April 26, 2024, 4:30 pm

Sách cấm, sách bị rầy rà

1.

Đó là những năm chín mươi của thế kỷ trước, công cuộc đổi mới khởi đầu từ Đại hội Đảng lần thứ 6 năm 1986, đang trở thành cao trào sôi nổi trong văn học. Nguyễn Dậu đã viết trở lại và vẫn là phong cách ào ạt liên tục, không ngưng nghỉ, viết một lần là xong. Một hôm anh đến Nhà xuất bản Lao Động ở 75 Giảng Võ đưa cho tôi cuốn tiểu thuyết vừa mới hoàn thành. Cuốn này anh đã đưa Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Lê Minh Khuê biên tập cuốn này. Dậu cho tôi xem giám định của Khuê viết trên giấy khổ to, trong đó Khuê khen cuốn sách nhưng nói rất tiếc vì chưa tìm được đầu ra. Đầu ra, cái cửa ải khó vượt. Đó là một sự thật hay là một cách nói khéo để thoái thác? Trong trường hợp này tôi tin Khuê nói thật.

Người đọc nó đầu tiên là Xuân Du, sau này là Phó Giám đốc, lúc đó là Trưởng phòng sách Văn học đã có thâm niên, nhiều kinh nghiệm biên tập, ý thức chính trị sâu sắc, tính tình cẩn thận, chín chắn. Tiếp đó là tôi, lúc này là Phó Giám đốc, Tổng biên tập.

Chúng tôi đều thống nhất nhận định: Tiểu thuyết viết rất có nghề. Hấp dẫn. Nằm trong mạch cảm hứng đề cao lẽ phải và tôn trọng sự thật, trên cái nền của văn xuôi nhập cuộc. Tuy nhiên, cuốn sách cũng động chạm tới nhiều vấn đề khá phức tạp. Một, đối tượng nó miêu tả không phải là những tội phạm bình thường. Hai, đây là sự thật hay bịa tạc, và là sự thật thì viết thế nào đây, vấn đề không đơn giản, cuốn sách tố cáo cái hà khắc, cái phi lý, cái vô nhân tính của chế độ nhà tù của ta. Riêng tôi còn bị ám ảnh vì nhiều chi tiết. Chẳng hạn, khi vào tù, phạm nhân bị khám ma-rơ. Giám thị bắt phạm nhân chổng đít lên để xem có giấu gì ở hậu môn không? Đọc thấy kinh quá!

Nhưng lúc này đã là năm 1992, bầu không xã hội và văn đàn đã có nhiều thông thoáng, cởi mở. Những vùng kiêng cấm, đã xóa bỏ nhiều. Truyện của Nguyễn Huy Thiệp chẳng những không thể phủ định, trái lại càng tỏa ảnh hưởng sâu rộng và nhận được sự tán thưởng của dư luận. Các cuốn khác như Chuyện làng Cuội của Lê Lựu, Bi kịch nhỏ của Lê Minh Khuê gây ồn ào một thời rồi cũng qua, có gì là đáng quy kết, phê phán đâu. Nhưng vấn đề đặt ra vẫn phải là yêu cầu tác giả cùng biên tập nghiêm túc sửa chữa tích cực những chỗ thấy còn băn khoăn.

 Cuối 1992, sau khi Nguyễn Dậu đã cắt bỏ sửa chữa khoảng gần 50 chỗ, kể cả những yếu tố phạm luật như lộ bí mật quốc gia, theo giám định của một đồng chí có trách nhiệm bên ngành chuyên môn, bản thảo với cái tên mới: Chúa Trời ngủ gật trở lại Nhà xuất bản chúng tôi

Xuân Du bỏ ra một tuần đọc biên tập lại lần hai. Tôi đọc lại một lần, thấy ổn, đưa Xuân Cang. Xuân Cang lúc này đang là ủy viên Ban Thư ký Tổng Liên đoàn Lao động, được cử làm Giám đốc Nhà xuất bản. Xuân Cang là nhà văn nổi tiếng từ những năm 60 của thế kỷ trước. Là người lãnh đạo quả quyết, dám chịu trách nhiệm vì trình độ vững vàng và kinh nghiệm công tác lâu năm, nhưng Xuân Cang lại là con người mềm mại, giàu chất nghệ sĩ, rất hồn nhiên chân thật trong cuộc sống

Xuân Cang đọc Chúa Trời ngủ gật rất hào hứng. Giám định của anh ghi ở bìa bản thảo với chữ ký đẹp bay bướm đề ngày 13/3/1995 tôi còn lưu, như sau:

Những chỗ cần sửa chữa thêm:

- Tất cả những chỗ có ý ám chỉ không cần thiết cho ý nghĩa tác phẩm.

