April 27, 2024, 12:01 pm

Ra mắt tuyển tập thơ, họa của Quang Dũng

Sách "Nhà thơ Quang Dũng - người mang trong trắng đi tìm thanh cao" tuyển chọn những bài thơ, bức tranh nổi bật của thi sĩ, do hai tác giả Phương Thảo (con gái của Quang Dũng) và họa sĩ Tô Chiêm biên soạn.

 "Nhà thơ Quang Dũng - người mang trong trắng đi tìm thanh cao", gồm ba phần chính: 30 bài thơ, 29 bức tranh - là tác phẩm của Quang Dũng, và một số bài giới thiệu, phê bình. Thơ và tranh được sắp xếp theo trình tự thời gian, giúp độc giả dõi theo hành trình song hành giữa nghệ thuật và trải nghiệm sống của cố nhà thơ. Dưới mỗi tác phẩm, Quang Dũng thường để lại địa điểm và thời gian sáng tác. Đó là những nơi ông từng đi qua, những con người ông có cơ duyên gặp gỡ, giống một dạng nhật ký.

Nhà thơ Quang Dũng (1921 - 1988) tên thật là Bùi Đình Diệm, quê gốc ở làng Phượng Trì, xã Đan Phượng, huyện Hoài Đức (nay thuộc Hà Nội). Ông nổi tiếng qua thi phẩm Tây Tiến được dạy trong chương trình Trung học Phổ thông với những vần thơ bi tráng: "Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc/ Quân xanh màu lá dữ oai hùm/ Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/ Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm...".

Với cuộc đời cống hiến cho công cuộc kháng chiến và nghệ thuật, ông từng nhận Huân chương Chiến thắng hạng ba, Huân chương Kháng chiến hạng nhất và Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.
.

Theo đó, toàn bộ bản in trong sách dựa theo bút tích chép tay của ông trong các cuốn sổ, thư từ, tư liệu... được gia đình và bạn bè ông gìn giữ. Sinh thời, ông thường tặng các sáng tác cho bạn bè trong các dịp chứ không giữ lại. Nhà thơ sung sướng khi san sẻ đứa con tinh thần cùng bằng hữu. Nhiều bài thơ được thi sĩ vẽ minh họa bằng bút chì ngay bên cạnh. Họa sĩ Tô Chiêm nhận định: "Ông thích tự làm bìa, minh họa cho thơ và bút ký của mình. Dường như người nghệ sĩ tài hoa ấy mong muốn những đứa con tinh thần có được sự hài hòa tuyệt đối".

Về phần tranh, tranh của nhà thơ Quang Dũng chủ yếu là phong cảnh. Những bức vẽ Nhớ Tây Tiến, Đường lên Tây Bắc, Làng ven đê sông Đáy, Mây đầu ô, Dốc Yên Phụ, Vườn đào Nhật Tân, Ba Vì... lưu giữ lại cảnh đẹp sông nước, cỏ cây. Tranh của ông thường được tô điểm bằng nhiều màu sắc nhưng ít chi tiết, con người xuất hiện không rõ khuôn mặt... mang lại cảm giác trầm buồn, xao xuyến và mơ hồ. Thơ Quang Dũng "thi trung hữu họa", tranh của ông cũng phảng phất chất thơ.

Trước đó, Hồi ký của cố thi sĩ Quang Dũng về thời gian ông tham gia đoàn binh Tây Tiến được in thành sách sau gần 70 năm. Sách nói về những ngày đầu thành lập Đoàn Võ trang Tuyên truyền biên khu Lào - Việt (tiền thân của binh đoàn Tây Tiến), với hạt nhân là một số chiến sĩ của Trung đoàn Thủ đô. Nội dung xoay quanh những nhiệm vụ Đoàn được giao như: đi tới các bản, chòm, mường để tuyên truyền chính sách đoàn kết của Chính phủ, ý chí kháng chiến của dân tộc và tinh thần của quân đội Việt Nam.

Ấn phẩm cũng nhắc đến đoàn Nhạc binh nổi tiếng của nhạc trưởng Đinh Ngọc Liên tại mặt trận này. Sách còn đề cập mối quan hệ gắn bó giữa bộ đội Việt và Lào, qua một trung đội Pa thét Lào được cử tham gia binh đoàn.

Hồi ký từng được trích dẫn một chương trong cuốn Tuyển tập Văn thơ Quang Dũng. Tập bản thảo do gia đình nhà thơ lưu giữ.

Hồng Phúc


Có thể bạn quan tâm