnh đạo tâm hồn, không thể có lựa chọn nào khác ngoài sự thật, nói thật. Kể cả trong công việc kiếm sống cũng không thể nói dối bằng mọi giá.

Lối nói thông thường nay đang lấn át những lời nói thực sự nhân văn, đẹp đẽ, cao quý. Có một kiểu nói khuôn mẫu, mang tính hủy hoại không chỉ ngôn ngữ mà cả nhân tính, đó là lời nói bẩn thỉu mang tính nước đôi, hai mặt, có những buổi dã ngoại bên cống rãnh, cảm xúc và cử chỉ thấp hèn, những mảnh ghép tổng hợp tẻ nhạt, cùng với những vụ giết người đặc biệt hay thông thường, trong khi thiếu thốn sự tĩnh lặng, kỳ vọng hoặc chia sẻ hàng ngày, quan tâm chính trị hàng ngày. Ta thấy người này chỉ trỏ vào người kia, chối bỏ trách nhiệm của chính mình, tìm cách đổ lỗi cho người khác. Ngày càng ít gặp lời nói chân thành, hay suy nghĩ nâng cao tâm hồn người, ít khi có người chỉ im lặng làm việc tốt, làm việc với tâm chân thành. Nếu tỉ lệ đáng buồn này không thay đổi, thì người khôn ngoan nên im lặng, chìm sâu kết nối với chính mình và chỉ quét dọn sạch sẽ trước cửa nhà mình thôi. Chỉ tập trung làm việc đúng đắn, và quét dọn sạch sẽ. Như cách chuẩn bị và diễn tập trước mỗi buổi biểu diễn của nhà biên kịch Stanislavski và đoàn kịch của ông vậy. Nhiều ví dụ xưa, nay cho thấy, chúng ta có thể sáng tạo ra các tác phẩm thơ chân thực, dựa trên cuộc sống, có giá trị, đáng tin cậy, mà không cần dựa vào hỗ trợ của nhà nước, hay các quỹ hỗ trợ phi chính phủ, các giải thưởng, bằng khen. Cho dù không có các nguồn đó, thì tác giả gặp khó khăn hơn, nhưng chúng ta vẫn có thể thực hiện việc sáng tạo mà không cần hỗ trợ. Cũng không loại trừ, trường hợp cần hỗ trợ cấp tốc, để tác giả thoát ra khỏi sự ràng buộc cả bên trong và bên ngoài, khiến tác phẩm chân thực được ra đời và lưu hành. Mong bạn chớ hiểu lầm ý của tôi, tôi không đề cập hoặc chống lại sự hỗ trợ cả về mặt đạo đức và tài chính cho các nhà thơ. Mà thậm chí, sự hỗ trợ cho người sáng tạo, công việc sáng tạo đó là tốt, khi nó được thực hiện hợp lý, công bằng, xứng đáng. Từ xưa đến nay, từng có sự hỗ trợ xứng đáng cho nhà thơ. Bởi thực tế, nhà thơ có một công việc quan trọng nhất là: giữ gìn niềm tin, sự tín nhiệm của công chúng, và phơi mình trước nguy hiểm khi anh trần trụi là chính mình.

Nhà thơ, người giữ khoảng cách lành mạnh để tránh mầm bệnh. Giữ sự vui tính, hài hước. Vượt qua nỗi kinh hoàng trước vực thẳm, liên tục thoát ra khỏi vùng thoải mái quen thuộc. Giữ khoảng lặng trong mình. Nhà thơ cần nghe thấy sự thinh lặng, ngay cả khi anh đang thổn thức bên trong. Hãy tỉnh táo để tách cái tốt khỏi cái xấu, ánh sáng khỏi bóng tối, điều quan trọng từ cái ít quan trọng hơn, tách tinh thần khỏi vật chất. Nếu bạn cứ chờ đợi, cân nhắc, chỉ trỏ vào người khác, bạn sẽ mất thăng bằng và sụp đổ. Cho dù người ta hay nói, chỉ khi nhà thơ chết đi, thì thơ của anh mới hay, mới được công nhận, thì chúng ta cũng vẫn cứ phải bác bỏ điều đó.

Khi chúng ta còn sống, chúng ta hãy làm việc. Hãy tạo ra các giá trị. Hãy tỉnh thức, hiện hữu. Hãy nhìn sâu bên trong mình. Thỉnh thoảng, hãy biết cúi đầu chiêm nghiệm cho rõ việc riêng và việc chung mà mình đang làm. Hãy tìm kiếm, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau. Hãy trò chuyện, kết nối với nhau nhiều hơn. Hãy là những người làm việc có trí tuệ.