- Thay tên cái ông tên là Duyệt. Thay cái tên Trương Mẫn.

- Tôi đã ghi những chỗ cần sửa bằng mực màu nhưng đề nghị anh Xuân Du anh Kháng đọc lại một lần nữa, liên hệ với những chỗ mực màu.

Tác phẩm này giúp người đọc hướng về cái thiện, chua xót về cảnh đời nhưng bình tĩnh nhìn ra cái gì cần từ bỏ. Còn có những chỗ trần tục, nhưng không tránh hết được. Cũng phải ra một cuốn sách thế này để bạn đọc biết rằng trí thức nước ta đã trải qua bước đường oan nghiệt thế nào (nếu ai đã từng biết tác giả) và phải làm gì để liên minh công nông với trí thức, nếu muốn thi hành nghị quyết Đại hội Đảng ta cho tốt cho đúng.

Đầu tháng 4/1993, bản thảo Chúa Trời ngủ gật được đưa xuống Nhà in Thống Nhất 136 Hàng Bông. Máy in chạy. Giấy Tân Mai thấm mực, đẹp nhã nhặn. Hai tập xong cùng lúc, được đóng gáy ngay. Nhưng chưa vào bìa. Và chẳng có gì là phải lo ngại, hồi hộp cả. Sự trong sáng của chủ đề cuốn sách. Môi trường dân trí, xã hội trong đổi mới, đã vượt ra khỏi thói quen thường tình là suy luận cố chấp và hẹp hòi, thiển cận khi đánh giá.

Chúng tôi đã chủ quan! Sự tiến hóa bao giờ cũng nhọc nhằn. 

Tôi ở cương vị Tổng biên tập đã nhiều lần phải trả lời cấp trên vì những cuốn sách có vấn đề. Ác mộng của Ngô Ngọc Bội viết về cải cách ruộng đất bị đắp chiếu nằm ở Quốc doanh phát hành sách ba tháng trời, không được phát hành. Chuyện làng ngày ấy của Võ Văn Trực, Người trong ống của Vi Hồng, Hòn đảo một mình của Lê Minh... bị phàn nàn. Nhưng lần này thì sự việc nghiêm trọng hơn rất nhiều. Cuốn sách viết về ngành chấp pháp và cơ quan chuyên trách về chuyện này đã vào cuộc.

Rắc rối được ngành chấp pháp báo cáo lên ông Nguyễn Văn Tư, ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cơ quan chủ quản. Ông chủ tịch ra chỉ thị: Phải tiếp tục sửa chữa theo yêu cầu của ngành chấp pháp.

Và thê là chúng tôi phải gồng người lên làm mọi cách để quyển sách được phát hành. Vì lúc này quan trọng với tôi còn là ở chỗ, nếu sách bị cấm thì Nhà xuất bản tôi mất toi 10 triệu đồng. Mười triệu đồng, lúc ấy đủ nuôi hơn hai chục cán bộ nhân viên cơ quan tôi 1 tháng trời! Kiếm sống bao giờ cũng là một công cuộc vô cùng nhọc nhằn, nếu không muốn là kẻ gian lận dối trá!

