April 26, 2024, 3:52 pm

Rung ngân khát vọng sống của con người

Thật khó khi viết một trường ca về đại dịch Covid -19, khó nữa là viết về con người, đất nước và nhân loại đã vượt qua đại dịch ấy ra sao, trên đường đi sai đúng thế nào? Đây có lẽ là sự dấn thân của nhà thơ Bùi Phan Thảo trước trách nhiệm của một người cầm bút và cao hơn hết là trách nhiệm của một công dân Tp. Hồ Chí Minh trong những ngày đất nước gian nan ấy.

Với đề tài này, nếu như trước đây không lâu, nhà văn Thu Trân với Thế giới phẳng mùa Covid, đã giành được sự quan tâm của người đọc ở thể loại văn xuôi, thì giờ là Bùi Phan Thảo với tập trường ca Những ngọn khói về trời, tác phẩm vừa được Hội Nhà văn Tp. Hồ Chí Minh trao giải thưởng văn học năm 2022.

Trong Những ngọn khói về trời, tác giả kể về những ngày tháng không thể nào quên của nhân loại và của mỗi người. Tập trường ca chất chứa những cảnh ngộ bi ca trong tráng ca về lòng nhân, về đất nước, về nhân loại, về những điều không tưởng giữa địa ngục và thiên đường mà loài người đã vượt qua...

“Còn nhiều góc khuất tối tăm trên địa cầu này/ người nghèo không có quyền lựa chọn/ quyền sống bình đẳng cũng là hàng xa xỉ phẩm/ nhưng con virus dã man là thứ vô tri/chúng tấn công con người bất kể giàu nghèo/ bất kể màu da/ chúng nhấn chìm nhân loại xuống đáy đau thương/ những xác thân đã mất linh hồn/ lạnh lẽo nằm bên nhau chờ đưa đi siêu thoát”… (chương “Nhân loại bàng hoàng”).

Phải chăng sự khái quát đó làm cho con người thêm bi quan, mất phương hướng để rồi buông xuôi? Không! Ta hãy lắng nghe:

“Chỉ một đêm thôi/ mà đêm nay cũng không phải là đêm/ chỉ là ngày nối dài qua trong chập chờn giấc ngủ/ bao người như tôi không ngủ/ ngày mai, lệnh phong tỏa đầu tiên.../ điều ước lệ trở nên hữu dụng/ sợi dây như bức tường để giữ chân nhau (Chương “Đêm trước ngày phong tỏa”).

Có thể thấy Bùi Phan Thảo viết Những ngọn khói về trời như một thôi thúc, không thể không viết với cảm xúc tuôn trào. Đại dịch Covid-19 như một “đại hồng thủy” tràn qua đời sống nhân loại thời hiện đại, gây ra những thảm họa đau thương. Không ai có thể dửng dưng trước biến cố lớn lao này khi đại dịch tràn vào từng nhà, ai cũng có thể là nạn nhân của nó và từng ngày từng giờ, giữa lằn ranh tử sinh mỏng manh, ai cũng nhận ra lẽ vô thường của cuộc sống.

Trong cuộc chiến này, lúc dịch khởi phát, hoành hành, chưa biết kết cục ra sao nhưng vẫn phải kiên cường, phải có lòng tin, phải đoàn kết, vững tâm mới có thể chiến thắng đại dịch. Trăm triệu người dân Việt đã thấy được quyết tâm của chính quyền, của đất nước luôn đặt sinh mạng của con người, của tất cả mọi người lên trên hết. Lúc này không phải là lúc hô khẩu hiệu, mà là lúc phải ra tay hành động... Dù đâu đó vẫn bất ngờ, bị động, lúng túng… Bùi Phan Thảo đã đặc tả về Sài Gòn – Tp. Hồ Chí Minh trong những ngày tháng phong tỏa gian nan ấy:

“Thành phố vắng hoe/ như giấc ngủ kéo dài của người dậy muộn/ tiếng rao đêm đã chìm sâu sau những bức tường/ Đã mấy tháng rồi dịch giã leo thang/ những đồng tiền còm cõi bay đi theo bàn tay trắng (Chương “Đêm trước ngày phong tỏa”).