Chúng ta hãy là một cộng đồng nghiêm túc trong khi xây dựng phát triển cộng đồng, và có thể cười giễu khi cộng đồng không đi theo hướng đúng. Chúng ta hãy vui mừng về thành quả bàn tay mình làm ra, dám bước ra khỏi chính mình và tiếp tục phát triển bản thân mình trong một người khác. Hãy dũng cảm phá bỏ những “tòa tháp” xếp chồng chất ngất và ăn một quả táo mỗi ngày. Nếu biết im lặng, bạn sẽ giải phóng sự bình yên khi bạn nói. Cũng chẳng cần cân đong lời nó, dẫu biết người kia muốn vô hiệu hóa bạn. Nếu chúng ta cùng nghiêm túc, người kia sẽ bảo vệ bạn, vì bạn khéo léo, bạn biết trân trọng việc làm, và bạn được tin tưởng.

Luôn có điều ẩn giấu phía sau mỗi sự việc, ngay cả sau nỗi đau, chỉ không có gì đằng sau sự hủy diệt. Có thể bạn tưởng như bạn chẳng còn gì để sống sót, nhưng bạn vẫn phải sống. Sống một cách kiêu hãnh, đẹp đẽ, vui vẻ! Mỗi quan hệ giữa chúng ta, dẫu rằng đã tàn phai, hỏng hóc, vẫn có thể được khôi phục. Chúng ta có thể tha thứ cho chính mình và cho người khác. Bất cứ ai cũng được cần đến, được xứng đáng kiếm tìm trên đời này, được nhắc tới trân trọng và thương yêu. Chúng ta cần vui mừng trước cuộc sống này, trong sáng không gợn, tìm ra con đường trong nhiều lối giăng mắc. Chỉ cần chúng ta làm việc và không phá sản.

Sẽ chỉ không đúng khi cho rằng vẻ đẹp sẽ hao mòn, khi ta phủ nhận những điều từng trọn vẹn, khi do dự nghĩa là lừa dối. Con người không thay đổi, thế giới không đổi thay, chỉ là ta tự quay lưng lại với chính mình. Hoặc tương tự, ta đã tự hạ mình. Dạng người thứ nhất: đặt mọi thứ vào nút xóa. Còn người kia, cho rằng lịch sử không sụp đổ, mà mọi thứ sẽ rộng mở và kết nối hài hòa với nhau trong tổ chức. Không có hành động và tiếng nói uy lực nào, hoặc sự đau đớn, nụ hôn tâm hồn nào mà không để lại dấu ấn lâu dài trong mọi câu chuyện nhỏ và lớn. Tổ quốc ở trên cao, đồng thời dưới thẳm sâu. Tiếng nói – Tổ quốc: thanh tẩy tâm hồn.

“Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà hãy xem ta có thể làm gì cho Tổ quốc”. Một nhà thơ được biết là linh hồn của xã hội. Nhà thơ - biên tập viên, nhà thơ - nhà quản lý, nhà thơ - thủ trưởng cơ quan, nhà thơ - nhà thơ (một nhà thơ nhân cách hóa sự thống nhất của thế giới trong một con người). “Nếu bạn làm tốt công việc của mình. Sẽ có trật tự và hòa bình” (Lão Tử). Nếu không, sẽ là đầm lầy, vũng bùn hôi thối bao trùm mọi thứ. Và kết cấu xã hội tan vỡ, đạo đức suy đồi, hệ thống miễn dịch suy yếu, làn gió đầu tiên cũng đảo lộn. Nếu chúng ta gặp rắc rối, thì không phải do nó mới khởi phát. Nó đã âm thầm tích lũy từ nhiều thập kỷ, hoặc cả một thế kỷ qua. Vấn đề của nhân loại hoàn toàn độc lập với niên khóa của mọi thời đại.

