May 2, 2024, 4:59 am

Sắc pháo giao thừa

- Mẹ! Tràng pháo là gì? Vì sao từ nhỏ đến giờ con chưa nhìn thấy nó?

Con trai đưa câu đối “Thịt mỡ…” ra hỏi kèm một vẻ mặt đầy thắc mắc. Thốt nhiên, bao kỷ niệm về ngày tết thuở ấu thơ ập về tâm khảm tôi, réo rắt ngân lên những cung bậc rất đỗi ngọt ngào.

Hồi ấy đang thời kỳ bao cấp, tết của chúng tôi không được đầy đủ như bây giờ. Mỗi nhà sẽ được phân phối theo tiêu chuẩn mấy cân gạo nếp và mấy yến gạo tẻ. Tết, nên chất lượng gạo sẽ ngon hơn mọi lần trong năm, chưa bị mối mọt và không có mùi ẩm mốc. Khoảng chiều 27, 28 tháng Chạp, chiếc xe tải của phân xưởng eng éc tiếng lợn kêu. Đó là công ty mua mấy chục con lợn về cho công nhân ăn tết. Mẹ tôi là bếp trưởng bếp ăn công ty, luôn bận rộn nhất. Quanh cái giếng của bếp ăn, sẽ là mấy chú cao to lực lưỡng, lợn được tuần tự hành quyết từng con, một tốp cô chú khác phụ trách khâu cạo lông, xẻ thịt. Trong này, mẹ cùng vài cô chú khác phụ trách nấu nước sôi, còn bắc thêm một nồi cháo gạo to để vừa luộc nội tạng, vừa có chút bồi dưỡng cho đội quân tham gia cuộc phân phối thịt chiều nay. Lũ trẻ chúng tôi cả năm chỉ trông đến ngày ấy. Thích nhất là được bố hoặc mẹ ngoắc lại xẻo cho miếng thịt luộc hay miếng gan nóng hổi, rồi ù té chạy ra chỗ vắng ăn ngấu nghiến. Thời buổi đói kém, miếng thịt ngọt lừ giữa chiều cuối năm lạnh giá quý vô ngần, nó mãi mãi đi vào tiềm thức của những đứa trẻ như tôi, giúp chúng tôi trân quý hơn những gì đang có trong hiện tại.

 Tôi, lúc ấy là đứa con gái quanh năm đầu bù tóc rối. Tết, thể nào mẹ cũng sửa sang lại mái tóc cho mấy cô con gái theo khả năng của mẹ, 4 đứa con, đứa nào cũng có một bộ quần áo mới. Có khi từ giữa năm, được khoản tiền gì đó, mẹ đã mua trước rồi. Mẹ kêu từng đứa vào ướm thử xem có vừa không rồi cất biến dưới đáy rương. Được nhìn các con xúng xính, tung tăng trong những bộ áo quần mới tinh tươm là niềm vui lớn nhất trong năm của bố và mẹ. Kể từ ấy, mấy đứa chúng tôi thỉnh thoảng nhân lúc nhà không có ai, lén mở rương rồi lôi bộ quần áo của mình ra ngắm nghía. Thời ấy, đi học có được hai bộ đổi nhau là khấm khá lắm rồi. Tôi luôn là đứa phải mặc thừa của hai chị, chẳng sao cả, tôi vui.

Hồi ấy, mẹ thường tự làm các loại mứt, chủ yếu là mứt gừng, có năm mẹ làm thêm mứt bí đao, mứt dừa, cà rốt... Chúng tôi thích nhất lúc mẹ làm xong mứt gừng, mẹ đổ hết mứt ra tờ báo chờ mứt khô, dưới đáy chảo bao giờ cũng còn dính một lớp đường và ít vụn từ mứt, chúng tôi đổ vào đấy chút nước sôi, quậy cho đường tan ra và chia nhau uống. Ngọt ngọt, thơm thơm, cay cay mới đã làm sao.

Và, trong những thứ mẹ gắng gỏi lo cho đàn con một cái tết tươm tươm, không thể thiếu ít nhất một phong pháo. Mẹ yếu tim, chỉ mua pháo trung. Cậu em tôi ỉ ôi đòi mua pháo đại. Bố chiều con trai, tặc lưỡi lấy trong số tiền còm mua thêm.