Rõ ràng trong sự bi ai của rất nhiều số phận, của rất nhiều cảnh ngộ đáng thương, ta vẫn thấy những nỗ lực phòng chống dịch, cả hệ thống chính trị vào cuộc. Tp. Hồ Chí Minh là nơi đại dịch lan nhanh nhất, rộng nhất cả nước, người dân Tp. Hồ Chí Minh gồng mình, kiên cường chống dịch:

 “Sài Gòn chưa bao giờ lặng im như thế/ Sài Gòn đau một phần thân thể/ oằn mình chống chọi tang thương/ đã từng là thành phố 24 giờ không ngủ/ nay im lìm quạnh quẽ giữa đêm rơi”…

“Sài Gòn đau trời đất cũng đau/ những chùm ca bệnh dồn vào hẻm nhỏ/ khăn tang trắng từ đầu con phố/ nước mắt vòng quanh ra đến bờ kinh/ Biết mỏng mảnh lằn ranh tử sinh/ mà vẫn nhói lòng con số mỗi ngày trên báo/ tôi ngồi lặng trước tin bài từng đêm giông bão/ ngoài kia gió quật mưa gào/ nước mắt khô lại đầy như biển/ sóng dâng lên trôi hết những vì sao… (Chương “Sài Gòn đau một phần thân thể”).

Nhà thơ cũng như bao người dân nước Việt cũng trải qua nhiều cung bậc cảm xúc trong những tháng ngày đó. Lúc hoang mang, lo lắng, chưa biết diễn biến dịch ra sao, tác hại thế nào lên cuộc sống, sinh mạng cá nhân, gia đình và cộng đồng; lúc vui mừng, lạc quan trước những diễn biến khả quan hơn, dịch bệnh từng bước được đẩy lùi, cuộc sống từng ngày trở lại bình thường… Mỗi ngày ai cũng nhìn ra, nhìn quanh, mong những con số ca bệnh, số người lìa đời giảm đi; mong những bữa cơm không còn nghẹn lại khi hay tin một người thân đã không thể vượt qua, thương những em bé thơ dại phải chịu cảnh mồ côi.

Trong gian khó, khổ đau luôn xuất hiện những tấm lòng, mà trước nhất là những y bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch:

Những đứa con của chúng tôi/ mai này sẽ nói về ngày chúng lớn lên vắng vòng tay cha mẹ/ với niềm tự hào rạng rỡ/ không có lựa chọn hay chối từ/ không còn thời gian để lo âu có thể mình nhiễm bệnh/ khi vào cuộc đua giành mạng sống cho người/ những toan tính thiệt hơn là chuyện xa xôi/ sau chiếc áo blouse là con tim ấm lời thề Hippocrates/ những chuyến lên đường vì bình yên đất nước/ luôn có bóng thiên thần trong nỗi nhớ thương/ các con cho mẹ cha chân cứng đá mềm/ để về hôn má phính tóc tơ tột cùng hạnh phúc…(Chương “Sài Gòn đau một phần thân thể”).

Cảm xúc lắng sâu, cuộn chảy thành câu chữ. Những dòng thơ thể hiện sự kiên cường của người dân Tp. Hồ Chí Minh chống chọi, vượt qua đại dịch. Nhiều người, nhiều ngành và cả nhiều văn nghệ sĩ cùng chung tay:

“Chị nhà văn vét gạo nhà cho em và bà con lối xóm/ lên mạng gọi bạn bè người quen góp sức góp công/ các nữ nhà văn kết nối xin gạo đem cho dân/ đến từng nhà từng hẻm/ thấy người nghèo mừng mà mình tủi vì thương/ chỉ tấm thẻ nhà văn đi xuyên qua thành phố/ các trạm cũng cho qua vì hiểu tấm lòng lành/ Cũng biết xông pha thì sẽ nguy nan/ lỡ có mệnh hệ gì ai lo khi nhiễm bệnh/ nhưng nằm nhà lại cồn cào nghĩ từng cảnh ngộ/ thôi dấn bước ra đường quên cả hiểm nguy... (Chương “Thơm mãi những bàn tay”).

