April 27, 2024, 2:18 am

Rối điện nghệ thuật - niềm tin và hy vọng

“Nghệ thuật là tấm gương phản chiếu hiện thực đời sống.” Nhưng hiện thực đời sống qua “tấm gương” ấy lại phải được nâng lên tầm nghệ thuật mới. Có như thế, nghệ thuật mới không ngừng chuyển động. Đó cũng là trách nhiệm, cố gắng của những nghệ sĩ. Trong hai năm đại dịch Covid-19 hoành hành, phần lớn các hoạt động nghệ thuật biểu diễn buộc phải lắng lại. Trong khoảng lắng đó, có những nghệ sĩ tận dụng thời gian để đi vào chiều sâu, tìm tòi, khám phá, hay thực hiện những dự án lớn của họ. Rối điện nghệ thuật đã ra đời trong đầu tháng 11 năm 2021, đánh dấu một thành công nữa đối với loại hình nghệ thuật rối cạn.

Đạo diễn Nguyễn Phi Tuấn và các bạn nhỏ trải nghiệm nghệ thuật rối nước

Nghệ sĩ, đạo diễn Nguyễn Phi Tuấn, trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí vài năm trước đã cảm thán: “mất hàng tỉ đồng mồ hôi công sức, tiền bạc không còn, nhà cửa đã cầm cố, tôi đã quá nản và kiệt sức khi theo đuổi đam mê múa rối”. Đó là vì thời điểm ấy, một lần nữa Nhà hát Múa rối Cố đô Huế của ông buộc phải đóng cửa, vì chủ sở hữu thu hồi mặt bằng. Đây là đơn vị nghệ thuật xã hội hóa, được Nguyễn Phi Tuấn tự bỏ tiền xây dựng từ năm 2007… Thời điểm còn đang hoạt động, trung bình mỗi năm Nhà hát Múa rối cố đô Huế đón khoảng 8.000 du khách đến xem biểu diễn, trong số đó có khoảng 60% là khách từ các tour du lịch. Loại hình rối nước và rối cạn đều được ưa chuộng. Nhà hát còn được các đơn vị lữ hành lớn đưa vào sách giới thiệu những điểm du lịch đáng đến khi chào bán tour cho khách nước ngoài tại 4 quốc gia Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Đức.

Thế rồi, hết chuyện lận đận mặt bằng xây dựng nhà hát, lại đến đại dịch Covid ập đến. Không thể hoạt động, người nghệ sĩ giám đốc không chỉ đứng trước mối lo cơm áo cho anh chị em đồng nghiệp, mà còn trước những trăn trở, thai nghén về sự sáng tạo, đổi mới. Từ ý tưởng và niềm đam mê, cộng với quyết tâm ẩn mình suy tư, bằng cả tâm sức, cặm cụi miệt mài với đủ vai trò “thợ”: thợ máy, thợ hàn, thợ mộc, thợ vẽ, và trong… 4 tháng không có khái niệm giờ ăn, giờ ngủ, ngày hay đêm, rối điện nghệ thuật đã chào đón chính chủ nhân khai sinh ra nó bằng một niềm hạnh phúc và tự hào.

Khi “khoe” hai đứa con tinh thần mới nhất, vị đạo diễn mê đắm nghệ thuật dân gian này đã thốt lên: “Cũng xin cảm ơn con Covid chết tiệt… đã cho tôi có thời gian lắng lại để suy tư và sáng tạo…”

“Ngay khi thông tin việc tôi thành công chế tạo rối điện, rất nhiều phản hồi tích cực được gửi đến. Những trường học trước đây chúng tôi thường đưa nghệ thuật rối đến biểu diễn, đã bày tỏ mong muốn học sinh của họ sớm được xem những tiết mục rối điện”. Đạo diễn Phi Tuấn chia sẻ.

Về rối điện: Những tác phẩm rối điện nghệ thuật này sẽ xuất hiện lần đầu tiên trên sân khấu Nhà hát Rối và Xiếc Phương Nam trong những ngày đầu năm mới 2022 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trước mắt, đây là những tác phẩm có thời lượng ngắn, tương tự một tiết mục minh họa.

Vậy, rối điện là gì?

