April 27, 2024, 2:32 am

Quyết sách từ nghị trường: khơi thông “điểm nghẽn”

Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khóa XV diễn ra ngay sau khi Hội nghị lần thứ Sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII thành công, tiếp tục thu hút sự quan tâm cũng như kỳ vọng của cử tri và người dân cả nước về những quyết sách mới sẽ được đưa ra tại  nghị trường. Đó là những quyết sách không chỉ tạo ra sự đột phá cho nền kinh tế mà còn có tác động lâu dài tới  đời sống dân sinh. Quốc hội đã bàn nhiều quyết sách về kinh tế - xã hội, xem đây như một yếu tố nền tảng để tạo tăng trưởng cho năm 2023 và những năm tiếp sau. Thông qua những yêu cầu thúc đẩy thực hiện hiệu quả chương trình phục hồi kinh tế, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân, nông thôn, kiểm soát lạm phát, tiếp tục mở cửa nền kinh tế…

 

Đối diện với khó khăn nội tại

Quang cảnh phiên khai mạc kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV. 

Đầu tư công là vấn đề nóng được đại biểu, cử tri cả nước quan tâm ngay từ những ngày đầu tiên của kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khóa XV. Bởi nói gì thì nói, đây chính là “Hàn thử biểu” của nền kinh tế. Nhất là trong nhiều năm trở lại đây (không tính hai năm dịch Covid 19 hoành hành) tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công luôn ở mức thấp, không chỉ gây lãng phí về nguồn lực kinh tế mà còn cho thấy khả năng quản lý, điều hành nguồn vốn từ trung ương đến địa phương đang bộc lộ nhiều bất cập. Chính vì vậy, để tăng tốc giải ngân đầu tư công vào các công trình trọng điểm quốc gia, nhiều giải pháp mang tính đột phá ra đời với những cơ chế riêng chưa có lệ. Đó là sự đổi mới tư duy và phương pháp lập kế hoạch từ ngắn hạn hàng năm sang kế hoạch trung hạn 5 năm, chuyển từ quản lý, điều hành bằng văn bản dưới luật sang quản lý bằng Luật Đầu tư công, thay đổi từ cơ chế theo dõi tiền kiểm sang hậu kiểm… Nhờ vậy, thời gian qua, đã khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún, phê duyệt dự án không gắn với khả năng cân đối vốn, phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản. Riêng trong năm 2022, chỉ tính đến hết tháng 9 năm 2022, để thúc đẩy giải ngân đầu tư công, Chính phủ đã ban hành 12 Nghị quyết (trong đó có 3 Nghị quyết chuyên đề, 4 công điện, 7 văn bản để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công). Chưa dừng lại ở việc ra Nghị quyết, Công điện và Văn bản, Chính phủ còn tổ chức 3 Hội nghị trực tuyến với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương. Đồng thời thành lập 6 tổ công tác do 4 Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính làm tổ trưởng để kiểm tra, đôn đốc công tác giải ngân. Việc giao trách nhiệm cá nhân với những đầu việc cụ thể đã giúp cho tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đạt được những kết quả nhất định và có xu hướng tăng cao hơn các tháng cùng kỳ và các năm trước đó. Song, xét trên bình diện chung, vẫn còn nhiều địa phương, bộ ngành vẫn không hoàn thành tiến độ giải ngân, thậm chí có đơn gửi Thủ tướng xin hoàn lại. Báo cáo của tổ công tác của Thủ tướng cho thấy, tính đến hết quý 3, tỷ lệ giải ngân của cả nước vẫn đạt ở mức thấp (dưới 50%). Có nhiều nguyên nhân đã được đoàn công tác chỉ ra, trong đó có trình độ quản lý, cơ chế triển khai có độ vênh giữa các thời điểm, địa phương... đã kéo lùi tiến độ giải ngân. Và đây chính là nút thắt khiến cho dòng tiền đầu tư dù được xem là rất dồi dào, nhưng các địa phương – nơi có các dự án trọng điểm vẫn không thể triển khai, thậm chí giẫm chân tại chỗ.

Trước sự quan tâm của đại biểu, cử tri, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra 6 giải pháp trọng tâm nhằm phát huy hiệu quả đầu tư, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh những yêu cầu cụ thể cho các bộ ngành, người đứng đầu địa phương về những việc cần làm ngay nhằm thúc đẩy dòng tiền đầu tư đúng và trúng, Thủ tướng cũng có những chỉ đạo cụ thể mang tính phòng ngừa, răn đe thậm chí là cương quyết xử lý lợi ích nhóm, tiêu cực trong đầu tư công. Những lát cắt của nền kinh tế nhờ đó đã được ghép lại thành những mảng màu tươi sáng.