Thường thì từ chiều 30, đã bắt đầu đì đẹt từng tràng pháo lớn nhỏ. Đó là pháo cho mâm cỗ tất niên, mừng vong hồn ông bà tổ tiên được gia chủ mời về nhà đón tết. Thanh niên bao giờ cũng là đối tượng chơi pháo và sở hữu pháo nhiều nhất. Hồi ấy, đi đường, không cẩn thận, ai cũng có nguy cơ bị thanh niên ngổ ngáo châm pháo ném vào người, nhẹ thì giật mình kinh hãi, nặng thì bị cháy thủng một lỗ trên áo quần.

Thời khắc giao thừa mới là lúc hồi hộp nhất cùng bánh pháo. Khi bố thắp hương lên bàn thờ xong, cậu em tôi sẽ lấy phong pháo lớn nhất mà nhà có để treo lên thanh xà trước hiên. Những viên pháo được quấn bằng giấy màu hồng thành từng lọn bằng ngón tay cái người lớn, lõi trong là thuốc pháo, đầu mỗi viên được đặt một giây cháy chậm nối từ lõi và thòi ra một đoạn cỡ vài phân, dài ngắn tùy vào độ to nhỏ của viên pháo. Những viên pháo ấy được kết thành một chuỗi dài. Trong mỗi phong pháo bao giờ cũng có một viên pháo tống to bằng ngón chân cái đàn ông, gọi là pháo đùng hay pháo đại hoặc pháo tống. Viên pháo ấy sẽ được châm nổ đầu tiên rồi mới đến lượt châm vào chuỗi pháo đang treo trên xà. Nhà ai pháo tống nổ càng to, chuỗi pháo nổ đanh giòn, liên tục không ngắt quãng, xác pháo hồng tươi rải đầy sân được xem như là điềm lành, năm ấy gia chủ sẽ làm ăn thuận lợi, mọi thứ hanh thông. Có năm, mẹ mua phải pháo ẩm, bị xịt ngay từ quả tống đầu tiên, chuỗi pháo lẹt đẹt vài quả lại tắt ngúm, xác pháo tả tơi là những mảnh giấy được tận dụng từ báo cũ, cậu em tôi mặt buồn thiu. Bố mẹ cũng buồn vì chưa mang được niềm vui giòn giã cho cậu con trai mê pháo. Trong những lần đốt pháo đón giao thừa như thế, ba chị em gái chúng tôi vừa sợ vừa bịt tai thích thú nhìn từng quả pháo chớp lòe và nổ tung, xác pháo hồng bay rải đều khắp chốn. Khi nổ xong quả cuối cùng, em tôi lao vào lúi húi nhặt từng quả pháo xịt, rồi tỉ mẩn tháo từng lớp giấy ra, dồn thuốc từ nhiều quả pháo, xé vở cũ chế thành một quả to đùng. Phần lớn những quả ấy rất ít nổ. Ơn trời! Tuổi thơ nghịch ngợm của em tôi không chịu rủi ro từ pháo. Những ngày tết, con Đara lúc nào cũng thất thần, đuôi cụp sát bụng, lấm la lấm lét đến tội. Chó sợ nhất là pháo và sấm, những lúc có pháo nổ hay sấm rền cái uy phong thường ngày của chó hoàn toàn biến mất.

Tôi là đứa nhát gan nhưng thích pháo. Có được vài đồng mừng tuổi ít ỏi, tôi mua phong pháo tép, viên pháo chỉ bé bằng đầu đũa. Rồi ngồi gỡ rời ra từng viên, cũng tập tọe châm lửa vào đầu dây cháy chậm ném ra xa, và giật nảy khi viên pháo phát ra tiếng nổ nhỏ, đanh giòn nhưng vô cùng sung sướng.

Ngày ấy, cứ dịp áp tết, truyền thông liên tục đưa tin về những vụ tai nạn liên quan đến pháo, nào là xe khách bị nổ tung do trên xe có hành khách mang pháo lậu, nào cậu trai nọ, ông bố kia bị cụt tay, hỏng mắt do tự làm pháo bằng thuốc súng. Và, sau đêm giao thừa, sau những giờ phút hân hoan với tiếng nổ đì đùng, vẫn là những bản tin về sự cố thương tâm xảy ra đó đây liên quan đến pháo. Thế là pháo bị cấm triệt để. Cấm trong sự thở phào nhẹ nhõm của những người yếu tim, sợ tiếng pháo, của những người luôn mong cầu bình an cho mọi nhà, mọi sinh linh. Nhưng là niềm tiếc nuối khôn nguôi của bao người chung niềm đam mê pháo. Cái tết đầu tiên cấm pháo, giao thừa lặng lẽ trôi qua. Thanh niên tụm ba tụm năm nhìn nhau tay chân thừa thãi, nhưng đã là lệnh cấm kèm những chế tài phạt nặng nên ai cũng chấp hành. Cũng từ năm ấy, những chú chó nhà tôi không phải đuôi cụp, mắt xanh lè dáo dác tìm nơi trốn tiếng pháo.