Tất cả đều thể hiện những tấm lòng vì mọi người, vì cộng đồng, vì thành phố thân yêu, vì cả nước để vượt qua đại nạn này. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, câu thành ngữ ấy mãi đúng với con người và cảnh ngộ xưa nay. Vượt lên tất cả, đó là tình người, tình đồng loại, đồng hương... cùng ý chí và nghị lực sống. Bùi Phan Thảo đã trộn mình vào mọi người, mọi hoàn cảnh để quan sát, để cảm nhận mà hóa thành thi ca. Ý thức nghề nghiệp đã tạo ra những ngân rung vươn mình:

“Những bàn tay của triệu người dân Việt/ qua những cách ly đợi phút sum vầy/ nhận ra nhau sau khẩu trang nói lời bằng đôi mắt/ và nụ cười tỏa sáng giữa hồn nhau/... sẽ có ngày hân hoan nụ cười nước mắt/ đất nước yên bình thơm mãi những bàn tay”…

Tất cả đã gói gọn, đã đọng lại một điều như là chân lý: “Cây kết trái cùng bóng râm tỏa rộng/ thành phố phương Nam bừng sáng nghĩa nhân… (Chương: “Thơm mãi những bàn tay”).

Cuối cùng tiếng nói đanh thép cất lên như một lời tuyên chiến của lương tri với những tội ác do chính con người gây ra:

“Đại dịch đặt loài người trước sự lựa chọn/ sống hay chết/ chết ra sao và sống ra sao/ lương tâm không thét gào/ không lên giọng nói điều răn dạy/ song lũ gian manh đừng hòng bỏ chạy/ các người không né tránh được đâu/ làm điều ác phải trả bằng chuyện ác/ đi ngược dòng đời làm trái nghĩa nhân/ đừng hòng mơ giấc ngủ ngon không mộng mị/ đối diện những mặt người nhàu nhĩ/ những khổ đau chất ngất của nhân quần/ các người không thể sống bình yên/ dân đau khổ tang thương/ các người táng tận làm giàu/ tiền chảy vào từng túi tham như suối/ các người có thấy màu tiền đỏ như máu/ đỏ như mặt trời/ sẽ nhấn chìm các người/ cùng tội lỗi không bao giờ gột được… (Chương “Đối diện”).

Qua tập trường ca, người đọc cả nhận rõ hơn về khí chất, tình cảm của người Việt. Đau thương nhưng không bi lụy, vẫn lạc quan, mạnh mẽ, kiên cường làm lại cuộc sống sau những mất mát. Biết bao sinh linh đã từ giã cõi đời một cách không ngờ khi đại dịch tràn qua, những ngọn khói đưa linh hồn họ bay đi. Qua đại dịch, toàn nhân loại và mỗi con người cũng sáng rõ thêm nhiều điều. Ai cũng có câu chuyện về Covid-19 cùng những cảm nhận về Covid-19 của riêng mình. Song không khó nhận ra rằng, đại dịch đã thay đổi lối sống, nếp nghĩ của con người. Ai cũng thấy không gì tốt đẹp hơn đời sống; không gì quý giá như mạng sống. Hãy sống với nhau cho thật đúng nghĩa làm người.

Những ngọn khói về trời cũng chuyển tải thông điệp về tình người, niềm tin, ý chí kiên cường, về nhân nghĩa truyền đời sâu sắc. Chọn thể loại trường ca, Bùi Phan Thảo đã chuyển tải được những tâm tư, ước nguyện, những giãi bày về cuộc sống và sẻ chia tình cảm của đồng loại, đồng bào; rung ngân những khát vọng sống của con người…

Trần Mai Hường

Nguồn Văn nghệ số 52/2022


Có thể bạn quan tâm