Cuốn sách được tận lực sửa chữa. Nguyễn Dậu chua chát nói: “Giời không chịu đất, đất phải chịu giời chứ biết làm thế nào”. Cuối cùng cuốn sách được in lại 65 trang với 101 đoạn, câu chữ xóa bỏ. Riêng chương 31, tác giả viết lại hoàn toàn, đem lại vẻ tươi sáng, có hậu cho vở bi kịch. Ngày 25/7/1993 từ thành phố Hố Chí Minh, giám đốc Xuân Cang viết thư ra cho tôi và Xuân Du. Ngoài những ý kiến khẳng định lại, rằng cuốn sách có tác dụng tốt, có ích với mọi người trong công cuộc đổi mới hôm nay, nó khuyên chúng ta phải sống có pháp luật, càng người cầm quyền thì càng phải tôn trọng pháp luật, nó thuyết minh rằng cần phải nhanh chóng có luật tố tụng hình sự, bắt người phải đúng phép, không được dùng hình phạt trước khi có án... 

      Buồn thay, cuối cùng cuốn sách vẫn nhận được lệnh cấm phát hành

*

Tôi quen thân với Nguyễn Dậu từ năm 1964. Nguyễn Dậu có đời sống thực tế, có trí nhớ, có trí tưởng tượng hơn người, nên viết được nhiều. Nhận được lệnh cấm phát hành cuốn sách của mình, anh đã trực tiếp gặp Bộ trưởng Văn hóa Trần Hoàn để đối chất. Buổi gặp có cả tôi, ở 10 Đường Thành, trụ sở Cục xuất bản. Trong buổi đó, anh thẳng thắn cãi lý, anh đốp chát gay gắt và móc máy chua ngoa ông Bộ trưởng. Anh cũng đáo để không kém trong thư gửi Nguyễn Văn Tư, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam. Anh đòi gặp Tổng bí thư Đỗ Mười. Anh tin tưởng ở luật pháp và viện dẫn các điều luật làu làu:

Luật xuất bản do Chủ tịch Lê Đức Anh ký ngày 7/7/1993, Điều 2 lớn có ghi: Nhà nước không kiểm duyệt tác phẩm trước khi xuất bản, trừ trường hợp cần thiết do Thủ tướng quyết định"

Chương II, Điều 5 của Luật xuất bản ghi: Công dân, tổ chức có quyền phổ biến tác phẩm dưới hình thức xuất bản phẩm thông qua Nhà xuất bản, chịu trách nhiệm về nội dung xuất bản phẩm của mình và được Nhà nước bảo hộ quyền tác giả.

Điều 7: Công dân, tổ chức có quyền phê bình hoạt động xuất bản, khiếu nại tố cáo tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của luật này, chịu trách nhiệm về việc phê bình, khiếu nại của mình”.

Điều 8: Không một tổ chức cá nhân nào được cản trở quyền phổ biến tác phẩm, quyền hoạt động xuất bản hợp pháp của các nhà xuất bản, hoặc lợi dụng quyền phổ biến tác phẩm, quyền hoạt động xuất bản làm thiệt hại tới lợi ích Nhà nước, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cộng đồng”.

Nhưng rồi có những lúc Nguyễn Dậu buồn rầu ghê gớm và đùng đùng nổi giận. Anh viết đơn đòi ra Hội Nhà văn Việt Nam. Sáng ngày 26 tháng 7 năm 1993, vợ anh đến gặp tôi ở trụ sở Nhà xuất bản Lao Động, đưa tôi một lá thư như một lời di chúc. Anh viết:

Thân gửi Kháng

Tôi phải vào Viện điều trị. Nhờ Kháng và Xuân Du mấy việc, nếu tôi có mệnh hệ nào:

1. Sách in xong, mua thêm 20 cuốn cho em gái Thuý Nhi, 58 Ngô Quyền, điện thoại 8264023.

2. Tiền nhuận bút chia 3:- Vợ một phần. - Con gái một phần. - Bố một phần (do Nhi lĩnh).

*

Hy vọng của Nguyễn Dậu và của chúng tôi thật hão huyền! Thực hiện mệnh lệnh của thượng cấp, ngày 9 tháng 9 năm 1993, Nhà máy in Thống nhất kiểm kê toàn bộ số bìa, và ruột sách cuốn Chúa Trời ngủ gật, đã báo cáo rành rọt: số sách còn lại tất cả: 994 cuốn tập I, 984 cuốn tập II, 1017 bìa chính phẩm, 202 bìa phế phẩm (hợp đồng in số 128TN số lượng 1000 bộ). Ngày 28 tháng 9 năm 1993, Nhà máy in Thống nhất có công văn yêu cầu Nhà xuất bản chúng tôi thanh toán tiền công in, tiền giấy và tính thêm lãi suất 2,1% từ ngày 22/7/1993, tức ngày cuốn sách đáng lẽ xuất xưởng thì bị giữ lại. Đau này thật tê điếng cả cái cơ quan đang nghèo khổ của chúng tôi!