Vài năm trở lại đây, pháo đang có cơ trở lại, dù lệnh cấm pháo vẫn chưa bãi bỏ, phần lớn là pháo hoa. Đó là pháo người ta mua lậu về đốt. Tôi không còn trẻ nữa, em tôi nó cũng gần 40, nhưng niềm vui chơi pháo vẫn còn nguyên trong tim nó. Tôi ngoài miệng khuyên nó đừng đốt, nhưng hễ nghe hàng xóm đùng đoàng là lật đật chạy ra xem. Lắm khi ra đến nơi thì tiếng pháo đã im bặt. Giao thừa mấy năm gần đây, người dân thường được xem bắn pháo hoa. Con trai tôi háo hức trước cả nửa tháng. Mỗi ngày cu cậu đều hỏi còn bao lâu nữa là tết, bao lâu là đến giao thừa để cả nhà cùng đi xem pháo. Trịnh trọng đặt lên ban thờ những lễ vật cần thiết cho buổi chuyển giao sứ mệnh của vị quan Hành khiển, chồng tôi đốt nắm nhang thơm lầm rầm khấn xin bề trên thể tất cho việc gia chủ thắp nhang trước thời điểm 0 giờ để con trẻ được đi xem bắn pháo hoa. Đúng giao thừa, sau quả pháo hiệu được bắn lên, lập tức trời đêm rực rỡ thứ ánh sáng đầy mê hoặc trong tiếng nổ râm ran, hoan hỉ. Đám đông mừng vui reo hò xuýt xoa tán thưởng. Thời khắc ấy, ngắm những bông lửa xanh, đỏ, tím, vàng lộng lẫy trên nền trời đen thẫm, bạn nghĩ gì không? Còn tôi, tôi xóa sạch những bực dọc, nỗi buồn trong năm cũ, chỉ nghĩ đến niềm vui. Và, mong cầu một năm mới an bình, người người nhà nhà hạnh phúc.

Năm nay, vừa nghe tin vui Chính phủ cho nhân dân được đốt pháo, là loại pháo hoa không nổ. Trong tôi bỗng trào lên bao nỗi niềm ngày tháng cũ. Ngày tháng thơ ngây mong mỏi dịp tết đến xuân về được nghe tiếng pháo râm ran, được đi tha thẩn ngắm xác pháo vương đầy các ngõ. Được chứng kiến niềm vui của cậu em trai khi mân mê những tràng pháo nưng nức mùi tết. Niềm vui, đôi khi chẳng cần gắng gỏi, tự thân nó đến từ những điều cực kỳ bé nhỏ, giản dị. Với chúng tôi, giữa muôn vàn lo toan, cũng chỉ cần có thế.

Vào mỗi dịp sinh nhật thành viên nào đó trong gia đình tôi, không thể thiếu chiếc bánh sinh nhật kèm 2 mẩu pháo bông nho nhỏ. Cả nhà sẽ tắt đèn. Con trai tôi và đứa em họ của nó mỗi đứa được cầm một mẩu, tự châm lửa và cầm cho pháo phun rực lên chói lòa muôn sắc. Khoảnh khắc ấy, chỉ trôi qua trong chớp mắt, mắt con trai tôi, mắt cháu tôi ánh lên sự phấn khích thật khó diễn tả bằng lời. Chỉ một điều rất rõ ràng, chúng cực kỳ thích thú!

Vậy là năm nay, ngoài những thứ cần phải sắm cho tết như mọi năm, thứ tôi cần lưu tâm là pháo. Pháo hoa không nổ. Dù không được rộn ràng, giòn dã như pháo thuở xa xưa, nhưng tết năm nay các con tôi sẽ có thêm niềm háo hức trông đợi nữa. Đó là pháo. Tôi sẽ được ngắm các con tíu tít với thứ được gọi là pháo hoa không nổ ấy (nó hình thù như thế nào tôi chưa hình dung được), sẽ được nhìn thấy ánh mắt con ngời lên theo chùm tia lửa xanh đỏ, tím vàng cháy rực trong trời đêm của thời khắc năm cũ năm mới giao hòa. Và chúng tôi, những người sinh ra chúng, từ giây phút ấy, tựa cửa mỉm cười và cầu mong một tương lai an lành cho các con.

Nguồn Văn nghệ số 6+7+8/2021


Có thể bạn quan tâm