Thay đổi chính sách khi không còn phù hợp

Kinh tế tăng trưởng với tốc độ nhanh và liên tục có những ngành nghề xác lập kỷ lục xuất siêu đã phần nào cho thấy những quyết sách trong điều hành nền kinh tế của Chính phủ đã và đang đi đúng hướng. Tuy nhiên, ở góc độ vi mô, không ít ngành nghề, lĩnh vực đang bộc lộ bất ổn. Đó là tỷ lệ công chức, việc chức nghỉ việc đang gia tăng, báo động ở lĩnh vực Y tế, giáo dục. Theo Bộ Trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thanh Trà có nhiều nguyên nhân, trong đó áp lực công việc, thu nhập thấp không đủ trang trải cho cuộc sống  là nguyên nhân chính dẫn đến việc nhiều người phải nghỉ việc dù rất yêu nghề. Không bàn đến con số cụ thể viên chức, công chức nghỉ việc là bao nhiêu, mà chỉ nhìn vào những gì họ được thụ hưởng sau khi đã “lao động” (PV) thực sự mới hiểu hết họ mong chờ và kỳ vọng những gì vào mức lương thụ hưởng của mình.

Bàn về mức lương tăng trên 1 hệ số (từ 1triệu 490 ngàn đồng/ tháng lên 1,8 triệu đồng/ tháng) từ 1/1/2023 hay từ 1/7/2023, nhiều đại biểu Quốc hội đã cho rằng, tỷ lệ lạm phát có thể sẽ tăng cao vào cuối năm và đây sẽ là gánh nặng cho người lao động. Việc tăng lương sớm sẽ giúp người lao động có được cái Tết trọn vẹn hơn, tâm trạng tích cực hơn để bước vào năm lao động mới. Tuy nhiên, cũng lại có ý kiến cho rằng tăng lương sẽ tăng thêm gánh nặng cho ngân sách quốc gia nói chung, từng doanh nghiệp nói riêng. Và thời điểm nào thích hợp để tăng lương rất cần Quốc hội quyết sớm….

Bên cạnh giải pháp tăng lương cho người lao động nói chung để họ sống được bằng lương hoặc đủ để trang trải được những nhu cầu tối thiểu của cuộc sống, nhiều chính sách hỗ trợ người lao động cũng ra đời. Có thể kể đến Nghị quyết 68/NQ – CP, hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, rồi quyết định giảm trừ các loại thuế, phí… Mỗi thời điểm, chính sách đều được linh hoạt do lấy người lao động làm trung tâm, đã tạo được hiệu ứng xã hội hết sức tích cực. Tuy nhiên, đây đó, trong một chừng mực cụ thể, độ trễ của chính sách, đối tượng thụ hưởng vẫn còn độ vênh và đây chính là nguyên nhân dẫn đến quyết định từ bỏ công việc của không ít công chức, việc chức. Tại nghị trường Quốc hội, nhiều đại biểu đã quan tâm đến việc xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, công nhân lao động, nhất là tại các khu kinh tế, khu công nghiệp và các thành phố lớn đã được đặt ra trước thực trạng  hàng loạt các khu công nghiệp, chế xuất không có trường học, nhà ở cho công nhân và con em họ. Để gỡ khó cho lao động tại các khu công nghiệp, chế xuất, Nghị định 105/2020/NĐ-CP quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non, trong đó quy định mức phụ cấp chỉ giành cho giáo viên đứng lớp khi lớp đó phải có tối thiểu 30% học sinh là con em của công nhân lao động. Nhiều giáo viên mầm non đã bộc bạch lộ sự thất vọng vì cho rằng không phải ai cũng may mắn chủ nhiệm lớp có số lượng con công nhân đông, vì trường nằm trong khu dân cư, khu công nghiệp thì vẫn có con em địa phương theo học…

Không có phụ cấp dẫn đến khó khăn, chán nản không toàn tâm toàn ý với công việc và dễ nảy sinh tiêu cực là điều ai cũng lo ngại ở bất kỳ lĩnh vực ngành nào trong nền kinh tế hiện nay, khi chính sách và thực tiễn đã không còn phù hợp.Và để thay đổi, thì những ý kiến của đại biểu Quốc hội được đề cập tại nghị trường sẽ là những minh chứng sôi động nhất, mang hơi thở cuộc sống nhất gửi đến Quốc hội, giúp Quốc hội nhìn thấu đáo mọi mặt của đời sống, xã hội, từ đó có những quyết sách tháo gỡ khó khăn cho các lĩnh vực ngành, nghề của nền kinh tế nói riêng, người lao động nói chung.

Chúng ta đã vượt qua và tiếp tục chống chọi với đại dịch Covid-19, nền kinh tế và cuộc sống người dân đã dần đi vào ổn định dù vẫn còn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, nhưng tin rằng những quyết sách từ nghị trường sẽ dẫn gỡ bỏ những điểm nghẽn để sức khỏe nền kinh tế nói chung, cuộc sống của người lao động nói riêng được phát triển toàn diện và lành mạnh.

Nguồn Văn nghệ số 45/2022


Có thể bạn quan tâm