Số sách còn lại đã được cất vào kho niêm phong. Ngày 25 tháng 2 năm 1994, Bộ trưởng Trần Hoàn viết báo cáo gửi Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nói rằng: Cuốn sách không được phát hành là đã được xử lý đúng luật!

  23/11/1994, thực hiện công văn số 1067QĐ/TLĐ, Hội đồng xử lý cuốn sách kiểm kê số sách đã niêm phong trong kho được tất cả 402 kg. Biên bản cuộc họp ghi rõ: “Hội đồng xử lý đã kiểm từng cuốn, cân và bốc lên xe chở đi hủy (ngâm vào bể nghiền, thành bột giấy). Đảm bảo đã hủy hết, không cuốn nào còn sót lại. Địa điểm hủy: Cơ sở seo giấy ông Trưởng thôn Đào Xá, Yên Phong, tỉnh Hà Bắc.

Ngày đoàn xe chở cuốn Chúa Trời ngủ gật đi nghiền thành bột giấy, nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn được biết, anh cùng một phóng viên ảnh báo Tiền phong đã tìm đến với ý định là “mật phục”để chụp hình chiếc xe tang nọ. Tiếc thay, sáng ấy, hơn 8 giờ các anh phóng xe đến trụ sở Nhà xuất bản Lao động 175 Giảng Võ thì nó đã cao chạy xa bay từ tinh mơ rồi. Lỡ mất một ảnh lịch sử!

Cùng với sự việc trên, theo lệnh Tổng liên đoàn, một đoàn cán bộ Nhà xuất bản Lao động được cử đi gặp Nguyễn Dậu để “uý lạo” ông 1 triệu 500 nghìn đồng và khuyến dụ ông chấp nhận việc huỷ sách. Gần đây, trò chuyện với nhau, Anh Chi cho tôi biết: Hôm đoàn xe ôtô chở cuốn Chúa Trời ngủ gật đi nghiền thành bột, Nguyễn Dậu đã đến khóc ở nhà Anh Chi.

 

2.

Năm 1990, Nhà xuất bản Lao Động của tôi in cuốn Ác Mộng của Ngô Ngọc Bội. Đây là cuốn sách đầu tiên trong số sách văn học viết về những sai lầm của cuộc Cải cách ruộng đất một cách thấm thía, xót xa, trong tinh thần xây dựng của người trong cuộc. Tuy nhiên, cuốn sách đã chịu chung số phận của những tác phẩm dám nói sự thật. Một cuộc hội thảo đã được tổ chức tại trụ sở Tổng Liên đoàn, sau khi cuốn sách bị đắp chiếu nằm im ở Quốc doanh phát hành sách ba tháng trời. Phê phán cuốn sách là bóp méo sự thật, bôi đen hiện thực, có vị đại biểu đứng lên đọc một bản thống kê dài dặc nói về thành quả Cải cách ruộng đất, nào là đã đánh đổ bao nhiêu địa chủ cường hào ác bá, nào là đã chia bao nhiêu ruộng đất, nhà cửa, trâu bò… cho nông dân. Phổ biến là lối phê bình xã hội học giản lược. Tôi nhớ là Phong Lê, tôi và Xuân Trình đã cãi lại, nhưng hiệu quả xem ra không nhiều.

 Lúc này nhà thơ Võ Văn Trực đã hoàn thành cuốn Chuyện làng ngày ấy, một hồi ức văn xuôi kể lại một cách chân thực và sinh động cái thuở ban đầu sôi nổi và ấu trĩ của cách mạng ở làng quê anh. Một hôm tôi đến nhà Thiếu Mai chơi, thấy chị trả lại bản thảo này cho Trực, với lời nhận xét: “Chuyện viết rất hay, nhưng chắc lúc này khó mà in được”. Tò mò, tôi bảo Trực cho tôi mượn về đọc.