Thế giới “con ông cháu cha” trong văn học là một thế giới theo niên khóa. Bạn có thể cứ viết, nhưng đợi được công nhận thì lắm khi phải cúi đầu trước sự coi thường, bạo ngược, bắt bạn phải ăn mày, làm nô lệ, phải van xin. Nếu như có hai phe ở đất nước này, thì một bên là các nhà thơ, nhà văn lạm dụng quyền lực và hống hách, bên kia là các nhà văn nương theo quyền lực của dư luận, lời đồn, dựa dẫm và luồn cúi. Họ ăn mày danh tiếng, van xin quyền lực. Người hèn nhát thì dễ dàng thỏa hiệp, uốn éo để có một chỗ tạm đứng trong chiếu thơ. Như thể hàng thế kỷ trôi qua không một dấu vết. Vẫn tồn tại đó những tác giả lạm dụng quyền lực và vị thế của mình, tống tiền các giải thưởng văn chương, có những biên tập viên không thèm trả lời thư của các tác giả; có những nhà thơ kiêm chủ nhà xuất bản chỉ in tác phẩm của một số tác giả thân quen và tự quảng bá chính mình cả trong và ngoài nước rằng anh ta là biên tập viên, là tác giả tên tuổi, tự coi là đại diện của nền văn học Hungary. Nhưng anh ta chẳng tốn sức duyệt lại vài trang, hay toàn bộ tác phẩm in bằng tiếng Hungary, chẳng quan tâm đến chất lượng thực sự của tác phẩm. Anh ta chỉ quan tâm lợi ích bản thân hoặc một nhóm nhỏ, bắt tay với mạng lưới phân phối và các cửa hiệu sách… Tất cả họ đều không đưa đến những tác phẩm hay cho độc giả, không tạo nên mối quan hệ thực sự vô tư và hỗ trợ để tác phẩm đến được với độc giả muốn đọc.

Nhưng bên cạnh đó, có những tác giả, đồng thời là người đứng đầu các tổ chức xuất bản, là biên tập viên, Trưởng ban xét giải thưởng văn học, quản lý các nhà sách, làm việc trong các hệ thống phân phối, thật sự vô tư, đặt tâm huyết vào văn học, cống hiến cả đời cho văn học. Họ làm công việc của mình tận tâm, cống hiến, luôn khiêm tốn, kết nối tốt với các tờ báo văn học để giới thiệu tác phẩm, dù có thu nhập hay không, họ vẫn kiên trì làm việc đến cùng. Nhiều người trong số họ làm công chức nhà nước, buổi tối vẫn phải tự làm việc nhà, chăm sóc dạy dỗ con cái, đêm khuya cặm cụi viết, họ là những người có thể giữ sự liêm chính của mình kể cả trong khủng hoảng khó khăn nhất của cá nhân hay cộng đồng. Họ sống không khoan nhượng với những điều giả dối, vô giá trị, họ sáng tạo, làm việc ngày này qua ngày khác không kêu than, không oán trách. Họ đang xây dựng hình ảnh đất nước. Họ làm việc chăm chỉ, bền bỉ, kỹ lưỡng, và chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng họ. Tôi vẫn tin họ chiếm số đông. Họ mới chính là đại diện cho nền văn học Hungary, một nền văn học đích thực, chất lượng. Ở đó niềm hân hoan ngự trị, không có sự nghi ngờ.

Nếu chúng ta đừng phá hủy nhiều hơn những gì chúng ta có thể xây dựng, nếu chúng ta có thể chung tay làm cho thế giới tốt hơn một chút, thì chúng ta không còn sống vô ích. Và cũng giống như các tu viện đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nền tảng đạo đức châu Âu, thì các nhà sư - thơ ngày nay không thể trốn tránh nhiệm vụ to lớn là xây dựng lại các giá trị đạo đức đang bị ngược đãi, bị phá hủy một phần bởi chính một bộ phận các nhà thơ, nhà văn. Người nào có trách nhiệm thì có trí tuệ sẽ phát triển. Luôn lặp lại như vậy.

Cách chúng ta đối xử với nhau, đó chính là Tổ quốc! Làm việc và nguyện cầu, không phải bằng lời, mà bằng hành động. Hãy để cuộc sống của chúng ta chính là một lời nguyện cầu đẹp, chứ không phải ngược lại.

Và khi tất cả các kết nối đã đứt, hãy để thơ và sự tĩnh lặng ở bên chúng ta.

“Bởi nhiều khi/các vị thần đi ngủ/ Những người mắt đẹp/ cũng ít đi/ Những khi đó/ Anh ôm em/ Anh hái hoa mang tới/ Anh vui mừng/ Thay họ/ Anh mang tới niềm đau/ Nếu không có anh/ Thế giới này/ Nằm yên không ai cứu rỗi”.

Đỗ Thị Thu Dung

Chuyển ngữ từ tiếng Hungary

Đoạn thơ do Phan Anh Sơn dịch

Nguồn Văn nghệ số 21/2020

 


Có thể bạn quan tâm