Theo ông Nguyễn Phi Tuấn, rối điện không phải là loại hình mới mẻ. Nhưng đưa rối điện lên tầm nghệ thuật, trở thành một tiết mục biểu diễn trên sân khấu múa rối, là một loại hình mới trong loại hình nghệ thuật rối cạn, thì có thể nói đây là những tác phẩm đầu tiên trên đất nước ta, cũng có thể là đầu tiên trên thế giới. “Trước đây, khi xem các trò rối điện, rối máy, tôi rất thích. Làm rối kiểu này, mình sẽ không phải điều khiển. Nhưng, tất cả các hình thức rối máy hiện có chỉ dừng lại ở mức giải trí, trò vui, không có tính nội dung, tính nghệ thuật và bản sắc văn hóa. Tức là họ chỉ làm rối tiêu khiển. Tôi đã đặt câu hỏi: tại sao mình không đưa âm nhạc, trang phục, các yếu tố văn hóa vào rối điện để tạo thành tác phẩm nghệ thuật?”

Là một nghệ sĩ đắm say với nghệ thuật truyền thống, đạo diễn Nguyễn Phi Tuấn từng đứng trước rối và tưởng tượng, hình dung đó là không khí hội hè tại các buôn làng ở Tây Nguyên, nơi ông đã từng có một thời gian gắn bó. Hay không gian văn hóa sông nước Nam bộ với nghệ thuật đờn ca tài tử. Tất cả những gì ông thấy trong quá khứ, hiện tại đều hiển hiện rất sống động qua rối. Từ cơ sở đó, ông đặt mục đích là xây dựng các tác phẩm có chủ đề, có tính bản sắc văn hóa rất rõ ràng. Ông có tham vọng tái hiện những di sản văn hóa của Việt Nam đã được thế giới công nhận. Tác phẩm nghệ thuật này có thể không chỉ để xem, mà còn có thể trưng bày ở bảo tàng nào đó. Ví như thời gian tới là chủ đề Nhã nhạc Cung đình Huế, hay khôi phục các tác phẩm có chủ đề về làng quê Việt Nam.

“Tôi đã cố gắng đột phá, làm sản phẩm này để nó trở thành một tác phẩm nghệ thuật. Chưa có ai làm rối máy, rối điện để đưa lên sân khấu cả. Tham vọng của tôi là đưa những tác phẩm này lên sân khấu biểu diễn, như một tiết mục độc lập. Khi nhà hát được hoạt động trở lại, nó sẽ là tiết mục bổ sung cho nhà hát”. Khi đạo diễn Nguyễn Phi Tuấn hào hứng chia sẻ thông tin về rối điện trên mạng xã hội và YouTube, có người đã rất lạc quan: “Sáng tạo này mở ra kỷ nguyên mới cho nghệ thuật rối Việt Nam hiện đại.”

Theo đạo diễn Phi Tuấn: Có rất nhiều loại hình rối, ngoài rối nước là loại hình nghệ thuật độc nhất vô nhị, chỉ có ở Việt Nam, thì rối cạn lại vô cùng phổ biến trên thế giới. Mà tốc độ phát triển của rối cạn thì diễn ra hàng ngày chứ không phải hàng năm. Ngày nào cũng có thể có một nghệ sĩ sáng tạo ra những cái mới mẻ cho loại hình nghệ thuật này, rất hiện đại. “Đó là vì con người luôn mong muốn làm mới các tác phẩm nghệ thuật, tất nhiên họ cũng luôn cố gắng giữ gìn truyền thống. Và, họ đang có những tìm tòi để áp dụng công nghệ vào nghệ thuật truyền thống, với tham vọng làm mới nghệ thuật truyền thống…”

Trước băn khoăn về việc ông có đang cố gắng thay đổi diện mạo của loại hình nghệ thuật rối hay không, đạo diễn Nguyễn Phi Tuấn cho biết: Đến giây phút này tôi chưa có ý nghĩ thay đổi nghệ thuật rối truyền thống. Riêng rối điện lại là một loại hình nghệ thuật hoàn toàn khác. Một loại hình nghệ thuật trong nghệ thuật rối cạn”.

Sau 4 lần… làm nhà hát, lần thứ 4 này, những tác phẩm rối điện nghệ thuật mới mẻ sẽ được đưa vào chương trình khi nhà hát Múa rối Cố đô Huế đi vào hoạt động trong năm 2022. Những người nghệ sĩ và người hâm mộ nghệ thuật rối cố đô Huế và trên cả nước hoàn toàn có thể tin tưởng, hy vọng về những sáng tạo không ngừng và hiệu quả nghệ thuật của loại hình mới này.

Nguồn Văn nghệ số 1+2/2022


Có thể bạn quan tâm