Tôi đọc, trưởng phòng văn học Xuân Du, nhà văn Trần Dũng, nhà văn Phạm Ngọc Chiểu, nhà thơ Quang Khải đọc. Chúng tôi thống nhất nhận định: Đây là một cuốn sách hay, tất nhiên là gai góc vì nó nói thật những sai lầm có tính chất tả khuynh, cực đoan của một thời, nhưng lúc này đã là năm 1990, là lúc cần phải nói và có thể in cuốn này được!

Rất tiếc, cuốn sách gặp trục trặc to! Số là, sau khi biên tập xong, nó được Giám đốc Nhà xuất bản Lê Thanh Tùng đưa lên xin ý kiến một ông trong Ban thư ký Tổng liên đoàn. Và ông này lại là người đồng hương với Võ Văn Trực. “Tôi đảm bảo làng quê tôi không có những chuyện này”. Ông khăng khăng vậy. Lý lẽ của kẻ cầm quyền, dù chỉ là một cá nhân nhỏ nhoi cũng là lý lẽ của kẻ quyết định. Thời buổi này là thế, biết làm sao đây? Học cách xử lý của Xuân Cang, tôi đành bảo các đồng nghiệp rằng: Cơm không ăn gạo còn đó, còn thời gian, hãy chờ đợi, lo gì; nghe rất là AQ, nhưng có cách nào hơn. Văn nghệ thời nào mà chẳng ở thế hèn kém vậy, biết làm sao được?

Nói đến cái hèn kém của văn nghệ, lại nhớ đến chuyện cũ, ấy là vào những năm 80 của thế kỷ trước, đọc mấy cái hồi ký về thời Đại cách mạng Văn hoá của những Quách Mạt Nhược, Lão Xá, Ba Kim bên Tầu, thấy họ nói sợ Hồng vệ binh, sợ phong trào quần chúng đến mức thất thần, đến mức tưởng là mình thối tha, có sai lầm thật, nên trước các cuộc đấu tố chỉ còn biết cúi đầu nhận tội, chẳng dám ho he gì, tôi mới hiểu rằng: tình thế lúc ấy là thế, rất khó khác được!

Trở lại với cuốn sách Chuyện làng ngày ấy. Ít lâu sau, năm 1993, quan nhất thời, dân vạn đại, ông lãnh đạo nắm quyền sinh sát cuốn sách nọ rời cương vị về hưu, Xuân Cang về làm giám đốc Nhà xuất bản Lao động, chúng tôi chớp được thời cơ, đưa bản thảo vào kế hoạch in ngon lành.

Những cuốn sách bị cấm, bị thu hồi, bị rầy rà… không phải chỉ là mấy cuốn tôi được biết vì có quan hệ. Còn Trư cuồng của Nguyến Xuân Khánh. Còn Chuyện kể năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn. Còn Người trong ống của Vi Hồng… Nay nhớ lại cái thời tất cả dư luận chính thống tập trung phê phán rồi cấm đoán thu hồi những là Đống rác cũ, Con nai đen, Sương tan, Sắp cưới, Nhất định thắng, Vào đời… mà thấy thương nhà văn ta quá. Mà thấy xót đau cho Hoàng Tiến bạn tôi tài năng đa diện thế mà long đong cả một đoạn đời trai trẻ, mà như là tan xương sau cái Sương tan. Mà thấy người cầm cân nẩy mực nhất thiết phải là người có cái tầm nhìn xa. Không phải là không có những lòng tốt mù lòa tai hại! Tuy nhiên, lúc này, kể lại những chuyện đã qua, chẳng phải là để oán trách ai. Không cái gì có thể vượt được thời gian. Lịch sử là một ngày hội huy hoàng và cũng là một đống những ngộ nhận sai lầm phi tự giác. Kể lại để biết là có một thời ấu trĩ, giản đơn như thế! Kể lại để thấy vui mừng trước bước tiến lên dân chủ, văn minh, hiện đại do Đảng ta dẫn lối chỉ đường./.


Có thể bạn quan tâm